Trang chủ » Tin văn và...

ĐIỀU BẤT CÔNG VỚI NGƯỜI SINH RA LÀM VỢ THIÊN TÀI

Theo đài Tiếng nói nước Nga
Thứ bẩy ngày 20 tháng 11 năm 2010 2:43 PM

Kỉ niệm 100 năm ngày mất của Lev Tolsoi: Điều bất công với người sinh ra để làm vợ thiên tài

 

Đúng 100 năm trước, vào ngày 20.11.1910, Lev Tolstoi đã ra đi mãi mãi. Nhà văn Nga vĩ đại qua đời tại nhà ga nhỏ Astapovo, xa gia đình, xa ngôi nhà mà ông từ giã trước đó chưa lâu. Cho đến nay, giai đoạn bí ẩn cuối đời của Lev Tolstoi vẫn khiến cho thế giới bàn luận nổi. Chúng tôi xin giới thiệu một trong các giả thuyết từ triển lãm “Chàng và Nàng” đang diễn ra tại Matxcơva, trong ngôi nhà cổ một tầng đối diện với tòa trụ sở của hãng phát thanh quốc gia Tiếng nói nước Nga.

 

“Có 18 giả thuyết giải thích vì sao Lev Tolstoi từ giã tổ ấm quý tộc Yasnaya Poliana mà ông yêu mến nồng thắm, nơi ông lớn lên, nơi 13 đứa con của ông ra đời”, điều phối viên bảo tàng Lev Tolstoi Tamara Burlakova cho biết:

 

“Ivan Bunhin gọi cuộc ra đi đó là “sự giải phóng của Tolstoi”, Stepan Stveik thì cho rằng đó là “cuộc chạy trốn để về với Chúa”, Arvid Yarnefeld - nhà văn Phần Lan, bạn của gia đình lại nói Lev Tolstoi từ bỏ gia đình để đến với những người xa lạ”. Tôi không muốn nhấn mạnh điều chính yếu nhất: cuộc ra đi của Lev Tolstoi là hậu quả sự bất đồng giữa nhà văn và bà vợ Sofia, mặc dù đó là sự bất đồng giữa hai con người yêu quý nhau một cách sâu sắc. Bản chất mối mâu thuẫn đó được nhà văn thể hiện rõ trong bức thư gửi vợ: “Đối với em, điều quan trọng nhất là các con, còn với anh – đó là tâm hồn của anh”. Về sau, cô con gái Tachiana của họ đã viết: “Trong mâu thuẫn đó, cả hai người đã bảo vệ cái quý giá nhất của mình”.

 

Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc sống chung lâu dài, “điều quý giá nhất” của hai người là một. Tại cuộc triển lãm ảnh không ít chứng cớ về nhận xét đó. Đến nay vẫn còn lưu giữ được đôi nến hôm làm lễ kết hôn, tấm chân dung của vợ, được vẽ với lòng thương yêu và vật trang sức kiều diễm – chiếc nhẫn “Anna Karrenina”, quà tặng cho Sofia Tolstaya với tư cách là trợ thủ đắc lực của chồng trong công việc sáng tác văn học. Bà vợ đã chép lại tất cả mọi bản thảo khó đọc của nhà văn, không riêng gì tiểu thuyết “Anna Karenina”, và được Lev Tolstoi tặng chiếc nhẫn có gắn viên ngọc rubi và hai viên kim cương.

 

Dần dần, Tolstoi có những thay đổi mà vợ ông, bà Sofia trẻ hơn chồng 16 tuổi không đánh giá được đến tận cùng. “Có thể nhận thấy bước ngoặt trong thế giới quan của Lev Tolstoi trong giai đoạn ông viết tác phẩm “Xưng tội”, bà Tamara Burlakova nói tiếp:

 

“Đây là bản xưng tội nổi tiếng trong lịch sử văn hóa thế giới, sau bản xưng tội thứ nhất của Avgustin và bản thứ hai của Jan Jac Russo. Trong lời “Xưng tội” của mình, Tolstoi kể về “bước ngoặt” xảy ra với ông đầu thập niên 1880 và đánh dấu sự thay đổi toàn diện. Trong giai đoạn đó bà vợ đã viết cho người thân: “Levochka vẫn liên tục làm việc, nhưng than ôi, ông ấy viết những suy tư gì đó về tôn giáo. Tôi chỉ mong giai đoạn đó qua nhanh như một cơn bệnh”. Tiếc thay, công trình tôn giáo phức tạp của Tolstoi được người gần gũi nhất với ông nhìn nhận như một thứ bệnh tật. Điều đó trở thành cơ sở cho sự đổ vỡ bi thảm, khiến Tolstoi rời bỏ Yasnaya Poliana để ra đi.

 

Tại triển lãm, ta có thể thấy một số đồ dùng của Lev Tolstoi chứng tỏ về sự thay đổi thế giới quan của ông: chiếc áo nông dân thùng thình mà người ta đã chụp ảnh khi ông cắt cỏ, đôi bốt da thủ công mà Tolstoi tặng bạn mình – nhà thơ Afanasi Fet…

 

Tolstoi định bỏ nhà ra đi mấy lần. Lần thứ nhất – vào những năm 1880. Khi đó, ông viết trong nhật kí: “Tôi ngạc nhiên trước sự nhẫn tâm của họ…Họ muốn xé tôi ra từng mảnh… Đôi khi chỉ muốn từ bỏ tất cả để ra đi”. Và ông đã viết thư cho vợ: “Cuộc ra đi của anh sẽ làm em đau buồn. Nhưng em hãy hiểu và tin rằng anh không thể làm khác được”. Ba mươi năm sau, chuyến chu du cuối cùng của nhà văn đã kết thúc một cách bi thảm.

 

Một trong những hiện vật buốt nhói nhất tại triển lãm là tấm ảnh chụp Sofia Tolstaya. Trong chiếc áo măng tô mùa đông, đầu trùm khăn, bà đứng ngoài sân ghé mắt nhìn vào ô cửa kính ngôi nhà nhỏ nghèo nàn, cố nhìn ông chồng của mình đang hấp hối trên chiếc giường sắt. “Người ta không cho bà vào bên ông ấy”, bà Tamara Burlakova nói tiếp:

 

“Cô con gái Aleksandra và các thành viên khác trong gia đình không cho bà ấy vào với chồng. Có những nguyên nhân khách quan để họ làm như vậy – họ lo sợ bệnh tình Lev Tolstoi sẽ trở nên trầm trọng hơn. Nhưng đó cũng là hành động nhẫn tâm và bất công đối với người được sinh ra để làm vợ nhà văn thiên tài 48 năm ròng. Trong bộ phim của nước Anh về Tolstoi  nhan đề “Chủ nhật cuối cùng” sự thật lịch sử bị các tác giả ít nhiều thay đổi: người ta cho bà vợ vào với chồng và họ tha thứ cho nhau. Trên thực tế điều đó đã không xảy ra…”

 

Bà Tamara Burlakova kết luận: “Có lần Sofia Tolstaya mơ thấy chồng mình là một ông tiên. Ông tiên đó cầm cây đèn đi trước đám đông, soi đường cho họ. Bà thấy gia đình và bản thân mình, nhưng không phải bên cạnh ông, cũng không phải trong số những người gần gũi, mà là một phần của đám đông đó. Và bà thấy rằng thật khó khăn khi đi theo con người mà có lẽ không những đi trước những người thân cận, mà còn đi trước nhân loại hàng thế kỉ”.

 

Theo đài Tiếng nói nước Nga

www.vietnamese.ruvr.ru
Bài do Kim Hiền từ Nga gửi vể cho TNc. Cám ơn Kim Hiền nhiều