Stefan Kubiak hay Hồ Chí Toán, là quân nhân Việt Nam gốc Ba Lan, từng bị bắt tham gia Binh đoàn Lê dương Pháp. Cuối năm 1946, ông cùng đơn vị được gửi sang Đông Dương để đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập của người Việt, đóng quân tại Nam Định. Tại đây, ông nhanh chóng chuyển hướng ủng hộ phong trào đấu tranh do Việt Minh lãnh đạo, tháng 4 năm 1947 ông đào ngũ, gia nhập quân đội Việt Nam. Ban đầu, ông được bố trí làm công tác địch vận, chủ yếu tuyên truyền vận động các binh lính Pháp phản chiến. Ông cũng có lần đóng giả sĩ quan Pháp để giúp những đồng đội của mình thâm nhập và đánh chiếm đồn bốt của quân đội Pháp.
Kể từ sau trận Hòa Bình mùa xuân năm 1952, ông được biết đến nhiều hơn do khả năng đặc biệt trong việc sửa chữa nhiều loại vũ khí thu được (gồm đại bác, súng phóng lựu và súng cối). Nhiều vũ khí hiện đại của quân Pháp bị Quân đội Nhân dân Việt Nam thu giữ nhưng lại không thể sử dụng đã được Kubiak tham gia sữa chữa, khiến những vũ khí này có thể phát huy tác dụng. Ngoài ra, với kiến thức toán học của mình, ông đã giúp ích rất nhiều cho quân đội Việt Nam trong việc huấn luyện lực lượng pháo binh non trẻ.
Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là chiến sĩ Đại đoàn 312, đánh trận mở màn tại Him Lam và các trận chiến giành các cao điểm phía đông (các đồi A1, C1, C2, D1 và E, còn gọi là trận chiến "Năm quả đồi").
Về ông, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính kể: “Stefan Kubiak được phân công phụ trách một đơn vị pháo binh. Với những tính toán chính xác đến từng milimet, ông đã cùng đơn vị lập được nhiều chiến công. Với ngoại hình của một lính Tây, Stefan Kubiak khoác lên mình bộ quân phục sỹ quan Pháp đột nhập vào lô cốt khó đánh nhất của địch, mở đường máu cho những chiến sỹ khác xông lên đánh chiếm lô cốt. Sau những lần đi trinh sát về, Stefan thường dùng mảnh khăn buộc vào đầu để che mái tóc vàng, đeo một mảnh vải như khẩu trang để che mặt lại, tránh chiến sỹ ta chưa biết có thể "tỉa" nhầm”.
Trong giai đoạn 1948 - 1954 ông đã tham gia 10 chiến dịch lớn, chiến đấu 50 trận, được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, ghi nhận thành tích xuất sắc của ông trong các trận đánh chiếm đồn Phủ Thông 1947 và trận Him Lam 1954. Stefan Kubiak đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi và đặt tên là Hồ Chí Toán.
Năm 1955, ông được điều về làm tham mưu trưởng trung đoàn pháo binh 45. Năm 1957, do tình trạng sức khỏe, ông được điều chuyển về công tác tại báo Quân đội nhân dân. Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1956, Stefan Kubiak - Hồ Chí Toán lập gia đình với một phụ nữ người Hà Nội tên là Nguyễn Thị Phượng và có 2 người con trai là Hồ Chí Thắng (sinh 1956) và Hồ Chí Dũng (sinh 1958). Năm 1965, theo ý nguyện của chồng, bà Phượng cùng 2 người con trai trở về Ba Lan sinh sống. Bà Phượng qua đời năm 2007.
Đại uý Stefan Kubiak - Hồ Chí Toán qua đời ngày 28 tháng 11 năm 1963 tại Hà Nội. Mộ ông hiện toạ lạc tại nghĩa trang Văn Điển.
Cuộc đời binh nghiệp của mình trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Hồ Chí Toán kể lại trong cuốn hồi ký có tiêu đề “Người trốn khỏi đồn Nam Định”, Nhà xuất bản Bộ Quốc phòng Ba Lan (MON) ấn hành năm 1974.
Tôi thân quen mẹ con chị Nguyễn Thị Phượng từ năm 1964 - 1965, khi tôi sang Ba Lan du học, học tiếng Ba Lan tại Trường dạy tiếng ở thành phố Lodz (Studium Języka Polskiego). Hồi đó chị Phượng thường hay đưa hai con trai Hồ Chí Thắng và Hồ Chí Dũng đến thăm sinh viên Việt Nam chúng tôi tại ký túc xá, tham dự các cuộc vui, liên hoan, nhân dịp lễ Tết Việt Nam. 60 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy.
Hai người con trai Hồ Chí Thắng và Hồ Chí Dũng của vợ chồng Hồ Chí Toán đều nói tiếng Việt thành thạo, cả hai đều là những doanh nhân thành đạt tại Ba Lan.
Hồ Chí Thắng, con trai cả, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Warszawa, ngành Địa chất. Sau khi ra trường anh đã thành lập công ty dịch vụ thuộc ngành địa chất, kinh doanh phát đạt. Anh có ba con trai tên là Sławek (40 tuổi), Marek (35 t) và Bartek (27 t.). Cả ba đều đã tốt nghiệp Đại hoc Bách Khoa Warszawa và đã đi làm.
Hồ Chí Dũng tốt nghiệp ngành Hán học Đại học Warszawa, năm 1983, còn vợ, Beata, tốt nghiệp ngành Nhật Bản học. Họ đã thành lập công ty vật liệu xây dựng, kinh doanh tốt. Họ có hai con gái, Mai (40 tuổi), tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học, hiện đang làm việc cho một tập đoàn lớn của Mỹ. Mai giỏi ngoại ngữ, có thể nói thông thạo năm thứ tiếng. Con gái út - Alexandra Lan (34 tuổi), tốt nghiệp Đại học tại Pháp tp. Bayonne. Lan hiện là doanh nhân, có công ty dịch vụ về bất động sản. Hồ Chí Dũng hiện đã nghỉ hưu, anh có điều kiện đeo đuổi đam mê hội hoạ, viết văn và dịch thuật.
Tôi rất vui khi vừa rồi Hồ Chí Dũng đã liên lạc với tôi, nhờ tôi giúp đỡ mua bản quyền một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ( "Trái tim hổ", "Những ngọn gió Hua Tát", "Tình yêu, Tội ác và Trừng phạt", "Chuyện tình kể trong đêm mưa" ) và của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“Cánh đồng bất tận”) để cháu dịch sang tiếng Ba Lan, giới thiệu văn học Việt Nam tại đất nước Phượng hoàng trắng. Biết tôi có tác phẩm hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi”, cháu Dũng cũng đã đề nghị tôi gửi cho cháu đọc để nếu có thể cháu sẽ dịch sang tiếng Ba Lan. Cháu Dũng còn cho tôi biết, cháu có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về bố cháu, Stefan Kubiak - Hồ Chí Toán, đại uý Quân Đội Nhân dân Việt Nam. Tôi lấy làm mừng, vì nếu được như vậy thì sắp tới đây tôi sẽ có một bạn đồng nghiệp mới, dịch giả Hồ Chí Dũng, dịch giả Ba Lan mẹ người Việt Nam, dịch văn học Việt Nam.
LBT.