Cách thức các tiệm rượu ở Lỗ Trấn không giống với những nơi khác: tiệm nào cũng có một cái quày lớn hình thước thợ đối ngay đường phố, trong quày chứa sẵn nước sôi có thể hâm rượu lúc nào cũng được. Những người thợ, trưa và chiều tan sở, thường cứ bỏ ra bốn đồng chinh mua một chén rượu, - đó là chuyện hơn hai mươi năm về trước, bây giờ thì mỗi chén lên giá đến mười đồng chinh, - đứng tựa phía ngoài quày, uống sốt dẻo ngay về nghỉ. Nếu bỏ thêm ra một đồng chinh nữa, có thể mua một đĩa măng nấu mẵn hoặc đậu hồi hương làm đồ nhấm. Lại nếu bỏ ra đến mười đồng, tức nhiên mua được một món xào. Song le những khách hàng ấy phần nhiều là bạn áo cộc, đại khái không có tiêu rộng như vậy đâu. Duy có những người mặc áo dài mới vào đến trong cái phòng có phên ngăn cách gian ngoài, gọi rượu món nhấm, khề khà ngồi uống.
Tôi bắt đầu từ mười hai tuổi, đã đứng làm hầu xáng trong tiệm rượu Hàm Hanh ở đầu đường đi vào Lỗ Trấn. Người chủ quày bảo rằng bộ tướng tôi khù khờ quá, e chầu hầu khách áo dài không nổi, thôi thì ở gian ngoài làm viẹc qua loa vậy. Khách áo cộc ở gian ngoài tuy dễ nói chuyện hơn, song cũng chẳng thiếu gì kẻ lai nhai lải nhải làm lôi thôi rất khó chịu. Họ hay đòi xem tận mắt khi múc rượu ở trong chum ra, đòi xem trong cái ấm có nước lã hay không có, lại đòi xem khi thả cái ấm vào nước sôi, như thế mới yên lòng: ở dưới sự tra xét nghiêm ngặt ấy, thật khó lòng mà pha nước vào. Bởi vậy chỉ được mấy ngày, người chủ quày lại nói tôi không đương nổi việc ấy. May nhờ cái người đưa tôi đến là chỗ quen thân quá, tiệm không thể thải tôi ra, bèn đổi sang một công tác tẻ ngắt là chuyên giữ một việc hâm rượu.
Tôi từ đó cả người đứng ở phía trong quày chăm làm chức vụ của mình. Tuy chẳng có gì đến nỗi không tròn phận sự, nhưng cứ mải miết có một việc, thấy chơi chán nán. Người chủ quày thì vẻ mặt lằm lằm, khách hàng thì chẳng hề có tình đằm thắm, làm cho mình không sao phới phở được; chỉ có khi nào Khổng ất Kỷ đến tiệm, mới cười lên được mấy tiếng, cho nên còn nhớ mãi đến bây giờ.
Khổng ất Kỷ là người có một, đứng uống rượu mà lại mặc áo dài. Ông ta, vóc giạc rất cao lớn, sắc mặt trắng xanh, giữa những nét nhăn thường hay đèo thêm ít vết sẹo; một bộ râu xồm rối như bòng bong. Tuy mặc áo dài, nhưng vừa bẩn vừa rách, hình như hơn mười năm không vá cũng không giặt. Nói chuyện với ai, ông cũng nói huyên thiên những là chi hồ giả dã, làm cho người nghe nửa hiểu nữa không hiểu. Nhân vì ông họ Khổng, người ta bèn từ trong câu "thượng đại nhân khổng ất kỷ" thường in son trên giấy tập đồ là câu nửa hiểu nửa không hiểu ấy, lấy ra cho ông một cái biểu hiện tên là Khổng ất Kỷ. Khổng ất Kỷ vào đến tiệm một cái là bao nhiêu người uống rượu đều nhìn ông mà cười, có kẻ lêu lên rằng: "Khổng ất Kỷ, trên mặt ông hôm nay đã lại thêm một vết thương mới rồi!". Ông ta không trả lời, ngó vào trong quày nói: "Hâm cho hai chén rượu, lại cho một đĩa đậu hồi hương đây". Nói thế rồi xỉa ra chín đồng tiền. Những người kia lại cố ý nói to lên rằng: "Nhất định ông lại ăn trộm cái gì của nhà người ta rồi chứ gì!" Khổng ất Kỷ trợn to mắt lên nói: "Các người làm sao lại đặt điều ra bôi nhọ người ta như thế ?" - "Chính mắt tôi đây hôm kia thấy ông ăn trộm sách nhà họ Hà, bị treo lên đánh, còn bôi nhọ gì nữa ?" Khổng ất Kỷ bèn đỏ mặt, gân xanh trên trán nổi lên từng sợi, cãi lại rằng: "Lấy cắp sách không thể kể là ăn trộm được... Lấy cắp sách!... ấy là việc của người đọc sách, thế nào kể là ăn trộm được ?" Tiếp lấy đó bèn là những câu khó hiểu, như là "quân tử cố cùng" gì gì "giả hồ" gì gì, làm cho mọi người cười rộ lên, trong và ngoài tiệm đầy dẫy cái không khí vui vẻ.
Nghe người ta bàn tán riêng với nhau, Khổng ất Kỷ vốn có đi học, nhưng trọn đời không đỗ đạt gì, lại không biết nghề làm ăn cho nên càng ngày càng cùng túng đến nỗi rắp đi ăn mày. Còn may được cái viết chữ tốt, bèn đi chép sách mượn cho người ta để kiếm cơm ăn. Khốn thay ông ta lại có tính bướng, siêng ăn nhác làm. Ngồi chép được mấy hôm, cả người luôn với sách giấy bút mực thảy đều mất tích. Như thế mấy lần, rồi thì không còn có ai thuê ông ta chép sách nữa. Khổng ất Kỷ không có cách gì, cực chẳng đã đôi khi phải làm cái việc trộm cắp. Nhưng đối với tiệm chúng tôi, ông là người có phẩm hạnh tốt hơn những người khác, nghĩa là không hề thiếu chịu; tuy cũng có khi không có tiền mặt, tạm ghi trên bảng đen, song trong một tháng thế nào cũng trả hết, trên bảng đen đã xóa bỏ họ tên Khổng ất Kỷ rồi.
Khổng ất Kỷ uống xong nửa chén rượu, cái sắc mặt ửng đỏ dần dần trở lại nguyên như cũ, có người lại hỏi: "Khổng ất Kỷ, có thật ông biết chữ không ?" Khổng ất Kỷ nhìn cái người hỏi mình đó, tỏ ra dáng chẳng thèm cãi vã. Những người khác lại tiếp lời: "Vì lẽ gì đến nửa cái tú tài mà ông cũng mò không được ư ?" Khổng ất Kỷ lập tức tỏ vẻ áy náy khó chịu, trên mặt phủ một lớp màu xám tro, trong mồm nói lẵm bẵm, lần này thôi thì rặt những là chi hồ giả dã, chẳng hiểu được chút nào. Đương lúc ấy, mọi người đều cười rộ lên, trong và ngoài tiệm đầy dẫy cái không khí vui vẻ.
Ở những lúc như thế, tôi có thể cười về hùa với họ, người chủ quày chẳng hề quở mắng đâu. Vả lại người chủ quày mỗi khi thấy Khổng ất Kỷ cũng thường hỏi đùa như thế, gợi người khác bật cười. Khổng ất Kỷ biết mình không thể nào gẫu chuyện với họ được, bèn quay đi nói với trẻ con. Có một lần hỏi tôi rằng: "Em đã đi học chưa ?" Tôi khẽ khẽ gật đầu. Ông ta nói: "Đã đi học rồi... tôi hạch hỏi em thử nào. Chữ hồi trong đậu hồi hương kia viết thế nào nhỉ ?" Tôi nghĩ, con người như ăn mày một thứ ấy mà cũng đòi hạch hỏi mình ư ? Bèn quay mặt đi, không đếm xỉa đến. Khổng ất Kỷ đợi một chặp lâu rồi tha thiết nói rằng: "Không viết được phỏng ?... Tôi sẽ bày cho. Nhớ lấy! Những chữ ấy phải nên nhớ lấy, ngày sau khi làm chủ quày biên sổ sẽ dùng". Tôi nghĩ bụng, tôi cùng chủ quày thứ bậc cách xa lắm, vả lại người chủ quày của chúng tôi cũng chẳng biên đậu hồi hương vào sổ bao giờ, vừa tức cười, vừa khó chịu, uể oải trả lời rằng: "Ai cầu ông dạy, chẳng phải thảo đầu ở trên rồi chữ hồi là về ở dưới là gì ?" Khổng ất Kỷ tỏ ra vẻ khoăn khoái, lấy hai móng tay dài gõ trên ván quày, gật đầu nói: "Đúng đấy! Đúng đấy!... Chữ hồi là về có bốn lối viết, em biết chứ ?" Tôi càng khó chịu, bĩu môi đi khỏi đó. Khổng ất Kỷ bưa vừa lấy móng tay chấm rượu toan viết chữ trên quày, thấy tôi không có ý sốt sắng gì cả, bèn lại thở dài một cái, tỏ vẻ lấy làm buồn tiếc lắm.
Có mấy lần, trẻ con hàng xóm nghe tiếng cười, cũng chầu vui chạy sang, vây lấy Khổng ất Kỷ. Ông ta cho chúng ăn đậu hồi hương, mỗi đứa một hột. Trẻ con ăn xong, vẫn cứ không đi, mắt đăm đăm nhìn cái đĩa. Khổng ất Kỷ lúng túng, thò năm ngón tay bấu vào cái đĩa lên, khom lưng xuống, nói rằng: "Chẳng có nhiều, tôi chẳng có nhiều đâu". Lại đứng thẳng lên ngó vào đĩa đậu, lắc đầu nói: "Chẳng nhiều, chẳng nhiều! Nhiều ôi thay ? Chẳng nhiều vậy"[2]. Thế rồi một đàn trẻ con kia tản đi trong tiếng cười vang.
Khổng ất Kỷ làm cho người ta vui vẻ đại khái như vậy, song le nếu không có ông ta, người ta cũng lại như vậy thôi.
Có một hôm, chừng là hai ba ngày trước tết trung thu, người chủ quày đương thư thả tính sổ, lấy cái bảng đen xuống, bỗng dưng nói: "Đã lâu rồi không thấy Khổng ất Kỷ đến, hắn còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Tôi mới nhớ sực ra quả thực đã lâu ông ta không đến. Một người đang uống rượu nói rằng: "Hắn làm thế nào đến được ?... Bị đánh què chân rồi". Người chủ quày nói: "Thế à R!" - "Hắn vẫn cứ ăn trộm như cũ. Lần này lại dại dột, nhè nhà cụ Cử Đinh mà ăn trộm. Của nhà ấy mà lại ăn trộm được à ?" - "Sau rồi làm sao ?" - "Làm sao ? Trước viết tờ thú lỗi, sau là đánh, đánh đến già nửa đêm và đánh què chân". - "Sau rồi sao nữa ?" - "Sau rồi đã đánh què chân thật". - "Đánh què rồi làm sao ?" - "Làm sao ?... Ai biết được ? Chết rồi cũng nên". Người chủ quày không hỏi nữa, vẫn thư thả tính sổ.
Qua cái tết trung thu, gió may càng ngày càng heo hắt, xem chừng gần sang mùa đông; tôi suốt ngày đứng gần bên lửa cũng còn phải mặc áo cộc bông mới chịu được. Một buổi chiều, chẳng có một người khách hàng nào cả, tôi đang nhắm mắt ngồi. Thình lình nghe có tiếng: "Hâm một chén rượu đây". Tiếng tuy rất nhỏ, nhưng mà nghe quen lắm. Trong ra lại không có ai hết. Tôi đứng dậy nhìn phía ngoài, thì ra Khổng ất Kỷ ngồi ở dưới quày chỗ ngay ngạch cửa. Ông ta mặt đen mà gầy, không còn ra hồn người nữa, mặc một cái áo cộc kép rách, xấp bằng hai chân, dưới đít lót một tấm bao lác, dùng dây rơm buộc treo lên vai; thấy tôi, lại nói: "Hâm cho một chén rượu đây". Người chủ quày cũng thò đầu ra, lên tiếng: "Khổng ất Kỷ đó à ? Ông còn thiếu mười chín đồng chinh nhé!" Khổng ất Kỷ bộ rất dã dượi, ngước mắt trả lời: "Món ấy... lần sau sẽ trả thôi. Lần này tiền mặt, rượu phải ngon mới được". Người chủ quày vẫn cứ làm như mọi khi, nhìn ông ta cười và nói rằng: "Khổng ất Kỷ, ông lại ăn trộm cái gì nữa rồi!". Nhưng ông ta lần này lại không chối cãi hẳn, chỉ nói một câu: "Thôi đừng có trêu". - "Lại còn trêu ? Nếu không ăn trộm, việc gì bị đánh què chân chứ ?" Khổng ất Kỷ nói khẽ: "Ngã què, ngã, ngã..." Xem chiều con mắt ông ta, như muốn van lơn người chủ quày đừng nhắc đến nữa. Lúc đó đã có mấy người nhóm lại, họ cùng người chủ quày đều cười lên một loạt. Tôi hâm xong rượu, bưng ra, đặt trên ngạch cửa. Ông ta mò trong túi áo rách lấy ra bốn đồng tiền thả vào tay tôi. Tôi thấy cái tay đầy những bùn, thì ra ông ta đã dùng tay mà đi đến. Một lát, ông uống cạn rượu, lại cứ ngồi mà đủng đỉnh nhích đi bằng tay trong tiếng nói cười của những người chung quanh.
Từ đó về sau, lâu lắm không hề thấy Khổng ất Kỷ. Đến ngày cuối năm, người chủ quày lấy cái bảng đen xuống, nói: "Khổng ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Đến tết mồng năm năm sau, lại nói: "Khổng ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Song le đến trung thu thì không nói, và đến cuối năm cũng không hề thấy ông ta.
Cho đến bây giờ tôi cũng không hề thấy - ước chừng Khổng ất Kỷ chắc chết rồi.
(Tháng ba năm 1919)
Chú thích
1. ▲ Trên tuần báo Sông Hương (do Phan Khôi sáng lập và làm chủ nhiệm) số 27 (6-2-1937) có đăng Khổng ất Kỷ với ghi chú "truyện ngắn của L.S". (L.S. tức Lusin, phiên âm Latinh cách đọc tiếng Hoa bút danh Lỗ Tấn), không ghi tên người dịch, không rõ có phải bản dịch của Phan Khôi hay không. Bản dịch Khổng ất Kỷ của Phan Khôi in ở tập sách này đã đăng tuần báo Văn nghệ, số 83 (25-8-1955).
2. ▲ Nguyên văn sáu chữ này: "đa hồ tai, bất đa dã", là một câu trong sách Luận ngữ, cũng như "quân tử cố cùng" trên kia cũng ở trong sách ấy. Tác giả đưa vào đây để thấy Khổng ất Kỷ là người hay nói chữ. Bốn chữ "quân tử cố cùng", ta cũng thường có nói, cho nên để nguyên không dịch.