Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện nhỏ…không như con thỏ(28): CHỈ THẰNG DÂN ĐEN LÀ KHỐN NẠN THÔI!

Tô Hoàng
Thứ hai ngày 5 tháng 9 năm 2011 5:23 AM
 
Một chuyện vừa nghe từ đài..Chuyện rằng, mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đi tới kết luận: Những khu kinh tế tàm trung và nhỏ mọc lên lâu nay, đã đủ thời gian chứng tỏ rằng không có hiệu quả xét về nhiều phương diện; không giúp gì vào việc nâng cao sức mạnh nền kinh tế của đất nước; vào việc sản xuất hàng hóa của nước ta cạnh tranh với các nước khác…Rằng, phải lập những khu “ đại kinh tế”, những tổ hợp sản xuất liên hoàn, tập trung, tạo ra “ những quả đấm thép” mới mong đẩy nền kinh tế đi lên…
Thằng “ Tôi “ dốt nát, mờ mịt về chuyện này, nghe vậy chỉ biết giật mình, dáo dác hỏi vợ nhìn con: Như vậy nghiã là sẽ phải đập phá, san ủi, cào bằng đi hết để NÀM NẠI ( bắt chước những vị Giáo sư, Tiến sỹ; Chuyên viên kinh tế vẫn còn nói ngọng, ngay cả khi xuất hiện trên ti-vi ) sao đây? Ván cờ đang chơi bỗng vỗ chiếu,xóa sạch các thế cờ đang có để bày ván khác ư ? Có nghĩa là bao vốn liếng vay nợ nước ngoài hoặc bòn vét từ thuế khóa của người dân sẽ không cánh mà bay sao? Bao nhiêu người được đào tạo nghề này, nghề khác, nay lại phải chờ đợt để tham dự đợt tuyển chọn mới?. Ruộng đồng tươi tốt ven đô ven thị bị san ủi để nhường đất mở đường, lập khu chế xuất –tưởng đã vào nề nếp, vuông tròn, nay sẽ san ủi, cào bằng lần nữa, phải không đây? Và những bà má, những người dì khóc hết nước mắt vì chồng con hy sinh trong hai cuộc chiến tranh; những người vợ liệt sỹ bao nhiêu năm nay cầm cả sấp hồ sơ kêu oan lên Huyện, lên Tỉnh; cầm cả biểu ngữ, băng rôn màu đỏ quốc kỳ  tìm đến cửa các cơ quan Trung ương kêu oan vì bị vì bị mất ruộng, mất vườn trong những dự án quy hoạch ..tiếng kêu còn treo lơ lửng giữa trời cao, sẽ ra sao khi biết tin những nhà máy, những xí nghiệp, đường xá, cầu cống hiển hiện trên khu đất ruộng, đất vườn bị tiếm đoạt của họ nay cũng chỉ là “ những trò chơi” không thiết thực, không mang lại hiệu quả kinh tế? 
Thằng “ Tôi “ này còn nhớ như in trong đầu một câu chuyện cũ. Đâu đó, vào hai năm 1977, 1978 hai huyện Nam Ninh ( Nam Định ) và Quỳnh Lưu ( Nghệ an ) được chọn lựa làm hai điểm thí nghiệm xây dựng các khu kinh tế nông nghiệp tập trung, hiện đại trên Miền Bắc. Xưởng Phim Quân đội của chúng tôi được giao làm một bộ  phim phóng sự dày dặn về huyện Nam Ninh cơ giới hóa. Tôi được đưa xuống huyện khảo sát trước với tư cách là tác giả kịch bản. Tại sao lại là Xưởng Phim Quân đội? Số là, vào thời điểm ấy đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Người ta bỗng có niềm sùng bái rằng, các vị tướng tá vừa đánh thắng giặc, bước qua thời kỳ hòa bình họ có thể làm được mọi chuyện. Nếu tôi nhớ không nhầm thì “vị Thống soái “ của công việc cơ giới hóa, hiện đại hóa huyện lúa Nam Ninh ( Nam Định ) chính là ông Thượng Tá, Tỉnh đội trưởng tỉnh này.
Về Nam Ninh đâu đâu cũng thấy câu khẩu hiệu phấn đấu mỗi hộ nông dân sẽ có tủ lạnh, tivi. Để đưa máy kéo, máy cày, trạm bơm, điện lưới về đồng ruộng, người ta ra lệnh phá bỏ hết bờ vùng, bờ thửa; san lấp hết mương máng dọc ngang của thời kỳ hợp tác hóa. Và cũng để mở đường cho máy kéo, máy bánh lồng thỏa sức chạy băng băng mà không phải “ cua” vặt, người ta cũng ra lệnh di chuyển các thôn xóm, đình miếu, gò mả nghĩa trang..Cờ giong, trống mở, đài loa eo éo suốt ngày. Chưa thấy hạt lúa “cơ giới hóa” lọt vào bồ; giọt điện “ cơ giới hóa” chẩy về làng, khách khứa tham quan, học tập;  phóng viên báo đài  đã đông nượp, kìn kịt ngày này qua ngày khác kéo về Nam Ninh, đến mức ở thị trấn Cổ Lễ Ủy ban nhân dân huyện đã tức tốc cho xây một khách sạn cao tới 5,6 tầng..Nhộn nhạo, đảo lộn, lưu tán, khóc cười một thời..
Chuyện cũ kể ra còn lòng thòng lắm. Ký ức đâu đã phai mờ. Hãy quay về chuyện làm phim của chúng tôi. Sáu cuốn phim nhựa 35 ly- đâu có phải trò đùa! Công sức bỏ ra nửa năm trời ròng rã cho tiền kỳ, hậu kỳ. Nói đến khâu kiểm duyệt nghĩ lại vẫn thấy sởn gai gà. Ban Giám Đốc của Xưởng duyệt đã đành. Xe con đôn đáo ngược xuôi mời đại diện của Ban Nông Nghiệp Trung ương, của huyện Nam Ninh, của tỉnh Nam Định duyệt. Cục Tuyên huấn Quân Đội, rồi Tổng Cục chính trị duyệt. Ban Tuyên Huấn, rồi tới Ban Bí thư TƯ duyệt. Đùa sao phim về một mô hình thí điểm phạm vi toàn quốc! Cắt đoạn này, quay bổ xung đoạn kia. Viết lại thuyết minh trường đoạn này; thay đổi trật tự câu cú ở trường đoạn nọ. Mọi chuyện đã êm ro, chỉ chờ lệnh xuất xưởng. Chờ mãi, chờ mãi bộ phim vẫn không được đóng dấu phát hành. Hỏi duyên do, thì thầm bên tai nhau: mô hình cơ giới hoá Nam Ninh “thối” rồi! “Các cụ” không cho phép chiếu nữa!
Mười lăm, rồi hai mươi năm sau, mỗi lần có dịp đi qua huyện Nam Ninh, lại nhận ra những mảnh ruộng kích cỡ nhỏ, to khác nhau, mỏng manh thân lúa phất phơ. Rồi những dòng mương ngang dọc; những lưng trâu láng đen ì ạch kéo cày và bóng dáng của chị của em giữa trưa hè nắng gắt hay chiều đông giá rét vẫn cặm cụi, lam làm còng lưng cắm cây mạ xuống đồng..Vẫn gần gụi, thân thương trong lam lũ, đói nghèo! 
Và cũng từ ngày đó mỗi lần có dịp gặp nhau, anh em Đoàn làm phim chúng tôi hay nhắc tới lời nói của bà con nông dân Nam Ninh thời cơ giới hóa: “Thí điểm với đúc rút! Thắng lợi chả thấy đâu, chỉ thấy tai họa ụp xuống đầu thằng dân đen!”.
Bước qua thời buổi Kinh tế Thị trường, hình như người ta không ưa đẻ ra những thứ Thí điểm, Mô hình kiểu Quỳnh Lưu, Nam Ninh ngày xưa. Tìm được miếng mồi ngon là “đớp” liền. Là cất lên bài ca Phăm Phăm..Phăm phăm, Hối hả..Hối hả ngay! Nhưng khi những dự án, những khai mở kia tỏ ra không có hiệu quả kinh tế hoặc đứng trên miệng vực phá sản, đến lúc ấy người ta bỗng dán cho công trình nọ, khu kinh tế kia cái tem “mô hình”, “ thí điểm”. Ranh mãnh, khôn ngoan đến thế là cùng!Bởi đã là Thí điểm, mô hình thì chuyện “ thua” “được” là bình thường; chuyện “ thất thoát”,” không thu hồi được đồng vốn” là đương nhiên! Và cần tìm nguồn vốn để đẻ ra dự án khác càng là chuyện đương nhiên nữa!
Có điều này, đem ra đây xin ý kiến của cô bác bà con..Xưa kia. những “Thái quai” Nam Ninh cơ giới hóa nông nghiệp; Quỳnh Lưu-sức mạnh kinh tế, chính trị, xã hội tổng hợp- nếu xét đến công tội tác giả của chúng, thì cũng là do cái đầu nóng, sự dốt nát, niềm tự tin khăng khăng rằng đã đánh thắng Mỹ thì đến lấp biển cả, vá trời xanh cũng làm được tuốt..Tuyệt nhiên họ không có tội bòn rút, hà lạm tiền của Nhà nước bỏ vào túi riêng; không đang tâm “ sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi”; đẩy dân nghèo vào bước đường cùng để bản thân có ô tô, nhà lầu; vợ đẹp con khôn. Thời buổi ấy không ai biết cách làm giàu; mọi người vẫn cầu mong cái giàu chung của xã hội tạo nên sự sung túc của từng gia đình. Mộng mơ, đần độn, ảo tưởng cũng đành chịu, nhưng mãi mãi vẫn còn là những ký ức đẹp.
Bây giờ thì khác xa, khác hẳn rồi! Một dự án, thậm chí một cung đường được khai mở, một cây cầu được bắc qua sông…phần hưởng lợi 10% là chuyện..thường ngày ở huyện. Nhưng dự án kia mở ra, con đường này vào quy hoạch, cây cầu nọ được thiết kế…là kéo phía sau một loạt những hứa hẹn béo bở hàng trăm, hàng ngàn tỷ về đât đai giải tỏa, về các thị tứ sẽ mọc lên, về những bến sông, bến tầu mới sẽ cho đấu thầu…Chỉ cần thắng một “ quả thầu”, từ “ thằng”; từ “ con” bỗng lên “ông” lên “ bà”. Từ kẻ lêu lổng, vô công dồi nghề, bỗng có uy quyền, có kẻ sai phái; có chị sen, anh bồi…Từ đứa ngô ngọng, “cắn hạt cơm không vỡ”, sẽ có dấu má trong  tay, có giọng hậm họe, đe nẹt; nhiều khi có cả sức mạnh của pháp luật, nhà tù lấp ló sau lưng…
Bởi thế các dự án, các công trình thi nhau bung nở như hoa mùa xuân. Sai, đổ vỡ, phá sản thì tiền cũng đã lọt vào túi anh, túi ả rồi. Phá sản hoặc đổ vỡ thì gọi là Thí điểm, Mô hình; có bắt tay làm mới rút kinh nghiệm được cơ mà!. Có bị quy kết, nhiều lắm cũng là “ do năng lực lãnh đạo, giám sát kém”, “ do nguyên nhân chủ quan này, khách quan nọ “ và chịu “xử phạt hành chính”, “ kỷ luật nội bộ” !
Bà con, cô bác ơi!  Hãy quệt dấu hắc ín lên xà nhà, chém nhát dao vào gốc mít, gốc nhãn trước ngõ mỗi khi trong huyện, trong tỉnh cắt băng khánh thành một dự án, một công trình mới! Để tính xem một đời ta, một đời con, đời cháu ta đã và sẽ còn trải qua bao nhiêu lần thí điểm, thế nghiệm?
Ồ, mà đúng rồi! Một dự án sắp mở, một công trình sắp cắt băng khánh thành thì trước đó nhà đã bị dỡ bỏ, ruộng vườn đã bị cày ủi theo lệnh cưỡng chế, còn đâu xà nhà mà quệt hắc ín; gốc mít, gốc nhãn mà khắc dấu?