Trang chủ » Tin văn và...

TIN BUỒN: NHÀ VĂN ĐÀO THẮNG TẠ THẾ

TN
Thứ ba ngày 23 tháng 4 năm 2024 1:59 PM
Nhà văn Đào Thắng đã qua đời ngày 22.4.2024 (nhằm ngày 14 tháng 3 năm Giáp Thìn) lúc 13h59 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, hưởng thọ 79 tuổi.
Lễ khâm liệm vào hồi 7h ngày 24.4.2024 (nhằm ngày 16 tháng 3 năm Giáp Thìn). Lễ viếng từ 9h15 đến 11h cùng ngày tại nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, hoả táng tại Đài hoá thân hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang quê nhà, thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam


Trang trannhuong.com và gia đình Trần Nhương xin chia buồn tới gia đình, em Như cùng các cháu. Cầu cho anh linh Đào Thắng thanh thản về dòng sông Mía quê nhà


(Đoạn trích dưới đây của trang Lethieunhon)

Nhà văn Đào Thắng nhập ngũ năm 1965, chiến đấu ở tuyến lửa khu 4 và chiến trường Lào giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Đào Thắng là con rể của nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003). Thế nhưng, cái bóng lồng lộng của bố vợ danh vọng tài hoa vẫn không khiến nhà văn Đào Thắng bị che mờ sự nghiệp riêng. Nhà văn Đào Thắng sở hữu nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang trong cộng đồng như “Điểm cao thành phố”, “Nước mắt”, “Đất xanh”, “Dọc miền Trung”, “Tiếng vọng Đồng Lộc”, “Huyền thoại Truông Bồn”…

Đặc biệt, tiểu thuyết “Dòng sông mía” được giải A cuộc thi tiểu thuyết 2003-2005 của Hội Nhà văn Việt Nam, là tác phẩm giúp nhà văn Đào Thắng ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc và đồng nghiệp.

Nhà văn Đào Thắng từng thổ lộ, ông viết “Dòng sông mía” bằng tất cả tình yêu dành cho quê hương ông. Cái thiện và cái đẹp của đồng bằng Bắc bộ sau bao nhiêu thăng trầm thời cuộc bỗng dưng xáo trộn hết, biến tướng hết. Ông muốn cảnh tỉnh nguy cơ người tốt không có chỗ dung thân, còn kẻ ác nhởn nhơ và chà đạp cuộc sống nông thôn.

Cái làng mía Thanh Khê hiện diện trong “Dòng sông mía” chưng cất từ những thao thức và những dằn vặt của nhà văn Đào Thắng. Vì vậy, trước một làng mía quằn quại vì trái ngang và suy đồi, ông để nhân vật của mình là bà Mến gào thét căm phẫn: “Người thôn quê chúng tao xưa nay có ác như thế bao giờ đâu. Chết một người, khóc một người, chết hai người khóc hai người, rách lành đùm bọc, no đói có nhau. Bảo thằng Tây, thằng Nhật ở gầm giời nào đến đây nó ác thì tao chịu. Đằng này hàng xóm láng giềng, ra vào nhìn thấy nhau, hết gạo vác rá sang nhà nhau vay một bát, hai bát, cho nhau củ đao, củ sắn, củ khoai, lúc đói lòng, còn họ hàng máu mủ ruột thịt với nhau sao bỗng dưng quay ra ác với nhau đến vậy? Chúng nó mang cái ác ở đâu về? Xui người ta ác? Chúng nó mang cái ác hoang hoại ở đâu về?”.

Tiểu thuyết “Dòng sông mía” đặt ra nhiều câu hỏi gai góc cho phẩm giá nông dân và phong vị nông thôn. Tiểu thuyết “Dòng sông mía” là tác phẩm quan trọng nhất để nhà văn Đào Thắng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Sinh thời, nhà văn Đào Thắng bày tỏ: “Văn chương cũng giống như các ngành nghệ thuật khác, có hoạt động quần chúng, nghiệp dư và chuyên nghiệp. Luyện trí, luyện tài, luyện tâm để làm một cây bút chuyên nghiệp, thật khó. Tự vật lộn, tự vươn lên để có một tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao, càng khó hơn. Tức là cái tác phẩm ấy, nó sống với mình được, nó sống với người khác được, nó sống ở nơi này nơi kia cũng được. Làm nghề văn, chúng ta cần rạch ròi như vậy”.

Bây giờ, nhà văn Đào Thắng đã dừng cuộc vui buồn trên trần gian chộn rộn. Thế nhưng, “dòng sông mía” của ông vẫn còn “trôi” đến tương lai.