Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÁ CỦA…XÁC CHẾT

• Vũ Quốc Túy
Thứ năm ngày 17 tháng 3 năm 2011 3:07 PM
GIÁ CỦA…XÁC CHẾT

 Xưa có chuyện “Hai phải” kể rằng:
Nước sông lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác. Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền.Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:
-Cứ để yên.Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?
Kẻ vớt được xác thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo
-Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?
   LỜI BÀN Ngày nay, ở thành phố cũng có chuyện “Hai phải”. Có điều, “xác chết” ở đây không phải là người mà là… nhà, những “ngôi nhà siêu mỏng” “siêu méo” còn lại sau giải toả ở nơi có con đường đang cải tạo, nâng cấp. Nhờ lách luật rất… có duyên mà một số người vẫn còn ngôi nhà “mở cửa ra gặp toa-lét”, chẳng sử dụng được vào việc gì ngoài việc chắn hộ đằng sau. Chủ nhà đưa ra giá rất cao. Còn người muốn mua không ai khác ngoài chủ hộ liền kề sau lưng. Bất động sản này giữa kẻ mua và người bán đều độc quyền, rất “có giá” với người này nhưng lại “vô giá” với người khác. Việc mua bán… vô cùng khó!
     Xác người chết để lâu thối ra, còn xác “nhà siêu mỏng, siêu méo” để lâu giá có bị rẻ thối ra không? Thời gian sẽ trả lời. Hãy chờ xem
                                 
 
NÓI DỐI HAY CÙNG

Hàn Phi Tử là người đời Tần ở Trung Quốc (mất năm 223 trước công nguyên) đã viết:
Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc, vừa bán giáo. Ai mua mộc thì anh ta khoe
rằng : “Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng”. Ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng : “Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng”. Có người nghe nói hỏi rằng : “Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì thế nào?”. Anh ta không đáp ra làm sao được.

    LỜI BÀN Nhân vật trong truyện là người bán vũ khí, mộc (lá chắn) và giáo ( cây gậy vót nhọn một đầu ). Việc buôn bán phải quảng cáo hàng là chuyện cần thiết và thường tình, song nói dối hay cùng, khi bị người ta hỏi vặn lại thì tịt mít. Quảng cáo thổi phồng quá đáng, gây phản cảm đến mức khách hàng phát hiện ngay ra cái sự lừa dối đến kệch cỡm thì quả là đã trở thành phản tác dụng, lợi bất cập hại . Rồi một loạt kịch bản quảng cáo lôm côm, hình ảnh vào đề và sản phẩm cần quảng cáo chẳng ăn nhập gì với nhau, loằng nhoằng vài giây trên màn ảnh theo nhịp chạy sô của nhà đài, thiết nghĩ cũng vô tác dụng như kiểu rao hàng của anh bán vũ khí kia vậy. Ngược lại vài sản phẩm được quảng cáo có bài bản hẳn hoi thì người ta cũng cảm thấy nhà làm quảng cáo bây giờ có khi còn giỏi hơn cả…chú cuội.