Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỰ THÚ

Vương Cường
Thứ ba ngày 12 tháng 7 năm 2011 5:21 PM

(Nhân đọc bài “Những nguy cơ của lí luận phê bình hiện nay” của Văn Giá và bài:” Có phải phê bình lí luận bị bỏ rơi và rẻ rúng” của Lê Thành Nghị)
 
       Văn Giá cho rằng, có nguy cơ của lí luận phê bình hiện nay (mặc dù chưa biết là nguy cơ gì) vì nó bị bỏ rơi, bị rẻ rúng và đang bị… loạn. Từ đó có “vài đề xuất” để khắc phục. Lê Thành Nghị chứng minh lí luận phê bình không bị bỏ rơi, không bị rẻ rúng và không bị loạn. Tuy không kết luận, nhưng cứ theo logic LTN thì lí luận phê bình đang… chưa có nguy cơ gì… Vô tình cả hai đã tự thú, sự thật lí luận phê bình thiếu sự hộ trợ của tư duy khoa học. Ở những bước ngoặt, trên đường phát triển văn học, như chẳng thấy nhà phê bình nào đứng chỉ đường cả.
      Thực tiễn văn học VN có cơ hội cho các nhà lí luận phê bình thể hiện không? Sau năm 1975, cuộc sống đã chuyển từ chiến tranh sang hòa bình. Văn học cũng chuyển hướng, nhưng trước hết phải thay đổi tư duy và phương pháp tiếp cận sáng tác. Đất nước lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Đây là lúc lí luận phê bình có nhiều đất nhất. Một số nhà thơ, nhà văn đã nhận ra điều thay đổi có tính bước ngoặc đó. Nhiều nhà văn, nhà thơ sau khi viết tác phẩm của mình lại bị phê phán nặng nề. Điển hình như nhà thơ Thạch Quỳ với bài thơ “Với con” hay Nguyễn Trọng Tạo với bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”, hai tác giả này bị phê bình thế nào mọi người đã biết. Nhưng câu trả lời của thực tiễn đời sống lại ủng hộ họ. Tôi không cho hai bài thơ này là hay nhưng nó đánh dấu sự chuyển đổi khi thực tiễn đất nước đòi hỏi. Điều kì lạ là không thấy bóng dáng nhà phê bình nào lên tiếng ủng hộ hay phản đối cả.
       Có người nức nở khen một chiều, tiểu thuyết “Thời xa vắng” viết in năm 1984 của nhà văn Lê Lựu. Tất cả những lời khen ngợi không sai, thậm chí chưa đủ về sự thành công của tác phẩm ấy. Nhưng khi Giang Văn Sài lại về quê làm chủ nhiệm HTX, tức là đi ngược lại nguyện vọng của con người, đi ngược con đường mò mẫm đổi mới sao chẳng thấy nhà phê binh lí luận nào phản đối? HTX đã thành xiềng xích, nông dân tự tìm đường đi bằng cách khoán chui trước năm 1980. Khi tư tưởng đổi mới vừa manh nha, thực tiễn đầy gợi ý, nhà văn chưa nhìn thấy nhưng nhà lí luận phê bình còn thấy ít hơn. Khi người ta  khen “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, đất nước đã tìm ra chìa khóa và thực tiễn đã chuyển sang nền sản xuất hàng hóa và đang dần chuyển sang nấc thang cao hơn, kinh tế thị trường. Khi ấy có những vấn đề tiểu thuyết đặt ra như mâu thuẫn dòng họ đang cản trở con đường phát triển của nông thôn, nông dân VN là phi lí! Bởi nhà văn không thấy được nhân vật khổng lồ lần đầu tiên đã xuất hiện trong đời sống, đó là nền sản xuất hàng hóa với sức giải phóng ghê gớm của nó. Chế độ phong kiến ngàn năm cũng tan ra trong chớp mắt lịch sử. Nhà lí luận phê bình, sao không chỉ ra cái đi ngược với quy luật và sặc mùi bao cấp trong phương pháp sáng tác của nhà văn?
       Khi Nguyễn Huy Thiệp lừng lững xuất hiện chia đôi độc giả, nhà lí luận phê bình, anh đứng phía nào? Sao anh không kịp thời góp tiếng nói dẫn dắt bạn đọc đi về phía đổi mới, tiến bộ? Để đến bây giờ nói đến văn học thời đổi mới không thể không nói tới sự đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp. Không phải Nguyễn Huy Thiệp đã toàn bích, nhưng là bước ngoặc văn chương. Khi Nguyễn Quang Thiều trình làng một kiểu thơ mới, không giống thơ vần điệu truyền thống, mở ra một chân trời mới, lạ hơn, sau anh còn có nhiều nhà thơ như Tuyết Nga, Mai Văn Phấn và nhiều nhà thơ trẻ khác. Trong thơ họ, những tinh hoa thơ VN vẫn được bảo lưu, tính dân tộc và cả thời đại nữa đã có sự kết hợp bước đầu. Thơ các anh, chị dày dặn, ý thơ liên hoàn tạo thành những con sóng, phải đọc kỹ mới thấy mới, lạ và hay. Thời văn học đại chúng đã kết thúc và nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn. Thơ của thời mới, thời thị trường toàn cầu hóa, chỉ nói riêng mặt ngôn ngữ thơ, nhà thơ phải khai phá, thuần dưỡng ngôn ngữ vừa ra đời biểu hiện tình cảm con người trong thời hoàn toàn mới và lạ so với trước đây. Khi có người cho Nguyễn Quang Thiều “tự dịch xổi thơ mình từ tiếng Việt ra tiếng…ta, nghĩa là dịch phóng, cốt lấy ý, chứ chưa dụng công mài dụa nghệ thuật”,  khi ấy, nhà lí luận phê bình, anh ở đâu?
       Lãng mạn rất cần, nếu không có nó làm sao có thơ. Nhưng lãng mạn nào cũng bị chi phối bởi đời sống tình cảm thực của con người. Nếu không cần kéo pháo thì chẳng ai cần phải “dô ta”, văn học không thể không ra đời từ cuộc sống “đào đất, lật cỏ” tìm kiếm cái ăn, cái mặc…của con người. Maiakopski viết đại ý, khi đến thăm người yêu, nhớ mang theo bó rau và mớ củi. Văn học có trọng trách động viên, chia sẻ, vỗ về với con người, nhất là người lao động. Quá trình phát triển ở nước ta hay bất kỳ nước nào trên thế giới đều phải hướng vào ngành công nghiệp, tạo sự khác biệt. Muốn lấy giá trị lớn hơn, phải trả về thị trường một giá trị nào đó. Trong hoàn cảnh chạy đua lợi nhuận, giành lợi thể cạnh tranh, công nghiệp phát triển nhất thiết phải lấy đất của nông dân. Thực tế hàng năm bình quân nông dân mất khoảng 400.000ha đất nông nghiệp không loại trừ đất thổ cư. Sau khi nhận tiền đền bù, chỉ vài năm nông dân trắng tay. Họ tìm về thành phố hoặc xa hơn tìm việc làm giản đơn, như buôn bán hàng vặt, chạy chợ, osin... Vậy mà có nhà thơ viết “Làng tôi năm 2000” có nhiều câu nghe cư như trên trời rơi xuống:“Cô thợ cấy đấu cờ trên màn hình điện tử”. Khi ấy nhà lí luận phê bình đang bân việc giải thích câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái”, hoa năm ngoái là hoa khô!
       Thử thách lớn với nhà văn hiện nay là phương pháp sáng tác. Cuộc sống, nhân vật, tình cảm đã, đang chập chững trong kinh tế thị trường, nhà văn cũng phải như vậy. Nhiều vấn đề lẽ ra nhà lí luận phải nghiên cứu, khai mở, tìm dòng góp cho văn học chảy thì lại không thấy. Những tác phẩm gần đây như “Hội thề” hay Dị hương” có những cái nhìn chưa thỏa đáng với lịch sử, chưa thấy nhà lí luận phê bình nào lên tiếng thuyết phục, một vài người thì nói suông thiếu luận chứng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn ngày một lạ hơn. Trên sân bóng, có nhiều người da đen mang quốc tịch VN. Trong những khu công nghiệp, có nhiều tiếng nói, muốn nghe được phải cần phiên dịch. Trong tâm hồn những “người Việt Nam” ấy làm gì có cây đa, bến nước, sân đính” hay một câu quan họ. Kinh tế phát triển nếu kể GDP, nhưng người nghèo cũng theo sự phát triển mà tăng lên. Người nông dân rất khổ khi mất mùa. Giờ lại có thể khổ hơn khi họ được mùa. Hơn lúc nào hết nền văn học nước nhà cần lắm những nhà lí luận phê bình với tư duy, biến hóa, linh hoạt, thực tế. Cắt bỏ mớ kiến thức đã cũ và học theo, bồi thêm kiến thức mới từ sách vở và thực tiễn. Thực tiễn đất nước, thực tiễn văn học đang chờ và rất chờ nhưng không phải như những điều VG và LTN đã tự thú…