Trang chủ » Tin văn và...

CỨ NHƯ THỜI MẸ ĐỐP

Theo VNN
Thứ hai ngày 20 tháng 12 năm 2010 2:29 PM
TNc: Có rất nhiều Ban này, Hội đồng kia ăn lộc dân mà công tác tuyên truyền cổ động như hồi thế kỉ trước. Hỡi các vị có nên nhìn lại mình không ???
 
 Ở câu chuyện băng rôn, về cơ bản ta vẫn theo phong cách tuyên truyền cổ động vào giữa thế kỷ 20, tức là thời kỳ đang làm Cách mạng, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Những người làm văn hóa bây giờ vẫn làm những tuyên truyền đó mang tính chính trị thuần túy và quên đi rằng để phục vụ mục tiêu chính trị cũng rất cần cái “design”, nó tinh tế, thuyết phục, nó đập vào mắt người ta và đi vào lòng người.
Toàn xã hội đã thay đổi rồi, đã bước sang thế kỷ 21 mà cách cổ động, tuyên truyền vẫn cứ dừng ở những năm 1945, 1954, chỉ thay đổi vài câu chữ. Có những câu chữ thậm chí giữ nguyên phong cách của nửa thế kỷ trước. Về hình thức thì thực sự hoàn toàn vẫn dừng ở đó. Mọi người vẫn thấy các băng rôn là phải treo ngang đường phố.
Ngày xưa là cái cổng làng, nó nhỏ thôi, và ở ngoài đường người ta đi bộ. Nhưng nay làng xã đã to rồi, người ta cũng không chỉ đi bộ nữa. Toàn bộ cuộc sống đã thay đổi, đường xá đã là những con đường từ 2 đến 5, 6 làn đường, nó quá to đi rồi, nhưng tư tưởng và cách làm băng rôn vẫn theo kiểu cũ.
Những người làm công tác tư tưởng tuyên truyền trước kia đi bộ ăn cơm nắm, nay đã đi ô tô ở nhà lầu, tại sao lại áp đặt những kinh nghiệm đã làm từ 50 năm trước.
Ngày ấy không có gì nhưng giờ ta đã giàu có, đã tiêu nhiều ngàn tỉ cho lễ hội Thủ đô, nhưng không một ai thiết kế cho những design tuyên truyền cổ động một cách bài bản, văn minh, để tạo ra bộ mặt Hà Nội cho đẹp, xứng tầm thế kỷ 21. Văn hóa Hà Nội cần những người thiết kế mang tính quảng bá một cách chuyên nghiệp, chứ không phải làm những tuyên truyền mang tính chính trị thuần túy, rầm rộ nhưng ít vào lòng người.
Hà Nội sâu sắc, Hà Nội đẹp nhưng đừng áp đặt suy nghĩ, tình cảm cho người ta, mà phải làm những design, sao cho nhìn vào đó người ta tự thấy tự hào, vui sướng và thương yêu.
Cứ ngày kỷ niệm lớn là trưng các khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng. Đó là câu chuyện của 50, 60 năm trước khi tôi mới đẻ ra. Bây giờ khía cạnh nào của xã hội cũng đa dạng, thẩm mỹ của mọi người cũng đã đổi thay và rất phong phú. Vậy tại sao tuyên truyền của ta cứ chỉ một mô hình, một dạng, một mầu sắc không thay đổi.
Dù là thông điệp kinh doanh hay chính trị nhưng đều phải có cái thủ pháp nghệ thuật. Cái thủ pháp đó liên quan đến thị hiếu thời đại, trong đó có thị hiếu về đồ họa, về graphic, về màu sắc, kiểu chữ, cỡ chữ, lời thông điệp, vị trí của những băng rôn biểu ngữ ở đâu là thích hợp nhất, ở đâu là phản cảm. Mọi thứ đều cần tính toán kỹ.
Có ai chỉ đạo câu chuyện đó không, hay họ lười quá, hay họ không chịu sáng tạo, hay họ không có tiền? Không có tiền thì trích bớt một phần nho nhỏ trong hàng ngàn tỉ kia cho những sản phẩm này.
Bởi vì tất cả những chuyện hay, dở ấy không có ai phê bình, không ai bình luận cả. Cứ kỷ niệm lớn thì trương khẩu hiệu. “Cờ, đèn, kèn trống”, làm đủ 3 thứ này là hoàn thành nhiệm vụ.
PGS,TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia