Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI VIẾT “TÔI VÀ LÀNG TÔI”

Lê Bá Thự
Thứ năm ngày 12 tháng 10 năm 2023 10:35 AM



Ngày 12 tháng 9 năm 2023 tròn 5 năm ngày cuốn hồi ức “Tôi và làng tôi”ra trình làng. Tác phẩm ấn hành lần thứ nhất năm 2018, lần thứ hai năm 2019 (NXB Hội Nhà văn), và in lần thứ ba năm 2020 (NXB Thanh Hóa). Đây là tác phẩm đã được tôi ấp ủ hàng chục năm. Câu cuối cùng của cuốn sách này tôi viết: “Giã biệt làng Nguyệt Lãng yêu thương, ngày 4 tháng 8 năm 1964, trong một ngày đẹp trời, tại Ga Hàng Cỏ Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”. Tôi xa làng kể từ ngày ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là xa về khoảng cách địa lý. Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Tôi ở trong làng và làng ở trong tôi. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời… Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này qua năm khác. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng, về quê Thanh.

Đọc cuốn “Tôi và làng tôi” bạn đọc nhận ra, tôi và làng tôi những năm 50 và 60 diện mạo ra sao, sướng khổ như thế nào. Khi viết cuốn sách này tôi luôn luôn ý thức một điều rằng, làng Nguyệt Lãng trong sách của tôi phải y chang làng Nguyệt Lãng năm xưa, Lê Bá Thự trong cuốn sách này phải y chang Lê Bá Thự năm xưa. Trung thực là bút pháp của tôi. Không tô son, không trát phấn. Lẽ dĩ nhiên trung thực nhưng phải sinh động và hấp dẫn. Tất cả những gì tôi viết trong cuốn sách này đều là những sự thật mà tôi là người trong cuộc, tôi là người trải nghiệm, tôi là người chứng kiến. Tôi viết những gì tôi tận mục sở thị hồi tôi sống ở làng. Có lẽ bạn đọc không khó nhận ra giọng điệu Lê Bá Thự, “cái tôi” Lê Bá Thự trong cuốn sách này. Bản sắc, tính cách xứ Thanh trong tác phẩm của tôi cũng được biểu đạt rất rõ nét từ đầu đến cuối, mà phương ngữ, thổ ngữ, tiếng địa phương hay giọng Thanh Hóa sử dụng trong sách là một minh chứng. Trung thực giúp tôi chuyển tải thông điệp của tôi một cách hữu hiệu, dễ đi vào lòng người.

Tôi chủ trương, tác phẩm tôi viết phải hóm hỉnh, dí dỏm, trào lộng, để người đọc được thoải mái, vui vẻ cùng tôi thực hiện cuộc du ngoạn qua từng trang sách. Bút pháp trào lộng đã thật sự hiệu quả và thành công qua phát biểu của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học. Nhà văn Phạm Thành Hưng cho rằng “Sự độc đáo, khác biệt của cuốn sách này nằm ở bút pháp hiện thực trào tiếu”, “Cái hiện thực lịch sử ấy lại được kể lại bằng một giọng điệu hài hước tự trào…”

Đọc “Tôi và làng tôi” bạn cũng dễ nhận ra, kể chuyện ngày xưa nhưng tôi thường liên hệ với những chuyện bây giờ, chuyện ngày nay. Cho nên lắm khi cái cũ và cái mới hòa quện, đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, làm cho câu chuyện thêm súc tích, thú vị, chuyện cũ mà không cũ. Điều này được thể hiện rõ nét trong các câu chuyện “Xem phim Bạch Mao Nữ”, “Bụi tre trước nhà và đôi chim chào mào”, “Tôi làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp”, “Chợ Tết cầu may”, “Trường làng”, “Trường huyện”, “Trường tỉnh”…

Có thể nói “Tôi” là một nhân vật xuyên suốt tác phẩm này, cho dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tôi là người trong cuộc, Tôi hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc, Tôi thuộc làng mình như lòng bàn tay. Hồi sống ở làng tôi lam lũ thật sự, tôi khổ thật sự, khổ đến mức không còn chỗ cho khổ hơn được nữa. Dẫu vậy, hồi đó tôi vui, tôi sướng thật lòng và tôi tin thật lòng, lắm khi tin như điếu đổ, dẫu “có phần bồng bột và nhuốm mầu ảo tưởng”, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nói. Tôi và các bạn cùng thế hệ thời đó là như vậy.

Về cuốn sách này nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết lời giới thiệu rất thú vị, giàu tâm huyết, chí tình chí lí, với tiêu đề Nhà văn Lê Bá Thự người “gọi hồn” làng. Anh viết: “Thấp thoáng ở đó không chỉ có làng Nguyệt Lãng của Lê Bá Thự, mà có cả làng quê của tôi, làng Điền Trì của khu vực Bắc Bộ, hay nhiều làng quê khác nữa. Tôi đã thấy, làng của tôi, làng của các bạn bè tôi và nhiều làng quê Bắc Bộ nữa đã hiện về trong cuốn sách này. Tôi đánh giá rất cao cuốn sách là vì như vậy. Nó bảo tồn, nó gìn giữ một di sản văn hóa mà bây giờ đang mất đi, đang cứ lặng lẽ tan biến đi, có cách nào giữ được nó không? Phải nhờ vào văn học thôi, và không phải cuốn sách văn học nào cũng làm được điều đó. Lê Bá Thự làm được điều đó một cách rất trọn vẹn”.

Thời kỳ tôi ở làng là thời kỳ tôi sống lam lũ, rất hồn nhiên, rất “tự nhiên” và rất “làng”. Sau này, mỗi lần về thăm quê, tôi thường thích kể lại với bố mẹ tôi, với các em tôi và các cháu tôi, những câu chuyện cũ mà tôi là người trong cuộc, những câu chuyện cũ không bao giờ cũ đối với tôi”. Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng”...

Tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều về việc chọn tựa sách. Sau nhiều nghĩ suy, cân nhắc và tham khảo ý kiến của bạn bè, rốt cuộc tôi đã quyết định chọn tựa sách là “Tôi và làng tôi”. Đối với tôi “Tôi và làng tôi” là tựa sách vừa hợp tình cảm vừa hợp lý trí. Tôi ở trong làng và làng ở trong tôi. Tôi là chủ ngữ, tôi là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, “làng” là đối tượng của “tôi” trong trường hợp này. Tôi chia sẻ phát biểu của nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Minh Tâm khi anh viết: “Tên của tập hồi ức là Tôi và làng tôi. Điều đó mặc nhiên hình thành hai mạch tự sự, hai dòng hoài niệm: Tôi - Làng tôi. Nhưng hai mạch hồi ức này không tách rời, mà đan bện, xoắn luyến vào nhau, đúng hơn là nhập vào nhau trong không khí, quang cảnh, lịch sử của làng”.

Cho đến nay đã có trên 40 bài viết, bài bình luận và giới thiệu của các nhà văn, nhà thơ, các nhà lí luận phê bình văn học in trên 40 tờ báo và tạp chí trung ương và địa phương.

Nhà LLPB văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Mẹ đã nhập vào hồn làng Nguyệt Lãng để sống mãi trong lòng cậu bé Thự hôm qua và trở về hôm nay trên trang sách của nhà văn Lê Bá Thự, góp thêm một “nốt trầm xao xuyến” vào bản nhạc pastoral nostalgia (luyến tiếc đồng quê) của những tác phẩm viết về tuổi thơ làng quê hay và xúc động trong văn học Việt Nam hiện đại như “Miền thơ ấu” (Vũ Thư Hiên), “Dòng sông thơ ấu” (Nguyễn Quang Sáng), “Tuổi thơ im lặng” (Duy Khán), “Khúc đồng dao lấm láp” (Kao Sơn)...

Nhà thơ Bằng Việt bình luận: “Lê Bá Thự nhớ dai và chiêm nghiệm sâu về nhiều điều trong suốt thời gian ấy của quê nhà, nên anh kể chuyện rất có duyên, đôi khi tưng tửng mà “cười ra nước mắt”, đôi khi giả bộ ngây thơ mà ta lại thấy nhói đau...”.

Tại buổi lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Tôi và làng tôi” cần cho những đứa trẻ để đọc, cần cho những người giảng dạy, cho nhà văn, cho những người nghiên cứu về văn hóa làng. Và đương nhiên cả những người lớn nữa...”

Nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Tôi và làng tôi là một tác phẩm văn chương tư liệu, cũng là một dòng văn học chính thống. Cuốn sách đã chứa đựng và chuyển tải được hồn quê Việt Nam đến với bạn đọc. Cuốn sách đã cho ta cảm nhận, chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả”.

Là người con của xứ Thanh, tôi vô cùng xúc động và biết ơn quê hương về những tình cảm và sự ưu ái dành cho tôi, cho hồi ức “Tôi và làng tôi”. Các báo Thanh Hoá đều đã đăng bình luận và nhiều trích đoạn rút từ “Tôi và làng tôi”.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã quyết định cho in một ngàn cuốn hồi ức “Tôi và làng tôi” để làm tặng phẩm dành cho các đại biểu và khách mời dự Đại hội đại biểu Tỉnh đảng bộ lần thứ XIX (họp năm 2020).

Trong bài phát biểu của mình, tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và Đoàn nghệ sĩ Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội (28 tháng 3 năm 2023), về thăm quê trong khuôn khổ chương trình “Về nguồn”, TS. Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá nói: “Tác phẩm “Tôi và làng tôi” đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc từ những câu chuyện kể trong truyện, khiến cho người đọc có cảm giác họ như được gặp lại, được thấy lại những hình ảnh của chính mình thời thơ ấu ở làng”.

Đặc biệt tác phẩm “Tôi và làng tôi” đã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tặng Giải thưởng Lê Thánh Tông, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020.

LBT.