Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỤ NHÀ VĂN VÀ NHỮNG BÍ ẨN TÂM LINH

Hữu Đạt
Thứ năm ngày 8 tháng 9 năm 2022 9:19 AM

Chuyện phiếm lúc đêm khuya
Sau khi đọc chuyện phiếm về “vụ án sân khấu” có tên “Vì tôi yêu”, lúc nào đó rỗi rãi, bạn hãy nghĩ lại xem mình thành bại những gì? Có phải “Vì tôi yêu” mà sinh ra các thành bại ấy? Bạn hãy kiểm tra lại những năm tháng đã qua xem có đúng là “Vì tôi yêu” mà dẫn đến những cái bạn đang có hay đã mất. Bạn sẽ thấy được những linh ứng của đời mình.
Tôi rất tin vào tâm linh và phong thủy. Nhân nhận được tin vui: Nhà văn Trần Nhương đã có chắt thành hôn. Tôi chợt nhớ đến các hiện tượng tâm linh mà tôi đã có lần cảm nhận thấy trên bàn thờ nhà cụ. Nay cụ còn khỏe, còn minh mẫn vô song, tâm hồn cụ lại cứ phơi phới, nên xin mạn phép quí vị cho tôi ghi lại chuyện phiếm sau đây để nhà văn Trần Nhương và bạn đọc cùng kiểm nghiệm.
Tôi đã từng viết, kiến thúc phong thủy tâm linh tôi có được là do học mót từ các cụ, nguồn dẫn từ Cụ Nguyễn Thiện Kế, em trai Cụ Nguyễn Thiện Thuật, người đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống Pháp tại Bãi Sậy mà các cụ nhà tôi là hậu thuẫn (Nói theo bây giờ là “hậu phương” của cuộc khởi nghĩa ấy). Càng ngày tôi càng tin vào hệ kiến thức phong thủy tâm linh của văn hóa phương Đông. Sự kiện liên quan đến nhà văn Trần Nhương là một trong các ứng nghiệm của lý thuyết ấy.
Trước khi vào câu chuyện này xin phép cho tôi nói qua một chút về cơ duyên gặp gỡ với nhà văn Trần Nhương.
Số là năm 1987, tôi có cuốn tiểu thuyết được Nxb QĐND cho xuất bản có tên “Ngọn lửa tình yêu” viết về Làng kháng chiến Vật Lại. Trước tôi đã có cuốn “Làng đồi đánh giặc” của nhà thơ Quang Dũng, nhưng cuốn của tôi là cuốn tiểu thuyết nên vẫn được xuất bản tới hai mươi ngàn cuốn. Tôi cũng không ngờ cuốn sách đó lại xuất hiện ở khá nhiều thư viện tại nước Nga, nhất là các thư viện ở ngoại ô Matxcơva mà tôi có dịp ghé qua khi làm nghiên cứu sinh tại Matxcơva.
Biên tập cuốn sách đó là nhà văn Vũ Thị Hồng. Tuy nhiên, người đọc bản thảo đầu tiên lại là đại tá Đỗ Gia Hựu, trưởng phòng Văn nghệ của Nxb. Lúc đó, cô Đào Thanh Lan chơi với chị Thuận, vợ đại tá, nên đã giới thiệu với ông tập bản thảo này. Ông đọc xong thấy ưng mới cử nhà văn Vũ Thị Hồng biên tập. Sau khi sách xuất bản, cán bộ Phòng Văn nghệ đã cùng tôi về thăm và biếu sách cho Đảng ủy và nhân dân xã Vật Lại. Công việc xong xuôi, tôi mời đoàn nhà văn về quê tôi ở xã Phú Cường chơi. Lúc quay về Hà Nội đại tá Đỗ Gia Hựu còn cho xe chở hộ tôi một chiếc tủ đứng từ quê xuống. Hôm đó, trời mưa to, nhìn các sĩ quan Quân đội Nhân dân nhễ nhại khiêng chiếc tủ từ xe vào căn hộ tập thể lợp giầy dầu của mình, lòng tôi vô cùng cảm động và nhớ đến các anh bộ đội ngày nào ở nhờ nhà tôi vẫn thường giúp dân trong thời kỳ chiến tranh. Hình ảnh rất đẹp về người lính Cụ Hồ luôn khắc mãi trong tâm khảm tôi như một ký ức không bao giờ phai nhạt. Cũng chính nhờ có chuyến đi ấy, giữa tôi và các cán bộ Phòng Văn nghệ của Nxb QĐND càng thêm gắn bó.
Tháng 6 năm 1990 tôi từ Nga về phép. Trong ba tháng ở Hà Nội tôi ngồi đánh máy lại bản thảo tiểu thuyết “Phía sau giảng đường” và “Hai đầu của bức thư tình” để Nxb Tác phẩm mới tổ chức biên tập. Công việc hòm hòm, tôi bắt đầu đi thăm các đồng nghiệp. Lúc này đại tá Đỗ Gia Hựu đã về hưu, Trưởng phòng mới của Phòng Văn nghệ là nhà văn, trung tá Trần Nhương. Theo cấp bậc sĩ quan và chức vụ quản lý, nhà văn Trần Nhương được phân một căn nhà mới, nằm cạnh con mương ở khu Láng Hạ. Tôi nhớ không nhầm thì nó chỉ có diện tích khoảng 40 mét vuông, nhà mái bằng. Thời bấy giờ, diện tích và vị trí căn nhà ở đó quả là rất lý tưởng mà nhiều người mơ cũng không được.
Hôm tôi đến chơi, vợ chồng nhà văn Trần Nhương rất phấn khởi, tiếp đón tôi nồng nhiệt. Đang ngồi uống trà, tôi chợt ngửi thấy mùi hương thơm nên ngó lên bàn thờ nhà văn. Không hiểu sao lúc đó tôi bỗng thấy có một vầng tối lướt qua. Chớp chớp mắt, tôi định thần lại và nhận ra bàn thờ có một cái gì đó không ổn. Đến lúc tôi chào chủ nhà để ra về, tôi mới nói nhỏ với nhà văn:
- Bác không bận, cho tôi nói chuyện riêng vài phút.
Nhà văn Trần Nhương gật đầu rồi theo tôi ra ngoài. Tôi bảo:
- Ban nãy có bác gái, tôi không dám nói, sợ bác không thông cảm lại cho rằng tôi phán bậy. Nhưng tình anh em, tôi không nói với bác thì không đành lòng. Tôi thấy bác để ban thờ như vậy không ổn. Sẽ có chuyện không tốt, nên theo tôi bác phải đặt ở chỗ khác. Chỗ hiện tại rất động. Càng chuyển sớm được, càng tốt.
Nhà văn Trần Nhương cảm ơn tôi. Ông bảo, từ ngày chuyển đến đây, vẫn kê bàn thờ như thế. Chắc ông không mấy tin vào lời bàn góp chân thành của tôi nên coi như cho qua việc này. Không ngờ chỉ sau mấy tháng, có một tai họa ập xuống nhà ông làm ông thất kinh. Ông kể lại việc này với tôi khi tôi về nước hẳn và cùng ông dự trại sáng tác của Nxb QĐND tại khu an dưỡng Đại Lải.
Ông nói: Dạo đó, khi HĐ nói về chuyển bàn thờ, một phần tôi không tin lắm, một phần tôi hay ngại nên lần lữa cho qua. Không ngờ chỉ mấy tháng sau, thằng cu Đoàn nhà tôi suýt chết.
Tôi tròn mắt:
- Suýt chết?
- May mà phúc tổ phù hộ không thì toi mất rồi.
Ông trầm tư kể lại:
- Sau khi ông trở lại Nga được mấy tháng thì cháu Đoàn nhà tôi trúng nghĩa vụ quân sự. Cháu đóng quân ở thị xã Sơn Tây. Đợt mưa bão lần ấy, cây cối bị gãy đổ nhiều, cháu được cử đi dọn dẹp. Không hiểu thế nào mà sau cơn bão, cháu lại bị một cây xà cừ đổ xuống đè đúng vào mặt. Máu mồm, máu mũi ộc ra, tưởng chết. Rất may, lúc đó có một cụ già, tóc đã bạc, đi ngang qua, thấy cảnh tượng ấy, cụ liền cúi xuống dùng miệng hút hết đờm, máu, nước dãi trong mồm và mũi cháu nhổ ra ngoài, sau đó kêu mọi người cấp cứu. Cháu bất tỉnh gần một tuần, chỉ uống nước cháo. Nhưng sau đó, nằm mấy tháng ở Quân y viện 105 và cháu được các y bác sĩ chữa khỏi.
Tôi nghe câu chuyện mà rùng hết cả mình, nhớ lại cái bóng đen chợt lượt qua mặt trong lần về phép đến thăm nhà văn Trần Nhương.
Tại trại sáng tác năm đó, tôi đã viết xong hai tập tiểu thuyết “Các con đại tá” được rất nhiều bạn đọc hâm mộ, trong đó có đại tá Nguyễn Đức Nhuận. Đại tá Nhuận viết cho tôi một bức thư mấy trang, kể lại việc ông đọc liền một mạch cuốn tiểu thuyết hai tập khi ngồi trên xe hỏa từ Hà Nội về Vinh. Tôi không ngờ, đại tá nhà văn Dương Duy Ngữ đã giữ bức thư này hai mươi năm, khi ông về hưu mới trao lại cho tôi làm kỷ niệm.
Lại nói về nhà văn Trần Nhương. Khi tôi về nước hẳn thì ông đã chuyển công tác về Hội Nhà văn, nhà văn Dương Duy Ngữ lên nắm chức Trưởng phòng. Nhà văn Trần Nhương lúc đó tham dự trại sáng tác chỉ với tư cách là khách mời. Chiều nào, sau bữa cơm chiều chúng tôi cũng túm năm tụm ba chuyện gẫu. Một hôm, tôi thấy nhà văn Trần Nhương kêu đau miệng, báo nhà bếp nấu cháo. Buổi tối, khoảng hơn 10 giờ, ông sang tôi và bảo:
- Chán quá ông HĐ ạ. Mai các em út ở dưới Hội lên chơi mà má, miệng thế này thì làm ăn gì được nữa!
Ông nói xong, nén tiếng thở dài. Tôi nhìn lên khuôn mặt ông và thấy một bên mặt sưng to, liền bảo:
- Bác cúi xuống lạy tôi ba lạy, tôi sẽ chữa giúp cho bác.
Nhà văn Trần Nhương chép miệng:
- Nếu thầy có cách chữa khỏi cho Trần Nhương thì Trần Nhương lạy cả mười lạy, lạy cả nón luôn.
Tôi đỡ tay nhà văn Trần Nhương và nói:
- Tôi nói vui vậy thôi, đâu dám để bác lạy. Giờ bác về nghỉ. Khoảng 12 giờ đêm, lúc khí giao thời, bác sang đây, tôi xin hiến thử chút tài mọn.
Tôi lại ngồi vào bàn và viết tiếp những trang sách đang viết dở. Nhà văn Trần Nhương về phòng, rồi đúng hẹn quay sang.
Tôi hướng dẫn cách ngồi cho nhà văn Trần Nhương và bảo:
- Bác tập trung tư tưởng nghĩ về sỗ đang sưng tấy nhé.
Tôi ngồi vận khí, cố hết sức đưa dòng khí từ đỉnh đồi lên và truyền vào đạo duyệt trên má nhà văn. Tôi chữa ba đợt. Mỗi đợt khoảng 10 đến 15 phút, sau đó hỏi nhà văn Trần Nhương:
- Bác có thấy cảm giác gì không?
- Mình thấy nóng và hơi tê tê.
Tôi bảo:
- Thế là được đấy. Giờ bác về đi ngủ. Sáng dậy sẽ hết.
Sáng hôm sau, lúc đi ăn sáng, nhà văn Trần Nhương sờ lên má và nói với một bạn văn:
- Cứ tưởng HĐ bốc phét, ai ngờ lão ấy chữa khỏi thật mày ạ. Lão ấy tài thật.
Đến trưa, mấy chị em trong Hội lên thăm, nhà văn Trần Nhương chuyện trò té phé như không hề có chuyện gì cả.
Một năm sau, Nxb QĐND lại tổ chức trại sáng tác ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Trưởng trại là nhà văn Dương Duy Ngữ. Ông là người có duyên nên tổ chức nhiều trại viết rất thành công. Lần này, Trại mở rộng qui mô, có nhiều nhà văn lớn tuổi tham gia như: nhà văn Xuân Thiều, Văn Phác, Hoài Giao… Lứa nhà văn ít tuổi hơn một chút là Lê Lựu, Văn Phan, Dương Duy Ngữ, Trần Nhương, Ngôn Vĩnh, Tô Đức Chiêu …
Nhà văn Trần Nhương là người quảng giao, nên chân ướt chân ráo tới Trại ông đã quen biết nhiều nữ cán bộ của Đoàn 5. Chả hiểu tại sao, ông lại giới thiệu với họ về tôi. Thế là chỉ sau một ngày, mọi người đua nhau đến gặp tôi xin chữa bệnh. Tôi giải thích cho họ, tôi không phải là bác sĩ, nhưng họ cứ nằng nặc đòi tôi giúp. Họ nói, nhà văn Trần Nhương đã kể hết cho họ biết khả năng chữa bệnh rất đặc biệt của tôi rồi. Trong số các chị em đến gặp, có người bị đau khớp, có người sưng chân sưng tay vì chơi thể thao, có người mất ngủ triền miên… Không còn cách từ chối, chiều chiều sau lúc ăn cơm tôi đành dành thời gian giúp họ. Tôi trách nhẹ nhà văn Trần Nhương: “Bác hại tôi quá. Tôi dự trại để sáng tác chứ đâu để chữa bệnh? Cứ thế này, tôi không còn thời gian”.
Nhà văn Trần Nhương ngoài việc viết văn xuôi, làm thơ còn rất đam mê vẽ tranh. Ông đã có nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân rất thành công. Có lần ông kể với tôi, ông có những bức tranh bán tới 2000 USD. Không rõ là ông nói đùa hay nói thật. Nhưng tôi được chứng kiến kỳ tài của ông trong lần cùng dự trại sáng tác Đồ Sơn năm 1996. Lần ấy, ngoài các nhà văn, Trại viết còn mời một số nhà viết kịch bản điện ảnh. Trong đó có một nữ kịch sĩ dáng người rất đẹp, chân dài, khuôn mặt xinh tươi, hài hòa với nụ cười rất khả ái. Một buổi tối, tôi cùng nhà văn Trần Nhương uống trà với cô, hỏi thăm cô đang viết kịch bản gì và cùng tán gẫu về văn chương. Tan cuộc trà xong, tôi về phòng viết tiếp kịch bản sân khấu có tên “Nước mắt cô đào hát” đang viết dở. Chỉ loáng một cái, sau hai tiếng, không biết Nhà văn Trần Nhương “tán” cách nào mà nữ kịch sĩ đã chấp nhận làm “người thiếu nữ trong tư thế nằm nghiêng” để ông vẽ bức tranh khỏa thân rất ấn tượng. Vẽ xong, ông cầm bức tranh sang phòng tôi ngay và tôi may mắn được là người đầu tiên thưởng thức bức tranh ấy.Tôi bình luận: “Bác là người hạnh phúc nhất trong các họa sĩ. Tôi chịu bác thật!”
Khi viết cuốn tiểu thuyết “Quái nhân”, tôi đã dành những trang đặc biệt miêu tả họa sĩ Ngô Hải Kế. Tôi xin đưa đoạn trích tiểu thuyết lên đây để bạn đọc có dịp hiểu sâu hơn một nhà văn đa tài có phong cách sống rất phóng khoáng. Đó là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương. Đoạn trích trong tiếu thuyết “Quái nhân” (nxb Hội nhà văn, 2013):
“ Cái Thu lắc đầu:
- Bố cháu lên trường thì oai thế thôi, về nhà vẫn sợ cháu. Nói thật là bố cháu ngại đối diện với cháu lắm. Cháu tranh luận một lúc là bố cháu lại bảo “Bố đau đầu lắm, thôi cho bố nghỉ”. Thế chú nói chuyện với cháu, chú có đau đầu không?
Hải Kế hồn nhiên:
- Không.
Cái Thu đan hai bàn tay vào nhau rồi đong đưa người như diễn viên. Trông người nó lúc này càng đẹp trong sự điệu đà. Nó bảo:
- Từ ngày chơi với bố cháu, chú chưa bao giờ được xem những bức tranh cháu sưu tập đúng không?
- Ừ, chú không biết mày sưu tập tranh.
- Hôm nay, cháu sẽ cho chú xem những bức tranh độc đáo nhất mà cháu sưu tầm được.
- Hay quá.
- Đi, chú theo cháu.
Cái Thu nắm lấy tay Hải Kế tung tăng, hồn nhiên như đứa trẻ. Nó đưa Hải Kế lên gác rồi tới cái phòng ở cuối hành lang. Cửa vừa mở ra, Hải Kế đã nhìn thấy một căn phòng được trang trí thanh nhã với những bức tranh phong cảnh rất đẹp. Đối diện chổ Hải Kế đang đứng, có một chiếc giường trải đệm trắng. Bên cạnh là một cái tủ trang điểm để một lô một lốc các loại son phấn và nước hoa đắt tiền. Chỗ góc phòng có một chiếc tủ làm bằng gỗ sồi sơn thứ nước sơn Mỹ hảo hạng nhất hiện nay.
Trong lúc Hải Kế đang còn ngơ ngác thì cái Thu đã mở ngăn kéo lấy ra một cuốn an bum to. Nó bảo:
- Cháu chỉ cho duy nhất chú được xem bộ sưu tập này. Cháu biết chú và mấy họa sĩ nổi tiếng nhất Hà Nội đang đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao cho trưng bày triển lãm tranh khỏa thân. Đúng không?
Hải Kế vừa dán mắt vào tập tranh, vừa đáp:
- Ừ, nhưng Bộ chưa duyệt. Bộ trả lời, việc đó hiện nay ở ta chưa thích hợp.
Trong lúc Hải Kế chăm chú lật các trang của tập an bum, cái Thu khéo léo quay nhẹ ổ khóa và cầm lấy chìa. Khi nó quay lại thì Hải Kế cũng xem đến trang cuối. Anh thốt lên:
- Thật là tuyệt vời. Mày cũng có nhiều cái bí ẩn lắm.
Cái Thu cười khanh khách, Nó bảo:
- Khen cháu thì khác gì khen trời cao. Cháu còn bộ này tuyệt vời lắm cơ.
Hải Kế hồi hộp:
- Đâu, cho tao xem.
- Chú phải nhắm mắt vào đã.
- Ừ thì nhắm mắt. Mày làm tao tò mò quá.
- Nhớ là lúc nào cháu bảo “được rồi” chú mới được phép mở mắt ra. Hứa đi.
- Tao hứa.
Hải Kế nói xong nhắm mắt lại. Anh nghĩ ‘ không biết con bé kiếm đâu ra bộ tranh quí hiếm thế”. Giữa lúc đó thì cái Thu nhè nhẹ nằm lên giường. Nó khẽ khàng cởi quần áo ngoài, rồi lần lượt cởi đến mảnh vải cuối cùng trên thân thể. Bây giờ, toàn bộ cơ thể nó là một hình khối nuột nà, đẹp kiêu huyền, nổi bật trên nền đệm trắng. Nó nói như trong hơi thở và cùng một lúc tắt chiếc công tắc đèn nê ông, rồi bật công tắc đèn trang trí lên:
- Được rồi. Chú Kế!
Hải Kế mở mắt ra. Anh chột dạ khi thấy cảnh tượng hiện ra trước mắt. Cái Thu hỏi:
- Chú thấy người cháu đẹp không?
Hải Kế lắp bắp:
- Mê hồn.
Cái Thu mỉm cười. Càng cười nó càng đẹp. Nụ cười như vầng hào quang tỏa sáng lên toàn bộ tấm thân da trắng và mịn hơn bột của nó. Nó chống một tay lên cằm, nằm nghiêng. Hai bầu vú tinh khôi hơi nghiêng xuống. Đùi nó khép lại để lộ cái vẻ đẹp thần bí của người con gái vừa tới độ trưởng thành.
Hải Kế định quay ra. Cái Thu khẽ lên giọng:
- Chàng họa sĩ, không bỏ chạy được đâu. Cháu khóa cửa rồi. Hãy ngoan ngoãn mở ngăn kéo và làm theo mệnh lệnh của cháu đi.
Hải Kế đứng sững như Trời trồng. Trán anh sâm sấp mồ hôi. Cái Thu ra lệnh:
- Chú mở ngăn kéo tủ trang điểm lấy đồ đi. Cứ bình tĩnh kẻo cái răng của chú va vào làm vỡ cái gương quí của cháu đấy” (tr 138-139).