Trang chủ » Tin văn và...

Cần khắc phục sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội

Đinh Loan thực hiện
Thứ ba ngày 16 tháng 11 năm 2010 5:39 AM

Trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế, xã hội chủ yếu đề cập đến các vấn đề kinh tế, các vấn đề văn hóa xã hội chỉ thấy thấp thoáng, mờ nhạt và cũng chỉ khoảng 20% - 30% ý kiến của ĐBQH đề cập sâu đến những bức xúc về văn hóa - xã hội... Phải chăng giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội đã và đang có sự thiên lệch? Xung quanh vấn đề này, PV Báo ĐBND có cuộc trao đổi với UVTT ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÊ NHƯ TIẾN.
- Theo dõi nghị trường kỳ họp lần này dường như vấn đề về kinh tế được nhắc đến nhiều  hơn so vớái mảng văn hóa - xã hội,  thưa ĐB?

- Đúng vậy, trong nhiều kỳ họp vấn đề văn hóa - xã hội dường như ít được nhắc đến. Trong thảo luận của các ĐBQH, ý kiến về vấn đề văn hóa, giáo dục và các vấn đề xã hội khác chỉ khoảng 20% - 30% là phát biểu sâu vấn đề này, còn lại các ý kiến vẫn nghiêng về thảo luận kinh tế. Phát triển kinh tế là cần thiết nhưng giữa kinh tế và văn hóa - xã hội cần phải cân đối, tương tác thúc đẩy lẫn nhau. Kinh tế có phát triển thì mới có điều kiện phát triển văn hóa - xã hội và ngược lại văn hóa - xã hội phát triển thì mới có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn.

Thực tế, trong báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng đề cập đến những mặt được và chưa được của văn hóa - xã hội, song vẫn chưa xứng tầm và tương thích với sự phát triển kinh tế. Một xã hội phát triển bền vững rất cần hài hòa lĩnh vực kinh tế và văn hóa, xã hội. Tôi cho rằng, các nghị quyết, chủ trương của chúng ta rất đúng, như coi văn hóa là động lực của sự phát triển coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song trong thực tiễn nếu đặt lên bàn cân thì dường như cán cân nghiêng về kinh tế. Khi nền kinh tế đang cần phải tạo đà để cất cánh trên con đường hội nhập thì ưu tiên cho lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không vì thế mà giảm sự quan tâm tới phát triển văn hóa - xã hội.

- Là UVTT Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của QH, ĐB có thể dẫn chứng cho sự thiên lệch, mất cân đối này qua những đợt giám sát của UB?

- Vừa qua, tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, tôi cũng phát biểu, khi lập quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, khu dân cư... chúng ta mất cân đối nghiêm trọng giữa phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội. Theo báo cáo giám sát của UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tại TP Hồ Chí Minh sau 35 năm giải phóng chỉ có thêm một Rạp hát Hòa Bình, Hà Nội và các đô thị khác cũng tương tự. Trong khi hàng nghìn siêu thị, cao ốc, khách sạn, nhà hàng, văn phòng cho thuê... mọc lên dày đặc, còn bệnh viện, trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi cho trẻ em, các thiết chế văn hóa tinh thần khác... chưa phát triển được bao nhiêu so với đầu tư tăng trưởng kinh tế. Một câu hỏi đặt ra là chúng ta đã đầu tư thích đáng cho văn hóa - giáo dục và các vấn đề xã hội chưa? Trước mỗi dự án, mỗi khu kinh tế, phát triển khu dân cư... chúng ta hay đặt ra câu hỏi là vốn ở đâu? Quỹ đất ở đâu? Mà không hỏi một câu rất thiết thực là nguồn nhân lực ở đâu? Các thiết chế văn hóa thế nào?...

Gần đây, Ủy ban giám sát về đầu tư, xây dựng và quản lý các khu vui chơi giải trí cho trẻ em cũng cho thấy, khi làm việc với các bộ có liên quan như Bộ VH - TT và DL, Bộ LĐ -TB và XH, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GD - ĐT, các bộ mới “giật mình” hình như bấy lâu nay nhiều bộ đã “lãng quên” việc này. Trong quy hoạch các địa phương cũng không dành quỹ đất cho khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Khu vui chơi không có thì các em phải tìm đến nhiều loại văn hóa không tốt. Cần có sân chơi lành mạnh thì mới có thể hút các em đến thay vì tìm đến môi trường không tốt. Chúng tôi cũng có ý kiến với Bộ GD - ĐT khi xây dựng các trường học, nếu trường học ở bậc tiểu học, mầm non thì phải có khu vui chơi. Trường chuyên nghiệp thì phải có khu giáo dục thể chất, CLB văn hoá, văn nghệ. Để các địa phương có quỹ đất thì Chính phủ phải có chỉ đạo bằng văn bản là bất kỳ khu dân cư, đô thị nào cũng cần phát triển đồng bộ giữa giáo dục, y tế, văn hóa... Và có sự giám sát, kiểm tra việc thực hiện thật chặt chẽ.


- Thực tế, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã có nhiều động thái  nhằm cân bằng cán cân văn hóa - xã hội với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dường như vẫn nặng về phong trào... thưa ĐB?

- Các lĩnh vực về kinh tế, Chính phủ thường ra những nghị định, quyết định, các bộ có thông tư hướng dẫn đầy đủ nhưng lĩnh vực văn hóa trong thời gian vừa qua có nhiều phong trào, kể cả trong giáo dục cũng có nhiều phong trào. Xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, học đường, công sở...

Tuy nhiên mới ở mức phong trào và tất nhiên ở mức phong trào thì “phát” lên, nhưng có “động” hay không lại là việc khác. Phải xây dựng văn bản có tính quy phạm pháp luật cao như quy chế, quy định, thông tư hướng dẫn buộc phải thực hiện thì tôi nghĩ mới hiệu quả, còn nếu chỉ là phong trào thì mãi mãi vẫn chỉ là phong trào. Tất nhiên tôi không phủ nhận phong trào vì nó cũng có mặt tốt nếu dừng phong trào sẽ dẫn đến nơi nào làm thì làm, không làm cũng không sao, không có chế tài bắt buộc.

- Theo ĐB, với chức năng của mình, QH, các cơ quan liên quan cần có những hành động cụ thể nào nhằm hóa giải cán cân thiên lệch này?

- Quốc hội là cơ quan lập pháp nên rà soát tất cả các văn bản pháp luật về văn hóa, giáo dục và các vấn đề xã hội. Điều chỉnh phù hợp với những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam như tôn sư trọng đạo, coi trọng đạo đức, nếp sống hành vi công dân. Môn giáo dục công dân bắt đầu từ cái nhỏ nhất, lễ phép, đi đứng, nết ăn với bề trên, cha mẹ, ông bà, thầy cô...

Quốc hội cũng cần phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội bởi điều đó chứng tỏ sự quan tâm của QH với những vấn đề này. ĐBQH cũng cần là tấm gương ứng xử có văn hóa. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng mất cân đối về kinh tế và văn hóa xã hội như nêu trên, chúng ta nên sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của UBTVQH, giao việc thẩm tra báo cáo về kinh tế, xã hội hàng năm của Chính phủ cho UBTVQH thay vì chỉ giao cho UB Kinh tế như vẫn thực hiện. Qua đó việc đóng góp ý kiến của ĐBQH mới có thể toàn diện, tránh tình trạng chỉ thiên về kinh tế như hiện nay.

Bên cạnh đó, lực lượng báo chí truyền thông, các thầy cô giáo cũng có tác động lớn để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa. Sự quan tâm văn hóa còn có thể hiểu là cách nhìn nhận, những hành động thiết thực. Thực tế, thời gian vừa qua, báo chí đã thông tin nhiều về khánh thành một cây cầu, động thổ một dự án kinh tế... lãnh đạo cấp cao đến nhiều nhưng ngược lại khánh thành rạp hát, trường đại học, khu văn hoá, bệnh viên... dường như ít, chỉ thấy lãnh đạo ngành, địa phương, điều đó, cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo.

- Xin cám ơn ĐB!

Đinh Loan thực hiện