Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI ĐẸP TRONG “TỰ TÌNH” CỦA BÙI THẢO.

Trần Huyền Nhung
Thứ hai ngày 16 tháng 5 năm 2011 5:33 AM

Tự Tình
      Bùi Thảo.

Tha thiết một vì sao
Giữa muôn ngàn tinh tú
Lòng anh thấy nôn nao
Xôn xao vì quyến rũ

Anh hằng đêm ấp ủ
Vì sao sáng lung linh
Là màu mắt em xinh
Mi cong dài má ửng

Với thân hình nét những
Đường cong tuyệt mỹ miều
Lưng ong chân thon mướt
Cất từng bước gợi khêu

Đã từng đấy bấy nhiêu
Cho tình anh si nặng
Bầu trời yên gió lặng
Vì sao sáng long lanh

Thắm vào trái tim anh
Hình ảnh nữ đoan trinh
Môi tú cười duyên dáng
Phải lòng anh nảy sinh

Đêm mơ tưởng bóng hình
Đôi dòng mong gửi đến
Thần tượng anh yêu mến
Bài thơ ý tỏ tình.
                        
CÁI ĐẸP TRONG “TỰ TÌNH” CỦA BÙI THẢO.
                                                Trần Huyền Nhung

Khỏi cần phải nói, ai cũng biết tầm quan trọng của cái đẹp trong đời sống con người. Chúng ta sống được bao bọc bởi hình ảnh của cái đẹp, và cần nó như cần ánh sáng để nhìn, không khí để thở. Đó chính là sự sống phản ánh trong con mắt ta và đó là một nguồn thông tin quý báu, cần thiết cho cuộc sống. Do đó hình ảnh của cái đẹp có vai trò vô cùng quan trọng trong chức năng diễn đạt, trong thơ văn cũng như trong tất cả các ngành nghệ thuật khác. Trong thơ, văn là hình ảnh ảo của sự vật, hiện tượng mà ngôn ngữ văn chương gợi lên trong óc tưởng tượng của ta qua những khái niệm và qua những biểu tượng. Có lẽ chính bởi vì nó không cụ thể, cho nên cái ảo mới có thể hài hòa được với ngôn ngữ, khái niệm rất trừu tượng, nhưng lại có khả năng diễn đạt nội tâm của con người. Đọc bài thơ “Tự tình” của Bùi Thảo, tôi tưởng tượng được nét thú vị trong cái đẹp của người con gái( có thể không cụ thể), nhưng ta vẫn ngầm hiểu được…Trong muôn ngàn vạn trạng tổng thể của cái đẹp đều có sự khác nhau, nhưng cái đẹp trong ý thơ của Bùi Thảo “giữa muôn ngàn tinh tú”, nhà thơ vẫn nhìn ra được một vì sao tinh tú nhất, không thể lẫn lộn và có một chỗ đứng độc lập, riêng biệt.

Thực ra mà nói, tiêu đề của bài thơ : Tự tình nghe như có một cái gì đó rất nặng nề, khiến người đọc muốn khám phá. Nhưng xuyên suốt toàn bộ bài thơ, đó là tình cảm rất nhẹ nhàng với lời thơ mộc mạc, chân tình như là lời tâm sự thường ngày của Bùi Thảo. Nếu chỉ bàn luận tới “Bài thơ ý tỏ tình” thì bình thường lắm, vì ai cũng nói được điều đó. Nhận ra được tính mĩ cảm trong một bài thơ không phải là điều dễ dàng ai cũng thấy. Khó mà nói bài Tôi yêu em gắn với mối tình nào của Puskin. Người đẹp phàm tục Anna Pêtơrôpna Kern (1800-1879) thoắt trở thành “thiên thần sắc đẹp trắng trong” trong bài thơ tình nổi tiếng thế giới Gửi K. (1826). Tình yêu đơn phương của Puskin đối với thiếu phụ chết yểu Amalia Ritnhích (1803-1825) thăng hoa thành những vần thơ tình say đắm trong bài Dưới bầu trời xanh quê hương (1826.

Gôgôn thấu hiểu công phu sáng tạo của Puskin: “Ngay cả những lúc ông loay hoay “trong ngất ngây dục vọng”, thi ca đối với ông vẫn là vật thiêng, hệt như một ngôi đền. Ông không bước vào đó với bộ dạng luộm thuộm, lôi thôi; ông không mang vào đó một cái gì chưa nghiền ngẫm kỹ, nông nổi từ chính cuộc đời của riêng mình. Bước vào đó không phải là một hiện thực tả tơi, lõa lồ (…) Bạn đọc chỉ cảm nhận được độc có hương thơm, nhưng những chất liệu gì cháy rụi trong lồng ngực nhà thơ để có thể sản sinh ra hương thơm đó thì không ai có thể thấy.”Đại thi hào Gớt nói: “Thế giới rộng lớn, phong phú và cuộc sống đa dạng tới mức sẽ chẳng thiếu gì nguyên cớ để làm thơ. Nhưng tất cả các bài thơ phải được viết ra “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội), nghĩa là hiện thực phải tạo ra nguyên cớ, chất liệu để làm việc đó. Cơ hội riêng lẻ trở thành chung và nên thơ bởi vì nó được nhà thơ gia công. Tất cả thơ của tôi đều là những bài thơ “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội); chúng được hiện thực thôi thúc và vì thế có cơ sở”. Ở đây Gớt đã nói ngắn gọn, dễ hiểu về quan hệ giữa Đời và Thơ, giữa chất liệu và hư cấu, giữa cái tôi và cái ta (Riêng – Chung) giữa tiểu sử nhà thơ và thơ trong thi ca. Nói thế để ta thấy rằng: Cái đẹp trong “tự tình” của nhà thơ Bùi Thảo được đúc kết từ “Thơ là đời” mà đọc lên, tôi chỉ cảm nhận đó là một bức tranh thiên thần đang ở giữa ranh giới cái đẹp và đời sống :

Tha thiết một vì sao
Giữa muôn ngàn tinh tú
Lòng anh thấy nôn nao
Xôn xao vì quyến rũ
Anh hằng đêm ấp ủ
Vì sao sáng lung linh
Là màu mắt em xinh
Mi cong dài má ửng
Với thân hình nét những
Đường cong tuyệt mỹ miều
Lưng ong chân thon mướt
Cất từng bước gợi khêu

“Lòng anh thấy nôn nao” và “Xôn xao vì quyến rũ” – chính là bản năng trỗi dậy trong mỗi con người. Cho thấy giữa phần “Con” và phần “người” chỉ là ranh giới mong manh. Nhưng đó là lẽ tự nhiên trong cách cảm của người thi sĩ cơ mà. Trong “Đàn bà là mặt trời”, Nhã Ca viết say sưa:
Người đàn bà nào cũng đẹp
Mùa xuân và hoa hồng đều nở vì chúng ta
Chúng ta ban phát ái tình
Cho thiên đàng của chúng ta tươi tốt mãi.

Các nhà thơ định làm cách mạng bằng cách xoá bỏ hai khái niệm đẹp và xấu, bằng cách biến cái đẹp thành cái xấu hoặc ngược lại ư? Không phải. Có cách mạng đấy nhưng cách mạng ở chỗ khác: cái đẹp lớn nhất là con người. Và con người đẹp không nhất thiết là do nhan sắc mà chủ yếu, trước hết, căn bản hơn cả, vì họ là con người. Bùi Thảo yêu, Anh làm thơ ca ngợi một ai đó không phải vì người đó có diện mạo phi phàm mà chỉ vì lý do đơn giản: họ là con người và Anh mến mộ họ. Con người, tự bản thân nó, đã là cái đẹp, đã là đối tượng của thơ ca. Tôi muốn đưa ra nhận định về quy luật phát triển của cái đẹp trong thơ: đó là sự phát triển của ý thức con người về sự hiện hữu của con người.

Hình ảnh người con gái hiện lên trong thơ Bùi Thảo bằng cảm quan rất thật của Anh: Với màu mắt xinh, lông mi dài, má ửng , có đường cong quyến rũ và gợi cảm hơn cả vẫn là “lương ong chân thon mướt”… Mà thời xưa cái đẹp của người phụ nữ được quan niệm phải là “Thắt đáy lưng ong”, phải dịu dàng, ngay cả dáng đi cũng phải thanh thoát, yêu kiều… Bùi Thảo nói thẳng về cái đẹp chứ không giống như những nhà thơ thời xưa. Người ta hay dùng những từ ngũ ví von như da ngà, dáng liễu, mặt hoa, tóc mây. Nguyễn Du tả Thuý Vân: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; tả Thuý Kiều: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn; tả Từ Hải: Râu hùm, hàm én, mày ngài.
Trong truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự tả Dương Giao Tiên:

Môi đào hé mặt phù dung
Xiêm y bóng tuyết sen lồng ngấn rêu.
Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều tả người cung nữ:
Áng đào kiển đâm bông não chúng
Khoé thu ba gợn sóng khuynh thành.
Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu tả Kiều Nguyệt Nga:
Má đào, mày liễu dung nhan lạnh lùng.

Tất cả những câu thơ mô tả diện mạo của con người ở trên đều có một đặc điểm giống nhau: đem so sánh một nét đẹp nào đó trong hình thể con người với một nét đẹp nào đó của thiên nhiên. Thiên nhiên, bởi vậy, được coi là cái đẹp mẫu mực của con người. Song song với khuynh hướng trên, có một khuynh hướng khác nữa: so sánh cái đẹp của người bây giờ với cái đẹp của người xưa, trong sách vở. Phụ nữ đẹp, phải là đẹp như Hằng Nga, như Tây Thi, như Dương Quí Phi. Quá khứ, do đó, trở thành một chuẩn mực của hiện tại. Đến những năm 30 của thế kỷ này, với phong trào Thơ Mới, khuynh hướng thứ hai bị sụp đổ trước hết. Những cách ví von xưa bị coi là khuôn sáo. Các nhà thơ công bằng hơn với những cái đẹp trong hiện tại. Nguyễn Bính viết, trong bài Mỵ nương:

Toan ví mà thôi
Vì bao nhan sắc
Xây dựng trên đời
Sánh sao nàng được.
Hồ Dzếnh viết, trong bài Giản dị:
Em ăn, em nói, em cười
Kiếp này không có hai người giống em.

Ở thơ của Bùi Thảo đã vứt bỏ cái so sánh để khẳng định vẻ đẹp của con người mang giá trị độc đáo và độc tôn. Thiên nhiên bị hạ bệ . Thiên nhiên và trời đất chẳng có ý nghĩa gì nếu không có con người. Thiên thiên và trời đất đẹp là vì con người đẹp chứ không phải là vì ngược lại. Bởi thế Nguyên Sa mới nói:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Có “Em mặc áo lụa Hà Đông” nên Sài Gòn mới đẹp ấy chứ. Còn Bùi Thảo thì cảm nhận cái đẹp rất hiện thực, giống như kiểu có sao nói vậy, không dùng hình ảnh đánh bóng câu thơ :

Với thân hình nét những
Đường cong tuyệt mỹ miều
Lưng ong chân thon mướt
Cất từng bước gợi khêu

Ta cảm nhận như cái đẹp được mô tả rất trần tục, tác giả chưa thiền được vào vần thơ, nhưng trong phạm vi cái đẹp không bắt nhà thơ phải hạn chế được cảm xúc của mình. Điều này ta dễ cảm thông thôi. Không phải ngẫu nhiên mà Will Durant nhận xét: trong thơ ông, phụ nữ bao giờ cũng thấy quyến rũ, đàn ông bao giờ cũng điên cuồng mê đàn bà... tôn sùng thượng đế, Tôi sẽ không bao giờ là thầy tu khổ hạnh...nếu nàng chẳng thề thốt gì với tôi, nếu chẳng có tiếng cười vui rộn rã trong bóng âm vang, nếu chẳng có tà sari nào phất phơ. Bộc bạch, nồng thắm, đam mê như hương cari vàng sẫm, thơm hăng đậm đà (Chữ dùng của Xuân Diệu - Thăm Ấn Độ). Cho nên cô gái cất từng bước “gợi khêu” trong lòng Bùi Thảo chẳng có gì xa lạ cả với cái đẹp trong thi ca.
Ba khổ thơ sau, Bùi Thảo bộc bạch nỗi lòng trước cái đẹp:

Đã từng đấy bấy nhiêu
Cho tình anh si nặng
Bầu trời yên gió lặng
Vì sao sáng long lanh
Thắm vào trái tim anh
Hình ảnh nữ đoan trinh
Môi tú cười duyên dáng
Phải lòng anh nảy sinh
Đêm mơ tưởng bóng hình
Đôi dòng mong gửi đến
Thần tượng anh yêu mến
Bài thơ ý tỏ tình.

Trước cái đẹp ai mà chẳng ngẩn ngơ, chẳng mê đắm nữa là một con người có trái tim nhạy cảm như thi sĩ Bùi Thảo. Trước vẻ đẹp của người con gái mà anh đã thầm cảm mến bao lâu nay, đến nỗi “tình si nặng” là chuyện thường tình của trái tim một người đàn ông. Cô gái đã trở thành một hình ảnh độc chiếm trái tim nhà thơ :

Thắm vào trái tim anh
Hình ảnh nữ đoan trinh
Môi tú cười duyên dáng
Phải lòng anh nảy sinh

Cái đẹp giờ đây không còn là ảo nữa, rất hiện hữu đối với Bùi Thảo. Đó là hình ảnh một cô gái “đoan trinh”, có làn môi với nụ cười rất duyên dáng. Nhà thơ chính thức “phải lòng” bởi những nét đẹp ấy. Không có gì là ghê gớm cả, mà đúng ra là những cảm xúc của nhà thơ khi bắt gặp cái đẹp. Đây cũng không phải là một tình cảm sét đánh, bồng bột, nông nổi, mà chính là sự cảm mến, ngưỡng mộ của Bùi Thảo với cô gái “bấy nhiêu” nay. Ta trân trọng tình cảm đẹp ấy của người thi sĩ. Nét đẹp càng được nâng niu, càng làm giàu thêm cho tâm hồn thêm thi vị :

Đêm mơ tưởng bóng hình
Đôi dòng mong gửi đến
Thần tượng anh yêu mến
Bài thơ ý tỏ tình.

Khổ thơ cuối cùng khép lại là bao lời muốn nói mà Bùi Thảo gửi đến cô gái. Anh coi đó là một “thần tượng” cho riêng mình để anh yêu mến, nhớ nhung mà chẳng cần phải giấu giếm, ý tứ xa xôi. Ta nhận thấy chất “Tây” trong thơ Bùi Thảo “Bài thơ ý tỏ tình” rất gắn gọn và đúc kết. Điều này, có lẽ hơn 30 năm nhà thơ sống ở xứ Phương tây, nên lời thơ bị ảnh hưởng chăng? Cũng có thể lắm chứ! Ngôn ngữ thơ giản dị tới mức mà tôi tưởng như chẳng có từ nào được hơn để thay thế cho sự giản dị ấy. Cái đẹp của người con gái làm cho nhà thơ “đêm mơ tưởng bóng hình” và anh mong lắm những dòng thơ này gửi đến cô gái, mong rằng “ý tỏ tình” của anh được cô thấu hiểu.

Dù thức hay ngủ, tỉnh hay mơ thì Bùi Thảo vẫn luôn nghĩ tới hình ảnh của người con gái đã làm anh phải rung cảm. Phải chăng đó cũng chính là sự rung cảm nghệ thuật trước cái đẹp để anh viết lên “tự tình”? Một nét rung cảm hết sức thánh thiện mà cũng rất đỗi bình thường tôi cảm nhận được. Bài thơ còn rất giàu tính họa, khiến người đọc liên tưởng tới bức tranh cô gái đẹp đời thường. Thật ra thời nào câu nói “ Đẹp phải chăng trong mắt kẻ si tình” cũng đúng. Đây là tính chủ quan khi nhìn nhận cái đẹp. Điều đó nói lên quan điểm của cái đẹp của mỗi người khác nhau, nó phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, dù phong phú đa dạng đến đâu nó vẫn có những tiêu chí chung mà ông cha ta đã rút ra được: Con mắt lá răm, lông mày lá liễu mà theo ca dao là đáng trăm quan tiền. Đó là cái đẹp theo quan điểm truyền thống. Và ngày nay cho rằng tóc nâu , môi trầm... Những cái đẹp theo tôi nó là vẻ hài hòa nhất của người phụ nữ từ đôi mắt, mái tóc, lông mày, làn môi đến gương mặt... Nó làm cho người ta khi chiêm ngưỡng có sự rung động và có sự công nhận. Thực ra cái đẹp vừa cụ thể lại cũng không phải cụ thể. Trong “ Tự tình” của Bùi Thảo cũng phần nào cho chúng ta thấy được góc nhìn của cái đẹp với người phụ nữ nói chung. Cảm ơn nhà thơ Bùi Thảo đã góp phần tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ mà văn chương thời nào cũng đề cập tới. “Bài thơ ý tỏ tình” tôi đã hiểu…
Thành phố HCM, ngày 14/05/2011
      T.H.N