Trang chủ » Tin văn và...

«CHIẾN THẮNG CỦA CHÚNG TA VĨ ĐẠI NHƯNG ĐẦY CAY ĐẮNG!..»

Theo FB Trần Hậu
Thứ bẩy ngày 10 tháng 5 năm 2025 2:58 PM
(Trích bài trả lời phỏng vấn của nhà văn, cựu chiến binh Liên Xô Viktor Astafyev).
Phóng viên: Không lẽ người Đức chiến đấu giỏi hơn người Nga chúng ta?
Astafyev: Giỏi hơn! Giỏi hơn về mọi mặt!
Phóng viên: Vậy làm sao chúng ta lại thắng được cuộc chiến?
Astafyev: Bằng máu. Rất nhiều máu. Bằng những hy sinh khủng khiếp.
Phóng viên: Phải chăng có thể thắng được một cuộc chiến tranh lớn chỉ bằng máu và thịt người?
Astafyev: Hóa ra là có thể. Năm 1941, ba triệu người của chúng ta đã đầu hàng làm tù binh, chúng ta đã đầu hàng quân đội chính quy của Đức. Chúng ta chiến đấu với ai? Chúng ta đã chiến đấu đến mức năm 1944, trong các chiến hào đã xuất hiện những người bị loét dạ dày, những người chân cong, những người dị dạng, vì sau khi bị thương lần thứ tư, từ quân y viện họ lại phải ra mặt trận. Nếu nói về sự vô nhân đạo thì đó là chính nó! Chỉ có Chúa mới biết được sự thật về cuộc chiến của chúng ta—nó đầy tội lỗi và máu me. Chúng ta đã bắn một triệu người trên mặt trận. Một triệu! Chỉ có những người đã thực hiện tập thể hóa, bắn người khắp mọi nơi, mới có thể làm được điều đó. Những người đã giam giữ hơn mười hai triệu người sau song sắt, bịa đặt đủ thứ tội ác…
Astafyev im lặng, ánh mắt ông tràn ngập ký ức đau thương, hướng về nơi xa xăm nào đó như thể ông lại thấy những cánh đồng bốc khói và nhuốm máu. Phóng viên nín thở chờ đợi câu chuyện tiếp tục. Cuối cùng, nhà văn cựu chiến binh lại lên tiếng, giọng ông run rẩy vì nỗi đau không thể kìm nén.
— Một triệu, - ông nhắc lại, như thể từ này đang làm bỏng cổ họng ông. - Một triệu người của chúng ta bị bắn không phải do kẻ thù, mà do chính đồng bào mình. Vì cái gì? Vì đã rút lui, vì đã sống sót, vì không thể chạy dưới làn đạn súng máy mà không có đạn. Vì có người cho rằng cuộc đời họ chỉ là những con số trong báo cáo. Chúng ta đã xua người đến chỗ chết như xua gia súc vào lò mổ. Mệnh lệnh rất tàn nhẫn: không được lùi một bước. Và sau lưng là lực lượng chống rút lui, đồng đội của mình, súng giương lên. Hãy thử lùi lại xem—một viên đạn sẽ bắn vào lưng bạn. Và người ta gọi đó là chủ nghĩa anh hùng.
Ông nắm chặt tay, những nếp nhăn trên mặt ông sâu thêm, như thể chúng được khắc bằng dao.
— Chúng ta không chỉ chiến đấu với người Đức, chúng ta còn chiến đấu với chính mình. Với một chế độ không thương xót ai. Công cuộc tập thể hóa đã dạy rằng: con người là vô nghĩa, đám đông mới là tất cả. Và trên mặt trận, điều đó vẫn tiếp diễn. Tôi đã thấy những chàng trai trẻ, hôm qua còn là những học sinh, bước dưới làn đạn vì không làm vậy sẽ bị tòa án quân sự xét xử. Tôi đã thấy những viên chỉ huy, vì lo sợ cho quân hàm của mình, đã ném các tiểu đoàn vào máy xay thịt, biết rằng không ai có thể sống sót. Và tất cả chỉ để ghi trong báo cáo: "Hoàn thành nhiệm vụ".
Astafyev thở dài nặng nề, mắt ông ngấn lệ, nhưng ông không để chúng rơi xuống.
— Và chúng ta đã mất bao nhiêu người trong các tiểu đoàn trừng giới? Họ đã bị đưa đến chỗ chết nhãn tiền. Người ta cho rằng họ sẽ chuộc tội bằng máu. Chuộc tội gì? Vì bị bắt làm tù binh ư? Vì đã sống sót sau khi bị bao vây? Chúng ta không tiếc thương ai, kể cả đồng đội, lẫn kẻ thù. Và tất cả là để đứng dưới lá cờ chiến thắng. Chúng ta đã chiến thắng, đúng vậy. Nhưng bằng giá nào? Chúng ta đã dìm kẻ thù trong máu của chúng ta, nhưng chính chúng ta cũng chết ngạt trong đó.
Ông im lặng, một sự im lặng nặng nề bao trùm căn phòng. Phóng viên không dám đặt câu hỏi mới, vì cảm thấy rằng những lời của Astafyev không chỉ là câu chuyện, mà là lời sám hối của một người đã chứng kiến địa ngục và suốt đời mang theo nó trong lòng.
- Và điều kinh khủng nhất là gì bạn biết không? – nhà văn cựu chiến binh đột nhiên hỏi, nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. - Cho đến nay chúng ta vẫn không muốn nói về điều đó. Chúng ta ca ngợi chiến công, nhưng im lặng về tội ác. Những tội ác có thật. Chừng nào chúng ta chưa thừa nhận chúng, chúng ta sẽ không hiểu được chiến thắng thực sự là gì. Không phải cái chiến thắng được mua bằng máu của hàng triệu người, mà là cái chiến thắng dạy chúng ta biết làm người.
Astafyev ngả người ra sau lưng ghế, như thể sức lực đã rời bỏ ông. Những lời nói của ông khắc nghiệt nhưng chân thực, vang vọng trong im lặng, nhắc nhở về cái giá mà nhân dân đã phải trả cho chiến thắng vĩ đại, nhưng đầy cay đắng.