Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"VẪN YÊU CÕI NGƯỜI..."

Thanh Ứng
Thứ ba ngày 17 tháng 5 năm 2011 8:07 PM

(Bình bài thơ “Rằm không trăng” của nhà thơ Bùi Kim Anh)
                         
“Làm sao cắt nghĩa cõi đời...”
Đang vui vẻ bỗng ứa lời buồn đau
Kiếp người dài ngắn biết đâu
Làm sao ai biết kiếp sau thế nào
Ngó lên trời chẳng có sao
Vin vào đâu biết thấp cao phận mình
Kiếp người giữa kiếp phù sinh
Cháo cơm đặt giữa nhân tình đảo điên
Bẻ hoa bán kẻ ưu phiền
Bắt tôm cá bán thả miền hồ ao
Phóng sinh để mua má đào
Phóng tay lại để mua vào đầy tay
Thả tiền mua áo mua giầy
Đốt cho hồn để ăn mày ngẩn ngơ
Ngó lên trời chỉ có mưa
Rằm không trăng để người đưa tiễn hồn
Nén nhang thắp để mà thương
Hư vô lẫn kẻ bên đường lầm than
Cỏ xanh rồi cỏ lại tàn
Hoàng hôn khi tắt còn loang nắng chiều
Biết là sương khói phiêu diêu
Làm sao trọn kiếp vẫn yêu cõi người.
       
( Trich “Lục bát cuối chiều” của Bùi Kim Anh,nxb Văn học 2008)
             
               Giữa những ngày buồn  nhiều mưa, tôi tìm thơ và gặp bài “Rằm không trăng” trên Trần Nhương.com của nhà thơ Bùi Kim Anh. Biết nhà thơ từ thủa còn là một cô giáo trẻ, đẹp, hát hay của một trường cấp 3 Hà Nội, rồi lại có lần được tháp tùng nhà thơ cùng nhà báo Chu Thị Thơm đến nói chuyện thơ văn với giáo viên của một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ…và cũng đã được biết về những vất vả, khó khăn mà nữ thi sĩ phải gánh chịu  nhưng vẫn không ngờ Bùi Kim Anh lại có nỗi buồn sâu xa như thế trong thơ:
     “Làm sao cắt nghĩa cõi đời…” / Đang vui vẻ bỗng ứa lời buồn đau / Kiếp người dài ngắn biết đâu / Làm sao ai biết kiếp sau thế nào”.
 Đọc bốn dòng mở đầu bài thơ, tôi giật mình vì những điều trước kia mình từng ngẫm nghĩ, từng chiêm nghiệm mà chưa nói ra được nay có người nói hộ: Những bất ngờ, những đổi thay cứ xảy đến mà ta không thể cắt nghĩa được làm cho con người trở thành bất lực trước hoàn cảnh và ngơ ngác đón nhận trong đơn đau, trong chịu đựng.
Trong bài, tác giả nhắc nhiều lần từ “kiếp” trong những mối quan hệ khác nhau. Khi là “kiếp người” trong thì hiên tại quan hệ với  “ kiếp sau” ở thì tương lai . Khi là “kiếp người” nằm trong khái niệm rộng lớn hơn là “kiếp phù sinh”…Dù ở hoàn cảnh nào, kiếp người cũng thật mông lung với bao nhiêu biến thái của cuộc mưu sinh, mưu cầu bình an giữa những nhân tình điên đảo: 
     “Ngó lên trời chẳng có sao / Vin vào đâu biết thấp cao phận mình / Kiếp người giữa kiếp phù sinh / Cháo cơm đặt giữa nhân tình đảo điên”.
Những công việc mà người trần gian thường làm đối với những người ở miền âm thế trong những lễ tiết mồng một, ngày rằm, nhất là ngày rằm tháng bảy nhằm an ủi những người đã chết và cầu mong cuộc sống yên bình của “kiếp người” cũng chỉ là những vòng luẩn quẩn. Những việc đó có yên lòng người nơi âm thế hay không ta nào đâu có biết nhưng với người ở dương gian thì vẫn không dứt bỏ được những phiền muộn, lo âu về cuôc sống hiện tại trên miền trần thế:
 “Bẻ hoa bán kẻ ưu phiền / Bắt tôm cá bán thả miền hồ ao / Phóng sinh để mua má đào / Phóng tay đẻ lai mua vào đầy tay / Thả tiền mua áo mua giày / Đốt cho hồn để ăn mày ngẩn ngơ”. Với những cặp từ gần như đối lập: “Bắt”- “Thả”, “Phóng sinh”- “Phóng tay” – “Mua”, “Mua vào”…tác giả đã khéo léo nói về sự quẩn quanh, vòng vo không giải thích được trong đời sống tâm linh con người.
Trong cái  đêm  “Rằm không trăng”  “Ngó lên trời chỉ có mưa” đó, tác giả thắp lên nén nhang. Nén nhang của tự sâu thẳm cõi lòng để thương cảm tiễn đưa những linh hồn về nơi âm thế.  Dẫu đó là chốn hư vô vẫn còn nhiều lầm than, cơ cực nhưng chút ánh sáng nhỏ nhoi đó cũng đủ làm ấm những âm hồn  : “Nén nhang thắp để mà thương / Hư vô lẫn kẻ bên đường lầm than”…Cũng từ trong nén nhang đó, hương thơm của kiếp người lại tỏa ngát, nhà thơ lại tìm đươc nơi tin cậy cho phận mình, dù đó là chút cỏ đã tàn, là chút nắng chiều khi hòang hôn tắt: “Cỏ xanh rồi cỏ lại tàn / Hoàng hôn khi tắt còn hoang nắng chiều”. Dù đó mới chỉ là ảo giác xa xôi . Song ảo giác đó lại đưa dần tác giả về với thực tại, tuy thực tại chưa hiển hiện trong đời sống hữu hình, nhưng  nó đã có đường nét  từ trong tâm tưởng thẳm sâu . Đó là tình yêu và lòng tin vào con người-điều mà nhà thơ luôn ghi tạc và thờ phụng.
“Biết là sương khói phiêu diêu
Làm sao trọn kiếp vẫn yêu cõi người”
Cảm thông và nhiều sẻ chia với thi sĩ khi viết hai dòng thơ trên nhưng ta tin: một cô giáo trẻ đẹp ngày nào, một tâm hồn thơ với tình yêu người thiết tha, nồng thắm, Bùi Kim Anh sẽ vượt lên tất cả  để lại yêu đời  như ngày xưa, như chính những dòng thơ Chị đã viết : “Ngoài phố những hoa là hoa / Mua về ta cắm chật nhà mới thôi / Yêu đi cho trọn kiếp người / Kẻo mai thác lại tiếc đời buồn tênh”. (Lục bát cuối chiều – Bùi Kim Anh)…