Trang chủ » Truyện

TRÙNG …HỌ!

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 7 tháng 8 năm 2024 2:12 PM



 


Cái hồi còn ở nhà , chưa lên tỉnh, họ tên đầy đủ mà bố mẹ đặt cho là: Cường Thế Dương. Lúc còn nhỏ không sao, đến lúc lớn nghe “ họ” và “ tên” của Dương như thế, mọi người trong làng, nhất là đám chị em hay bụm miệng cười, nhiều lúc Dương cũng bực, lẽ ra ông nội từng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ thì đặt tên cho Dương là “Cường Chiến Thắng” nghe có phải vẻ vang hơn không? Hoặc bố từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn thì đặt tên cho Dương là “Cường Chiến Công” nghe vang dội có phải tốt bao nhiêu không!!! Đằng này lại là Cường Thế Dương, chỉ cần bỏ chữ “Thế” y như rằng … Không lẽ... dáng Dương đâu đến nỗi, cao, to mặt gần “vuông chữ điền”, làm “ em xi” (M.C) ai cũng thích vì hoạt ngôn , luôn có nụ cười tươi, đó là chưa kể sáng tác thơ… đi một bước Dương đã ra “một bài”... Tài như thế mà chỉ vì cái họ, cái tên để mọi người so sánh với “cái thằng ” luôn bị “tóm đầu” lúc đi đái là không được. Dương rất bực! Nhân có một cuộc thi thơ nhân ngày chiến thắng, sáng tác bài thơ với khí thế ngút trời, quân ta xung phong chiếm đồn địch, Dương quyết định lấy bút danh là Vương Văn Đùng. Bài thơ đó được một trong những giải thưởng của Ban thơ thuộc Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh… Để ghi nhận “chiến công” này, trong quyển “ Tiểu sử các nhà văn, nhà thơ của tỉnh… thế kỷ XX” Dương giấu tên thật chỉ ghi bút danh “ Nhà thơ Vương Văn Đùng, quê Phú Lao, Tỉnh Lao Bắc.”

Một thời gian sau thấy Dương nhanh nhẹn, giỏi quản giao lại đẹp trai, đặc biệt biết sáng tác thơ, Dương được nhận vào làm việc hợp đồng trong Ban thơ của Hội liên hiệp Văn học – nghệ thuật tỉnh…

Phụ trách ban Thơ, nhất là được quyền chọn thơ, chọn tác giả để đăng trong tạp chí “Văn Học - Nghệ thuật” tên tuổi của Dương bay cao còn hơn “diều gặp gió”. Thơ Dương chọn đăng và tạp chí thì tác giả bài thơ đó phải đáp lễ. “Nhẹ” là bữa nhậu, mà khi Dương đến, tác giả được in thơ giới thiệu Dương với mọi người rất trân trọng. Còn “nặng”, vớ phải tác giả bài thơ đăng ở tạp chí là nhạc sỹ, thì thơ của Dương được phổ nhạc, sau đó có tiếng hát véo von bài hát ấy của một “ca sỹ” nữ, mặt rất xinh trên YoTube hay ti vi...

Cứ như vậy từ ngày Dương có cái tên “Vương Văn Đùng”, đi đâu cũng được giới hiệu : “ Rất vui được đón nhà thơ Vương Văn Đùng nổi tiếng với những bài thơ có tính chiến đấu cao đến thăm...”, “ Đại hội chúng ta rất vinh dự được đón nhà thơ Vương Văn Đùng đến dự...” Dương có vẻ tự hào lại sáng tác nhiều hơn những bài thơ về đề tài “đánh nhau “. Cứ kỷ niệm ngày lễ chiến thắng, quốc khánh, thành lập quân đội... là có thơ của Dương.

Thơ “đánh nhau” của Dương dưới cái tên Vương Văn Đùng nhiều người đọc, bây giờ mọi người đều gọi Dương là Vương Văn Đùng, gặp Dương người ta đều: “ Chào anh Đùng” thế là tên Cường Thế Dương tự nhiên biến mất. Đã vậy lại có lời đồn nhà thơ Vương Văn Đùng có họ hàng với Bộ trưởng Bộ quân Sự Vương Văn Đoàng, vì căn cứ vào mấy lý do sau. Đã có “Đùng” tất yếu có “Đoàng”, “đùng đoàng” nghe như tiếng pháo công đồn, phải có “gốc rễ” như thế nào mới có hai tên hợp nhau như thế chứ!!! Điều tiếp theo cả hai người đều cùng quê ở Phú Lao, tỉnh Lao Bắc, như vậy là có “họ hàng” rồi !

Lời đồn mới đầu chỉ manh nha, chẳng thấy ai, nhất là Dương cải chính thế là lời đồn “nhà thơ Vương Văn Đùng” có họ hàng với ông Vương Văn Đoàng, Bộ trưởng Bộ quân sự dần dần “đặc quánh” lại. Có lần ông chủ tịch Tỉnh xuống thăm Hội liên hiệp Văn học - Nghê thuật... hỏi Dương :

- Anh là họ hàng thế nào với ông Vương Văn Đoàng?

Dương trả lời lấp lửng:

- Nói sơ qua thế này cho anh hiểu, trong dòng tộc, em là “chi” dưới, ông ấy là “chi” trên…

- Có nghĩa là anh phải gọi ông ấy bằng “bác “ hoặc bằng “chú”!

- Anh hiểu như thế cũng được - Dương gật đầu, nét mặt rất tỉnh không một chút lúng túng.

Lập tức ông chủ tịch Tỉnh nhìn Dương với con mắt khác, có vẻ nể trọng. Thế là từ trong cơ quan cho đến ra ngoài đâu đâu cũng đồn đại, Dương có họ hàng với ông “ to ”. Dương cũng không cần giải thích, mặc nhiên thừa nhận, nhiều người còn muốn đi bên cạnh Dương như để “ thơm lây”.

Có một lần ông Bộ trưởng Bộ quân sự Vương Văn Đoàng về thăm Tỉnh, thay mặt Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật…Dương ra đón. Dương đứng ngay hàng đầu, tặng hoa, rồi nói lớn với ông Bộ Trưởng Đoàng như để mọi người cùng nghe:

- Chào bác Vương Văn Đoàng, cháu là Đùng, quê ở Phú Lao, bác khỏe không ạ!

Ông Đoàng nhìn Dương ngạc nhiên, miệng cười tươi, giơ tay chào đúng tác phong người lãnh đạo quân sự. Mở ngoặc đơn, giải thích thêm cho mọi người hiểu, ông Vương Văn Đoàng khi gặp ai cũng giơ tay chào, miệng luôn cười tươi. Chỗ nào ông cũng cười tươi, giơ tay chào thành thói quen, đóng ngoặc đơn. Nghe Dương hỏi vậy, sau khi cười tươi, giơ tay chào ông Vương Văn Đoàng vỗ vai Dương thân mật, quen miệng, nói một câu cực kỳ quần chúng:

- Cậu đấy à! Tuyệt vời… Mình vẫn khỏe !

Cuộc gặp của Dương với ông Bộ trưởng Bộ quân sự Vương Văn Đoàng được rất đông người tận mắt chứng kiến, càng khẳng định, Dương có họ hàng với ông Bộ trưởng Bộ Quân sự Vương Văn Đoàng.

Từ đó, do có tiếng “cháu của ông Bộ Trưởng Bộ Quân sự” thơ của Dương liên tục in báo, được giải thưởng, uy danh càng vang xa. Cũng vì “danh” lớn, được tín nhiệm, ông Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật... giao cho Dương đi xin đất, xin nhà, xin đi du lịch... cho Hội. Mấy chỗ cần đến, họ cũng tưởng Dương là cháu của ông “to” có tên Đoàng, nên mọi việc tự nhiên giải quyết rất suông sẻ, nhanh, gọn đến không ngờ!

Do có những chuỵện như vậy, Dương mặc nhiên tự coi là có họ hàng với ông Bộ trưởng Bộ quân sự Vương Văn Đoàng.

Ngồi một mình trong phòng, Dương giở ảnh ông Vương Văn Đoàng đang tiếp khách nước ngoài được in trên tờ báo trung ương ra so sánh. Ờ! Trán ông ấy hơi hói, thì trán mình cũng sắp hói, miệng ông ấy hay “cười tươi”, miệng mình cũng vậy, khi tiếp khách, ông ấy quan “to”, mình quan “nhỏ”, biết đâu bằng tuổi ông ấy, mình cũng là quan “to”…

Không nói ra nhưng Dương thầm tự hào với cái tên Vương Văn Đùng, ánh mắt hơi mơ màng...

Ở cơ quan hay “mơ mộng”, Dương là nhà thơ, cũng hay “mơ mộng”. Vì có “ họ hàng” với ông “to”, trong một bữa nhậu, Dương nói về dòng họ “ Vương Văn… đùng đoàng” như sau:

- Tôi nói cho các ông biết nhé ! Đấy là dòng họ lớn, có truyền thống làm “quan”, đường học hành, văn, thơ đều phát triển mạnh theo hướng đi lên. Ví như be bé giống tôi, một nhà thơ nổi tiếng, cỡ lớn như bác Vương Văn Đoàng, Bộ trưởng Bộ quân sự. Mỗi lần bác ấy về quê, cả Tổng ra đón, ai cũng vui. Đứng lẫn trong đoàn người ra đón bác Đoàng, không biết cơ man là tiến sỹ, giáo sư làm hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường đại học danh tiếng, số còn lại đứng vào chức tỉnh, quận nhiều vô số kể…

Nghe Dương nói như vậy, nhất là được một bữa nhậu do Dương khoảng đãi, nhiều người ngồi nghe gật gù, thán phục.

Nhưng rồi ai học được chữ “ngờ”!

Ông Vương Văn Đoàng bị kỷ luật, mất chức chuẩn bị ra toà về rất nhiều tội: tham ô, hủ hóa, quan liêu…Tên và tội của ông đầy mặt báo. Mấy tối liền, trong mục thời sự của ti vi đều đưa tin. Đã vậy nhiều thằng “ facebook” được thể ‘hằng hà sa số” bình luận, mà toàn bình luận “đểu”!!! Ông Vương Văn Đoàng nếu có đọc được, khéo phải lấy mo cau úp vào mặt, “ chui xuống đất”.

Lúc này mọi người , nhất là mấy ông lãnh đạo một số cơ quan chính quyền từng tưởng Dương có họ hàng với ông bộ trưởng kia mà o bế, giải quyết cho đất đai, nhà cửa… bây giờ nhìn Dương bằng con mắt khác. Nhiều người đến gặp Dương, nói như tát vào mặt:

- Dòng họ nhà anh có người làm quan như thế, quá nhục, từ giờ đừng có khoe nữa. Anh là nhà thơ, có một ông bác như vậy, thật xấu hổ !

Đi ra ngoài đường, Dương bị nhiều người chỉ chỏ, bàn tán, có người đi sát canh, nhổ một bãi nước bọt rồi nói về ông Đoàng mà như mắng Dương :

-Cán bộ gì mà đi ăn cắp của dân, thấy có nhục không!

Đúng là quá khốn khổ, khốn nạn, chỉ vì một chút danh “hão” lại mang cái ách vào tròng. Không lẽ Dương phải đi khắp cả Tỉnh này, rồi cả… nước nói với thiên hạ rằng, tôi không phải là cháu của ông Vương Văn Đoàng, rằng Vương Văn Đùng chỉ là “bút danh”, không may trùng “họ” với ông ấy!!!

… Dương suy nghĩ lung lắm, rồi quyết định đến gặp ông Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật... trình bày:

- Thưa anh, em có điều này phải nói thật, em không phải là họ tên “ Vương Văn Đùng”., đó chỉ là bút danh thôi. Em đề nghị….

Ông Chủ tịch Hội Văn Học - Nghệ thuật tỉnh nghe đến đó, ngăn lại, nói ngay cho Dương hiểu:

-Ối giời! Anh không nói điều này ra thì Ban lãnh đạo Hội đều biết. Có điều, thấy anh nói láo là có họ hàng với ông Vương Văn Đoàng, mượn “danh” ấy đem lại nhiều quyền lợi cho Hội nên tôi yêu cầu mọi người giữ kín, đừng để lộ ra. Nay anh đề nghị cái gì ?

- Dạ, anh cho em để họ tên cũ, và thông báo cho mọi người là em có họ tên Cường Thế Dương chứ lấy tên Vương Văn Đùng cùng họ với thằng tham nhũng Vương Văn Đoàng, dân đang căm ghét, đi đâu cũng nghe dân chửi, em thấy cũng hơi … nhục!

Ông Chủ tịch Hội tán thành:

- Đúng, không nên “dây” vào với thằng đó. Mà tôi hỏi thật, vì sao anh lấy bút danh “ Vương Văn Đùng “ mà không để tên thật “ Cường Thế Dương”?

Dương cúi đầu, hơi xấu hổ, nói có phần bẽn lẽn:

- Hồi còn ở nhà, chưa lên đây đám con gái, con trai cứ trêu là thơ của em sáng tác giống như “ Cường … Dương”. Cái tên ấy ở một nhà thơ như em nghe xấu và thô bỉ quá… nên em đổi…

Ông Chủ tịch Hội Văn Học - Nghê thuật tỉnh cũng là một nhà thơ cười lớn rồi nói:

-“ Cường Thế Dương” cái tên rất hay, mà thơ được người ta so sánh với “cường dương” thì tuyệt vời. Dễ gì có nhà thơ nào có thơ được so sánh như vậy. Điều này còn vinh dự gấp vạn lần so với giải thưởng của nhà nước, của Hội...ấy chứ...

------------------

Hội An 5/2020