Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ILYA EHRENBURG: -NGƯỞI “TRỞ CỜ” SỚM SỦA

Tô Hoàng
Thứ bẩy ngày 29 tháng 1 năm 2011 9:53 PM
 
  Những ngày cuối tháng 1 năm 2011 này, các trang báo mạng Nga cùng nhau đưa tin về nghiệp đời, nghiệp văn của văn hào Xô viết Ilya Ehrenburg nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của ông ( 27-1-1891-2011).
 Nhưng vì lẽ gì một ông nhà văn ở tận nước Nga bây giờ đã trở nên quá xa xôi và đã khuất núi tận từ năm 1967 cần chiếm một số dòng trên báo mạng TN.com khi còn đang đầy ắp những chuyện “nóng” vì nhân quần, nhân sinh đây? Xin không làm mất thời giờ của bạn đọc chỉ vì mỗi lý do ” nhắc xưa để nhớ tới nay”, “ trông người mà ngẫm đến ta”.
 Thế hệ I, những người lính tham gia trận đánh sông Lô, hoặc chiến dịch Cao-Bắc-Lạng và các nhà văn đàn anh của chúng ta như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài..chắc đã từng đón nhận nồng nhiệt tập bút ký “ Thời gian ủng hộ chúng ta” của Ilya Ehrenburg,qua bản dịch của nhà báo Thép Mới ngay từ thu đông 1947-1948.Muộn hơn vài năm, lớp học sinh cấp 1, cấp 2 chúng tôi cũng thuộc nằm lòng câu định nghĩa thế nào là lòng yêu nước của Ilya Ehrenburg: “ Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu ngôi nhà ta sinh ra,cái giếng nước đầu làng, con đường đổ ra bến sông…”. Vào đầu những năm 1960, đến lượt lớp thanh niên sinh viên Hà nội chúng tôi lại truyền tay nhau đọc những truyện ngắn trữ tình của nhà văn Xô viết này; tiếp tới là hai cuốn tiểu thuyết “ Cơn bão táp” và “ Paris thất thủ” của ông.
Đấy là những gì Ilya Ehrenburg viết vào những năm Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên xô chống bọn Hít le (1941-1945) và sau này trong ánh sáng niềm phấn hứng của thắng lợi Liên Xô góp công đầu trong việc đánh tan chủ nghĩa phát xít, giải phóng châu Âu vào những năm 1946, 1947…
 Những bài tùy bút hun nóng tinh thần yêu nước, lòng căm thù quân xâm lược với thứ chính luận sắc sảo mà giàu hình tượng, với chữ nghĩa được chọn lọc tinh tế, kỹ càng như vậy đã được Ilya Ehrenburg viết ngay dưới chiến hào ngoài mặt trận, dưới làn đạn của các cuộc đấu pháo đôi bên. Với tư cách là phóng viên chiến tranh cùng một lúc của những tờ báo lớn nhất của Liên xô thời đó như “Sự thật”, “ Tin tức”, “ Sao đỏ” Ilya Ehrenburg có mặt ở ngoài mặt trận, bên cạnh người lính ngay từ khi quân Đức xâm chiếm lãnh thổ Liên xô cho tận tới ngày bọn tội phạm Đức quốc xã bị điệu ra Tòa án quốc tế tại Nuyrember. Chuyện kể rằng, ở ngoài mặt trận, thiếu giấy cuốn thuốc hút, chiến sỹ sé bất cứ mảnh giấy báo nào lọt đến tay; nhưng họ không dám động tới những mảnh báo có in bài của Ilya Ehrenburg. Các ông tá, ông tướng Hồng quân, khi bị kẹt xe bởi những dòng người, dòng xe cộ chen chúc kéo ra tuyến trước, họ chỉ cần kêu to: “ Nhường đường cho xe Ilya Ehrenburg!” lập tức xe của họ chuyển bánh vượt lên. Ilya Ehrenburg đã hai lần được trao tặng Giải thưởng văn học mang tên Stalin, một lần nhận Giải thưởng Lênin vì “ những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”. Ông đã từng ngồi ghế Đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô (như Quốc hội ở ta ) tới 4 nhiệm kỳ. Từng được bầu là Chủ tịch Hội đồng hòa bình Thế giới. Từng là gương mặt trí thức Xô viết tại các hội nghị văn hóa giữa các nước Đông và Tây…
 Nhưng đến đầu những năm 1960 khi Ilya Ehrenburg tung ra cuốn hồi ký đồ sộ “ Con người, năm tháng, cuộc đời” nhà văn hầu như xuất hiện với một diện mạo khác, một tư cách khác. Trước khi cuốn hồi ký ra đời, Ilya Ehrenburg có truyện vừa “ Ấm lại” mà sau này các nhà phê bình coi như nhà văn là người đầu tiên đặt tên cho một giai đoạn lịch sử khi một luồng gió mới thổi vào xã hội Xô viết với cuộc đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân Stalin, thực hiện không khí dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt xã hội. Điều chủ đạo của “ Con người, năm tháng, cuộc đời” là một cách nhìn khác, cách đánh giá khách quan, công bằng, tỉnh táo và đương nhiên là mới mẻ, vượt qua cái hừng hực, hào hứng có phần kiêu căng, phách lối mà bảo thủ, ú lỳ của kẻ chiến thắng. Để mà nhìn lại, đánh giá lại chuyện đời, chuyện người, chuyện trong nước, chuyện thế giới, chuyện văn chương nghệ thuật, tính từ cái lễ Giáng sinh chuyển giao giữa thế kỷ 19 sang qua thế kỷ 20 xuyên qua hai cuộc Đại chiến thế giới I, II đến những sự kiện đầu tiên của năm 1960. Rồi Lênin và kế hoạch Điện khí hóa nước Nga; Hitle với âm mưu bá chủ thế giới; Stalin oai hùng trong đại bản doanh chỉ huy các phương diện quân Xô viết trên các mặt trận và các thủ đoạn tinh xảo trấn áp hay triệt hạ phe cánh đối lập. Nhà văn kể rằng không chỉ bọn phát xít Hít le bài người Do thái mà phía Xô viết  cũng không ưa gì người Do thái. Nhà văn xót thương những con người Nga trung thực, khảng khái không chịu được nỗi điếm nhục của thói “ ăn theo, nói leo” cuối cùng chết rục xương ở các trại cải tạo. Rồi tới các nhà văn hóa tên tuổi, các nhà văn cự phách của Liên Xô và của thế giới xuất hiện trong những tập niên đó. Với giới văn nghệ sỹ Xô viết ông kể  ai bị thiệt thòi, oan ức; ai cơ hội, nổi danh bằng nịnh bợ, ôm chân chứ không phải bằng văn tài thực sự…Vân vân và vân vân. Hóa ra, mặt khuất phía bên kia tấm huân chương cũng quá nhiều chuyện bất nhân, thất đức, cũng đầy rẫy tiếng kêu bị bóp cổ, cũng đẫm máu người! 
 Những chuyện Ilya Ehrenburg kể lại và lên án, sau này bước qua thời kỳ Perestroika được phanh phui, mổ sẻ tanh bành không che đậy, như là những gì phải xưng tội, phải xám hối để tẩy rửa, gột bỏ đi. Ấy vậy, vào đầu những năm 1960 với “Con người, năm tháng, cuộc đời”, phải ghi công  nhà văn vẫn là người châm ngòi bộc phá, để khai thông cửa mở dẫn tới tiến trình dân chủ hóa …  
  Thời đó, đời sống của nhân dân Liên Xô còn rất thiếu thốn; bầu không khí xã hội vẫn tù đọng theo kiểu “ ta về ta tắm ao ta”. Người ta kể lại rằng, Ilya Ehrenburg viết xong chương nào cho mang tới Đài phát thanh Tiếng nói Moskva công bố trên làn sóng điện ngay chương ấy. Và những chiếu mùa đông thời tiết mau tối, nhiệt kế tụt dưới độ âm, nhưng vừa tan ca, tan tầm những đám đông đã vội vã tìm ngay tới nơi có những chiếc loa công cộng, đứng lặng im trong cơn rét, nỗi nhọc mệt lắng nghe như nuốt từng lời Ilya Ehrenburg kể chuyện nhân tình. Để rơi nước mắt, để trút hơi thở dài, để đặt niềm hy vọng mùa xuân ấm áp sắp tới thật rồi chăng?
  Trong những chiều mùa Đông Nga rất dài, rất buồn của thời kỳ du học tại Nga vào những năm 1980, như để bù đắp, tôi đã đọc say sưa từ trang đầu đến trang cuối “ Con người, năm tháng, cuộc đời” bằng bản tiếng Nga. Rất tiếc rằng, ngoài vài chương đụng chạm tới chân dung các nhà văn Xô viết và thế giới do nhà phê bình Vương Trí Nhàn chọn dịch được đăng trên vài tạp chí văn học, còn toàn bộ cuốn Bách khoa Toàn thư văn học này( nếu có thể gọi như thế) cho tận tới hôm nay chưa tới được với bạn đọc Việt nam.
Các nhà phê bình, nghiên cứu văn học Nga trong thời kỳ sau Perestroika đã nhiều lần đề cập tới cuộc đời, văn nghiệp của Ilya Ehrenburg. Kỳ lạ thay, những đúc rút đó như có mối giây thầm kín, như có điều gì rọi chiếu tới thân phận và sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam chúng ta hôm nay.
Một câu hỏi đã bùng thành những cuộc tranh cãi. Bằng văn nghiệp Ilya Ehrenburg để lại cho cuộc đời, kể cả những cuốn tiểu thuyết dày dặn như “ Cơn bão táp”, “ Paris thất thủ” về thực chấp ông là nhà văn hay nhà báo? Ý kiến nghiêng bên này, kiến giải đổ về phía bên kia. Không có kết luận mà hầu như vẫn tìm tới sự đồng thuận. Một nhà văn sinh ra trong một thời buổi dồn dập những diễn tiến lịch sử long trời chuyển đất, làm đảo lộn nhiều lần những giá trị văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ như Ilya Ehrenburg đã từng sống, với lương tâm, với trách nhiệm của mình, họ phải và chỉ có thể viết báo ( một vài trăm chữ hoặc vài vạn chữ) và gắng gói, nỗ lực đẩy những gì đã viết vươn đến những khái quát văn chương-thế thôi! Thật đáng buồn và cũng thật bất hạnh, ngay vào những năm tháng cuối đời, khi điều nghiệm trải đã đầy ắp, tay nghề đã điêu luyện, thời gian đã có, điều kiện sống đã đỡ chật vật hơn, ấy thế mà hiện thực sôi réo phía bên kia khung cửa, cái bức xúc hàng ngày đâu buông tha nhà văn dành cho những đúc rút, khái quát mang tính trường tồn, vĩnh cửu? Lại phải ngồi vào bàn với “ Con người, năm tháng, cuộc đời”, với phân giải đúng sai, với biện minh cho điều hay, lẽ phải; biện minh cho cả những ngộ nhận, lầm lạc của bản thân!.
Vấn đề thứ hai: Từ tấm lòng yêu nước, niềm tự hào Xô viết thấm đẫm trong những bài tùy bút thời chiến tranh, trong các cuốn tiểu thuyết “ Cơn bão táp”, “ Paris thất thủ” sau này đến cuốn hồi ký” Con người, năm tháng, cuộc đời” liệu có phải là Ilya Ehrenburg đã phản bội lại Tổ quốc mình, nhân dân mình, phản bội lý tưởng mình đã lựa chọn hay không? Nói theo thuật ngữ đang thịnh hành ở Việt nam hiện nay, tức nhà văn có TRỞ CỜ hay không?
Tiếp tục bùng nổ tranh cãi. Tiếp tục phân liệt. Và không có kết luận. Và tìm tới sự đồng thuận trong im lặng. Ilya Ehrenburg cũng như mọi nhà văn khác lắng nghe nhịp đập của trái tim mình để trang trải chữ nghĩa, vui buồn, hy vọng thất vọng trên từng trang viết. Mà trái tim thì vừa tỉnh táo, lại cũng có khi có lúc mù lòa. Có điều cội nguồn rung động kia chính là số phận nhân dân của mình, sự vẹn toàn của quê hương, xứ sở. Trước nạn ngoại xâm, nhân dân không quản mọi mất mát, hy sinh giơ lưng dựng nên bức tường thành che chắn cho Tổ Quốc, nhà văn đứng về phía nhân dân, tụng ca họ. Khi đất nước đã sạch bóng thù, yên hàn trở lại, có những kẻ lợi dụng chiến thắng, đội lốt người chiến thắng, áp dụng sự chuyên chế hà khắc; sử dụng mọi trò phù thủy lừa bịp, hứa hẹn, mong bòn rút của cải xã hội, nhắm vinh thân phí gia, đẩy nhân dân vào cơ cực, bần hàn. Vào thời điểm lịch sử ấy, vẫn với lương tâm và những vui buồn do con tim mách bảo, nhà văn buộc phải lên tiếng, vạch mặt chỉ tên mọi sự thối nát, xấu xa, mọi thói dối trá, bịp bợm. Để góp phần gìn giữ miếng cơm manh áo tối thiếu hàng ngày và quyền làm người của triệu triệu người lương thiện. 
Không hề có sự phản trắc; không có trò lật lọng nào cả! Nhà văn luôn biết đưa những người lương thiện, trong sạch nhưng nghèo khổ, cùng cực vào vòng tay ôm văn chương của mình; nhà văn cũng không bao giờ chọn sai kẻ thù!
Bước ngoặt cuối đời, cũng là điều khó hiểu cuối cùng của Ilya Ehrenburg ở nước Nga hôm nay đã dễ dàng được giải mã ! 
T.P Hồ Chí Minh, ngày áp Tết Tân Mão.