Trang chủ » Tin văn và...

UÔNG TRIỀU với “Những pho tượng đá ở Yên Tử”

Thảo Nguyên
Thứ sáu ngày 3 tháng 12 năm 2010 6:24 AM

Sau tập truyện ngắn đầu tay: Đôi mắt Đông Hoàng, nhà văn Uông Triều tiếp tục ra mắt độc giả tập tiểu luận- khảo cứu  mang tên Những  pho tượng đá ở Yên Tử.  Đây là tập sách viết về con người, phong tục tập quán, lễ hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử … của tỉnh Quảng Ninh. Tập sách là tập hợp các bài viết chọn lọc của anh đã đăng trên mục Đất Quảng Ninh, người Quảng Ninh của báo Quảng Ninh trong nhiều năm. Đây có thể xem là cuốn cẩm nang cho những ai muốn khám phá nét độc đáo, vẻ đẹp văn hóa của vùng đất địa đầu Tổ Quốc. Tuy mới dùng lại ở những bài viết mang tính giới thiệu và cảm nhận dựa trên tư liệu lịch sử và điền dã nhưng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của một người viết trẻ.

vspace=12

Những tâm huyết của anh được bộc bạch trong lời mở đầu tập sách: “Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, là quê hương của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi có vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên thế giới, có sông Bạch Đằng vĩ đại, ba lần ca khúc khải hoàn trong lịch sử  đấu tranh dân tộc. Vùng đất Đông Bắc vừa có núi non, biển đảo, đồng bằng với một không gian văn hoá đa dạng, phong phú, như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét “ hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ”.  Cuốn sách tập hợp những bài viết về văn hoá truyền thống Quảng Ninh với những chủ đề cụ thể, tiêu biểu như: Tượng phật chùa Quỳnh Lâm – đệ nhất An Nam tứ đại khí, Thành nhà Nguyễn, Bích Động thi xã, Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa, Tín ngưỡng thành hoàng ở Quảng Ninh…là những lát cắt tìm hiểu  cội nguồn văn hoá truyền thống vùng Đông Bắc. Mong rằng cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo về vùng đất địa đầu tổ quốc dành cho bạn bè xa gần yêu mến vùng đất Quảng Ninh thân yêu”.

Điểm hấp dẫn của cuốn sách là hơi hướng tự sự đan xen cảm xúc riêng tư lồng vào khung cảnh người xưa, việc cũ, ví như đoạn trong bài Phố xưa Quảng Yên: “Tôi cứ lang thang dọc theo những con phố xưa, lòng tự hỏi không biết nơi đâu nữ sĩ Xuân Hương và Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển đã từng sinh sống. Ít những biết rằng nữ sĩ tài ba họ Hồ đã từng có những năm tháng sống ở Quảng Yên khi lấy chồng là tham hiệp trấn Yên Quảng. Trần Phúc Hiển làm Tham hiệp trấn Yên quảng từ năm 1813 đến năm 1818, trong thời gian này Xuân Hương đã đến Quảng Yên, giúp chồng công việc hành chính ở công đường.  Không biết nữ sĩ có vào chợ Rừng để ngắm cảnh buôn bán nhộn nhịp hay ra Bến Ngự mà hóng gió mịt và đã từng thưởng thức món nem chua nổi tiếng hay chưa?” Điều đó chứng tỏ Uông Triều đã “phục cổ ” đâu chỉ băng lí trí?

Sách do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin và Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết xuất bản. Sau tập tiểu luận- khảo cứu này, nhà văn Uông Triều sẽ ra mắt tiểu thuyết đầu tay.

Thảo Nguyên