Hai năm sau khi Hiến pháp 1967 ra đời, các quy định về hoạt động báo chí được nêu rõ ràng hơn trong Quy chế báo chí - luật số 019/69, ra ngày 30/12/1969.
Quy chế này nêu rõ:
- “báo chí không thể bị đóng cửa nếu không có quyết định của tòa án” (Điều 18);
- nếu báo chí bị tịch thu, nhà chức trách ra lệnh tịch thu phải khởi tố trước tòa án hình sự có thẩm quyền chậm nhất sau tám ngày (Điều 19);
- sau khi bị truy tố, nếu tòa báo được tòa án tha bổng, chủ nhiệm tờ báo có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại (Điều 20);
- báo chí có quyền giữ bí mật mọi tin tức, không thể bị truy tố khi tường thuật hoặc đăng tải các cuộc thảo luận công khai tại diễn đàn Quốc hội, các lời tuyên bố về quan điểm chính trị của dân biểu hay nghị sĩ;
- báo chí cũng không thể bị truy tố “nếu trích dịch những số nhật báo và tạp chí ngoại quốc đã được phép lưu hành tại Việt Nam, miễn là trích dịch trung thực và ngay tình” (Điều 25).

Quyền tự do báo chí đã được ghi nhận và củng cố qua nhánh quyền lực lập pháp, cụ thể như trong Hiến pháp 1967 và Quy chế báo chí 1969. Tuy nhiên, giới báo chí và nhánh hành pháp luôn có nhiều đụng độ. Trong khi giới báo chí ra sức khai thác mọi ngõ ngách khắc nghiệt của xã hội và phê phán nhiều hoạt động của chính phủ, chính quyền cũng tìm mọi cách ngăn chặn các hoạt động “soi mói” của nhà báo.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố trong mùa tranh cử năm 1971 rằng “báo chí được quyền chỉ trích chủ trương và đường lối của Liên danh Dân chủ một cách ôn hòa và trong khuôn khổ luật định.” Tuy vậy, chính quyền của ông Thiệu lại vẫn tiến hành tịch thu một số tờ báo với lý do không được dùng báo chí để phổ biến các tin tức có thật nhưng với dụng ý làm phương hại nền an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
Khảo luận Báo chí - Chính quyền qua việc thi hành Quy chế báo chí - Nguyễn Địch Điềm, 1972.
Nguoin: tapchi luatkhoa