Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GỬI QUA “TRANNHUONG.COM” TÂN BỘ TRƯƠNG TÀI CHÍNH NÓI GÌ ?

Nguyễn Chính Viễn.
Thứ hai ngày 8 tháng 8 năm 2011 6:27 AM
 
Với chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước trước đây, nay ông đươc đề cử làm Bộ trưởng Tài chính ông đã giành thời gian nói với giới  báo chí về lĩnh vực tài chính quốc gia,  nên kinh tế nước nhà, khá sâu và cụ thể đặc biệt là chuyện giá cả, lỗ lãi . Mới chỉ được nghe mà đã cảm thấy thú vị, có những diều mới mẻ trong nhận thức suy nghĩ, xin ghi lại để cùng suy ngẫm.
Nhiệm vụ đầu tiên, là ông sẽ cho rà soát những phần việc đã làm trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.Rất hoan nghênh ông! Ông cho rằng điều hành và quản lý giá  theo cơ chế thị trường nhưng cơ chế thị trường ấy phải gắn liền với các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp. Đây cũng là một việc làm đúng của  ông! Ông sẽ quan tâm đến giá  các mặt hàng như điện, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, giá lương thực, giá lúa gạo, các nguyên liệu đầu vào, tính toán chi phí sản xuất và giá thành một cách hợp lý. Rất trúng và đúng của công tác quản lý!Với chức năng của mình ông sẽ yêu cầu ngành điện cung cấp số liệu điều chỉnh đánh giá lại doanh thu và chi phí . Theo tính toán đầu năm của EVN, lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên tới 47.000 tỷ đồng. Khi thanh tra kiểm toán, EVN đã có thông tin phản hồi, điều chỉnh mức lỗ lũy kế xuống còn 35.000 tỷ đồng. Lỗ giảm do dự toán sai về tỉ giá. EVN dự toán tỉ giá là 23.000 VND/USD trong khi thực tế hiện nay chỉ ở mức 20.600-20.700 VND/USD. Rõ ràng đầu vào không minh bạch thì kết quả sẽ dẫn đến sai lệch ! Ông đã khẳng định không thể có chuyện EVN lỗ nhiều hơn năm ngoái. EVN đương nhiên phải đưa ra một con số khác, thấp hơn. Hoan hô Ông! Với Petrolimex, dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty này. Ông đã cho rà soát kĩ, để thông tin cho Quốc hội và người dân biết. Việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có vấn đề. Khi kiểm toán chắc chắn sẽ động tới doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Với những kinh nghiệm có được trong thời gian tham gia lĩnh vực kiểm toán thì chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ có tính minh bạch hơn, mấu chốt là cần làm rõ tính minh bạch về lỗ lãi của doanh nghiệp như thế nào?Theo ông doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, thì biện pháp xử lý là giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc được tăng giá . Còn khi giá cơ sở hơn giá bán lẻ nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.Như vậy,  ở đây chỉ là con số chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức đã tính ở trong giá  mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này ra sẽ rất khó trong quản lý. Một khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, DN sẽ minh bạch hơn, chính quyền sẽ thấy trách nhiệm hơn.Ông cho biết nguồn thu ngân sách tới đây sẽ rất nhiều khó khăn hơn . Dư địa ngân sách từ đất đai càng ngày càng giảm đi; thu từ xuất khẩu, bán tài nguyên khoáng sản thô ngày càng cạn kiệt, đó là chưa nói đến việc phải nhập than!, ngoài than còn gì nữa? Việt Nam lại đạt ngưỡng thu nhập chỉ ở mức trung bình. Lượng vốn ODA chảy vào cũng sẽ giảm đi. Do vậy nguồn thu ngân sách trong thời gian tới sẽ có khó khăn.Vấn đề thứ hai, lớn hơn, quan trọng hơn là phải  tạo được nguồn thu từ sự phân bổ và sử dụng vốn ngân sách. Chính sách tài chính quốc gia luôn phải tính đến việc huy động hợp lý mọi nguồn lực của xã hội sao cho hiệu quả chứ không phải chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Nhất là để tạo ra 3 đột phá chiến lược mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập, chúng ta cần tới nguồn ngân sách khổng lồ, có thu được nhiều thì mới  thỏa mãn được yêu cầu chi tiêu, chi được nhiều hơn. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu phát triển, chúng ta phải lo tháo gỡ chính sách thật tốt.
Về tình hình trái phiếu Chính phủ, nợ công,  ông cũng cho biết đã ở mức cao, ngay từ bây giờ phải nghĩ đến việc sử dụng hiệu quả nhất việc chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách. Việc quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia, nợ công, nợ nước ngoài cũng là vấn đề quan trọng để đảm bảo giới hạn an toàn không để rơi vào tình trạng như một số nước châu Âu hiện nay.Bên cạnh đó, phải đổi mới hiệu quả mô hình doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa...
Qua nghe những điều ông tân Bô trưởng Tài chính nói, một khối lượng công việc thật khổng lồ phải làm. Những nhà quản lý và người dân đã thấy ngợp, có nhiều khó khăn đang bày ra trước mắt ông, ông đã phải dùng đến từ “phải” (phải thế này phải thế kia) nghe mà thấy sướng cái tai, nhưng cuộc sống cũng dạy “trăm nghe không bằng một thấy” người dân đang kỳ vọng những việc làm tận tâm, tận lực cụ thể của tân Bộ trưởng ...
Nguyễn Chính Viễn.