Tôi viết bài này không từ một văn phòng máy lạnh ở Washington DC mà từ những gì tôi nghe được ngoài hiên nhà, bên ly cafe nhạt với những người thuê nhà (tenant) vừa mất việc hay bên ánh mắt đỏ hoe của cựu binh vẫn giắt súng bên hông ngồi một mình trong quán rượu ở thị trấn nghèo miền Trung Tây nước Mỹ. Là một luật sư người Công giáo, đăng ký theo Đảng Cộng hoà và từng tranh đấu cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Hai mươi năm trước, tôi đã đến Mỹ như một người đi tìm lý tưởng và được đào tạo bài bản tại đây về dân chủ, tự do, và nhân quyền.
Tôi quay trở về Việt Nam, chịu những niềm vui và đau khổ khôn cùng với đồng bào, với anh em bè bạn, giờ đang đang quay trở lại để tìm hiểu sâu hơn và tái định nghĩa về một nước Mỹ và những giá trị mà mình từng cổ suý nhiệt thành.
Trước đây cũng như bây giờ, tôi thường gặp các luật sư, nghị sĩ, giảng viên hoặc lãnh đạo các tổ chức hàn lâm. Họ là những người nói chuyện rất hay và đầy lý luận.
Thế nhưng bài viết này đến từ những cuộc trò chuyện với những người nông dân, công nhân và lao động Mỹ nghèo, những người sống trong mobile home và ăn trợ cấp, những công nhân mà chỉ cần nghỉ làm hai tuần làm việc là bị đói đến chết, tôi mới thấy một nước Mỹ khác và tại sao Trump thắng cử, và có thể sẽ còn tiếp tục thắng cử nhiệm kỳ sau.
MỘT NƯỚC MỸ KHÁC ÍT NGƯỜI NHẮC ĐẾN
Người Việt Nam sang Mỹ chủ yếu từ khoảng 50 năm qua và họ trở nên giàu có khá nhanh. Với nghề làm Nail là phổ biến, thu nhập của họ cơ bản chỉ sau nghề luật sư, bác sỹ và chủ yếu là “ngoại tuyến” nên ít phải đóng thuế. Con cái thì thành đạt và thường đã "Mỹ hoá".
Người Việt vượt biên, tị nạn cũng ít đi lại và kém tiếng Anh. Họ ở lâu tại Mỹ nhưng lo làm ăn và ngôn ngữ không phải tự nhiên nhảy vào đầu nên nhiều người Mỹ gốc Việt không giỏi tiếng Anh và hiểu biết về người Mỹ khá hạn chế. Mặc khác họ hay khoe khoang về đời sống Mỹ nên dễ làm cho nhiều người, đặc biệt người trong nước hiểu biết lệch lạc về một nước Mỹ tổng thể.
Thật vậy, người ta hay nghĩ đến nước Mỹ hiện đại và giàu có. Một nước Mỹ của New York, San Francisco, Boston…là những thành phố lớn, công nghệ cao, đông dân và thu nhập tốt. Nơi đó có các cộng đồng dân cư khác nhau, hiểu biết và giàu có với những tranh luận chính trị sôi nổi và đa dạng.
Nhưng trong những chuyến đi của tôi đến những bang “Cộng hoà đỏ rực” vùng Trung Tây (Midwest) như Kansas, South Dacota, Missouri…. Hay miền Đông Nam như Kentucky, West Virginia, Tennessee và South Carolina, tôi đã nhìn thấy một nước Mỹ im lặng, cổ xưa, buồn bã và đầy những vết thương chưa lành.
Ở đó, người dân treo cờ Trump và/hoặc cờ Liên bang trên hàng rào gỗ, để Kinh Thánh trên bàn ăn, và vẫn sống bằng ký ức về một nước Mỹ từng mạnh mẽ, từng đạo đức và ổn định.
HOÀI NIỆM VỀ MỘT THỜI ĐÃ XA
Người dân nơi đây hay nhắc về những năm 1950s, 1960s như một giấc mơ: Vào thời kỳ đó khi cha đi làm ở mỏ than, xưởng gỗ, nhà máy lắp ráp còn mẹ thì ở nhà nuôi dạy con cái.
Họ vẫn có một "ngôi nhà trên thảm cỏ xanh", vườn tược, gia súc và dư tiền đóng góp từ thiện cho nhà thờ. Họ không ai cần hai, ba người làm việc mới sống được như hiện nay. Xã hội khi ấy có trật tự, có đạo đức, có Chúa ở giữa lòng cộng đồng.
Nhưng rồi toàn cầu hoá đến, gặm nhấm và lấy đi từng chút, từng chút một những giá trị "cộng hoà" của cường quốc số 1 thế giới. Liệu quá trình toàn cầu hoá có là tất yếu và nhanh như vậy hay không thì vẫn là một câu hỏi, đối với tôi là bất khả tri.
Nhưng rõ ràng thời kỳ của các tổng thống Dân chủ như Bill Clinton và Barak Obama… hàng loạt nhà nhà máy dời sang nước ngoài, những mỏ than và nhà máy thép bị bị đóng cửa, cả những thành phố công nghiệp ô tô trở nên hoang tàn đổ nát. Những cánh đồng mẫu lớn bị bán cho các công ty lớn hoặc bị bỏ hoang. Những người nhập cư mới đủ các sắc dân, chủ yếu là châu Á và Nam Mỹ tị nạn kinh tế, dần dần xâm lấn những phần địa lý sâu xa nhất của nước Mỹ.
Ở những vùng đó, người trẻ rời đi, người già ở lại. Những thị trấn từng có nhịp sống vui tươi giờ chỉ còn tiệm tạp hoá cũ kỹ và những nhà thờ leo ngeo vài bóng ngừoi già. Các sắc dân mới, đặc biệt là Á Châu thì cực kỳ chăm chỉ và nhanh chóng len lỏi vào những dịch vụ hái ra tiền nhất.
NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ LỜI NÓI THẬT
Ngồi với những người thuê nhà, họ không có bằng cấp, có người còn không biết chữ nhưng trang nghiêm khoanh tay nhìn “ông chủ nhỏ bé người Châu á” nói ra những điều mà tôi không bao giờ quên được:
“Thưa ông, chúng tôi không ngu. Chúng tôi chỉ bị quên.”
"Thưa ông Con tôi lên thành phố, giờ không về thăm tôi nữa. Nó thấy quê mình buồn quá.”
"Thưa ông Tôi từng làm thợ máy 35 năm và sống thoải mái, giờ đây tôi không thể có tiền trả ông nếu nhà nước cắt Section 8.
Thưa ông: “Tôi đang chạy Doordash và ăn nhờ food stamp.”
Từng câu nói trang nghiêm đó thấm vào da thịt tôi. Đó là nhưng câu nói của những người đau khổ bị gạt ra ngoài lề xã hội như chính những người dân quê tôi mà vì vậy tôi đã tranh đấu suốt hơn 20 năm qua. Tôi hiểu họ không cần thương hại nhưng họ cần được lắng nghe, được nhìn thấy, được tôn trọng.
NHỮNG NGƯỜI DA ĐỎ BẢN ĐỊA
Những câu chuyện đó không chỉ là của những người Mỹ trắng (Caucasian Americans) mà còn rất nhiều đến từ những người da đỏ bản địa (Native Americans).
Tôi từng đến những khu bảo tồn của người da đỏ hoặc lượn lờ quanh các sòng bài của người chủ Mỹ trắng xây dựng trên đất của người Da đỏ.
Tôi từng đọc hàng trăm bản cam kết và cũng chừng ấy lần vi phạm của người da trắng đối với da đỏ bản địa trong quá trình mở rộng nước Mỹ. Cuối cùng thì những đền bù và bảo tồn có lẽ là hợp lý nhất.
Nhưng giờ đây, họ ngồi vật vờ ngoài hiên gỗ, uống rượu rẻ tiền và đầu óc lơ mơ. Trong ngôi nhà gỗ ọp ẹp trên tường vẫn còn treo hình vẽ tổ tiên, với đầu đội lông chim và cung tên khoác bên hông, nhưng ánh mắt họ như đã đánh mất quá khứ.
Giờ đây thanh niên không còn nói được tiếng bản địa và những buổi lễ truyền thống không còn người tham dự. Một cụ già da đỏ ở Utah từng nói với tôi: “Chúng tôi không chết, nhưng chúng tôi không còn sống nữa.”
Tôi gặp nhiều cựu binh từng chiến đấu ở Iraq, Afghanistan, Syria... Họ trở về với PTSD, sống trong khu Mobile home hoặc chiếc RV cũ, nhận trợ cấp ít ỏi, và từng ngày đi loanh quanh không mục đích.
Một người ở South Carolina nói với tôi: “Tôi từng bắn súng vì nước Mỹ. Giờ nước Mỹ nhìn tôi như kẻ vô hình".
Họ nói rằng mình không cần vinh danh. Họ chỉ muốn được đối xử như con người, được nhớ rằng họ từng hy sinh vì lá cờ 50 ngôi màu trắng trên nền xanh dương này.
NIỀM TIN CÒN LẠI: TÔN GIÁO, THIÊN NHIÊN VÀ TRUMP.
Dù đau khổ, rất nhiều người vẫn giữ niềm tin vào Thiên Chúa. Nhà thờ nhỏ ở khắp nơi. Mỗi một xóm làng nhỏ bé nhất ta cũng bắt gặp ít nhất 2,3 nhà thờ Tin Lành. Thánh giá gỗ cùng ánh nến leo lét vẫn là nơi cuối cùng để họ tìm thấy bình an.
Dù không còn nhiều người đi lễ như trước đây, nhưng nhà thờ vẫn là nơi kết tinh những giá trị tinh tuyền nhất của đời sống Mỹ.
Những người hàng trăm năm trước đã rời Châu Âu để tìm đến với tự do tôn giáo, vẫn nuôi dưỡng trong lòng mình một đức tin mãnh liệt và lời nguyện cầu liên lỉ khôn nguôi.
Rồi họ đi xa hơn, sâu hơn vào những miền hoang vắng. Họ tìm về thiên nhiên với núi rừng và sông suối, không phải để giải trí, mà để cảm thấy mình còn gắn với đất mẹ, nhưng trước mắt là để sống sót vì nơi đó chi phí sống rẻ hơn và họ có thể trồng rau, chăn nuôi và săn thú để ăn.
Tôi cùng nhà báo Quốc Phương rong ruổi trên những nẻo đường, lắng nghe những bản nhạc đồng quê (Blue Grass) của những thập niên 1950s.
Bản nhạc Country Road-Take Me Home của John Denver lặp lại hàng chục lần trên những nẻo đường đất đỏ miền quê, chạy dọc hai bên là những hàng cây và những ngôi nhà cũ ọp ẹp giữa một nước Mỹ rộng lớn bao la.
TRUMP: NGƯỜI NÓI LÊN ĐIỀU KHÔNG AI NÓI
Và với những người đã ủng hộ và bầu cho tổng thống Donald Trump, họ tin một điều rằng Washington đang thực sự thối nát.
Trump tất nhiên không phải là chính trị gia nhưng là người duy nhất dám nói những điều không ai dám nói. Ông dám “giành lại nước Mỹ”, một nước Mỹ của họ, của những người đang sống ở với những ký ức của thập niên 1960s, hay thời kỳ Baby Boomer.
Họ thấy ở ông sự giận dữ mà họ mang trong lòng.
Họ biết ông thô lỗ, nhưng họ không quan tâm. Họ không tìm sự hoàn hảo mà họ thành tâm tin tưởng rằng mình đang tìm đúng một người đứng về phía họ.
Khi Trump nói: “Make America Great Again”, họ không nghĩ đến kinh tế hay quân sự cũng như sự bành trướng của nước Mỹ trên toàn cầu. Họ nghĩ đến một thời mà họ còn được trân trọng, thời kỳ mà họ còn có tiếng nói. Thời kỳ mà họ như là một dòng chính làm nên nước Mỹ hùng cường sau thế chiến, cho chỉ riêng nước Mỹ mà thôi.
Trump chưa làm cuộc sống của họ tốt hơn. Công việc không quay lại, nhà máy không mở lại. Nhưng họ vẫn tin ông, bởi với họ không có ai khác đại diện cho nỗi đau của mình.
Họ không cần ai thương hại. Họ chỉ cần ai đó nói: “Tôi thấy các bạn. Tôi hiểu các bạn bị phản bội.” và thế là họ hết lòng ủng hộ một Donald Trump.
NƯỚC MỸ ĐANG VỠ RA: CÙNG MỘT NỖI ĐAU
Từ South Carolina đến Tennessee, từ người da trắng nghèo bệnh tật đến người da đỏ mỏi mệt và nghiện ngập, từ người nông dân già đến cựu binh không nhà, tôi thấy họ đều mang chung một cảm giác: bị gạt ra khỏi giấc mơ Mỹ.
Họ rất khác với số đông người Việt ở Mỹ, dù không thật giàu nhưng rất sung túc, sống tiết kiệm và nhiều tiền mặt, không du lịch Mỹ mà thích về Việt Nam. Và dù họ có bị mất việc 3 tháng hay 1 năm họ vẫn ung dung sống nhờ trợ cấp và cả túi tiền mặt "ngoại tuyến".
Tôi đã ngồi tại thủ đô Washington DC, đọc nhiều sách chính trị, lắng nghe nhiều nghị sỹ salon và những giọng điệu đầy đẹp đẽ về những giá trị Mỹ.
Giờ đây nước Mỹ lại cung cấp cho tôi một góc nhìn khác và khi đang rong ruổi trên những nẻo đường trên quốc gia rộng lớn này, tôi hiểu rằng nếu các nhà lãnh đạo chỉ nhìn đến thành phố và quên những con đường bụi đỏ thì Trump, hoặc người giống như ông, sẽ còn được bầu tiếp trong 1 nhiệm kỳ nữa. Không phải vì họ cuồng tín mà vì họ không còn lựa chọn nào khác.
Tôi không phải nghe một chiều, tôi nghe cả 2 tai và thật tuyệt vời là nước Mỹ đang có tự do ngôn luận và người dân biết hết. Rong ruổi suốt hàng chục bang Cộng hoà nước Mỹ, tôi chỉ canh cánh một điều: Nếu không còn tự do ngôn luận, thì thực sự nước Mỹ đã bắt đầu của một thời kỳ suy tàn.
Tôi hy vọng sẽ không là như vậy - Amen!
________
Luật sư Lê Quốc Quân, viết trong ngôi nhà của một người nông dân Mỹ ở West Virginia.
Rất hay! Cảm ơn LQQ đã “bóc vỏ” một phần “chiếc bánh Mỹ”
thường bọc trong lá !