Trang chủ » Tài liệu tham khảo

MỸ CÓ NGHĨA VỤ PHẢI BẢO VỆ UKRAINE

Trương Nhân Tuấn
Thứ sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024 1:53 PM



Về hồ sơ Ukraine, tương tự như hồ sơ NATO, LHQ, Đài Loan. Ông Trump nói sẽ giải quyết chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ. Theo tôi ông Trump chỉ có thể “nói cho sướng miệng” chớ làm thì không dễ.

Về Đài Loan, ông Trump không thể buộc Đài Loan trả tiền để được Mỹ bảo vệ, như Nam Hàn và Nhật. Đơn giản vì Đài Loan và Mỹ không có kết ước hỗ tương về an ninh. Thậm chí Mỹ còn không nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Không có gì ràng buộc lẫn nhau thì chuyện đòi tiền để được bảo vệ là chuyện của ma cô, đạo tặc.

Về NATO, ông Trump không thể nói chỉ bảo vệ những quốc gia thành viên NATO có ngân sách quốc phòng trên 2% GDP. Nói vậy là nước Mỹ đã có ý định “bội ước” với đồng minh.

Theo Hiến chương NATO, Mỹ, và các quốc gia thành viên NATO có nghĩa vụ phải bảo vệ quốc gia thành viên khác, nếu quốc gia này bị đe dọa xâm lược. Chuyện ngân sách quốc phòng của quốc gia không đủ 2% GDP là chuyện “hành chánh”. Làm gì thì cũng phải chiếu theo Hiến chương NATO mà làm.

Về LHQ cũng vậy. Mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ nghĩa vụ đóng góp cho LHQ, theo một “đồng thuận” từ một buổi họp của Đại hội đồng LHQ. Không ai bắt buộc Mỹ phải đóng góp hết cả.

Mỹ và 4 thành viên khác trong HĐBA, có quyền VETO, dĩ nhiên các quốc gia này có nhiều nghĩa vụ hơn. Trong đó có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn các quốc gia khác. Nguyên tắc nền tảng của LHQ, (Hiến chương LHQ) do Mỹ đặt ra, là sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Đòi hỏi sự “công bằng” cho Mỹ ở LHQ là chuyện “ignorance”, thừa thãi.

Về hồ sơ Ukraine, theo tôi Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Ukraine, chiếu theo Memorandum Budapest 1994.

Năm 1990, sau khi Liên Xô giải tán, Ukraine tuyên bố độc lập. Ukraine sở hữu khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược lẫn chiến thuật. Thỏa thuận bốn bên: Ukraine, Nga, Mỹ và Anh năm 1994 tại Budapest, Ukraine cam kết từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Đổi lại ba quốc gia Mỹ, Nga và Anh cam kết tôn trọng đường biên giới Ukraine và bảo vệ Ukraine nếu quốc gia này bị tấn công.

Vấn đề đặt ra là văn bản này có giá trị pháp lý ràng buộc hay không?

Theo tôi, khi Ukraine đã thực hiện các cam kết của mình thì văn bản đã có hiệu lực pháp lý ràng buộc. Vì vậy ta thấy, khi Nga xâm lược Ukraine và sau khi LHQ ra nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine. Mỹ và Anh là hai quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các quốc gia EU, trên lý thuyết là không có nghĩa vụ giúp đỡ Ukraine. Các quốc gia EU, thành viên NATO, giúp Ukraine vì hai lý do:

1/ Ranh giới NATO bị đe dọa và

2/ Các quốc gia thành viên NATO có nghĩa vụ yểm trợ Mỹ và Anh.

Sự chỉ trích của Trump (và mấy ông MAGA Việt Nam) về sự trợ giúp của chính phủ Biden trong thời gian qua cho Ukraine là “thiếu hiểu biết”.

Bây giờ nước Mỹ thay lãnh đạo, Trump lên làm tổng thống. Điều này không ảnh hưởng gì đến nội dung cam kết Budapest 1994. Tức là Mỹ, Anh và khối NATO có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine, chống lại Nga xâm lược.

Nếu không, Mỹ và Anh phải “trả lại nguyên trạng 1994” cho Ukraine. Tức là một quốc gia Ukraine độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, với kho vũ khí hạt nhân gồm 5.000 đầu đạn (chiến lược và chiến thuật).

Nếu Trump bội ước (như thường lệ) thì Ukraine có quyền chính đáng trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Bình Luận từ Facebook