Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÚT KÍ LỊCH SỬ: CHUYỆN HỌC VÀ HÀNH

Nguyễn Xuân Hưng
Thứ hai ngày 8 tháng 8 năm 2011 10:52 AM
  TNc: Chuyện hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử là chuyện không nhỏ. Vậy mà một số người cho là bình thường. Lòng yêu nước đang vơi đi và sự vong quốc có một phàn từ sự ghẻ lạnh với lịch sử nước nhà. Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng gửi đến TNc bài viết này mong góp một tiếng nói mà ông cho rằng không thể im lặng...

1. Thảm hoạ kép về dạy và học sử.
        Hiện tượng hàng năm, qua kỳ thi tốt nghiệp và đại học, điểm môn lịch sử yếu kém thê thảm khiến cho dư luận xã hội hết sức bức xúc. Nhiều chuyên gia đã trình bày ý kiến lý giải, trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cho rằng việc có hàng ngàn bài thi điểm 0 về lịch sử, không phải là thảm hoạ. Ông Dương Trung Quốc thì nói rằng, nếu ra trường, học sinh học sử được trả 3.000 đô la thì nhiều người giỏi sẽ học sử. Cả hai ông và một số chuyên gia khác đều cho rằng, phải đổi mới phương pháp dạy sử, đổi mới cách ra đề thi… vân vân.  Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình hình học sinh không muốn học lịch sử, hay học sử phổ thông yếu kém, là do cách dạy sử. Cách dạy sử này do hai yếu tố rất quan trọng là kiến thức của người thày và giáo trình lịch sử. Hai thực ra là một, đó phải chỉ thẳng ra rằng, khoa học lịch sử ở nước ta đang bế tắc.
       Không thể nói, thày giỏi mà trò lại cứ dốt, thày hay mà trò cứ chán học. Người thày cũng là kết quả của một nền giáo dục, là sản phẩm của ngành sư phạm. Trên đỉnh cao của nấc thang đào tạo, những người thày đáng kính của chúng ta vẫn xứng đáng được tôn vinh, nhưng tại sao sản phẩm của họ ra hành nghề (các thày giáo dạy sử), lại bất lực trước học sinh như nhiều năm trở lại đây (học sinh dốt sử)? Người thày của những người thày (giáo sư sử học) là một nhóm đức cao vọng trọng làm ra bộ giáo trình. Nhưng tại sao bộ giáo trình ấy lại khiến cả người dạy và người học ở trường phổ thông chán ngán như thế? Mọi câu hỏi đều dồn đến một câu trả lời: Đó là khoa học lịch sử đang có vấn đề.
    Một nguyên nhân đầu tiên, có thể để bào chữa cho người dạy sử: Môn sử có mối liên hệ hữu cơ với cả các ngành khoa học xã hội. Mà khoa học xã hội nước ta một vài chục năm gần đây dường như không có mấy thành tựu để tự hào, thế thì khoa học lịch sử đang khủng hoảng cũng không phải là oan lắm.
   Nếu quy tội cho cả giới nghiên cứu lịch sử  thì cũng không công bằng, nhưng một bộ phận giới chuyên môn dạy và nghiên cứu lịch sử phải có nghĩa vụ đóng góp vào việc vạch ra tư tưởng chủ đạo cho việc dạy và học lịch sử ở các cấp trường. Nếu khu biệt nhóm chuyên gia trực tiếp liên quan đến việc biên soạn giáo trình lịch sử, thì không oan khi bị xã hội kết tội.  Một người tốt nghiệp phổ thông, sau 12 năm đèn sách để vào đời, có một điểm 0 tròn trĩnh về môn lịch sử, thì con người ấy phải xem lại nhân cách. Có nhiều học trò như vậy, qua nhiều năm như vậy, thì nền giáo dục ấy phải xứng đáng bị báo động. Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói rằng, đó không phải là thảm hoạ, thì chính việc ngành giáo dục có một bộ trưởng như vậy cũng là một thảm hoạ. Như vậy, chúng ta đang đứng trước một thảm hoạ kép về việc dạy và học sử Việt. 
 
2. Sai lầm quan trọng nhất: Chính trị hoá môn lịch sử một cách vụng về.
   Luẩn quẩn của việc giáo dục lịch sử ở nước ta chính là, người ta không biết dạy cái gì cho người đi học. Cái gọi là lịch sử nước nhà qua các giáo trình phổ thông có phải chỉ là diễn tả các sự kiện, chính trị hoá môn lịch sử bằng cách nhìn tiến trình các triều đại theo quan điểm chính trị. Coi nhẹ lịch sử cổ và trung đại, coi nặng lịch sử cận đại và đồng hoá lịch sử đất nước như là lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam hoặc lịch sử quân đội. Trình bày tiến trình lịch sử, bỏ qua các góc khuất mà không có lý giải… Bởi vì lịch sử đất nước không phải chỉ có các trận đánh… Nó còn là lịch sử tư tưởng dân tộc, trong đó có giao thoa văn hoá, du nhập tôn giáo, xâm thực về dân cư…
    Một ví dụ: Thành tưụ của các vua Trần là chống giặc ngoại xâm, ba lần đánh tan quân Nguyên- Mông. Nhưng hầu hết học sinh chỉ biết điều đó, mà không biết thành tựu văn hoá của triều Trần quan trọng như thế nào đối với dân tộc. Hầu hết đều diễn tả việc vua Trần Nhân tông đi tu là đánh giặc xong thì trút bỏ quyền lực, đi vào chùa làm giáo chủ một Thiền phái. Nhưng các bài học lịch sử sơ sài không thể cho học trò hiểu rằng, phong tục tập quán của người dân Bắc bộ, ngày thường ăn thịt chó, mà ngày rằm, mồng một vẫn lên chùa, an cư lạc đạo, chính là di sản của tinh thần Trúc Lâm của vua Nhân tông. Việc làm của vua Nhân tông, không chỉ có tính tượng trưng, mà để lại cho dân tộc một di sản tư tưởng rất lớn, một biểu hiện của nó là tinh thần dân tộc quật cường, mà thời cận đại chúng ta vẫn thừa hưởng, khi ở miền Bắc, các sư tòng quân chống Pháp, chống Mỹ, sau đó vẫn về đi tu. Như vậy, lịch sử dân tộc đâu phải chỉ có ngày tháng và các trận đánh, nó còn là chính mạch nguồn truyền đến đời sống ngày nay. Tiếc thay, người dạy sử và giáo trình môn sử không dạy được như vậy cho học trò. Tôi cũng có một thời học trò, tôi quá hiểu sự mất mát mà các thày dạy sử đã tự làm nghèo đi di sản của cha ông.
    Toàn bộ giáo trình môn lịch sử khiến cho một học sinh sau bậc phổ thông không hiểu rõ chính lịch sử đất nước như thế nào, phải chăng do chính cách dạy sử mà ra. Một ví dụ: Khi trình bày về quá trình 1000 năm Bắc Thuộc, chúng ta không thể lý giải được một câu trong Cáo bình ngô khi Nguyễn Trãi hào sảng nói về nhà Triệu, và coi Triệu Đà là vua đất Việt, sánh với nhà Hán phương Bắc. Do sự công nhận nhà Triệu là tiếp nối quốc thống của nước Âu Lạc, mà vua Quang Trung đã lên tiếng đòi đất Lưỡng Quảng trở về. Do chi phối về quan hệ chính trị với nước láng giềng phương Bắc, mà chúng ta không những không giải thích được nhiều điều ngay trong sử sách, mà cũng né tránh, không giải thích cho học sinh hiểu rõ căn nguyên sự hình thành dân tộc, xây dựng quốc gia. Khi tôi đi công tác ở Quảng Châu, một người Trung Quốc có nói giữa bàn tiệc rất hãnh: “Trước kia nước Việt Nam thuộc Trung Quốc, thủ đô chính ở Phiên Ngung là Quảng Châu này”. Tôi rất nóng mặt, liền nói: “Triều đại Triệu Việt vương đúng là đóng đô ở Phiên Ngung, nay các anh có thể đến mộ Văn Vương ở Quảng Châu xem các di vật. Nhưng khi đó, Quảng Châu và Việt Nam là một quốc gia của người Việt, sánh với nhà Hán ở phương Bắc. Sau đó, chỉ có nước Việt Nam ngày nay tiếp nối văn hoá Việt mà thôi, còn Quảng Châu của anh thì bị nhà Hán nuốt chửng. Anh nói tiếng Quảng, người Bắc kinh gọi là Việt Ngữ, kịch của các anh, người Hán gọi là Việt kịch, như vậy…”. Tay kia chống chế: “Lịch sử cũng tù mù, thôi thì chúng ta đều Việt cả, can-pây, can-pây”. Nói trắng ra, chả lẽ tôi nói với tên kia là: chỉ có Việt Nam giữ được văn hoá Việt, còn chúng mày cũng là Việt, vốn là Việt mà bị đồng hoá rồi. Chúng tao phải đòi lại đất của chúng mày…
    Cũng như, khi học về cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng, sử Việt nói rất sơ sài về công cuộc khai khẩn, đánh dẹp, về lịch sử các quốc gia của mảnh đất Đàng Trong. Đó có thể là một chủ đề nhạy cảm về dân tộc, nhưng nếu né tránh nó, bỏ qua nó thì lại có hậu quả rất lớn. Do quan niệm kỳ thị nhà Nguyễn bán nước, mà bỏ qua công lao của các chúa Nguyễn. Phải qua 200 năm của các chúa Nguyễn, thì mới có 145 năm của các triều vua Nguyễn chứ.
    Cũng vậy, lịch sử cận đại, khi trình bày các sự kiện tiến tới cách mạng tháng Tám, hoặc ngay trong cách mạng tháng Tám, hầu hết học sinh đều lơ mơ về việc lập chính phủ Hoà hợp dân tộc năm 1946, không mấy ai biết lại có đội quân OSS của Mỹ (tiền thân của CIA) trong đội quân của Võ Nguyên Giáp, vân vân… Tóm lại, trình bày lịch sử dân tộc với quan điểm tuyên huấn, đồng nhất lịch sử cận đại với lịch sử Đảng… đã đem lại hậu quả nặng nề cho cả người dạy và người học. 
    Chính trị hoá lịch sử có lẽ là không tránh khỏi, làm cho nó phục vụ mục tiêu đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tự hào dân tộc, xây dựng đất nước, đó là mục tiêu mà mọi nhà nước đều hướng đến. Nhìn ngay vào Trung Quốc, môn lịch sử đã được tô vẽ để đạt đến mục tiêu xây dựng niềm tự hào Đại Hán. Còn chúng ta thì sao? Dạy sử để đến nỗi học sinh không muốn học sử, thì là chính trị hóa lịch sử quá vụng về, kết quả là không đạt mục tiêu mong muốn của nền giáo dục.  
 
3. Sai lầm có tính hệ thống: Tuyên truyền về lịch sử.
   Thực ra, không thể tách rời từng yếu tố trong xem xét nguyên nhân thất bại của việc dạy và học sử. Chính trị hoá môn sử, làm cho nó xa lạ với cuộc sống. Do việc chính trị hoá môn sử, né tránh các khúc khuất, mà làm cho các kiến thức lịch sử bị nghèo nàn, khô cứng, mất sức sống. Từ đó, đưa kiến thức lịch sử vào cuộc sống là khó khăn, hậu quả khôn lường. Thử hỏi, những thí sinh điểm 0 về sử kia, hoặc đa số học sinh chán ghét môn sử, mai sau có thể đi học tiếp, chiếm giữ các vị trí lãnh đạo Nhà nước, ngành hay viện nghiên cứu nào đó, hoặc vào ngành ngoại giao đi giao thiệp với nước ngoài… Ôi, hậu quả khôn lường. Thành tựu của một môn khoa học kỹ thuật biểu hiện ở sản phẩm cụ thể. Ô tô, máy bay, cầu đường, máy tính… vân vân.
    Còn thành tựu của môn khoa học xã hội như lịch sử thì khó có thể nhìn thấy sản phẩm cụ thể. “Sản phẩm” của nó chỉ có thể diễn tả qua các biểu hiện phi vật chất. Song, biểu hiện phi vật chất ấy lại rất quan trọng, có khi liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Tôi đã đi Trung Quốc nhiều lần, kết quả của việc sách giáo khoa Trung Quốc vẽ bản đồ Trung Quốc với phần lớn lãnh thổ của các nước Đông Nam Á, khiến cho người Trung Quốc tin rằng, sứ mệnh của Nhà nước Trung Quốc là làm cho đất nước Trung Quốc hùng mạnh, thu hồi đất đai của tổ tiên, là đúng đắn. Một người bán hàng ở Trung Quốc rất tầm thường, cũng nói vanh vách với tôi, các lợi ích cốt lõi 4 vấn đề lớn của Nhà nước Trung Hoa là: Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và biển Nam Trung Hoa, cho nên khi xảy ra tranh chấp với ta ở Biển Đông, lính Trung Quốc rất hung hãn. Đó là kết quả của giáo dục lịch sử. Họ cũng chính trị hoá môn lịch sử, nhưng lại có cách tuyên truyền lịch sử đi vào dân chúng, để có sự đồng thuận của xã hội về nhiều vấn đề lịch sử. Đó chính là sức mạnh đấy chứ.
    Nhìn lại Việt Nam, chúng ta tuyên truyền lịch sử rõ ràng là bị thất bại. Một yếu tố tiên quyết cũng chính là dạy sử phổ thông thất bại. Một biểu hiện rất dễ thấy, để tuyên truyền môn sử, đó là truyền thông, nghệ thuật, ví dụ làm phim và phát triển du lịch. Chúng ta không có phim lịch sử, bởi vì không phải ngành điện ảnh yếu kém, mà trước hết là cách hiểu về lịch sử, cách thực hành kiến thức lịch sử đang rất đơn điệu, nghèo nàn, và cũng bị chính trị hoá nốt. Trước khi bắt tay vào làm trường quay, may quần áo, sắm máy móc, thuê diễn viên, thì nhà sản xuất và đạo diễn phải xem xét kịch bản. Bắt đầu có vấn đề rồi. Thế nào là yếu tố Việt, thế nào là vay mượn, thế nào là vong bản? Có phải cứ to lớn, hoành tráng là Tàu, còn nhỏ bé mới là Việt? Chúng ta còn nhớ cuộc tranh luận nảy lửa về phim lịch sử nhân dịp tiến tới 1000 năm Thăng Long. Tôi cho rằng, những người đánh tới tấp những đoàn làm phim đi làm phim ở Trung Quốc, cũng vô tình tự chính trị hoá việc tranh luận về phương pháp làm phim (chưa bàn nội dung nhé), kết quả là ai cũng nản khi nói đến làm phim lịch sử. Và phim Tàu với lịch sử Tàu lại chiếm lĩnh đầu óc người dân nước ta. Tại sao ngày xưa cha ông ta ngoài mặt thì nói thần phục Trung Quốc, nhưng bản chất lại là độc lập, tự chủ.
    Nếu Nhà nước ta quyết tâm có phim lịch sử, thì ắt có phương pháp khuyến khích người làm phim lịch sử, có cách phân xử và phương pháp tốt nhất để làm phim. Bất luận thế nào, cho đến nay, chúng ta chưa có một bộ phim lịch sử nào cho ra hồn, chính là thất bại của phương pháp thực hành và tuyên truyền lịch sử. (Vấn đề này, tôi đã viết một số bài báo)
Còn về phát triển du lịch, cũng có nhiều điều đáng bàn. Chúng ta có di tích lịch sử dày đặc, nhưng ngành du lịch không khai thác đến. Tại Trung Quốc, một chỗ vua Càn Long uống trà cũng thành điểm du lịch với truyền thuyết rườm rà mê hoặc du khách. Tại sao chúng ta chỉ để ý đến di tích “địa chỉ đỏ”, một ngôi chùa nuôi giấu cán bộ cũng tôn tạo, còn chỗ vua Thánh tôn làm thơ khắc vào đá núi thì bỏ đấy, không ai biết đến? Tại động Kính chủ (Kinh Môn, Hải Dương), có bài thơ Phạm Sư Mạnh ca tụng thời Trùng Hưng, ca ngợi chiến thắng Bạch Đằng, khắc đúng nét chữ của ông, vì đó là làng nghề khắc đá truyền thống, nhưng tấm bia ấy bị vỡ một góc, người ta lấy xi măng trám vào, và cũng ít nguời biết.  Đó có thể là một áng văn chỉ xếp dưới bài Bạch Đằng giang phú về giá trị nghệ thuật và mức độ nổi tiếng, nhưng tinh thần tự tôn dân tộc thì không kém mà lại còn tồn tại ở hiện vật quý. Nhưng… lại nhưng…
    Có hàng ngàn chữ nhưng khi nói về du lịch. Tại Thái Lan, bỏ đi yếu tố sex, có lẽ người ta sẽ không đến Thái. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang ngồi trên mỏ vàng du lịch, mà chúng ta đang phí phạm.
   Để có công nghệ chế tạo ra các sản phẩm của kỹ thuật, chúng ta có thể nhập ngoại, nhưng để cho các kiến thức lịch sử trở thành “sản phẩm” hữu ích, thì chúng ta không thể nhập ngoại nguyên liệu và công nghệ, nhưng có thể quan sát và học tập phương pháp để tự làm. Khi nói đến cuộc chiến chống phim Trung Quốc, nhất là phim lịch sử, đương nhiên phải nói về vũ khí. Hai bên đánh nhau, phải chế tạo vũ khí. Có khi phải đánh cắp cách chế tạo vũ khí, cũng phải làm. Sao không nghiêm túc đặt câu hỏi: Tại sao người ta làm ra các phim lịch sử tuyên truyền lịch sử đi vào cuộc sống đến thế? Nếu cứ nhắm mắt mà làm những phim dở hơi thì khác nào khư khư giữ cái súng truờng mà đọ với tên lửa? Chết nối, tên lửa thật thì mua được, nhưng “tên lửa-phim” thì chỉ có cách học mà làm lấy, từ chỗ thuê từng phần có kiểm soát, đến chỗ tự làm mà thôi. Học kẻ thù là vong bản ư? Hỡi ơi, các cụ ta ngày xưa học là học Nho, thế mà không vong bản? Ông vua niềm tự hào dân tộc của Việt Nam là Trần Thái tông, đánh giặc và lập thuyết, chính là người thuộc đời thứ 5 của một dòng họ chạy từ Nam Trung Quốc xuống. Nếu không có hệ thống kiến thức rõ ràng về Bách Việt, thì không thể giải thích thoả đáng được, mà nếu giấu giếm, lờ đi thì yếu tố giáo dục lại không đạt. Ở đây, lại thấy yếu tố chính trị xen vào… Nếu không tỉnh táo, thì ăn vào bả phản tuyên truyền ngay lập tức…  
 
4. Sai lầm cơ bản: Trách nhiệm của những người làm sử.
   Ngoài cách tuyên truyền từ phim ảnh và du lịch, việc tuyên truyền qua các sản phẩm văn hoá, kinh tế cũng là một biện pháp khác. Và ở đây, không chỉ là mục đích tuyên truyền, mà yếu tố lịch sử tham gia vào sản phẩm như là một loại “nguyên liệu”. Tôi tạm gọi đó là cách “hành” của những người học sử. Đó cũng là một cách làm sử. Không chỉ vật lưu niệm hay bảo tàng, mà là toàn bộ hệ thống kiến trúc cũng gợi cho người ta một ý niệm về lịch sử. Người Pháp đã để lại cho Việt Nam một hệ thống công trình kiến trúc mang dấu ấn bản địa rất rõ ràng. Ngay như cây cầu Long Biên, Ép-phen cũng thiết kế trên cảm hứng hình dáng một con rồng phương Đông. Đó có thể là bài học về thực hành lịch sử. Tại sao thời hiện đại chúng ta chỉ có những công trình Tây đến độ Tây cũng chán?
    Một toà nhà cơ quan hành chính của thủ đô bên hồ Gươm, trong ý niệm của người ta, nhất định phải là một toà nhà mang ý niệm truyền thống, chứ không phải là một toà nhà nặng như nhà ngục kiểu Tây phương. Nguyễn An người Việt, thiết kế Thiên An môn, ra ngay toà nhà Trung Hoa cho người Hoa, tại sao thế?
    Một khía cạnh khác của việc thực hành lịch sử, đó là những nhà văn viết về lịch sử. Xét cho cùng, văn học nào cũng chính là văn học-sử. Viết về chiến tranh ư? Đó chính là lịch sử. Viết về đề tài gọi là “hiện đại” ư? Đó vẫn là viết về ngày hôm nay, nhưng thời gian vật chất của nó, chính là lịch sử. Ngay cả anh viết tiểu thuyết giả tưởng, cũng là tương lai do anh tưởng tượng nên ở thời điểm lịch sử nhất định. Nói không ngoa, các tác phẩm văn học hoặc là bị chính trị hoá, hoặc là không hiểu lịch sử. Chính trị hoá phần lớn là các tác phẩm viết về chiến tranh. Ngay cả viết về các triều đại, cũng trình bày con người trong đời sống khô cứng, đầy rẫy yếu tố chính trị, hành chính cung đình. Tại sai Alecxang Duma viết các tiểu tuyết của ông có sức sống? Tại sao Chiến tranh Hoà bình có sức sống? Tại sao Tam quốc diễn nghĩa ai cũng thuộc? Một yếu tố quan trọng làm nên thành công, đó là trong khung cảnh cung đình và các cuộc chiến, có con người đi đứng nói năng trong đời thường và đúng là con người của thời đại đó. Tiểu thuyết lịch sử của ta, hầu hết là tác giả thuyết lý cả.
    Một vài nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nhưng hầu như không hiểu tinh thần lịch sử. Trình bày việc Trần Thủ Độ trừng trị tôn thất nhà Lý bằng cách thiêu người. Đó có thể gọi là xuyên tạc lịch sử và không hiểu gì về Phật giáo. Tác phẩm này được Hội Nhà văn Hà Nội cho giải thưởng, và bị các Thiền sư phản đối kịch liệt. Tác phẩm đó không trực tiếp phỉ báng đạo Phật, nhưng không hiểu tinh thần Phật giáo và không hiểu văn hoá thời nhà Trần. Áp đặt hiểu biết về việc trừng trị kẻ tà giáo của Thiên chúa giáo Phương tây, mang vào miêu tả sự kiện của lịch sử Việt Nam thật là một sự bịa đặt. Điều này, các nhà phê bình của nền văn học nước ta chịu trách nhiệm trước hết. Họ không có đủ dũng khí và tâm trí để phán xử một tác phẩm chăng? Hay họ cũng dốt về sử và là sản phẩm của một nền giáo dục có nhiều điểm 0 về sử.
    Một thời, nhiều nhà văn tranh luận về chữ Hán và chữ Nôm. Rồi từ đó mới vỡ lẽ, nhiều nhà văn không hiểu âm Hán Việt chính là di sản của cha ông mình để lại để đọc chữ Hán. Di sản Hán Nôm không được đầu tư khuyến khích bảo quản và khai thác đến nơi đến chốn, cũng là một biểu hiện mất gốc cho chính cách học và thực hành lịch sử của ta. Còn có nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều sản phẩm cần đến sự “làm sử” nghiêm túc. Bởi vì, không chỉ anh “làm sử” chuyên nghiệp, mà cần anh làm sử chính trong lĩnh vực của mình. Nếu có quan điểm “làm sử” như vậy, thì đâu phải người làm sử chuyên nghiệp được trả 3.000 đô la mới là khuyến khích người ta làm sử. Nếu cái đồ án thiết kế toà nhà cơ quan làm việc của UBND Hà Nội bị đánh trượt ngay, mà thay vào đó một toà nhà có yếu tố văn hoá- lịch sử dân tộc, thì đó chính là khuyến khích người học và làm sử. Ngoài ra, đang còn quá nhiều ngành liên quan trực tiếp đến việc làm sử đấy: quản lý tôn tạo di tích, quảng cáo hình ảnh, thời trang, mỹ nghệ, truyền hình, điện ảnh…
    Vấn đề là triển khai cái nội hàm “làm sử” này đối với nền kinh tế- xã hội thế nào thôi. Trở lại vấn đề ban đầu chúng ta nói về việc dạy sử, thì trách nhiệm chính yếu, chính là trách nhiệm của những người làm sử chuyên nghiệp. Không trốn tránh được đâu. Các nhà nghiên cứu lịch sử ở đâu? Viện này viện nọ để làm gì? Tại sao bộ giáo trình lịch sử ra như thế? Khi mà một ngành khoa học không có người đầu ngành có đủ uy tín cần thiết, thì ngành khoa học đó không có một ông vua thật sự. Hồi đi học, tôi còn nhớ mãi câu chuyện về nhà khoa học vật lý Lan Đao, ông luôn tâm niệm và khuyên học trò phải trở thành một “ông vua”. Thực chất Liên Xô có những ông vua như Lan –đao, thì nhà nước Xô Viết mới có vũ khí nguyên tử. Chúng ta cần những ông vua trong các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, mà tiếc thay, hiện nay quá hiếm.
    Hồi bắt tay vào làm bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, một Tiến sĩ lịch sử cứ đến nhà sản xuất khăng khăng cãi rằng, các anh làm phim tài liệu. Điều hài hước là, những người làm phim phải giải thích cho ông ta, chúng tôi làm phim truyện. Mãi rồi ông ta cũng nghe ra, nhưng sau đó thì đi kiện nhà văn viết kịch bản lấy một hai chi tiết trong quyển sách biên soạn của ông ta về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931. Có người nói: Tiến sĩ sử học mà như vậy, thì liệu có hy vọng gì ở những nhà làm sử?
    Tôi thì tin rằng, vẫn có và tất nhiên sẽ có những người học sử, làm sử chân chính, công tâm đang sống và làm việc, chỉ có điều do điều kiện nào đó mà chưa thi thố được, chưa được mời hoặc chưa tìm được dịp thực hành kiến thức của mình. Có thể họ cũng biết giáo trình lịch sử có vấn đề, nhưng chưa nói ra, chưa thực hành được điều mình tâm niệm. Khổng tử có câu nổi danh “Học nhi thời thuật chi, bất diệc lạc hồ?”. Học mà thực hành sở học của mình, chẳng phải vui lắm sao? Tôi vẫn tin (tuy mong manh) vào những người làm sử. Bởi vì nếu không làm được thế, thì chả phải đất nước ta mãi gặp thảm hoạ hay sao?