Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌA SĨ TRẺ DƯƠNG GIA LIÊM QUÊ TÀY - NGUỒN SÁNG TẠO BẤT TẬN

Vi Thùy Linh
Thứ bẩy ngày 4 tháng 6 năm 2011 9:55 PM
 
Tại 17 Ngô Quyền, Hà Nội, từ thứ Sáu 27/5 tới hết 7/6 diễn ra triển lãm (TL) cá nhân đầu tiên của họa sĩ (HS) trẻ Dương Gia Liêm mang tên Tự nhiên (kéo dài tới hết 7/6). Trưởng thành tại Thủ đô, song tinh thần, cảm hứng sống của Gia Liêm đầy chất văn hóa Tày. Đó cũng là điểm đặc biệt và độc đáo của Dương Gia Liêm, một người Tày chính hiệu, con trai nhà thơ Dương Thuấn.
Dương Gia Liêm làm TL đầu đời trưng bày 24 tranh sơn dầu, nhỏ nhất 45 x 60cm, lớn nhất 1,5 x 1,5m. Tác giả tự treo tranh xong hôm 24/5, toàn bộ kinh phí tự lực, dành dụm từ thời sinh viên tự trang trải học phí, chi tiêu bằng các hợp đồng vẽ bìa cho sách,  tạp chí, thiết kế logo, trình bày hàng trăm đầu sách.
Dương Gia Liêm là một người Tày thuần chủng, với tâm hồn trong sáng, khoáng đạt miền núi vẫn còn giữ nguyên sau 14 năm về định cư thị thành. Ở khu Văn Công Cầu Giấy có nhiều nghệ sĩ tên tuổi, gia đình nhà thơ Dương Thuấn là trường hợp lạ. Trong ngôi nhà 5 tầng tiện nghi hiện đại, chung sống 4 người Tày, họ nói tiếng Tày với nhau, thường làm món ăn truyền thống của dân tộc mình. Các ngày lễ, Tết, cô Ô Thị Tuyết (mẹ Liêm) lại làm món đặc trưng nếu không về Bắc Kạn, để cả nhà cũng thấm đẫm phong vị quê nguồn. Các phong tục không hề mai một. Mùng 3/3 làm xôi đăm đeng (đỏ đen) bằng gạo nếp nương, Rằm tháng 7 quay vịt theo số người (nhà 4 người làm 4 vịt quay). Tết Nguyên đán gói bánh chưng Tày (dài 30 cm). Tốt nghiệp thủ khoa ngành Hội họa hoành tráng, khoa Trang trí nội ngoại thất, ĐH Mỹ thuật công nghiệp 6/2009, Gia Liêm lập và làm giám đốc công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Trần Dương cùng cậu bạn. Bố mẹ Gia Liêm vừa lên quê trở về hôm nay, trước triển lãm  1 ngày.
Đã có 10 bức tranh được đặt mua, song Gia Liêm hẹn khách sau TL mới bán. Trong số những người đặt này, có dịch giả Mimi Diệu Hương (sống tại Thụy Điển).
Sinh năm 1985, quê bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, quê hương Bắc Kạn là đề tài, nguồn cảm hứng dồi dào của Gia Liêm. Phong cảnh núi rừng hùng vĩ, hồ nước bao la lướt thuyền độc mộc chở những thiếu nữ áo chàm da trắng hồng; hoa mận, đào, lê bung muốt dọc suối như đàn bướm khổng lồ; cậu bé đeo bao gỗ cài dao quắm tranh thủ câu cá lúc chăn trâu; bên bếp củi hồng và dàn nướng, các bà mế nấu bữa chiều; nấm mơn mởn dưới rừng thông xanh ngắt... Tất cả vẻ đẹp lạ lùng mời gọi ấy ùa vào tranh Liêm, tràn ra từ ký ức thơ ấu. Nhà thơ Dương Thuấn ở Hà Nội 30 năm, vợ con mới về từ 1997. Cho đến giờ, mọi thành viên trong gia đình chàng trai của núi nói tiếng Kinh vẫn mang âm sắc miền ngược, vẫn sống bằng nếp thuần phác, mộc mạc, hào hiệp của người đại ngàn. Gia Liêm cho biết: Đặt tên TL là Tự nhiên, em muốn khái quát về cách vẽ, đề tài của mình, theo dòng tranh hồn nhiên. Tự nhiên, cũng là mới lạ. Sử dụng họa phẩm của Pháp,  Đức, Anh, Nhật, Liêm hầu như dùng màu nguyên chất, ít pha trộn. Ưa gam mạnh, tươi sáng (màu đỏ, xanh, vàng), Liêm rất ngưỡng mộ danh họa P. Picasso. Chất hiện đại của Liêm mang nét hoang dã, hồn nhiên. Xem tranh mà thấy như có gió ngàn thổi về những sự tích, truyền thuyết. Liêm đã thực hiện bức tranh gốm trang trí lò sưởi cho căn hộ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm gần hồ Tây (con trai ông đang ở), hình ảnh cô gái xõa tóc cưỡi ngựa bay trên đỉnh núi, phía dưới là ruộng bậc thang, nhà sàn, mang tứ và bộ cục khác biệt. Gia Liêm có năng khiếu vẽ từ nhỏ và không hề được học vẽ cho đến khi vào đại học. Năm 13 tuổi, cậu đã giành giải Cuộc thi vẽ tranh Hòa bình cho chúng em do Đại sứ quán Israel tại VN và Cung Thiếu nhi HN tổ chức. Hiện là thành viên CLB HS Trẻ - Hội MTVN, cây cọ tuổi Ất Sửu này còn rất thành thạo tiếng Anh. Khi được học THCS Lê Ngọc Hân lớp 7, Gia Liêm đã bán được những bức tranh đầu tiên: 1,5 triệu/ 3 bức (chân dung con gái, con trai và tĩnh vật bên vạt đồi) cho nhà văn Tạ Duy Anh, một người bạn của bố. Nhà văn nhận định: Bức tĩnh vật, bố cục ngẫu hứng, màu sắc phóng túng... Mọi thứ  căng mọng, đầy sức sống, hơi bị phóng đại như đang nở to dần ra... là triết lý về nhân sinh, vũ trụ mang dấu ấn tâm linh  chỉ có những người sống gần trời. Đứa trẻ Liêm đã dạo qua giai đoạn già đời để thấy sự sâu sắc chỉ có ở trẻ con. Giờ đây, tranh của Liêm là những bài thơ kể chuyện cổ tích, giàu liên tưởng, độc đáo, hóm hỉnh. Liên tục đối nghịch, giữa thơ ngây và từng trải, thực - hư, đơn giản -  chiều sâu, phô bày và bí ấy.
* Ở tuyển tập Dương Thuấn, tập III -Thơ viết cho thiếu nhi, có nhiều bài viết tặng cho Liêm. Thiên nhiên là quả núi/ Ngồi cho em vẽ tranh. Phải chăng nhờ bố, Liêm có một tâm hồn lãng mạn và hầu như nguyên chất Tày đến bây giờ?
- Vâng, nhờ bố và quê hương. Dù quê còn nghèo, còn thiếu thốn, nhưng những gì quê có cho em bao hình ảnh sinh sôi. Cả nhà em luôn nhớ quê, về quê lúc nào có thể. Chị gái Thu Quỳnh (sinh 1983) đã có con trai 2 tháng, ở nhà chồng, mỗi lần gặp là cùng nói chuyện trên quê. Chúng em đã cùng đi học, kiếm củi, hái rau, nấu cơm, luộc bánh. Dù đã có hộ khẩu Hà Nội hơn 10 năm, em và gia đình em vẫn là những người Tày chính cống trong tâm hồn. Nhớ biết bao các trò chơi tuổi nhỏ, đánh yến, quay, ném thia lia, chơi bập bênh người lên thì núi xuống.
*Liêm giữ gìn bản sắc dân tộc bằng phong tục, và đưa chúng vào tranh. Song không phải độc giả nào cũng xem được ttanh Liêm. Hãy vẽ Bắc Kạn ngay bằng lời được không, chàng trai Tày?
- Vâng, sẵn lòng. Ông nội em vẫn sống ngôi nhà sàn ở bản Hon, nơi sinh ra và lớn lên của bố em, con cả và 8 em của bố. Những cọn nước quay chậm như nhịp sống bình yên, phía sau là Phja (núi) Kiệu, vút thẳng như mũi tên. Phia Bjooc ( núi Hoa ) là lớn và dài nhất. Bố em và anh Đỗ Doãn Hoàng đã đăng mấy phóng sự về tình trạng tỉnh cấp phép cho việc khai thác đá, quặng bằng mìn quanh hồ Ba Bể. Người ta không nghĩ tới sự dài lâu và vô giá của thiên nhiên. Bản Hon giờ có giếng khoan, điện thoại, internet, đường nhựa, mà em chỉ yêu bản Hon hồi em còn nhỏ với ngôi nhà có cây ổi, bưởi, mít, khế, mẹ em nuôi lợn, trồng rau... Hồ xanh, gió thổi từ thung qua núi. Chim chèo bẻo, từ quy ríu ran. Đàn ông chơi lày cỏ (uyn đơ toa của người xuôi) dịp đám cưới, cỗ bàn. Hè về trĩu trịt cây mác (quả) chài, mác mật, tiếng mõ trâu lúc chiều về, ruộng bậc thang như cái quạt trời khổng lồ khi xanh lúc vàng rộ. Mùa tươi xanh triền cây núc nác, dàn bầu và cánh rừng có nhiều muông thú. Đồng thoại, ngụ ngôn xen lẫn các sự tích làm quê hương vừa sống động, vừa huyền ảo. Suối, sông đầy cá gọi mời. Buộc dây qua bao dao gỗ, em ngồi câu cá, có khi còn bơi qua sông Năng, mùa cạn thôi, mùa lũ nước siết lắm.
* Dự định sắp tới của Liêm?
- Em định tháng 7 qua Singapore du lịch và xem các bảo tàng. Logo Công ty của em là chữ D (họ Dương) cách điệu thành con thuyền, vầng trăng, Lãng mạn nhưng phải thực tế lo mưu sinh, song hội họa là sự nghiệp của em. Em cố gắng lao động thật nhiều để cuối 2012, sẽ có triển lãm toàn tranh về quê Bắc Kạn. Hôm đó, em sẽ mặc áo chàm, nói hai thứ tiếng Tày - Kinh trong lời khai mạc.
* Nhà thơ Dương Thuấn viết ý rằng, người Ba Bể chỉ uống nước Ba Bể mới hết khát. Gia Liêm muốn mãi là một HS dân tộc giữa thủ đô?
- Đúng vậy, là một HS được đào tạo bài bản, em mong muốn học hỏi không ngừng để văn hóa Tày đậm đặc trong tư duy và tác phẩm một cách hiện đại, văn minh. Em hy vọng một chút thôi, qua tranh em, người xem sẽ yêu và giữ gìn hơn miền núi, và có dịp mời lên Ba Bể. Còn em và con em sau này sẽ vẫn nhớ Khúc ca của bố Thuấn ... Quê mình/ Nằm gối hoa lau/ Đắp chăn bông gạo/ Quả đứng chờ người hái.
* Cảm ơn và chúc Dương Gia Liêm hái được nhiều quả chín trong nghệ thuật.
____________________
Ảnh: HS Dương Gia Liêm trên hồ Ba Bể
Tác phẩm: Giặt áo ở sông Năng, sơn dầu 1,3 x 1,5m (2010)
Rừng, sơn dầu, 0,9 x 2,1m (2009)