Trang chủ » Tài liệu tham khảo

NGUYỄN VĂN THIỆU VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Thúc Kháng
Thứ tư ngày 23 tháng 4 năm 2025 4:32 PM

“Suốt hơn 18 năm qua tôi rất đau buồn vì tôi đã không làm tròn được nhiệm vụ mà nhân dân tín nhiệm giao phó cho tôi, mặc dầu tôi đã tận lực […] Cho nên tôi nhận trách nhiệm đó hoàn toàn, trước nhân dân và lịch sử.”

Nguyễn Văn Thiệu – tổng thống Việt Nam Cộng hòa phát biểu trong một buổi phỏng vấn năm 1993. [1]

Chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn cuối cùng với đối đầu gay gắt trên mặt trận quân sự và trên bàn đàm phán giữa hai phe: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam).

Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ năm 1967 đến 1975, là người đứng đầu chính quyền miền Nam trong giai đoạn đầy căng thẳng và biến động này. Các quyết định của Nguyễn Văn Thiệu, từ đối nội đến đối ngoại, đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chiến sự và gây không ít tranh cãi.

Dù rằng sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa vào năm 1975 không thể chỉ gán ghép trách nhiệm cho một cá nhân, nhưng không thể phủ nhận những quyết định và chính sách của Nguyễn Văn Thiệu đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra những bước ngoặt quan trọng, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền miền Nam.

Từ việc ký kết Hiệp định Paris đầy tranh cãi đến những quyết định quân sự trong thời khắc sinh tử, vai trò và trách nhiệm của ông đã trực tiếp ảnh hưởng đến số phận của Việt Nam Cộng hòa.

Dưới đây là các quyết định trọng yếu của Nguyễn Văn Thiệu, những quyết định đã có tác động sâu sắc đến diễn biến và kết cục của Việt Nam Cộng hòa trong năm 1975.

Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 – Một chính phủ không thể bảo vệ người dân

Chỉ vài tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 10/1967, Nguyễn Văn Thiệu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Vào đêm mùng Một Tết Mậu Thân năm 1968, bất chấp lệnh ngừng bắn, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bất ngờ phát động một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào các đô thị miền Nam. [2] Khi đó, tân tổng thống đang ở Mỹ Tho đón Tết.

Khoảnh khắc nghỉ ngơi của binh sỹ hải quân Hoa Kỳ trong trận chiến tại Huế, Tết Mậu Thân 1968. Nguồn ảnh: AP.

Đài Phát thanh Hà Nội tuyên bố mục đích của cuộc tấn công này là lật đổ chính phủ miền Nam Việt Nam của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngày hôm sau, Tổng thống Thiệu ban hành thiết quân luật trên toàn miền Nam.

Stanley Karnow, phóng viên chiến tranh Việt Nam, viết trong quyển Vietnam: A History (1983) của ông về sự kiện này, rằng Tết Mậu Thân là một cú sốc lớn đối với cả chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh trong bộ máy lãnh đạo đã nhận được thông tin tình báo về một cuộc tấn công lớn sắp xảy ra, nhưng họ lại đánh giá thấp quy mô và khả năng phối hợp của lực lượng cộng sản.

Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hàng ngàn dân thường thiệt mạng, nhiều đô thị bị tàn phá nặng nề, khiến niềm tin của dân chúng vào năng lực bảo vệ của chính phủ sụt giảm nghiêm trọng.

Chưa đầy 24 giờ sau, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã sụp đổ ở Sài Gòn. [3] Cuối cùng, quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại được tất cả các mục tiêu.

Nhà báo Barbara Crossette nhận định về sự kiện này trên tờ The New York Times năm 1988 như sau: Về mọi mặt – quân sự, chính trị, ngoại giao – cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân là khởi đầu cho sự kết thúc của miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris và sự viện trợ của Mỹ

Từ đầu, Nguyễn Văn Thiệu đã không muốn ký Hiệp định Paris.

Trước khi Hiệp định Paris được ký, ông Thiệu gọi bản dự thảo hiệp định là “sự đầu hàng của nhân dân miền Nam trước Cộng sản”. [4] Sau khi ký kết hiệp định, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, trong khi quân đội Bắc Việt vẫn được phép ở lại.

Hà Nội đã vi phạm Hiệp định Paris. [5] Trong khi miền Nam gặp khó khăn do sự cắt giảm viện trợ từ Mỹ, miền Bắc lại tiếp tục nhận viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.

Mùa xuân cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyệt vọng yêu cầu Tổng thống Gerald R. Ford hỗ trợ, nhưng ông Ford không thể đáp ứng. [6]

Đến tháng 4 năm 1975, khi Cộng sản đang oanh tạc miền Trung Việt Nam, Tổng thống Thiệu lại lên tiếng yêu cầu Mỹ viện trợ, nhưng phản ứng mà ông nhận lại được từ Mỹ là sự im lặng của Tổng thống Ford và câu nói “Mỹ chỉ cam kết tinh thần, không cam kết pháp lý” của Ngoại trưởng Kissinger. [7]

“Tôi đã làm tối đa những gì tôi có thể” – Nguyễn Văn Thiệu nói về việc ký Hiệp định Paris trong một buổi họp báo năm 1990.

Cũng trong buổi họp báo, ông Thiệu cho biết Hoa Kỳ đã tạo áp lực để buộc ông đặt bút ký Hiệp định, nếu như không ký, họ sẽ cắt viện trợ Việt Nam. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã thất hứa khi dù Hiệp định đã được ký nhưng viện trợ vẫn bị cắt giảm liên tục và khi quân đội Cộng sản mở các chiến dịch tấn công miền Nam, Hoa Kỳ đã không có phản ứng gì.

Rút quân khỏi Tây Nguyên

Nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu là “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”. [8]

Việc Nguyễn Văn Thiệu cùng giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa để mất Tây Nguyên đã tạo điều kiện cho quân Bắc Việt tiến công sâu hơn, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ chỉ hai tháng sau đó.

Hình ảnh lực lượng giải phóng tại mặt trận Tây Nguyên. Nguồn ảnh: TTXVN.

Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát miền Nam Việt Nam. Mất khu vực này đồng nghĩa với việc để lộ vùng ven biển Nam Trung Bộ và mở ra con đường thẳng tiến về Sài Gòn.

Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa bố trí lực lượng tập trung quân tinh nhuệ tại Vùng I (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng) và Vùng III (Sài Gòn), trong khi Tây Nguyên lại bị bỏ ngỏ với hệ thống phòng thủ mỏng manh và thiếu lực lượng dự bị cơ động.

Khi quân Bắc Việt tấn công Buôn Ma Thuột, phòng tuyến tại đây nhanh chóng sụp đổ do không đủ lực lượng để tổ chức phản kích hiệu quả.

Để bảo toàn lực lượng cho khu vực ven biển miền Trung, Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút bỏ toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên. Tuy nhiên, kế hoạch rút quân này dẫn đến cảnh hỗn loạn trên quy mô lớn. Không chỉ thiệt hại nặng nề về lực lượng, mà tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng bị suy sụp nghiêm trọng.

David Kaiser, nhà sử học từng giảng dạy tại Đại học Harvard nhận xét rằng, không có sự giúp đỡ của Mỹ, quân đội Nam Việt Nam đã sụp đổ vào mùa xuân năm 1975 sau khi Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên. [9] Quân đội Bắc Việt đã giành được chiến thắng cuối cùng mà gần như không cần chiến đấu.

Ngày 30/4/1975 – Sài Gòn sụp đổ và Dinh Độc Lập bị tiếp quản. Ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet/Getty Images.

Cũng trong cuộc họp báo năm 1990, đứng trước những lời chất vấn của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa về những quyết định của mình, Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời về quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên, khẳng định rằng với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh, ông không thể đưa ra quyết định một cách đơn phương. Rằng thắng hay bại đều là kết quả của quyết định tập thể.

***

Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức và rời bỏ cương vị tổng thống, để lại một Việt Nam Cộng hòa trong tình trạng hỗn loạn và khủng hoảng nghiêm trọng.

Thiệu tin rằng quyết định từ chức của mình sẽ tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình, mang lại cơ hội thương lượng giữa miền Nam và lực lượng Cộng sản Bắc Việt.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã không như kỳ vọng của ông. Chỉ chín ngày sau, vào ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.