Trang chủ » Tin văn và...

TỶ PHÚ VIỆT BỊ TUYÊN ÁN TỬ HÌNH (Báo Nga)

( Báo “Sự thật Thanh niên”-Nga) Tô Hoàng chuyển
Thứ hai ngày 15 tháng 4 năm 2024 4:40 PM
( Báo “Sự thật Thanh niên”-Nga)
Trương Mỹ Lan được coi là một trong những phụ nữ giàu nhất Việt Nam trong những năm gần đây.
Khi cải cách thị trường bắt đầu ở Việt Nam vào cuối những năm 1980, Trương Mỹ Lan lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, tích lũy khối tài sản hàng tỷ USD. Và vào năm 2012, bà thực sự bắt đầu sở hữu một trong những ngân hàng địa phương, sau này trở thành tổ chức tín dụng tư nhân địa phương lớn nhất rong cả nước.
Ở Việt Nam có hạn chế: một người không được sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng, nhưng nữ doanh nhân này đã dùng nhiều chiêu trò với các công ty vỏ bọc, tập trung 90% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn vào tay mình.
Tổ chức tài chính này được lãnh đạo bởi các nhà quản lý được bà ta tin dùng - những người đã phát hành các khoản nợ xấu trị giá hàng triệu đô la cho các công ty do Trương Mỹ Lan sở hữu mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào. Kiểm toán viên và công tố viên ước tính, 93% số tiền vay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã lọt vào tài khoản công ty của nữ doanh nhân, sau đó được rút ra tiền mặt. Tại phiên tòa, tổng số tiền bị đánh cắp lên tới 22 tỷ USD, chiếm khoảng 3% GDP của Việt Nam.
Hiện vẫn chưa rõ những bao tải tiền đó đã đi đâu. Có thể phần lớn số tiền bị đánh cắp đã được dùng để hối lộ: Trương Mỹ Lan đã chi tiền để ngân hàng của mình tránh bị kiểm toán và thanh tra. Cơ quan điều tra xác nhận 5 triệu USD tiền mặt đã được chuyển cho Chánh thanh tra Ngân hàng Trung ương Việt Nam- người này cũng bị khởi tố.
Một trong những nhân chứng quan trọng là tài xế riêng của nữ doanh nhân thừa nhận rằng, thay mặt Trương Mỹ Lan, anh ta thường xuyên rút tiền mặt từ nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, và cất giữ dưới tầng hầm nhà nữ doanh nhân. Người tài xế này tính toán rằng tổng cộng, qua nhiều năm làm việc với Trương Mỹ Lan, anh ta đã rút tiền mặt và chuyển khoảng 4 tỷ USD đến nơi ở của bà ta.
Tòa tuyên án tử hình Trương Mỹ Lan: lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một hình phạt đặc biệt được áp dụng cho tội phạm kinh tế chứ không phải tội bạo lực.Có thể các thẩm phán đã đưa ra bản án khắc nghiệt như vậy, như một biện pháp gây áp lực lên bị cáo, rằng bà ấy không chỉ ăn năn mà còn phải trả lại số tiền đã đánh cắp, sau đó bản án của bà ấy sẽ được giảm nhẹ và được tha mạng. Các nhà điều tra không thể xác định được phần lớn số tiền bị đánh cắp đã đi đâu? Bản thân Trương Mỹ Lan cũng không nói gì rõ ràng về việc này mà chỉ bày tỏ sự hối hận về việc mình đã làm, giải thích sự việc xảy ra khi chưa có đủ kiến thức cơ bản về kinh doanh ngân hàng.
Phiên tòa này trở thành một trong những phiên tòa lớn nhất trong lịch sử Việt Nam - 2.700 người làm chứng, hơn 200 luật sư tham gia và tổng trọng lượng các hồ sơ tài liệu vượt quá 6 tấn. Không chỉ Trương Mỹ Lan bị xét xử mà chồng và cháu gái của bà cũng phải ngồi tù. Tổng cộng, có hơn 80 bị cáo trong vụ án. Các luật sư của bị cáo có ý định kháng cáo bản án tử hình này.
Ở Việt Nam tù nhân bị xử tử thường bằng cách tiêm thuốc độc. Chính quyền nước này không công bố số người bị hành quyết, nhưng, như các nhà hoạt động nhân quyền đã tính toán, án tử hình ở nước này được thực hiện đối với 200 người mỗi năm.
Vụ án Trương Mỹ Lan làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi nó chứng tỏ ở nước này có thể thỏa thuận với chính quyền và tiến hành các hoạt động trái pháp luật trong thời gian dài. Có lẽ ít nhất các nhà đầu tư nước ngoài cũng được yên tâm phần nào, bởi thực tế là, trong khuôn khổ các chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian gần đây, hai chủ tịch nước và hai phó thủ tướng đã mất chức.