Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẾN VỚI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ CÀ MAU – ĐẾN VỚI BẠN TÔI, LIỆT SĨ LÊ NGỌC VINH.

Đào Phương Liên
Thứ năm ngày 14 tháng 7 năm 2011 5:42 PM
 
Một sự tình cờ, tôi có mặt trong đoàn các bạn cựu học sinh Ba Đình – Hà Nội, khóa 1972 – 1975, về thăm liệt sĩ Lê Ngọc Vinh,( sinh ngày 21/4/1958, mất ngày 11/4/1979) tại nghĩa trang Cà Mau. Cảm động vô cùng khi những người bạn này, không chỉ học cùng 10C với Vinh mà là tất cả các lớp 10 cùng khóa. Họ, tóc đã bạc, da đã không còn căng tràn sức sống và ở khắp mọi miền của đất nước, tụ nhau ở đây trong niềm tiếc thương người bạn đã hy sinh cả tuổi xuân, cả cuộc đời mình, góp phần để  đất nước có được những ngày bình yên hôm nay.
Vì thế, nếu có thể đọc được những dòng chữ này,  Vinh cũng đừng ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì chúng ta chưa từng gặp nhau, cũng như có khá nhiều bạn chưa từng biết Vinh dù học cùng dưới mái trường Ba Đình, niên học 1972 – 1975.
Nhưng hôm nay,  tất cả chúng tôi đều đã có mặt ở trước mộ bạn cũng như mộ những liệt sĩ người Hà Nội khác , đã nằm lại mảnh đất Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước này.
Sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm liệt sĩ, chúng mình quây quần bên Vinh. Các bạn đã  chu đáo mang rất nhiều quà. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những món đặc trưng Hà Nội, Vinh ạ. Có rau muống với quả sấu chua. Có chiếc kẹo dồi mà thời chúng ta, những đứa trẻ lớn lên cùng chiến tranh, thèm thuồng và hiếm khi được ăn nhưng lại không còn giá trị với lớp trẻ bây giờ.  Các bạn còn đốt thuốc mời Vinh. Mình cứ lo Vinh bị sặc ho vì tuổi 17 lên đường, Vinh chưa biết hút thuốc. Nhưng rồi lại nghĩ, biết đâu những ngày đương đầu với đạn bom của bốn năm làm lính, điếu thuốc đã làm bạn vớiVinh để làm dịu đi bao nỗi đau về sự mất mát, về sự căng thẳng mỗi khi cận kề cái chết.
“ Vinh ơi, chúng tớ đến với cậu đây”. Dương Nghiệp Khôi đã nói khi cùng các bạn thắp những nén nhang tưởng nhớ Vinh. Mọi người quây quần bên Vinh. Hát cho Vinh nghe BÀI CA KHÔNG QUÊN, NHỚ VỀ HÀ NỘI. Để có thể trình diễn những bài hát này tặng Vinh, những bạn trong ban tổ chức đã phải đến quán KARAOKÊ để luyện giọng đấy nhưng rồi ... Những giọng hát tắc nghẹn vì những giọt nước mắt thương cảm. Các bạn gái đã đành. Ngay cả các bạn trai cũng sụt sùi. Hòa, người bạn lính từng vào sống ra chết với Vinh, khóc to đến nỗi ban tổ chức phải “cưỡng chế” đi chỗ khác. Khôi, anh chàng quần đùi áo số , thủa xưa đã từng tranh bóng với Vinh, nay đã là phó liên đoàn bóng đá, tưởng “đầu gấu” là thế, ai dè cũng bị thay thế bởi bạn Tuấn 10H vì không thể nói được thành lời khi đứng trước mộ Vinh. Mình chắc chắn Vinh, nếu còn sống, bạn sẽ cười cái lũ bạn con trai “ yếu đuối” của mình. Nhưng Vinh ơi, bạn đã không thể...
Những người bạn  có mặt bên Vinh sau 35 năm, đó là thời gian bạn xa những người ruột thịt, xa những người bạn khóa 1972 – 1975 trường cấp III Ba Đình, lên đường đi chiến đấu. Quãng thời gian đó dài hơn sự có mặt của bạn trên cõi đời này, dài hơn tất cả những gì bạn được hưởng từ cuộc sống này.  Nhưng dẫu sao các bạn cũng đã đến, đã tặng Vinh những tình cảm trân quý nhất, những bông hoa trong trắng nhất, đẹp nhất của tình bạn, tình người.

Những người bạn của Vinh còn thắp hương trên khắp các ngôi mộ liệt sĩ Hà Nội và đặt lên mộ những người bạn đang sát cánh bên Vinh nơi nghĩa trang Cà Mau này những bông hồng trắng muốt với dải ruy băng thắt nơ màu tím hoa cà. Vinh biết không, giữa mênh mông trắng của nghĩa trang, những dải ruy băng màu tím bỗng mang lại cho nghĩa trang một sự mềm mại ấm cúng. Nó như những cánh bướm phất phơ trong làn gió nhẹ. Nó như hiện thân dịu dàng của các cô gái cùng lòng chung thủy... Và hình như lúc đó, Vinh cùng những liệt sĩ khác đã hiện về, cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng đó!
Và không chỉ Vinh cùng những liệt sĩ Hà nội nhận được những bông hồng trắng muốt với dải nơ màu tím hoa cà mà còn có những liệt sĩ của vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu dẫu không thể là tất cả. Bởi chúng mình đều biết các bạn...
Sống khác làng
Chết cùng quê liệt sĩ*
Nhưng các bạn ấy chắc sẽ ghen với Vinh vì đã không thể có NHỮNG ĐÊM HOA SỮA THƠM NỒNG, những KHUÔN MẶT MẾN THÂN với QUEN BƯỚC CHÂN GIỌNG NÓI... Các bạn liệt sĩ sẽ còn ghen với Vinh khi trước mộ bạn bây giờ còn được gắn tấm ảnh ngôi trường thân yêu, ngôi trường đã đi vào lịch sử đất nước vì sự nổi tiếng về những thế hệ học sinh thành đạt, thành người. Ngôi trường cổ kính giờ được thống nhất mang tên CHU VĂN AN chứ không còn phân biệt CHU VĂN AN sáng và BA ĐÌNH chiều như hồi tụi mình còn đi học.
Còn nữa, chúng mình cũng rất băn khoăn và xúc động trước những người bạn Hà Nội đang ở bên Vinh nơi miền đất cực Nam này. Chắc chắn các bạn ấy cũng cùng tuổi với Vinh, với chúng mình và cùng hy sinh với bạn ở biên giới Tây Nam của Tổ Quốc. Nhưng trên mộ chí, chúng mình đã không thấy được những thông tin đầy đủ về ngày sinh, ngày mất hoặc chỉ đơn sơ dòng ngày mất. Như liệt sĩ NGUYỄN THANH XUÂN, 17 C, tập thể Kim Liên, Hà nội, đơn vị C1 – E10 – F 339. Như liệt sĩ NGUYỄN VĂN TÁM, 42 Dệt kim, Đống Đa, Hà nội, C1 – D7 – E3 – F330, hy sinh ngày 17/3/1979. Như liệt sĩ LÊ VĂN CHÍNH, 48 Thủ Lệ, Ba Đình, Hà Nội, đơn vị D2, hy sinh ngày 9/6/1979. Như liệt sĩ NGUYỄN XUÂN HÒA, E2 – F4, hy sinh ngày 21/3/2979. như liệt sĩ ĐỖ BÁ TIẾN, C1 – E3 – F330, hy sinh 31/1/1979 và rất ... rất nhiều liệt sĩ khác nữa. Mình cứ lẩn thẩn nghĩ hay gia đình các bạn ấy chưa biết, chưa có điều kiện đến thăm? Và biết đâu nhờ có cuộc đến thăm Vinh, sẽ có rất nhiều những gia đình có con em đi chiến đấu ở biên giới Tây Nam, giai đoạn 1975 – 1979, sẽ tìm được thông tin về những người thân của mình qua những dòng chữ này.
Đứng trước Vinh và những anh linh liệt sĩ, mình bỗng thấy cuộc đời không còn những bon chen vụn vặt. Mình bỗng thấy thanh thản vì quanh mình là những tình cảm chân thành. Và mình biết, những con người xung quanh mình sẽ trở nên thuần khiết hơn, sẽ không vô cảm, sẵn sàng chia sẻ hơn với những nỗi đau của người khác.
Tạm biệt Vinh và những liệt sĩ, chúng mình trở về với cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng Vinh và các bạn hãy tin, chúng mình sẽ sống xứng đáng với những hy sinh của các bạn, sẽ cố góp phần làm cho cuộc sống này tràn ngập những tình cảm tươi đẹp mà chúng mình gặt hái được khi đến với Vinh, với nghĩa trang liệt sĩ.
Đọi máu thay lời
Trang nghĩa trăng soi*
Như lời nhà thơ Lê Đạt đã từng dạy, Vinh ơi.

*  Trích HOA NGHĨA TRANG - Thơ Lê Đạt