Hai cây cầu Ngòi Môn và Khuôn Khính trên đường Tân Trào - Kim Quan vững vàng trong những trận lũ quét, minh chứng cho nỗi oan khuất của vị cựu binh Nguyễn Duy Huân (sinh năm 1944, phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang). Hơn chục năm qua, có tới hàng triệu người khách về thăm lại An toàn khu Tân Trào - Việt Bắc nhưng ít ai biết đến số phận của người cựu binh đã vắt kiệt sức lực, mồ hôi để tạo nên 2 cây cầu vững chãi, nhưng lại bị các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang vùi dập.
Từ gánh đá xây cầu…Năm 1994, UBND tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Trào - Kim Quan để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế, đón những đoàn khách về thăm lại căn cứ địa cách mạng Tân Trào và góp phần phát triển kinh tế của hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn. Ngày 7-12-1994, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 (QK2) có công văn số 409/BTL gửi Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xin thầu thi công công trình đường Tân Trào - Kim Quan…
Ngày 19-12-1994 UBND tỉnh Tuyên Quang có thông báo số 860/TB, giao cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang kí hợp đồng với QK2 thi công tuyến đường nói trên. Cùng ngày, ông Trần Đắc Diễn, Giám đốc Ban Quản lí công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đã kí hợp đồng số 31, giao cho Công ty Tây Bắc (QK2) thi công tuyến đường Tân Trào - Kim Quan, trong đó có 2 cây cầu Km 9+053 và cây cầu km 9+775.
Ngày 26-12-1994, Bộ Tham mưu QK2 kí hợp đồng số 1166-TM giao cho ông Hà Trung Tuyến đại diện đội cầu của Cty Công trình 134, Bộ Giao thông vận tải thi công 2 cây cầu nói trên, với điều kiện trích nộp 16% giá trị công trình được quyết toán cho QK2. Ngày 4-1-1995 ông Hà Trung Tuyến kí hợp đồng giao cho ông Dương Hải Viễn thi công phần hạ bộ của 2 cây cầu, với thoả thuận ông Viễn phải trả cho ông Tuyến 30 % tổng giá trị được quyết toán. Đó là một phần bản Cáo trạng số 60, do Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tuyên Quang kí ngày 4-5-1998; Cáo trạng số 16/KSĐT do Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Sơn kí ngày 12-4-2001;
Ông Viễn định không trực tiếp thi công, nên thuê ông Nguyễn Duy Huân thi công, với điều kiện ông Huân phải trả cho ông Viễn 35% tổng giá trị quyết toán phần hạ bộ hai cây cầu trên. Nhưng sau đó ông Huân và ông Viễn thoả thuận lại, theo đó cả hai cùng liên kết thực hiện. Ông Huân cùng gia đình cơm đùm, cơm nắm vào công trường để chuẩn bị thi công. Ít lâu sau, thấy việc thi công khó khăn, ông Viễn bỏ cuộc, khiến ông Huân cùng gia đình cũng ngậm ngùi cuốn gói theo! Thời điểm đó, Cty cầu 134 có nguy cơ thực hiện không đúng tiến độ theo hợp đồng đã kí với QK2. Vì vậy, ông Hà Trung Tuyến đã thoả thuận và khoán thầu cho ông Huân cùng nhóm thợ của ông trực tiếp thi công phần việc mà ông Viễn nhận trước đó. Ông Huân được ông Tuyến giao phụ trách nhóm thợ, lo hậu cần và mua nguyên vật liệu làm cầu. Vì đây là tuyến đường quan trọng nên trong quá trình thi công, tổ thợ của ông Huân thường xuyên được chỉ đạo kỹ thuật của Cty 134, giám sát kĩ thuật của Sở Xây dựng Tuyên Quang (XDTQ) và Bộ Tư lệnh QK2.
…Đến bị gán tội danh
Sau gần 1 năm đầu tắt mặt tối, cuối năm 1995, đường Tân Trào - Kim Quan cùng 2 cây cầu đã hoàn tất, Sở Xây dựng Tuyên Quang thẩm định kỹ thuật và thanh lí hợp đồng với chủ thầu QK2. Ông Nguyễn Duy Huân chưa kịp “xả hơi” sau chuỗi ngày mệt nhọc bao lâu thì sóng gió đã “gõ cửa”gia đình ông.
Nguồn cơn từ ông Phạm Xuân Lập, một cán bộ kĩ thuật và là bạn của ông Huân (cũng là người còn nợ gia đình ông 14 triệu đồng) tố cáo ông Huân tham ô xi - măng bằng thủ đoạn độn đá hộc vào bê tông đổ mố cầu. CQĐT- Công an tỉnh Tuyên Quang không cần điều tra, xem xét, lập tức ra Quyết định khởi tố ông Huân 2 tội danh: “Tham ô” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi ông Huân không phải là người thực hiện các giao dịch, kí hợp đồng thầu và quyết toán công trình. Vì thế không thể buộc ông Huân vào 2 tội danh đó, Cơ quan điều tra tỉnh Tuyên Quang đổi tội danh của ông thành “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ở vụ án này, cơ quan điều tra Tuyên Quang bỏ qua quy định của pháp luật, khi không chỉ ra được người hoặc đơn vị nào bị lạm dụng. Và ông Nguyễn Văn Huân bị bắt tạm giam tổng cộng 17 tháng 3 ngày.
Ngày 4-5-1998, VKSND tỉnh Tuyên Quang ra cáo trạng số 60/KSĐT buộc tội ông Huân “độn đá hộc vào mố cầu để chiếm đoạt 76,77 tấn xi - măng”, trong khi theo quy chuẩn xây dựng, hạng mục các mố cầu mà ông Huân thi công chỉ được chủ đầu tư quyết toán có 72,53 tấn xi - măng. Mặc cho sự vô lí đã lên đến đỉnh điểm, toàn bộ chứng từ thanh quyết toán đều không liên quan đến ông Huân, nhưng TAND tỉnh Tuyên Quang vẫn xử phạt ông Huân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mãi đến ngày 3-2-2001, VKSND tỉnh Tuyên Quang mới chịu thừa nhận sự vô lí trong lời buộc tội của họ bằng quyết định số 55/KSĐT, thu hồi cáo trạng số 60/KSĐT cùng lời buộc tội … “làm cầu bằng đá hộc” đối với ông Huân. Song, ông Huân lại bị kết tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và vụ việc được giao cho VKSND huyện Yên Sơn thụ lí, giải quyết.
Án oan vì đá … nặng như đá
Ngày 12-4-2001, ông Phùng Tiến Quân-Viện trưởng VKSND huyện Yên Sơn (trước là Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Tuyên Quang, phụ trách vụ án này) đã kí cáo trạng 16/CSĐT, buộc tội ông Huân là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vì đã có hành vi gian dối “độn đá hộc vào bê tông”, để chiếm đoạt 24 tấn xi - măng và lập biên bản nghiệm thu khống để quyết toán 99 ca máy bơm nước, tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Theo lập luận của ông Phùng Tiến Quân, thì ông Huân đã mua 1.403m3 đá hộc, trong khi đá sử dụng được quyết toán là 1.253m3, chênh lệch thừa 167m3. Ông Quân cho rằng, số đá này ông Huân đã “nhồi” vào các mố cầu để rút ra 24 tấn xi - măng (theo kết luận giám định số 37 ngày 25-12-1998 của Sở Xây dựng Tuyên Quang). Ngày 1-8 và 19-10 năm 2001, TAND huyện Yên Sơn tuyên phạt ông Huân 18 tháng tù giam, buộc phải bồi thường hơn 28 triệu đồng. Ngày 19-12-2001, TAND tỉnh Tuyên Quang xử phúc thẩm, điều chỉnh mức phạt còn 17 tháng 3 ngày tù giam (đúng bằng thời hạn ông Huân bị tạm giam)!
Tuy nhiên, trong hơn 4 năm tiến hành điều tra, những lời buộc tội vô lí của các cơ quan tố tụng Tuyên Quang đã “lộ diện”. Chỉ dựa vào những lời khai vô căn cứ, cũng như cách điều tra rất “số học”, đó là từ số đá hộc chênh lệch để buộc tội ông Huân, không hề thuyết phục bằng bất cứ chứng cứ khoa học nào. Bất chấp trong 1.403m3 đá hộc ông Huân mua có 160m3 đá kém chất lượng, không dùng làm cầu được, nên ông Huân đã bán lại cho Sư đoàn 316-QK2 để dùng vào việc khác. Điều này đã được Thượng tá Hà Xuân Lộc, chỉ huy đơn vị xác nhận ngày 20-8-1998.
Trước nỗi oan của ông Huân, ngày 17-12-2002, trước phiên toà phúc thẩm, Thiếu tá Hoàng Hải Hồng, người trực tiếp mua số đá của ông Huân đã viết giấy xác nhận việc mua 160m3 đá của ông Huân là có thật. Thế nhưng, TAND tỉnh Tuyên Quang vẫn bỏ qua chứng cứ này, để kết tội ông Huân độn đá hộc vào bê – tông móng cầu, để chiếm đoạt xi - măng. Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Thanh Kính bào chữa cho ông Huân đã phát hiện trong hồ sơ vụ án không có bản giám định số 37 ngày 25-12-1998 của Sở Xây dựng, mà các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang căn cứ vào đó để kết tội ông Huân. Ngày 19-12-2001, ông Phạm Văn Bóng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang khẳng định, cơ quan này không ban hành văn bản số 37 (ngày 25-12-1998)!? Nếu như vậy, thì đây là chứng cứ “ảo” được ngụy tạo để buộc tội ông Huân. Chưa hết vô lí, ông Huân còn bị TAND tỉnh Tuyên Quang quy kết chiếm đoạt 8,4 triệu đồng tiền 99 ca máy bơm nước, trong khi ông phải còng lưng tát nước thay cho bơm, thì quả là đau xót!
Một điều vô lí nữa là, chính Sở Xây dựng Tuyên Quang, được các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang xác định là người bị hại mà, phát biểu trước tòa rằng: Tiền mà Nhà nước giao cho Sở Xây dựng đầu tư làm đường, làm cầu đã được thanh quyết toán đầy đủ cho Ban Quản lí QK2 (chủ thầu), khi nhà thầu bàn giao công trình đúng, đủ kĩ thuật cho Sở Xây dựng. Sở Xây dựng không có thiệt hại gì và không có căn cứ nào để đòi ông Huân phải bồi thường. Lập tức đại diện đơn vị này bị Toà “doạ” rằng phải chịu trách nhiệm nếu từ chối “thiệt hại”, nên đành để toà muốn quyết sao cũng được.
Hai cây cầu Ngòi Môn, Khuôn Khính đã được thử tải, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình GTVT (viện Khoa học Công nghệ GTVT) giám định nhiều lần và kết luận là đúng tiêu chuẩn kĩ thuật. Ngoài ra, cho đến giờ, cầu Ngòi Môn, Khuôn Khính vững vàng hơn bao cây cầu khác bị lũ cuốn đi là minh chứng rõ ràng nhất về chất lượng công trình. Sự trơ gan của 2 cây cầu cũng là chứng cứ thuyết phục, minh oan cho người cựu binh trước lời buộc tội của các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang. Thế nhưng, song song với sự tồn tại của cây cầu, còn đó sự oan khuất của người thợ Nguyễn Duy Huân là điều không thể chấp nhận. Đáng lưu ý hơn, việc tắc trách của Viện KSND Tối cao trong văn bản báo cáo QH do nguyên Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Hiện kí ngày 8-7-2004 nặng tính bao che, dung túng càng là điều khó chấp nhận.
Có bao che cấp dưới, báo cáo “qua loa” với Quốc hội?Tại Văn bản số 224/2004?HS do nguyên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện kí, trả lời Công văn số 515?UBPL 11 (ngày 20-4-2004) của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội khoá XI thông báo ý kiến Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xem xét lại việc kết án Nguyễn Duy Huân tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại tỉnh Tuyên Quang cho thấy sự thiếu khách quan, dựa vào cấp dưới để ra văn bản báo cáo Quốc hội. Cụ thể: Căn cứ vào hồ sơ và thực tế vụ án cho thấy, sau khi Uỷ ban tỉnh Tuyên Quang giao cho Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang kí hợp đồng với Quân khu II thi công tuyến đường Tân Trào-Kim Quan, thì Bộ Tham mưu Quân khu II đã kí Hợp đồng kinh tế số 1166/TM (ngày 26-12-1994) giao cho ông Hà Trung Tuyến-đội trưởng đội cầu 1 thuộc Công trình giao thông 134-Bộ Giao thông Vận tải và thoả thuận ông Tuyến phải trả Quân khu II 16% giá trị quyết toán hai cây cầu. Và thực tế Quân khu II đã thu của ông Hà Trung Tuyến 135.725.609 đồng. Như vậy, Toà án Nhân dân Tối cao cần xem xét lại đối tượng (A-B) của bản hợp đồng này, đồng thời làm rõ thoả thuận ông Tuyến phải trả Quân khu II 16% giá trị quyết toán hai cây cầu.
Sau đó ông Hà Trung Tuyến (B) lại kí hợp đồng với ông Dương Hải Viễn (B’), với thoả thuận ông Viễn có trách nhiệm đóng góp phần trích nộp cho ông Tuyến 30 % giá trị quyết toán công trình. Từ hợp đồng kí với ông Hà Trung Tuyến, ông Dương Hải Viễn lại thoả thuận thuê ông Nguyễn Duy Huân thi công các hạng mục trên với thoả thuận ông Huân phải trích trả ông Viễn 35% giá trị quyết toán công trình. Như vậy, trong chuỗi hợp đồng này Quân khu II đóng vai trò là A, ông Hà Trung Tuyến là B, ông Dương Hải Viễn là B’, còn ông Nguyễn Duy Huân chỉ là người làm thuê. Bỏ qua điều này, mặc nhiên TAND Tối cao đã bỏ lọt sai phạm, thừa nhận sự thoả thuận tỉ lệ phần trăm (%) thất thoát trong đầu tư, xây dựng cơ bản!?
Theo tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, sau khi 2 cây cầu đã làm xong, được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng thì giữa các ông Hà Trung Tuyến, Dương Hải Viễn và Nguyễn Duy Huân xảy ra tranh chấp về quyền lợi trong việc thanh toán tiền công và trích thưởng phần trăm… Vì các bên thấy chưa thoả đáng, nên ông Dương Hải Viễn, Phạm Xuân Lập đã tố cáo ông Nguyễn Duy Huân khai khống số lượng, bớt xén vật tư trong quá trình thi công hai cây cầu.
Thế nhưng trong cáo trạng, bản án của TAND tỉnh Tuyên Quang và cả báo cáo của TAND Tối cao gửi Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều không có căn cứ khoa học nào, mà chỉ dựa vào lời khai của người tố cáo (đối kháng lợi ích với ông Huân) làm căn cứ duy nhất để buộc tội ông Nguyễn Duy Huân là trái với quy định của pháp luật. Việc TAND tỉnh Tuyên Quang phạt ông Nguyễn Duy Huân 17 tháng 3 ngày tù giam, trùng khớp với thời gian đã tạm giữ chỉ là cách xử thông án, nhằm làm nhoà các sai phạm của các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang. Vì các lí do đó, đề nghị các cơ quan liên quan như TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét lại toàn bộ nội dung vụ việc, kháng nghị lại bản án hình sự phúc thẩm số 113?PT-HS ngày 19-12-2001, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cựu chiến binh Nguyễn Duy Huân.
Nguồn:
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=5062