Trang chủ » Tin văn và...

ĐIẾU VĂN ĐƯA TIẾN NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỖ PHÚ

Trần Nhương
Thứ tư ngày 3 tháng 1 năm 2024 1:44 PM


(Do nhà văn Trần Nhương đọc tại lễ truy điệu hồi 13 giờ 45 ngày 2-1-2004)

Kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu nhà văn Nguyễn Đỗ Phú !

Kinh thưa gia quyến và họ mạc nhà văn Nguyễn Đỗ Phú !

Kính thưa các cụ, các ông bà và các bạn đồng nghiệp !

Vừa bước vào năm 2024, chúng ta có mặt tại đây để đau buồn đưa tiễn nhà văn Nguyễn Đỗ Phú, một người chồng, một người bố, một người ông, một người đồng nghiệp tử tế, hiền lương cho đến giây phút cuối đời. Vẫn biết quy luật sinh lão bệnh tử của kiếp người nhưng sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống đau đáu nhớ thương cho gia đình, dòng tộc và bạn bầu đồng nghiệp.

Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú sinh ngày 16-2-1936 tại xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Thanh Xuân Hà Nội. Ông tạ thế vào hồi 19 giờ 45 phút ngày 31-12-2023, hưởng thọ 88 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú sinh ra trong một gia đình có học, có truyền thống văn chương. Thân Phụ là cụ Nguyễn Văn Bân nhà giáo nhà văn, cụ đã có nhiều tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm Giặc Cờ Đen. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Na, một bà vợ, bà mẹ hiền thục, hết mình vì chồng con. Ông là hậu duệ chi thứ năm của Danh nhân Nguyễn Văn Siêu.

Quá trình hoạt động của nhà văn Nguyễn Đỗ Phú như sau: Từ năm 1957 đến năm 1961 ông theo học Khoa xây dựng dân dụng Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1962 đến năm 1976 ông công tác tại Viện thiết kế Tổng cục đường sắt, sau là Viện thiết kế Giao thông vận tải. Từ năm 1976 ông công tác tại Hội Xây dựng Việt Nam và năm 1993 nghỉ hưu. Ông là một kĩ sư giỏi đã thiết kế nhiều công trình cầu, cảng cho đất nước. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc công việc.

Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú kết duyên cùng bà Đỗ Thị Mỹ, hai ông bà sinh hạ được 4 con, hai trai, hai gái, các con cháu đều trưởng thành, là cán bộ Nhà nước, thành đạt giữ nhiều vị trí quan trọng ở cơ quan. Gia đình nhà văn Nguyễn Đỗ Phú đầm ấm quây quần bên Ngõ chợ Khâm Thiên, đây cũng là một địa chỉ nhiều đời của họ mạc, và bạn bè văn chương lui tới hàn huyên.

Sinh ra trong một gia đình có học, thừa hưởng truyền thống của thân phụ là một nhà giáo - nhà văn, ông là một kỹ sư nhưng yêu văn chương và dấn thân như một lập trình mặc định. Từ năm 1969 ông đã có truyện in trên báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sự nghiệp văn chương của ông đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà, tiêu biểu là các tập truyện ngắn: Cầu vồng đi đón cơn mưa (1977), Quà tặng của Trời (1997), Đêm chuyển mùa (1998), Phố đêm (1999), Khoảnh khắc (2000), Bảy ngày trong đời (tiểu thuyết năm 2000), Những chặng đường đã qua, chấp bút cho bộ trưởng Bùi Danh Lưu (2006), ngoài ra ông còn viết 5 kịch bản phim truyền hình…

Nói đến Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú là nhớ đến truyện ngắn Đêm đợi tầu mà giới phê bình văn học tốn giấy mực viết về thi pháp truyện ngắn của ông. Một truyện ngắn thấm đẫm hơi thở xã hội thời bao cấp, thời hợp tác xã, đêm trước của đổi mới. Ngày ấy xã hội còn cố chấp, bảo thủ mà ông đã đưa được câu ca này vào truyện: “Mỗi người làm việc bằng hai / Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” là một sự dũng cảm. Vì truyện ngắn ấy mà ông phải kiểm điểm về quan điểm lập trường của mình. Ông buồn và treo bút, gác bỏ đam mê văn chương. Mãi tới năm 1995, tức là 20 năm sau ông mới cầm bút viết lại. Dồn nén ẩn ức, ông viết và xuất bản liên tục nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Năm 1998 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó là Hội viên Hội Nhà văn Hà nội.

Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú từng đạt được giải ba cuộc thi truyện ngắn Hội Nhà văn Hà Nội (1998), Giải chính thức cuộc thi truyện ngắn tạp chí Tác phẩm mới Hội Nhà văn VN (1999)

Hiếm có một gia tộc nào như gia đình ông. Cụ thân sinh viết văn, hai con cụ là ông và em gái là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và cháu ngoại là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đều là nhà văn. Ba thế hệ viết văn và có nhiều đóng góp với văn học nước nhà. Đó là một gia tộc nổi tiếng ít có, một gia tộc lấy vẻ đẹp của văn chương để sống tử tế, nhân từ. Đúng là giòng dõi đại danh sỹ Nguyễn Văn Siêu (Nguyễn Siêu) người đã làm nên danh thắng đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Hà Nội, người được ca ngợi là “Thần Siêu, thánh Quát” với những tác phẩm đồ sộ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Đỗ Phú là người đông bạn bè, tốt tính dễ cởi lòng sởi lởi, sẵn sàng giúp đỡ bạn bầu, ông rất vui tặng bạn bè những đồ dùng cần thiết hay ai thích gì mà ông đang dùng, ông tặng luôn. Một con người luôn biết san sẻ, luôn biết cho đi làm niềm vui. Ông ít khi giận hay to tiếng với ai, rủ rỉ, biết buông bỏ, hiền hậu như một lão thực. Ông tham gia nhóm Văn Mùa Thu gồm các nhà văn đồng điệu Trần Nhương, Đắc Như, Đoàn Thi Lam Luyến, Vũ Nho, Anh Thư, Thế Đức, Thu Trang, Hoàng Huyên, Hoàng Tuyên…một tháng đôi lần cà phê, chia sẻ vui buồn. Bao giờ ông cũng truyền cho anh em năng lượng sống tích cực, anh em trong nhóm coi anh là anh cả…

Có điều ít người biết, chính ông khi đang làm việc ở Hội Xây dựng Việt Nam ông đã giúp đỡ Hội Nhà văn Việt Nam có được một số căn hộ ở Ngọc Khánh. Nơi đó là mái ấm một thời của các nhà văn Nguyễn Kiên, Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc… và nhiều nhà văn khác.

Cuộc đời thăng trầm, nhưng nhiều điều viên mãn nhưng cũng không tránh khỏi những ngày đau đớn. Năm 2019 vợ ông, bà Đỗ Thị Mỹ ra đi, liền năm sau năm 2000 con gái trưởng của ông cũng vội xa ông về miền mây trắng. Ông suy sụp vì phải chịu sự sinh ly tử biệt. Ông vốn là người năng động, thông minh, quả quyết nhưng nỗi đau quá lớn làm ông lâm bệnh. Mặc dù được con cháu chăm sóc chạy chữa thuốc thang nhưng không cưỡng được số mệnh, trái tim ông đã ngừng đập vào ngày cuối cùng của năm 2023, ông đã dời xa về cùng tiên tổ.

Khép lại một kiếp người dù có thăng trầm nhưng ông để lại một gia tài không nhỏ, đó là những trang văn lấp lánh, đó là một gia đình ấm áp có nền nếp gia phong, đó là lòng nhân hậu, tử tế suốt 88 năm cuộc đời.

Cầu mong cho anh linh nhà văn Nguyễn Đỗ Phú về với tiên tổ nời làng Kim Lũ thân yêu, nơi bên con sông Tô Lịch, nơi địa linh khoa bảng nổi tiếng kinh kỳ, nơi quê hương của danh nhân Nguyễn Văn Siêu rạng rỡ muôn đời.

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Đỗ Phú !

Anh linh của ông sẽ phù hộ cho dòng tộc, con cháu bình an, hưng thịnh. Ông đang hóa thân thành cầu vồng đi đón cơn mưa.

2-1-2024