Trang chủ » Tin văn và...

MẤY AI ĐÃ HIỂU PHẬN MÈO

Trần Thái Toàn
Thứ năm ngày 3 tháng 2 năm 2011 7:02 AM

Mèo hay đúng hơn là “Mèo nhà” là con vật sống rất gần gủi, thân thuộc với con người. Với tài bắt chuột, làm xiếc; với bộ dạng nhanh nhẹn, yễu điệu, gương mặt đáng yêu; nhờ tiếng kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu “meo, meo” hay “miao, miao”… nên mèo nhà được con người cưng chiều. Con mèo tùy theo cách phát âm gọi tên của từng địa phương mà mèo có tên gọi khác nhau: Mão, Mẹo, Miu, Meo, Miêu … Dù tên gọi thế nào chăng nữa khi đọc lên ai cũng biết đó là con Mèo.
Trước hết chúng tôi xin tiết lộ một số số liệu về mèo để cùng tham khảo:
- Loài mèo xuất hiện cách đây trên 70 triệu năm.
- Tuổi thọ từ 9 – 20 năm tùy theo sức khỏe và sự chăm sóc của con người.
- Nhịp tim: 140 - 220 lần/phút
- Nhiệt độ cơ thể: 38 – 39,50C.
- Nhịp thở: 24 - 42 lần/phút.
- Cơ thể mèo có 230 xương, nhiều hơn con người 24 chiếc.
- Mèo có 5 ngón chân trên mỗi chân trước, nhưng chỉ có 4 ngón trên mỗi chân sau.
- Mèo không có xương đòn, và phần lớn không có lông mi.
- Chúng là những “vận động viên” uốn dẻo siêu đẳng và có thính giác nhạy cảm hơn cả những chú cún.
- Trong những loài động vật có vú, mèo có đôi mắt lớn nhất (xét trong tỷ lệ kích cỡ cơ thể)
- Nhưng đôi mắt to tròn của chúng lại không thể nhìn xuống phía dưới mũi.
- Mèo ngủ cả ngày, có khi trên 18 giờ /ngày nên người ta hay ví những người lười nhác, ngủ ngày là “lười nhác, uể oải như mèo”.
- Tai mèo rất đặc biệt, dựng thẳng nhờ lớp lá sụn mỏng và vận động bởi 32 bó sợi cơ nhỏ, nên khi nghe tiếng động của con mồi, mèo có thể vểnh tai, mỗi vành tai vểnh theo hướng khác nhau trong khi đầu và mắt mèo nhìn về hướng khác …
Mèo là loài động vật có vú, ăn thịt, thuộc họ Mèo (Felidae), có tên khoa học là Felis silvestris (mèo rừng) hay Felis caltus (mèo nhà), thuộc bộ ăn thịt (Carnivores). Mèo có loại không đuôi và có đuôi; bộ lông một màu (nếu đen thì còn gọi là mèo mun) hay nhiều màu; nếu có ba màu thì gọi là mèo tam thể ... Tuy nhiên, mèo tam thể chỉ xuất hiện ở mèo cái, còn rất hiếm khi xuất hiện ở mèo đực.
Bộ xương sống của mèo nhỏ nên mèo có thể cuộn tròn khi nằm, nhờ xương nhỏ mãnh mai nên dáng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng trên các đệm thịt của các ngón chân; cũng như có được “phản xạ tự thăng bằng” giảm sốc khi rơi từ độ cao xuống đất. Mèo thuộc loại “ăn vụng nhất hạng”, rất thích ăn cá, thịt mỡ, khiến các bà nội trợ phải kiêng dè. Tuy mang danh là tiểu hổ, nhưng mèo trông nhu mì, tiếng kêu nho nhỏ “meo, meo” hay “miao, miao”, trừ khi nổi giận gầm gừ và rít lên. Riêng trong thời gian động dục tiếng kêu của mèo nghe rất thảm thiết, nhất là lúc đêm khuya, nghe xa xa như tiếng đứa trẻ khóc than nghe mà rợn người.
Mắt mèo có thêm mi mắt thứ ba là một loại màng mõng xuất hiện khi nào mèo mở mắt. Tầm nhìn của mèo rất rõ và đồng tử sáng về ban đêm nhờ mèo có màng trạch nên phản chiếu lại ánh sáng. Khác với mắt người có con ngươi tròn, con ngươi của mắt mèo có một dãi thị giác.
Khứu giác của mèo cũng gấp 14 lần khứu giác của người, số lượng tế bào khứu giác ở mũi cũng gấp đôi nên mèo ngửi được những mùi mà người không cảm nhận được. Mèo còn có một cơ quan đánh hơi ở vòm miệng gọi là Vomero nasal Jacobson. Vị giác của mèo tuy nhạy bén nhưng giống như thỏ, mèo không cảm nhận được vị ngọt.
Khi mèo cái nặng từ 2 kg đến 3,2 kg hay tuổi trên 4…5 tháng thì mèo bắt đầu động dục và trong thời gian này mèo có bộ lông bóng mướt, có mùi phát dục hấp dẫn mèo đực. Thời gian động dục của mèo cái kéo dài khoảng một tuần. Thai kỳ của mèo kéo dài từ 50 đến 70 ngày, một lứa thường 3-5 con và một năm mèo đẻ khoảng 4, 5 lứa. Đẻ xong, mèo tự cắn rốn cho mèo con và liếm con sạch sẻ. Mèo chăm sóc con kỷ lưỡng: cho bú, tự làm vệ sinh cho con; bảo vệ con . Khi phát hiện có người dòm ngó hay đụng chạm vào mèo con, thì mèo mẹ thường tha con đi chỗ khác. Một số mèo mẹ có phản ứng bảo vệ con quá mạnh bạo, sai lầm là ăn thịt luôn mèo con.
Mèo cũng “sáng dạ” nhờ con người luyện tập mà mèo có thể làm các động tác làm xiếc đơn giản, giật nước nhà vệ sinh, mở tay nắm cửa …
Mèo là con vật rất thân thiết, gần gủi, yêu thương với con người, mèo luôn chăm chỉ diệt chuột, giúp đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Vậy mà, điều đáng nói là trong mấy năm gần đây trên bàn nhậu, nhất là ở miền Bắc, người ta chế biến món ăn từ mèo còn gọi là “món tiểu hổ”… Thậm chí ở tỉnh Thái Bình, tiệc cưới nào sang trọng là tiệc đãi ăn toàn các món làm từ mèo. Một dạo ở các tỉnh vùng biên giới, ngoài móng trâu, người dân còn thu mua “tiểu hổ” để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khiến đồng ruộng thiếu mèo nên chuột hoành hành, phá hại làm mùa màng thất thu. Người dân ở đó lại phải mua mèo con về nuôi để diệt chuột hữu hiệu hơn là dùng hóa chất độc hại cho môi trường và con người.
Mèo là con đã đi vào ca dao, tục ngữ Việt Nam từ bao đời, Mèo được dùng để ca ngợi cũng như mĩa mai, chê bai các hạng người trong xã hội.
Ví dụ:
- “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, nói về ăn chậm, từ tốn.
- “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột” nhắc nhở mỗi người có một công việc riêng thích hợp cho từng người.
- “Mèo già hóa cáo” chỉ một người sống lâu, nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan.
- “Không biết mèo nào cắn mèo nào” ý nói mỗi người có một tài, sở trường riêng chưa biết ai hơn ai.
- “Chữ viết như mèo quào” chỉ chữ viết xấu, không đẹp, không ngay hàng thẳng lối.
-“Chó treo, mèo đậy” ý khuyên người đời đề phòng kẻ gian.
- “Chó chê mèo lắm lông” ý nói người hay chê kẻ khác mà không nhìn thấy lỗi mình.
- “Buộc cổ mèo, treo đầu chó” đề cập đến người bủn xỉn, hà tiện.
- “Đá mèo quèo chó” chỉ sự tức giận dồn nén vào người khác một cách vô lối, giống như câu “giận cá chém thớt”.
- “Mèo mù vớ cá rán” nói đến sự may mắn chợt đến với người đang túng quẩn.
- “Không có chó bắt mèo ăn cứt” ý nói buộc lòng bắt người khác làm một công việc không đúng với sở trường của họ.
- “Mèo mã gà đồng” chỉ người vô lại: trai ăn cướp, gái lăng nhăng.
- “Mèo khen mèo dài đuôi” nói đến người tự cao tự đại.
- “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” có lẽ vì do tiếng mèo kêu “ngheo, ngheo” na ná như tiếng “nghèo” nên khi có mèo hoang, mèo lạ đến nhà người ta sợ xui, mang cái nghèo đến theo nên xua đuổi mèo ra khỏi nhà.
- “Mèo con bắt chuột cống” chỉ người tuổi trẻ tài cao, làm vượt khả năng mình.
- Đặc biệt câu nói của ông Đặng Tiểu Bình biện minh cho đường lối đổi mới của chính sách Trung Quốc là “Mèo đen hay trắng, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”.
Ca dao ta có những câu vịnh mèo rất ý nghĩa như:
“Mèo tha miếng thịt xôn xao
Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”
Ý nói những người dưới cấp làm điều sai trái nhỏ nhặt thì bị phê bình gắt gao, còn những kẻ quyền hành làm những tội lỗi lớn lao thì không hề hấn gì.
Hoặc một đoạn trong bài ca dao so sánh mèo như người đàn bà đẹp được nuông chiều:
“… Con cá đối nằm trong cối đá
Con mèo cụt đuôi nằm mụt đuôi kèo
Anh có thương em thì làm giấy giao kèo
Thò tay điểm chỉ, em là con mèo của anh”
Thời còn học tiểu học, chúng ta hẵn không quên bài thơ dí dỏm nói về con mèo và con chuột: “… Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo…”
Trong nghệ thuật hội họa, mèo là nhân vật rất được ưa thích để đặc tả các tâm trạng, thời khắc khác nhau ... Đặc biệt nhất là làng Đông Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh có nghệ thuật vẽ tranh dân gian nổi tiếng từ xưa đến nay gọi là “tranh Đông Hồ”. Chủ đề về chuột và mèo là chủ đề được mọi người ưa thích trong dịp xuân về. Trong các bức tranh loại này có bức tranh “đám cưới chuột” rất là sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh.
 
Nhân vật mèo tượng trưng cho bọn quan lại, cường hào ác bá, còn họ hàng nhà chuột thì thấp cổ bé họng, mong sự yên lành. Chuột thừa hiểu muốn tổ chức an toàn đám cưới đầy đủ lễ nghi rước kiệu, có kèn có nhạc, có “võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau” thì phải vui vẻ tự nguyện mà làm hối lộ hai món mà mèo ưa thích là cá và chim trên đường đi. Chuột biết sự yên ổn của mình cần kèm theo sự vừa lòng, no đủ của mèo. Đó là tình trạng tham nhũng hối lộ, thời nào cũng có trong xã hội. Điểm đặc sắc của tranh này là thái độ lịch sự của mèo, ngồi nhận quà trong tư thế ôn hòa, đuôi quặp về phía trước dưới mông, vui vẻ đưa tay nhận “quà hối lộ” từ chuột.
Con mèo (Mão) đứng hàng thứ tư trong 12 con giáp của lịch Việt Nam, còn người Hoa không dùng con giáp Mèo mà thế vào đó là con Thỏ (một con vật may mắn … theo quan niệm của họ). Chúng ta sắp phải tạm biệt con Hổ (Dần) và chào đón còn Mèo (Mão), cầu chúc mọi người sức khoẻ như Hổ, khôn ngoan và nhanh nhạy như Mèo. Chúc cho mọi người sang năm con Mèo được an khang và hạnh phúc.

Tháng 1 năm 2011