Trang chủ » Tin văn và...

YÊU NHAU THƯ THỂ

Trần Nhương
Thứ tư ngày 21 tháng 9 năm 2022 10:57 AM


.

TNc: Cuối tháng 9 này các nhà văn dự Trại năm 2020 có một cuộc gặp mặt tại Nha Trang. Nhớ hơn 2 năm trước bên nhau ở Đại Lải và có đôi dòng ôn lại...

(Đôi dòng cùng các nhà văn Trại Đại Lải 2020)

Tháng 7 năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác văn học tại Nhà sáng tác Đại Lải. Một trại viết mà quy tụ các nhà văn từ khắp vùng miền đất nước. Lào Cai có Đoàn Hữu Nam; Lạng Sơn có Lộc Bích Kiệm;Thái Nguyên có Nguyễn Đức Hạnh; Hà Nội có Trần Nhương, Trần Đăng Thao, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Vinh Huỳnh, Tôn Ái Nhân, Lan Hoàng Miên; Hải Phòng có Vương Linh; Thừa Thiên Huế có Mai Văn Hoan, Phạm Phú Phong; Khánh Hòa có Nguyễn Đức Linh; Sài Gòn có Tố Hoài; Đồng Tháp có Thai Sắc. Hầu hết các nhà văn đã cao tuổi, chỉ có Nguyễn Vinh Huỳnh dưới 50.

Trần Nhương được giao nhiệm vụ Trại trưởng chẳng có quy trình, chẳng đào tạo mà có lẽ vì cao tuổi nhất chứ không phải vì văn tài. Trại phó là nàng Phạm Phương Thảo và chàng Nguyễn Vinh Huỳnh. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà phó Ban Sáng tác chỉ đạo 15 văn nhân đi đúng đường lối tránh đi ngang về tắt, sa sẩy, thoái hóa biến chất, gái gú hư người.

Tháng 7 năm 2020 là những tháng cuối cùng của BCH khóa 9, nhà thơ Hữu Thình đương kim Chủ tịch Hội. Đến tháng 11 năm ấy thì Đại hội 10, một BCH mới được bầu mà Chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Hôm bế mạc nhà thơ Hữu Thỉnh lên dự và thăm hỏi anh em. Ông truyền cảm hứng cho mọi người với tâm sự nghề nghiệp qua những năm tháng với tư cách nhà thơ và người quản lý với tư cách Chú tịch hội văn nhân lắm lời nhiều bệnh nhất nước. Ông nói hay đến nỗi hồ Đại Lải cũng bặt sóng nằm nghe. Tuổi gần tám chục mà ông vẫn thông tuệ, khúc triết khiến anh em lịm ngọt từng lời.

Trại viết ấy là trại là trại viết áp chót của khóa 9 trước Đại hội 10 và đại dịch virus Vũ Hán.

Giờ đã hơn 2 năm trôi qua nhưng trong lòng 15 anh em không sao quên được những ngày bên nhau. Có thể nói chưa có trại viết nào mà tập họp anh em từ nhiều vùng miền, nhiều nết ăn ở. tập quán, thói quen khác nhau nhưng lại yêu thương nhau, đùm bọc nhau. Tất cả trại viên không có cảnh hợp gu chơi với nhau, không nhóm cánh hẩu, không phân chia văn tài, mới cũ, không say xỉn cãi lộn, không em út hư người.

Ăn ở thì chung mái nhà rồi nhưng luôn cùng nhau trong mọi sinh hoạt, trao đổi nghề nghiệp hay gặp gỡ các bạn văn trẻ Hà Nội, các đồng nghiệp Vĩnh Phúc. Phải ở ghép phòng thì nhường nhịn nhau, tạo điều kện cho nhau yên tĩnh sáng tác. Vui nhất sáng sáng kéo nhau ra quán Phong Lan cà phê. Đoàn Hữu Nam có con bốn bánh chở được 5 anh em, gọi thêm taxi hay xe nhà hàng vào đón, cả 15 trại viên rùng rùng kéo đi mấy cây số. Hôm nào cà phê cũng hát, cũng đọc thơ véo von. Mai Văn Hoan to cao, đầu bạc trắng mà thơ đẫm lệ tương tư nhó ai nơi núi Ngự sông Hương .Thai Sắc tít tận Đồng Tháp có giọng ca không kém Thanh Nga bao nhiêu thì buông mấy câu vọng cổ ăn điểm vỗ tay. Đoàn Hữu Nam viết văn xuôi nhưng thơ anh không thể xem thường, buổi nào cũng vang lên tiếng núi rừng Hoàng Liên sơn cao ngất, thoáng váy hoa văn em Mèo em Mán. Lan Hoàng Miên giọng nữ cao với những bài quan họ làm các chàng ngất ngây con gà tây cả lũ. Phạm Phương Thảo thơ đang dậy thì thả thính những khúc sen bằng chất giọng mượt mà,lúng liếng. Trần Đăng Thao ông giáo già nhưng thơ vạm vỡ như Thạch Sanh ra tay cứu công chúa trong hang. Nguyễn Đức Hạnh thơ vang Núi Cốc, da diết như chàng Cốc nàng Công đang lên tiếng tìm nhau. Quán cà phê Phong Lan cứ rầm rĩ khiến ông chủ tên Bàng vui lây tíu tít vặn chỉnh vô lum, khiến khách cà phê mấy nàng ngồi như tạc tượng. Ồ thế ra mấy ông già phiêu chả kém gì có tý thuốc lắc.

Tổng kết Trại mới đáng nể. Một khối lượng sáng tác không hề nhỏ. Trần Đăng Thao viết 130 bài thơ và dịch thơ chữ Hán 80 bài. Mai Văn Hoan hoàn thành Bình luận thơ chữ Hán. Tôn Ái Nhân viết 10 chương tiểu thuyết Đất thiêng nổi giận. Lộc Bích Kiệm hòm hòm Khát vọng Mẫu Sơn. Nguyễn Đức Hạnh tương 3 truyện ngắn mà tình dài muôn năm. Tố Hoài, ông đốc tơ kiêm nhà văn tiếp tục tiểu thuyết Bản thảo gửi lịch sử. Đoàn Hữu Nam xong tập truyện Kẽm ông Voi,. Nguyễn Đức Linh gần xong tiểu thuyêt Cửa Nam thành Thăng Long.. Phạm Phú Phong cũng hòm hòm tập 20 chân dung 20 nhà văn Quảng Nam. Thái Sắc viết và hoàn chỉnh tập thơ Vùng nắng không tiếng gió về vùng đất Tháp Mười. Vương Linh thì có tập thơ về đất Cảng Đồ Sơn Bước sóng. Phạm Phương Thảo 99 khúc sen ngào ngạt, lúc nào cũng thơm ngát. Nguyễn Vinh Huỳnh thi thoảng nhông về Hà Nội mang quà lên cho anh em mà mần xong tập truyện ngắn vừa sex vừa hay. Lan Hoàng Miên viết như tập Pháp Luân Công mà xong Trên nghìn cánh hạc . Trần Nhương hì hục gõ máy 100 trang tản văn Rúc rích giêng hai mà nhoáy cái đã nhong ra Xuân Hòa hý họa mỹ nhân.

Hôm bế mạc trai, trại phó Vinh Huỳnh nộp cho Giám đốc Nhà sáng tác dễ đến 10 kg bản thảo để báo cáo. Chủ tịch Hữu Thỉnh nhìn chồng bản thảo cứ tắc tỏm:“Tuyệt vời, tuyệt vời”. Khi Trại trưởng Trần Nhương đọc báo cáo tổng kết rồi đọc bài thơ vui Trại ca, vừa kết thúc bài Trại ca với 4 câu:

Đải Lải Thu đẹp như mơ

Trại vui còn mãi hơ hơ tiếng cười

Mai rồi đi ngược về xuôi

Nào ai ai nhớ đến người… nhớ ai…

Hữu Thỉnh kêu lên: “Úi giời, chặc chặc” rồi đứng lên nắm tay Trần Nhương lắc rung lên tận nách “Tuyệt vời°

Chúng tôi ra một “nghị quyết” mồm rằng 15 trại viên này cứ 1 năm gặp nhau một lần. Nhà văn Nguyễn Đức Linh có lời mời anh em năm 2021 vào Nha Trang làm khách quý nhà anh. Đồng thanh ok đánh rầm một câu vang cả hội trường. Năm 2021 đại dịch Vũ Hán làm dân ta tơi tả nên không thể vào Nha Trang họp mặt. Cuối tháng 9 năm 2022 này chúng tôi quyết định kéo vào nơi Hòn Chồng đang ngóng vợ ngoài bát ngát đại dương để ăn ngủ với nhau mấy bữa cho bõ nhớ thương.và thăm nhà văn Nguyễn Đức Linh.

Người bay, người đi tầu hỏa đã có vé. Cựu Trại phó Vinh Huỳnh vẫn chu đáo như đương chức lo thông báo, ứng tìền mua vé cho anh em chu đáo.

Ngày 29-9 này tại Nha Trang những vòng tay, những nụ hôn thắm thiết trao nhau. Mấy nhà văn già lại nổi cơn phiêu bồng cho mùa xuân trở lại.

Mong rằng cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Trai viết Đại Lải 2020” sẽ tràn ngập tiếng cười, nồng nàn YÊU NHAU NHƯ THỂ…




* Nhà sáng tác Đại Lải, kí họa của TN