Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠNH LẼO ĐỜI THÁI GIÁM

Sơn Trang
Thứ năm ngày 5 tháng 5 năm 2011 5:46 AM

VH- Chính vì nỗi lo sợ khi nằm xuống không có nơi gửi nắm xương tàn, không có lấy nổi một ngày giỗ, nhiều thái giám đã cố gắng lo liệu cho mình một nấm mồ ở nơi đất lành. Thân phận thái giám sống lặng lẽ, ra đi lặng lẽ ít được người đời nhắc đến, dấu hình của họ lưu lại nay chỉ là những mộ phần rêu phong ở khuôn viên chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Chuyện trong cung cấm!
Cũng như các triều đại phong kiến khác, triều Nguyễn cũng có một lớp người được gọi là thái giám. Dưới thời vua Gia Long, thái giám vẫn được vua ban quyền hành về việc chính sự, trong đó có thái giám Lê Văn Duyệt được phong lên chức vụ Phó vương Nam Kỳ, Tổng trấn Gia Định thành. Tuy nhiên đến đời vua Minh Mạng, ông vua này đã ban tờ dụ chấm dứt những sự lạm dụng thái quácủa thái giám nhằm tránh việc lực lượng này ảnh hưởng đến triều chính. Tờ dụ có nội dung: “Cho họ người nào việc ấy để sai khiến hầu hạ nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm hàm quan chức. Vì chức vụ của họ là để nội đình sai khiến vàtruyền lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự, kẻ nào vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha. Trẫm đã dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau...”.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, dưới triều Nguyễn có hai loại thái giám: Giám sanh tức là người sanh (sinh) ra đã không có bộ phận sinh dục. Theo quy ước của triều đình, gia đình nào sinh ra người con như vậy thì phải báo lên cho triều đình biết thông qua lý trưởng của làng. Lý trưởng báo huyện, huyện báo tỉnh, tỉnh báo lên Bộ Lễ, Bộ Lễ báo vua. Vua ra sắc chỉ truyền về làng đó và yêu cầu cha mẹ đứa bé phải nuôi dạy cho tốt đến 7-8 tuổi. Cha mẹ đứa bé đó sẽ được hưởng một số ruộng đất mà làng ban cho để làm ăn sinh sống và nuôi đứa bé. Đến 7-8 tuổi thì được chuyển lên Bộ Lễ, tại đây cháu bé được dạy dỗ các phong tục, phép tắc trong triều. Đến khi thành thục sẽ được cho vào cung. Vì vậy mà người ta cócâu “đẻ ông Bộ cho làng nhờ” có nghĩa là đứa bé đó sẽ được chuyển về Bộ Lễ, gia đình đó được ban ruộng đất, và cả làng sẽ được miễn thuế trong vòng 3 năm. Một dạng nữa là Giám lặt, đó là những con người bình thường khi đến độ tuổi thanh niên (thường từ 18 tuổi trở lên) thì tự nguyện thiến bộ phận sinh dục để vào phục vụ trong cung.
Dưới triều Nguyễn ở các đời vua trước đó có chừng 200 thái giám. Công việc chính của họ ngoài phục dịch ở cung điện thì còn phải sắp xếp lịch chăn gối của vua với các cung tần, mỹ nữ. Thái giám phải ghi lại cụ thể tên tuổi, ngày giờ để sau này ai có thai mà đối chiếu cho chính xác. Sau giờ làm việc, các thái giám có một nhà nghỉ riêng gồm 9 gian, gọi là Cung giám viện. Thái giám không chỉ sống trong cung mà còn sống ở các lăng tẩm của những vị vua đã băng hà để phục vụ công việc cho các bà vợ vua quá cố. Vào thời vua Duy Tân, số lượng thái giám giảm bớt vì vua chỉ có một lần nạp phi. Ở các triều đại trước đó, “lương” của các thái giám được tính bằng quan tiền và lúa, nhưng vào giai đoạn này chiếu chỉ của vua Duy Tân năm thứ 6 (năm 1912) quy định bằng đồng bạc.
Đến năm 1914, triều Nguyễn không còn tuyển thái giám nữa. Lúc này, số lượng thái giám còn lại là 9 người. Thời triều Khải Định và Bảo Đại, tuyệt nhiên không ai bàn đến hai chữ thái giám để cung tiến lên trên. Từ đây, lịch sử thái giám từng tồn tại cả ngàn năm đã vĩnh viễn cáo chung.
<<< Nghĩa trang Thái giám ở chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân- TP Huế)

Rêu phong những ngôi mộ...
Chính sử không có tên tuổi của họ. Dấu vết còn lại duy nhất của lớp người này ở Việt Nam là mấy ngôi mộ đang rêu phong giữa bốn bức tường trong chùa Từ Hiếu (hay Tổ đình Từ Hiếu). Chùa nằm trên một gò đồi thuộc làng Dương Xuân Thượng (xã Thủy Xuân, thành phố Huế), xây dựng vào năm 1843 có tên là An Dưỡng Am, từng được vua Tự Đức ban tấm biển đề Sắc Tứ Từ Hiếu Tự...
Ý thức được việc sau khi chết đi sẽ không có con cháu hương khói, nhiều thái giám của triều Nguyễn đã tự nguyện đóng góp tiền để xây dựng, mở rộng chùa để mong về sau được có nơi chôn cất. Người đầu tiên đứng ra quyên góp tiền trùng tu chùa là thái giám Châu Phước Năng, dưới thời vua Thiệu Trị. Cho đến năm 1848 thì An Dưỡng Am được xây dựng và mở rộng thêm, từ đó chính thức đổi thành chùa Từ Hiếu mà nhiều người địa phương vàchâu Âu gọi là chùa Thái giám. Sau đó, có nhiều thái giám khác cũng đóng góp tiền xây chùa chủyếu là ở thời vua Thành Thái. Lúc sức vóc còn khỏe, các thái giám lo phục dịch trong cung cấm hay ở lăng tẩm. Giai đoạn tuổi tác già yếu, xế bóng thái giám phải rời cấm thành dưỡng bệnh, dưỡng già, nếu gần chết thì nằm chờ viên tịch tại nhà Giám viện phía bắc Hoàng thành, không được phép chết trong cấm cung. Do đó, họthường xin vềchùa mỗi khi thấy mình không còn đủ sức phục dịch cho vua nữa.
Chúng tôi đến nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu đúng vào ngày mồng một tháng ba Âm lịch, nhiều du khách đến đây thắp nhang cầu nguyện nhưng không mấy ai quan tâm đến 23 ngôi mộcủa các thái giám nằm phía bên phải khuôn viên chùa đang phủ đầy rêu phong vì sự bào mòn của thời gian và tự nhiên. Trên tấm bia trước nghĩa trang Thái giám vẫn còn khắc dòng chữ(được dịch là): “Trong đời sống , chúng tôi tìm thấy ở đây sựyên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy được ở đây sựyên bình”. Nghĩa trang Thái giám có 23 ngôi mộ, không nằm rải rác mà được sắp xếp đối xứng trong một sân có lát gạch và tường bao quanh. Một số mộ không có tấm bia, một số không biết đã được bốc khi nào, đa phần mộ được xây cất tử tế nhưng màu thời gian đã lưu cữu lên đó một lớp phong rêu ngậm ngùi. Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 11 Âm lịch, chùa Từ Hiếu lại tổ chức lễ kỵ chung cho những ngôi mộ của nghĩa trang Thái giám.
SƠN TRANG