Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THAM LUẬN CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI: 5 ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Đỗ Trọng Khơi
Thứ ba ngày 24 tháng 12 năm 2024 9:37 AM



Trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI, tôi xin có 5 điều góp ý với Ban Chấp hành khóa XI:


A, Kết nạp hội viên

B, Giải thưởng hàng năm

C, Đầu tư sáng tác

D, Thành lập Viện dịch thuật

E, Quản lý và quyền hạn của các Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương


*

Mỗi năm, vào tiết thu/đông người yêu văn chương Việt Nam lại xôn xao bình tán về hai việc: Kết nạp hội viên, và giải thưởng văn học Nobel. Trước hết tôi xin nói đôi lời về giải Nobel văn học, vấn đề kết nạp hội viên tôi đề cập ở mục A.


Về giải Nobel, câu hỏi cần phải đặt ra: Làm thế nào nền văn chương Việt Nam có tác giả và tác phẩm tầm cỡ thế giới?


Theo thiển ý của tôi, một đất nước để có các tài năng tầm cỡ thế giới về văn chương cũng như các ngành khoa học khác, thì điều tiên quyết cần phải có một nền giáo dục ưu việt, khoa học từ việc soạn giáo khoa thư, đến phương pháp đào tạo thầy, trò, song song trong một cơ chế hoạt động xã hội mà ở đấy con người mọi ngành được Tự do nghiên cứu học thuật, dịch thuật và xuất bản, Tự do biểu đạt tư tưởng và phong cách nghệ thuật trong sáng tạo...giải Nobel văn học và khoa học sẽ về khi xã hội Việt Nam có được một đời sống xã hội và giáo dục như vậy chăng?


*

Với Hội Nhà văn Việt Nam, trước thềm Đại hội và hoạt động của khóa tiếp theo, những việc cần được chú trọng. Tôi xin có ý kiến với 4 đề mục nhỏ A, B, C, D:


A, KẾT NẠP HỘI VIÊN:


Ban chấp hành Hội Nhà Văn nên đề ra quy định mỗi năm chỉ kết nạp với số hội viên nhất định: ít nhất mà chất lượng nhất.


Các tác giả được Ban Chấp hành, Hội đồng nghệ thuật bỏ phiếu xét gia nhập Hội Nhà văn qua hình thức tác giả đã có Thư mời của 3 đối tượng nhà văn, là:


1, Thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn

2, Thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn

3, Các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn được kết nạp tròn khóa 5 năm


Nội dung Thư mời, các nhà văn hội viên phải thấu hiểu về giá trị nghệ thuật tác phẩm đã có và thành tích sáng tác của tác giả được giới thiệu đó.


Sau khi nhận được Thư mời gia nhập Hội Nhà văn, tác giả đồng ý nhận lời mời bằng hình thức viết đơn tự nguyện xin gia nhập Hội.


*

B, GIẢI THƯỞNG HÀNG NĂM:


Số lượng giải thưởng nên thât hạn chế. Cốt tinh không cốt nhiều!


Giải thưởng hàng năm của Hộ Nhà văn Việt Nam cần phải là đại diện giá trị tinh hoa nhất về nghệ thuật văn học cả nước trong một thời điểm và lâu dài.


Song song với giải thưởng hàng năm, Hội Nhà văn nên trao một Giải thưởng đặc biệt (hay Giải thưởng lớn) cho tác phẩm xuất sắc nhất năm, với số tiền thưởng lớn.


Giải thưởng đặc biệt chỉ dành cho 1 tác phẩm duy nhất, được xét trên cơ sở lựa từ các tác phẩm đã được các Hội đồng nghệ thuật cùng Ban chấp hành Hội quyết định trao giải thưởng hàng năm.


Giải thưởng đặc biệt có thể không có, tuy theo năm xét có tác phẩm xứng đáng với giá trị đặc biệt hay không. Tiền thưởng cho Giải thưởng đặc biệt nếu không được nhà nước cấp, thì Hội Nhà văn xã hội hóa bằng việc kêu gọi mạnh thường quân đóng góp. (Từ xưa, xã hội Đông, Tây các mạnh thường quân – giới quý tộc đã từng nuôi, hay bảo trợ cho nhà văn và tác phẩm).


*

C, ĐẦU TƯ SÁNG TÁC:


Giải thưởng đặc biệt, với số tiền giải thưởng lớn đã là một hình thức đầu tư có chiều sâu xác đáng nhất cho tác giả.


Điều kiện cho phép thì Hội nên tìm thêm hình thức đầu tư sáng tác chất lượng khác, như cung cấp cho nhà văn có tiềm năng/tài năng, đang độ sung sức, có ấp ủ sáng tạo một nơi ở tĩnh vắng, đẹp đẽ, tiện nghi và cấp kinh phí sinh hoạt đủ cho từ 3 đến 6 tháng.


*

D, THÀNH LẬP VIỆN DỊCH THUẬT


Để quảng bá các sáng tác xuất sắc của các nhà văn Việt Nam ra tiếng Anh và các thứ tiếng phổ quát trên thế giới, nhằm giới thiệu cho bạn đọc rộng khắp của các nền văn hóa văn học khác hiểu hơn về giá trị văn học Việt Nam, qua đó hiểu về văn hóa và con người Việt Nam là việc làm tối cần thiết mà Hội Nhà văn cần phải có Dự án mang tính chiến lược lâu dài trình với Chính phủ để thực hiệu hiệu quả càng sớm càng quý.


*

E, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CHI HỘI NHÀ VĂN


Chi hội Nhà văn Việt Nam được thành lập ở các tỉnh thành nhằm tạo ra một cơ sở sinh hoạt nghề nghiệp và giúp cho các hội viên có điều kiện thăm hỏi động viên nhau khi gia định gặp việc vui buồn. Đây là một việc làm quý. Tuy vậy về quyền hạn của các Chi hội cần phải được phân định rõ ràng cụ thể:


Thứ nhất cần xác định, Chi hội không có trách nhiệm và quyền hạn trong việc giới thiệu các tác giả vào Hội Nhà văn Việt Nam. (như trên đã nói, giới thiệu kết nạp tác giả vào Hội là quyền hạn của cá nhân hội viên, với hình thức Thư mời)


Thứ hai, Chi hội phải chấp nhận hội viên đã được Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) kết nạp vào sinh hoạt tại Chi hội, khi hội viên là người đang sinh sống, công tác tại địa phương đó. (*)


Thứ ba, Chi hội không chịu trách nhiệm quản lý hội viên về mặt an ninh pháp luật, cũng như việc in ấn, phát hành tác phẩm.


________

(*) Đọc bài: Vào Hội Nhà văn Việt Nam để làm gì? của nhà thơ Đỗ Thành Đồng trên trang Facebook của anh, và trang vanvn.vn của HNVVN đăng lại ngày 18/12/2024, có đoạn: “…với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lại có quy định riêng. Chi hội xem xét quá trình lao động và sáng tạo, chất lượng tác phẩm, bỏ phiếu đa số tán thành mới giới thiệu cho Hội Nhà văn Việt Nam. Ai không theo quy trình này cũng không sao, nhưng sẽ không được sinh hoạt ở Chi hội sau kết nạp…”, tình trạng sẽ không được sinh hoạt ở Chi hội sau kết nạp…không chỉ sẽ xảy ra ở Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình, mà từng xảy ra ở một số tỉnh khác. Xin hỏi HNVVN trong điều lệ của hội có điều khoản nào cho phép các Chi hội được quyền không công nhận hội viên mới của chính HNVVN sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Nam khi hội viên đang sinh sống, công tác tại địa phương đó không? Nếu đây chỉ là quy định riêng nhằm tạo ra một “cái vé con” cửa quyền, kiểu phép vua thua lệ làng thì HNVVN nên có điều luật bãi bỏ cái lệ làng này, để tránh gây điều đáng tiếc, đáng buồn cho nhà văn hội viên mới khi muốn về sinh hoạt trong mái nhà chung này!


Thái Bình, 12/2024

ĐTK