Trang chủ » Tin văn và...

Sau cuộc thi sẽ là... Lễ hội "Lục bát" hằng năm!

Trần Văn Lâm
Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2009 6:29 PM

 

 

 

         Website lucbat.com mới ra đời 6 tháng nhưng đã thu hút được hơn nửa triệu lượt người truy cập. Điều đáng chú ý hơn là trang web này đang khởi xướng một cuộc thi thơ mang đậm “quốc hồn quốc túy” dân tộc có tên “Ngàn năm thương nhớ” gây sự chú ý của người yêu thơ và báo giới. Báo TT&VH vừa có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng - Chủ nhiệm website lucbat.com...

 

            *Thưa anh, điều gì khiến một webiste mới ra đời đã khởi xướng một một ý tưởng độc đáo như vậy?

 

            Khi lucbat.com mới "trình làng", nhiều người đã hoài nghi về sức sống của nó. Nhưng rồi chính tôi cũng thấy bất ngờ vì sự quan tâm của độc giả yêu thơ nhiều đến vậy. Lục bát là thể thơ truyền thống của Việt Nam, nó không chỉ là nghệ thuật, là văn hóa mà còn mang yếu tố tâm linh nữa. Người Châu Âu tự hào có  Sonne, người Nhật Bản có Haiku, người Trung Quốc có thơ Đường, người Việt Nam là thơ Lục bát (còn được gọi là thơ Sáu Tám). Nhắc đến thể thơ này, là chúng ta thường liên tưởng ngay đến Truyện Kiều, đến ca dao, tục ngữ, dân ca... Có thể nói, ở đâu có thơ Lục Bát, thì ở đó có Văn hóa Việt Nam.

 

         Cuộc thi "Ngày năm thương nhớ" vừa là dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, vừa mang ý nghĩa tượng trưng "Ngàn năm văn hóa thơ ca cội nguồn"; cho nên có rất nhiều giải thưởng:

      - Bài lục bát hay nhất viết về Thăng Long - Hà Nội

      - Bài lục bát hay nhất viết về quê hương, đất nước

      - Bài lục bát hay nhất viết về gia đình

      - Bài lục bát hay nhất viết về tình yêu

      - Bài lục bát hay nhất viết về tình bạn

      - Bài lục bát hay nhất viết về nhà trường

 

          Ngoài ra, còn có các giải đặc biệt dành cho các tác phẩm độc đáo:

      - Bài lục bát có nội dung và nghệ thuật dân gian nhất

      - Bài lục bát mang tính thời sự cập nhật đời sống nhất

      - Bài lục bát có xuất xứ tác phẩm và tác giả độc đáo nhất

      - Bài lục bát hay, dễ nhớ, dễ thuộc nhất, được bạn đọc bình chọn

 

            * Với một cuộc thi mang ý nghĩa lớn như vậy, chắc chắn phải có một Ban tổ chức và Giám khảo tầm cỡ? Các anh đã chuẩn bị đến đâu rồi?

 

            Lúc đầu, chúng tôi định công bố trước Ngày Thơ Việt Nam năm Kỷ Sửu. Nhưng sau quyết định lùi lại để chuẩn bị cho kỹ hơn. Hiện chúng tôi đang vận động thành lập một Ban tổ chức gồm những người tâm huyết với Lục Bát: Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Tổng biên tập báo GĐ&XH; TS. Nguyễn Danh Bình, Quyền Tổng biên tập báo GD&TĐ; Nhà thơ Vũ Duy Thông, Phó tổng biên tập website ĐCSVN; Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ; Nhà thơ Trương Nam Hương, Uỷ viên BCB Hội Nhà văn TP. HCM;  nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi... Ngoài ra, chúng tôi dự kiến còn mời tiếp một số cơ quan báo chí và Ban Văn nghệ của một số Đài PT-TH cùng tham gia. Ban giám khảo là một số nhà thơ Hội viên Hội Nhà Việt Nam văn có uy tín về lục bát.

 

            Dự kiến cuộc thi sẽ phát động vào trước ngày mùng 10 tháng 3, kết thúc trao thưởng vào ngày mùng 6 tháng 8 cùng năm Kỷ Sửu. (Tất cả đều tính theo lịch âm).

 

           * Tại sao các anh lại chọn ngày 10 tháng 3, mùng 6 tháng 8 và không tính theo lịch dương? Hình như đó cũng là cái "khác lạ" của cuộc thi này?

 

           Vì Lục Bát gắn liền với văn hóa truyền thống của dân tộc ta, là thể thơ mang tính cội nguồn và tâm linh nữa, nên chúng tôi quyết định tính theo âm lịch. Lễ ra mắt được chọn đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương thiêng liêng, hướng về cội nguồn. Kết thúc trao giải vào ngày mùng 6 tháng 8 cũng là ngày "Lục bát". Thực ra, việc tổ chức một cuộc thi thơ Lục Bát cũng là bình thường, nhiều nơi đã làm. Nhưng cái "đích" và mong ước của chúng tôi là tạo ấn tượng qua sự kiện này, để từ đó xây dựng một Ngày hội của những người yêu thơ Lục Bát trên khắp thế giới. Và cao hơn nữa là "Lễ hội Lục Bát" mùng 6 tháng 8 hằng năm. Dĩ nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, còn rất nhiều công việc phải làm và nhiều người yêu Lục Bát, trân trọng văn hóa truyền thống dân tộc cùng tham gia...

Theo Trần Văn Lâm

(Thể thao & Văn hóa