Trang chủ » Tin văn và...

THƯƠNG TIẾC NỮ THI SĨ NGA VĨ ĐẠI BELLA AKHMADULINA

Theo đài Tiếng nói nước Nga
Thứ ba ngày 30 tháng 11 năm 2010 8:23 PM
Tại Matxcơva, nữ thi sĩ Nga vĩ đại Bella Akhmadulina vừa qua đời, thọ 74 tuổi. “Xin đừng khóc thương tôi”, - câu thơ đó được lặp đi lặp lại trong bài thơ của bà nhan đề “Lời khẩn cầu”, nhưng giờ đây, lời khẩn cầu đã không còn có tác dụng nữa…
Tin buồn này chấn động trái tim hàng ngàn người, và không chỉ ở Nga mà thôi: thơ của Bella Akhmadulina được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. “Từ lâu, những bài thơ đó đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền thơ ca Nga”, - bộ trưởng văn hóa Nga Aleksandr Avdeev đã nói như vậy khi đánh giá về sự nghiệp sáng tác của Bella Akhmadulina. Nhà đạo diễn sân khấu kiệt xuất Yuri Liubimov thì cho rằng “Những nhà thơ kì lạ như Akhmadulina hiếm khi xuất hiện trên Trái Đất”.
Nhà thơ Nga nổi tiếng Evgheny Evtushenko không dấu được sự tiếc thương lớn lao khi nói về sự ra đi của Bella Akhmadulina:
“Nước Nga mất thêm một thi sĩ vĩ đại, một người thừa kế xứng đáng của  Anna Akhmatova và Marina Tsvetaeva. Bella là tấm gương trung thành không chỉ đối với thơ ca, bà còn là tấm gương về tinh thần công dân cao cả. Bà luôn luôn đấu tranh không sợ hãi để bênh vực tất cả những ai lâm nạn”.
Ngay từ thập niên 60, trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp sáng tác, tại thành phố Matxcơva quê hương, Bella Akhmadulina đã chiếm được cảm tình của độc giả, hay nói đúng hơn là thính giả của mình. Tốt nghiệp Trường viết văn Matxcơva mang tên Maksim Gorki, danh tiếng Bella Akhmadulina nổi lên cùng với các nhà thơ cùng thời như Evgheny Evtushenko, Robert Rozhdestvenski, Andrei Voznesenski và Bulat Okudzhava. Những dạ hội thơ chung của họ đã diễn ra trên dân khấu lớn, thậm chí trên sân vận động, gây nên sự “bùng nổ thơ ca” trong nước. Và chẳng bao lâu sau, như nhận xét của nhạc sĩ Kozlov, “với sự hài hòa hiếm có giữa dung nhan, tài năng và trí tuệ” của mình, Bella Akhmadulina trở thành nhân vật trung tâm và thần tượng thời đại. Bella Akhmadulina  đọc thơ với chất giọng trong và cao, mà người nghe gọi là “tiếng bạc”. Hôm nay, nhớ lại chuyện đó, nhà thơ Evgheny Bunimovich ghi nhận rằng “Bà may mắn có giọng đọc thơ đặc biệt trong trẻo và đã giữ được chất giọng đó cho đến cuối đời”.
Trong số những người đánh giá cao sự nghiệp thơ ca của Bella Akhmadulina, có giám đốc Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Matxcơva Irina Antonovna. Nói về nữ thi sĩ, bà Antonovna nói với niềm tiếc thương sâu sắc: “Cùng với Bella Akhmadulina, chúng ta mất đi cả một thế giới thơ ca không bao giờ lặp lại, không hề giống bất cứ ai trong thế giới ngôn từ của chúng ta. Bà mất đi, mang theo mình vẻ đẹp kì lạ, chói sáng lên bởi sự thuần khiết thanh cao. Bella Akhmadulina  là một phụ nữ mỏng manh và dịu dàng, đồng thời bà cũng là người có nội tâm vô cùng cứng cỏi”.
Tại một trong những cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng, Bella Akhmadulina  đã nói: «Tôi có thái độ rất nghiêm chỉnh đối với những gì mình viết ra, nhưng có một số sáng tác đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc”. Có lẽ, trong đời bà, những niềm hạnh phúc như vậy nhiều hơn so với bất hạnh. Mặc dù Bella Akhmadulina  không hề được số phận nuông chiều. Cũng giống như nhiều nhà thơ Nga, bà từng phải gánh chịu sự ruồng bỏ của chính quyền. Đầu thập niên 1980, do sự bênh vực công khai của bà đối với những người chống đối chế độ xô viết, vì sự hợp tác với Almanakh văn học “Metropol”, tác phẩm của bà bị cấm in ở trong nước. Nhưng điều đó không khiến cho bà thay đổi, bởi vì khó có thể lay chuyển được một người quan niệm rằng “nếu nhà thơ phạm lỗi, vờ vĩnh hoặc đơn giản là không làm được việc tốt nào đó, thì ngôn từ có thể từ bỏ nhà thơ ra đi, mà đối với nhà thơ thì sự trừng phạt đó là nặng nề nhất”.
Giờ đây, chính Bella Akhmadulina đã từ giã cuộc đời ra đi. “Thật khó mà chấp nhận sự mất mát này!” - đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Edgar Riazanov chia sẻ. - Ở đâu từng có Bella Akhmadulina, nơi bà từng mang lại cho ta niềm vui, ở đó bây giờ chỉ còn sự bất hạnh và trống rỗng”…
Theo đài Tiếng nói nước Nga
(www.vietnamese.