(Toquoc)- Website văn học là thứ không còn mới lạ trong đời sống văn chương Việt Nam hiện nay. Nhưng qua một thời gian hoạt động không ít người đã nhìn lại và phải đặt câu hỏi rằng nó đã thực sự đáp ứng được mong muốn của nhà văn hay chưa?
Không web kêu thiếu mà có web vẫn thiếu
Trong khi rất nhiều nhà văn, nhà thơ tự bỏ thời gian, công sức và cả kinh phí làm cho riêng mình một website thì nhiều người mới ngỡ ngàng tự hỏi vì sao một tổ chức rộng hơn như Hội Nhà văn lại chậm chạp trong việc triển khai website văn học đến vậy? Sau sự ra mắt website của Văn nghệ sông Cửu Long, Hội Nhà văn Việt Nam… Mới đây, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cũng cho ra mắt một website góp thêm cho văn đàn giọng điệu phương Nam.
Tính đến thời điểm này, kể cả web, blog của cá nhân nhà văn và các cơ quan tổ chức của Hội nhà văn trung ương, địa phương phải lên đến con số hàng trăm. Có những web, blog chỉ đơn thuần là nơi công bố tác phẩm văn chương, nhưng cũng có web và blog có thêm những tương tác giữa tác giả - độc giả, văn chương - báo chí… Thế nhưng có một nghịch lý trong sự tồn tại của web văn học là, nếu trừ đi những trang cá nhân thì làng web văn chương gần như có quá ít điều đáng được quan tâm. Vậy thì số lượng và chất lượng của web văn học đến khi nào mới là phép tỉ lệ thuận?
Những tiện ích của Internet nói chung và của một trang web văn chương nói riêng ít nhiều ai cũng biết, vậy thì tại sao từ ý tưởng đến hiện thực về một website văn học có vẻ như lại trở thành thứ xa xỉ với nhà văn đến vậy?
Một số tạp chí, Hội Văn học Nghệ thuật địa phương như Tiền Giang, Bắc Giang, Huế, Hải Phòng… cũng đã có trang web riêng. Nhưng nhìn chung nó vẫn mang dáng dấp của một tạp chí được “chuyển thể” dưới dạng từ giấy in lên mạng. Vì thế độ cập nhật và tính tương tác chưa cao, chưa sử dụng được ưu thế của mạng. Hoặc đó là trang web của các chuyên ngành văn học nghệ thuật, trong đó văn học chỉ chiếm một phần nhỏ và bị lấn át.
Website văn học đại diện cho Hội Nhà văn địa phương hay Hội Nhà văn khu vực là cần thiết vì nó liên quan nhiều đến quyền lợi của nhà văn. Không chỉ là vấn đề đưa tác phẩm đến với độc giả và thử thách trước dư luận, thông tin những buổi hội thảo nâng cao chuyên môn học thuật mà là sự công khai minh bạch và thẳng thắn những vấn đề lâu nay vẫn bị bàn tán chưa rõ ràng. Đó thực chất chỉ là sự thống kê và đánh giá mang tính chung nhất về hoạt động của từng nhà văn. Nhà văn nào mà 5, 10 năm không ra sách. Tiêu chuẩn như thế nào thì được đi thực tế trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ sáng tác theo hình thức nào, kết quả ra sao, bao nhiêu phần trăm đáp ứng. Việc xét giải thưởng, kết nạp hội viên có quy trình ra sao. Mỗi năm có bao nhiêu đơn và còn tồn đọng bao nhiêu đơn… Mỗi hội viên muốn đóng góp ý kiến gì cho Hội thì ngay lập tức được chuyển đến đăng tải và cùng nhau thảo luận… Trang web của Hội văn học nào, khu vực nào phản ánh hoạt động cũng như sáng tác mang những đặc trưng, đặc thù của khu vực ấy. Có lẽ chỉ ngần ấy nội dung cũng là thứ cần và đủ cho một website văn chương. Nếu không đáp ứng được, thì sự hiện diện của trang web đó có hay không cũng chẳng khác nhau là mấy. Vì hình như đến nay, điều mong mỏi này của hội viên vẫn chưa đáp ứng được thì phải. Thế nên mới có tình trạng không web kêu thiếu mà có web cũng thiếu.
Bao giờ Hội Nhà văn Hà Nội có website?
Việc một Hội nhà văn có số hội viên đông, ở trong môi trường năng động như thành phố Hồ Chí Minh mà phải qua đại hội lần thứ 6, đến cuối năm 2010 mới có một website khiến một số hội viên tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng có lẽ cũng không kém phần ngạc nhiên là ngay cả Hội Nhà văn Hà Nội trước và sau khi sáp nhập với Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây cũng chưa có website văn học. Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn học mà gần như báo chí không bỏ sót. Hà Nội là nơi tập hợp và thu hút được nhiều lực lượng cầm bút nhất, từ chuyên nghiệp cho đến nghiệp dư. Hà Nội cũng là thành phố không thiếu những địa chỉ website văn học đã, đang và sẽ hình thành. Vậy thì Hội Nhà văn Hà Nội có cần thêm một trang web nữa không? (Vì hình như các nhà văn Hà Nội chưa thấy đặt ra câu hỏi này như hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trước khi có web). Rồi thì không chỉ Hà Nội mà các thành phố lớn khác có cần web văn chương nữa không? Khách quan mà nói thì Hội văn học nghệ thuật nào cũng cần thiết có website. Vấn đề là nó hoạt động như thế nào để không bị rơi vào tình trạng không thì thiếu nhưng có vẫn thiếu mới là điều đáng bàn.
Trao đổi với ông Phạm Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội về việc Hội Nhà văn Hà Nội có cần một trang web văn học không, và nếu có thì đến bao giờ, chúng tôi nhận được câu trả lời: Mặc dù chưa trưng cầu ý kiến của Hội viên nhưng trong điều kiện hiện nay việc Hội Nhà văn Hà Nội có một trang web văn học là cần thiết và chắc chắn nhận được sự ủng hộ của Hội viên cũng như bất kỳ ai quan tâm đến văn học thủ đô. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban chấp hành khoá tới. Như vậy, phải ít nhất năm 2011 Hội Nhà văn Hà Nội mới có trang web, bởi tháng 11 này Hội sẽ diễn ra đại hội và có nhân sự mới. Cho dù Ban chấp hành khoá tới có là ai nhưng vấn đề của một trang web văn chương nằm ở chỗ “mở thì không khó bằng duy trì nó hoạt động như thế nào”, cần phải xem xét, suy nghĩ một cách thấu đáo.
Xét trong điều kiện văn học hiện nay, ngoài Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Hà Nội, Liên chi hội nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long còn cả khối nhà văn khu vực như: Khu vực các tỉnh phía Bắc và Bắc Miền Trung, khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ… cần có một trang web văn chương. Còn riêng website Hội Nhà văn Việt Nam phải trở thành một tờ báo điện tử sang trọng và quy mô.
Hiền Nguyễn