Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỰ SỬ NGUYỄN DUY THI VÀ TỜ KHẢI DÂN LÀ GỐC

Phan Duy Kha
Thứ hai ngày 5 tháng 9 năm 2011 10:34 PM

1 - Ngự sử đài, cơ quan giám sát và phản biện

Trong cơ cấu quyền lực của các triều đại phong kiến xưa có một cơ quan đặc biệt gọi là Ngự sử đài. Ngự sử đài là cơ quan chuyên làm công việc giám sát ở triều đình, can gián nhà vua, đàn hặc các quan lại nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước . Ngự sử đài được đặt ra lần đầu tiên vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 (1250) dưới thời vua Trần Thái Tông. Phụ trách Ngự sử đài là các chức quan Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng, Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán. Sang đời Lê đặt thêm các chức Trung thừa, Phó trung thừa, Chủ bạ, Đô ngự sử, Phó đô ngự sử,  Thiêm đô ngự sử. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460- 1497) trở về sau giảm bớt các chức, chỉ còn lại Đô ngự sử, Phó đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử. Trong đó Đô ngự sử đứng đầu Ngự sử đài có hàm chánh tam phẩm, Phó đô ngự sử có hàm chánh tứ phẩm, và Thiêm đô ngự sử có hàm chánh ngũ phẩm ( theo Lê triều quan chế). Dưới ba chức này là các Giám sát ngự sử có hàm chánh cửu phẩm, đứng hàng cuối cùng trong bậc thang phẩm hàm . Ở các địa phương có các Giám sát ngự sử các đạo (như các tỉnh ngày nay) cũng có hàm cửu phẩm (theo Lê triều quan chế)
Những viên quan được chọn vào làm ở Ngự sử đài là những người cương trực, thẳng thắn, dám nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta biết rằng, việc vạch ra cái sai, cái xấu, cái cần phê phán của các quan lại đồng liêu rất dễ gây thù, chuốc oán, nhất là đối với các viên quan lại có địa vị cao hơn mình, rất dễ gánh lấy hậu quả của sự đè nén, trù dập. Vạch cái sai của các quan còn thế, vạch cái sai của các bậc vua chúa quyền uy tối thượng thì còn nguy hiểm hơn nhiều, chẳng khác gì vuốt râu hùm. Vì nói thẳng, nói thật mà bị cách chức bị đuổi về quê là chuyện không hiếm, bởi vì “ trung ngôn nghịch nhĩ”. Nhưng trách nhiệm của các vị quan  làm việc ở Ngự sử đài là phải nói, phải phản biện. Trước những lời nói, việc làm, những quyết định vi hiến ở triều đình, các quan làm việc ở Ngự sử đài không thể im lặng, cho qua. Bởi nếu như thế thì chính các quan Ngự sử sẽ bị đàn hặc lại, vì không hoàn thành nhiệm vụ (vì anh ăn lương chỉ để đàn hặc). Vì vậy, cái “ghế” của quan Ngự sử thật khó “ngồi”. Làm việc ở Ngự sử đài có trách nhiệm lớn như thế nhưng người đứng đầu cũng chỉ có hàm Tam phẩm, chưa bằng một vị Thượng thư lục bộ ( Thượng thư có hàm Tòng nhị phẩm- Theo Lê triều quan chế)

2 - Nguyễn Duy Thì và tờ khải Dân là gốc nước.

Nguyễn Duy Thì (1571- 1651) quê ở xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới (nay là thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Thời nhà Nguyễn vì kiêng húy Tự Đức nên các sử gia ghi tên ông là Nguyễn Duy Thời). Ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1598, năm đó ông mới 27 tuổi. Sau khi thi đỗ, ông được ban chức Hàn lâm viện hiệu lý, lo việc từ hàn, năm 1601 được thăng Hộ khoa cấp sự trung, tước tử. Năm 1606 được cử làm phó sứ đi tuế cống nhà Minh. Năm 1608, sau khi đi sứ về, ông được thăng Thiêm đô ngự sử, tước bá. Năm 1616, ông được thăng Phó Đô ngự sử.Vào năm 1612 khi viết tờ khải này, ông đang là Thiêm đô ngự sử, với hàm chánh ngũ phẩm, đứng thứ ba sau các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Để cho tờ khải có trọng lượng hơn, ông vận động cả các Giám sát ngự sử của 13 đạo cùng đứng tên ( lúc đó cả nước chia làm 13 đạo, đạo tương đương như tỉnh hiện nay)  .
Mở đầu tờ khải viết: “Dân là gốc nước, đạo trị nước là yêu quý dân mà thôi. Trời và dân theo một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời. Vì thế người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy dân khổ sở thì xót” (1). Ý này không mới. Trước Nguyễn Duy Thì nhiều người đã đề cập đến vấn đề này. Nội dung chính của tờ khải là nhắc đến tình trạng hiện thời: Chính sự hà khắc, bạo ngược, nạn tham nhũng hoành hành, cấp trên thì quan liêu, cấp dưới thì mặc sức vơ vét, một tình trạng đáng báo động thời bấy giờ. Tờ khải viết: “ Chỉ vì kẻ thừa hành chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chăm làm sự hà khắc bạo ngược, đua đòi xa xỉ. Coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu lạm, không việc gì không làm” (2). Kết cục của chính sự hà khắc bạo ngược đó là sự bần cùng hóa của người dân : “. . . khiến cho dân trong nước , con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi” (3). Phải nói rằng từ trước đến nay, chưa có một tờ khải nào lên án xã hội đương thời một cách gay gắt như thế. Phải mạnh dạn như thế nào, bức xúc như thế nào mới nói lên được những điều tâm huyết như thế, những sự thật chết người như thế. Phải đặt mình vào địa vị của Nguyễn Duy Thì, đang nằm trong guồng máy của triều đại đó, mới cảm phục sự thẳng thắn, cả gan, mạnh dạn của ông. Và ta càng hiểu rằng, việc ông liên kết với các Giám sát ngự sử 13 đạo để đứng tên trong tờ khải không phải là không cần thiết.
Phần cuối của tờ khải gắn những tai ương, lũ lụt mà ông trời giáng họa xuống nhân gian là có liên quan đến chính sự hà khắc hiện nay. Theo quan niệm của Nho giáo, “Thiên nhân tương cảm”, trời và người có mối giao cảm với nhau. Chính sự không tốt, người dân lầm than đói khổ, oán thán nhiều thì trời gieo tai họa để thức tỉnh người cầm quyền. Nếu người cầm quyền không thức tỉnh, không thay đổi đường lối chính sách thì sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn. Chính quan niệm này, trong chừng mực nào đó có mặt tích cực của nó. Bởi vì các vị vua chúa quyền cao tột bậc, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng hãy cẩn thận: Ở trên cao, ông Trời đang nhìn xuống đấy. Và, cái ác, cái xấu sẽ phải chùn tay! Tờ khải viết: “Vì thế cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai họa lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao?” (4). Đây là những lời trực tiếp nhắc nhở chúa (ở đây cụ thể là Trịnh Tùng) . Khuyên chúa “hãy nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi” của mình, há không phải là những lời quá thẳng thắng, bộc trực, quá mạnh dạn, gan góc đó sao? Nói đến như thế mà chúa không những không nổi giận mà còn lắng nghe , rồi thay đổi chính sự, như vậy không phải là một thành công lớn của tờ khải đó sao? Sử ghi rằng, năm sau, “Mùa đông tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của nhân gian, người phiêu dạt thì tha tạp dịch ba năm để về an cư phục nghiệp” (5) Việc làm đó của chúa chính là hành động cụ thể để trả lời tờ khải của Nguyễn Duy Thì.
Sau này trên con đường làm quan Nguyễn Duy Thì đã vươn lên đến tột đỉnh quyền lực, làm đến chức Tể tướng đầu triều.Nhưng từ khi còn là một chức quan nhỏ ở hàng ngũ phẩm, ông đã thể hiện là một vị quan thương dân, chính trực, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói thẳng, nói thật. Một đức tính quý báu của người làm quan mà hiếm người có được. 

     P D K

Chú thích: Các chú thích 1, 2, 3, 4, 5, đều trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 3, tr. 335, 336, 337 (Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003)