Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HỌC NGA GÓP PHẦN LÀM CHO THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

Nguyễn Huy Hoàng
Thứ bẩy ngày 14 tháng 5 năm 2011 4:48 PM
 

Văn học Nga chứa đựng những giá trị tinh thần vĩ đại góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ý kiến này liên tục được nhắc đến trong các bài phát biểu của những người tham gia Đại hội quốc tế lần thứ XII của các giảng viên ngôn ngữ và văn học Nga (MAPRYAL). Cuộc gặp truyền thống của các nhà Nga học thu hút hơn một nghìn đại biểu từ 48 quốc gia, lần đầu tiên diễn ra vào năm nay tại Trung Quốc. Thông tín viên Yulia Kozlova của đài chúng tôi đưa tin từ Thượng Hải.

Văn học kinh điển Nga là một mẫu mực của chủ nghĩa nhân đạo và giá trị tinh thần. Đó là lý do mà hôm nay văn học Nga vẫn được hâm mộ không chỉ ở trong nước. Ở nước ngoài khi trả lời câu hỏi bạn đã đọc tác phẩm nào của nền văn học Nga, người ta thường trả lời giống nhau: đó là Dostoevsky, Tolstoy, Chekhov, Pushkin. Độc giả nước ngoài hiện nay ít biết đến các nhà văn Nga đương đại vì tác phẩm của họ ít được chuyển ngữ hơn so với các bậc kinh điển tiền bối. Nguyên nhân ở đây là gì?

Theo giáo sư Đại học ngoại ngữ Thượng Hải Zheng Tiu, một dịch giả nổi tiếng của Trung Quốc và chuyên gia về văn học Nga, vấn đề ở đây không phục thuộc vào tài năng văn học của những cây bút đương đại Nga. Lý do chính là bởi hiện nay mối quan tâm chung đối với nền văn học nghiêm túc đã suy giảm. Theo ông Zheng Tiu, có thể cảm nhận rõ rệt điều này trong giới trẻ.

“Ở Trung Quốc có khá nhiều tác phẩm văn xuôi của Nga được dịch. Tuy nhiên, để tên tuổi các nhà văn đương đại Nga được biết đến ở Trung Quốc, đòi hỏi phải có một thời gian nhất định. Giai đoạn hiện nay không hẳn là thời đại của văn học, thời đại của thơ ca trữ tình. Sự quan tâm chung tới văn học nghiêm túc đang xuống dốc”.

Tham gia cuộc hội thảo, giáo sư Kandarpa Das, đại biểu Đại học Guwahati cho biết, xu hướng đông đảo độc giả lao vào dòng văn học giải trí cũng được ghi nhận tại Ấn Độ. Tuy nhiên, theo xác nhận của giáo sư người Ấn, ở nước ông văn học Nga vẫn chiếm một vị thế khá cao. Từ những năm 1880, các trước tác của Tolstoy và Dostoevsky đã được dịch sang tiếng Bengali. Sự làm quen chi tiết hơn với các tác giả kinh điển Nga được đánh dấu vào đầu thế kỷ XX, khi lần lượt xuất hiện những bản dịch ra tiếng Urdu, Hinddi và Bengali. Sau đó, công chúng độc giả ở Ấn Độ còn làm quen với những đại diện của dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa Nga như M. Gorky, Sholokhov, N. Ostrovsky. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện những thần tượng mới:

“Hiện nay, các nhà xuất bản Ấn Độ tổ chức dịch và in ấn tác phẩm văn học Nga sang những ngôn ngữ khác nhau. Sinh viên nghiên cứu Chekhov, Dostoevsky, trước tác của nhà nghiên cứu văn học Bakhtin, chủ nghĩa hình tượng Nga. Trong số các nhà văn hiện đại của Nga được chuyển ngữ tại Ấn Độ có Dovlatov, Tatyana Tolstaya, và nhiều người khác …”

Văn học Nga cũng mở rộng sự hiện diện ở các nước Tây Âu. Ví dụ tại Pháp, chỉ trong hai năm qua đã có khoảng 50 tác phẩm của các tác giả đương đại Nga được chuyển ngữ. Mặc dù, theo lời người đứng đầu tổ bộ môn Văn học Nga tại Đại học Provence (Pháp) Marc Weinstein, số lượng xuất bản cũng tương đối khiêm tốn.

Ông Weinstein nói: “Những tác phẩm của Pelevin, Sorokin, Kharitonov, Tatyana Tolstaya cuốn hút chúng tôi bởi các tác giả mô tả sự vật vã của nhân vật, đang tìm kiếm chỗ đứng cho mình trong thế giới này. Đáng tiếc là ngoài phạm vi giới Nga học, những tác phẩm này ít được độc giả biết đến”.

Xét theo các tham luận tại Đại hội Nga học ở Thượng hải, những người tham gia sẽ nỗ lực hết lòng để các nhà văn đương đại Nga được độc giả nước ngoài tìm đọc không kém gì các bậc tiền bối kinh điển.


Nguyễn Huy Hoàng- Theo Đài tiếng nói nước Nga