Trang chủ » Tin văn và...

"HỎI ĐÁP VỀ NHỮNG NGÔI ĐÌNH NỔI TIẾNG Ở VIỆT NAM"*

Đặng Việt Thủy
Thứ ba ngày 21 tháng 12 năm 2010 7:13 PM
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, từ bao đời nay, bên cạnh những ngôi chùa, đình và đền đã gắn với tín ngưỡng và đời sống tâm linh, với văn hóa và kiến trúc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đình là kiến trúc lớn nhất làng, là ngôi nhà công cộng của làng xã Việt Nam. Nơi đây có ba chức năng được thực hiện: tôn giáo, hành chính và văn hóa. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thư¬ờng là một vị nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là "Thành hoàng" làng. Tại nhiều làng, ngoài vị Thành hoàng chính thờ tại đình, còn thờ các vị khác tại các đền (đền thư¬ờng nhỏ hơn đình). Về chức năng hành chính, đình là nơi để họp bàn các "việc làng" để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng văn hóa, đình là nơi biểu diễn các kịch hát như¬ hát chèo, hay "hát cửa đình" - Một hình thức ca nhạc rất phát triển trong những thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các cuộc vui chơi… Những cuộc tế lễ chung của dân làng đều cử hành tại đình, những hội hè đình đám đều được tổ chức tại đình. Trong thực tiễn, các chức năng của đình không tách bạch mà đan xen, hòa quyện với nhau.
Vì vậy, có thể coi đình là một nhà thờ, một tòa thị chính, một trung tâm văn hóa cộng đồng của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hóa làng Việt Nam.
Mỗi làng đều có một ngôi đình, cũng có khi hai, ba làng dựng chung một ngôi đình. Tên gọi của đình bắt nguồn từ tên gọi dịch đình, đình trạm. Đây là dạng kiến trúc đ¬ược dựng lên ở mỗi cung độ đ¬ường, để đón nhà vua đi tuần du và khách bộ hành có chỗ nghỉ ngơi. Vào thời vua Trần Thái Tông (1225-1258), nhà vua xuống chiếu hễ nơi nào có dịch đình, phải tô t¬ượng Phật đặt thờ trong đó, để đáp ứng nhu cầu mở rộng Phật giáo lúc bấy giờ. Sang thời Hậu Lê, ruộng đất tư hữu phát triển, vai trò các làng được cố kết, mở rộng thêm, nhu cầu về ngôi đình chung tăng lên. ở nơi nào thuận tiện cho việc đi lại chợ búa phát triển, ngôi đình trạm biến thành ngôi đình chợ, ngôi đình trạm nào gần làng thì biến thành ngôi đình làng, hoặc làng dựng những kiến trúc riêng của làng gọi là đình làng để làm nơi thờ thần và họp làng. Cũng có tr¬ường hợp ngôi đình trạm biến thành ngôi chùa.
Thần thờ trong các ngôi đình làng ng¬ười Việt là thần sông, thần núi, thần là vị có công đánh giặc, là tổ nghề, là ng¬ười lập ra làng, có sự tích cụ thể. Cũng từ thời Hậu Lê, nhà nước phong kiến bắt đầu sắc phong cho các thần ở các làng, gọi chung là thần Thành hoàng. Đình làng là một sáng tạo về kiến trúc dân dã của ngư¬ời Việt, nó đã ăn sâu vào tình cảm của dân tộc nh¬ư một biểu t¬ượng về quê hương. Ca dao có câu: "Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói th¬ương mình bấy nhiêu"…
Từ xa xưa, ng¬ười nông dân Việt Nam đã dành cho đình làng những tình cảm tốt đẹp nhất. Họ tập trung mọi nguồn tài sản, vốn liếng có thể huy động được để xây dựng ngôi đình quê h¬ương thành một khối kiến trúc lớn nhất làng mình. Chùa làng, tuy có thể có quy mô và kết cấu phức tạp, như¬ng không thể có những chiếc cột to bằng cột đình. Trong tiếng Việt, đã xuất hiện từ "tày đình", vốn có nghĩa là to bằng ngôi đình, để chỉ những hiện t¬ượng lớn lao. Nhưng đình không chỉ có kiến trúc lớn mà còn là kiến trúc thiêng liêng. Vì vậy, đất dựng đình vô cùng quan trọng. Vị trí của đình là tùy theo đất dựng đình, được chọn theo quan niệm "phong thủy" trong tín ng¬ưỡng truyền thống. Đất dựng đình phải được lựa chọn cẩn thận, nếu chọn sai có thể ảnh h¬ưởng đến cả cộng đồng, như dân làng bị bệnh tật hay hỏa hoạn… Vì "Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt riêng mình em đâu".
Kiểu dáng của đình cũng thật đa dạng. Trên đất nước ta, từ Bắc vào Nam, kiến trúc của đình biểu hiện rõ nét tính địa phương, tính vùng miền. Tính địa ph¬ương này còn chịu tác động của các kiến trúc tôn giáo khác như¬ đền, chùa và kiến trúc dân dụng. Mặt khác, kiến trúc đình còn có sự thay đổi qua thời gian và không gian. Trong l¬ưu vực sông Hồng ở Bắc Bộ, hiện nay còn l¬ưu giữ được những ngôi đình có niên đại sớm nhất nước ta. Theo dặm dài lịch sử, khi ngư¬ời Việt thiên di đến những vùng đất mới ở ph¬ương Nam, ngôi đình đã cùng đi theo với họ. Các ngôi đình ở miền Trung dù được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau, nh¬ưng vẫn có những nét kiến trúc giống nhau, tạo thành đặc điểm khu vực riêng biệt, khác hẳn với kiến trúc đình miền Bắc. Đình ở Nam Bộ lại có những đặc điểm khác. Mặt bằng kiến trúc và đơn nguyên kiến trúc ở các đình Nam Bộ đa dạng hơn các đình ở Bắc Bộ và Trung Bộ. ở đây có những chức năng đặc biệt mà đình miền Bắc hay đình miền Trung không có như nhà võ ca…
Nghệ thuật điêu khắc ở đình làng, nhất là đình làng miền Bắc, hết sức phong phú và đặc trưng cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trong lịch sử. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền hay các kiến trúc tôn giáo khác, nh¬ưng không ở đâu nó được thể hiện đậm nét và đẹp nh¬ư ở đình.
Nghiên cứu và tìm hiểu về những ngôi đình đã được xây dựng từ bao đời nay trên đất nước ta cũng chính là góp phần hiểu rõ thêm về bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn các di sản lịch sử văn hóa, trong đó có các ngôi đình là một trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, là niềm tự hào của nhiều thế hệ nối tiếp nhau và của mỗi ng¬ười dân đất Việt.
Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách "Hỏi đáp về những ngôi đình nổi tiếng ở Việt Nam". Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích về hơn 350 ngôi đình ở các vùng miền trên đất nước ta.
Do nguồn tài liệu không đầy đủ và sơ l¬ược, khả năng của những ngư¬ời biên soạn còn hạn chế, cuốn sách chư¬a giới thiệu hết được các ngôi đình nổi tiếng ở nước ta. Hy vọng lần xuất bản sau, chúng ta sẽ được giới thiệu đầy đủ hơn về những ngôi đình nổi tiếng ở Việt Nam.
ĐẶNG VIỆT THỦY
(23, Lý Nam Đế, Hà Nội)