Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DẤU ẤN VUA MINH MẠNG

Đắc Trung
Thứ tư ngày 30 tháng 3 năm 2022 5:10 AM



Ông sinh ngày 23 tháng giêng năm Tân hợi (1789), con thứ tư vua Gia Long.

Năm 1820 ông lên ngôi Hoàng đế đặt quốc hiệu là Đại Nam lúc tròn 30 tuổi. Trị vì đến năm 1840.

Minh Mạng được giới sử học đánh giá là vị vua kiệt xuất nhất của triểu nhà Nguyễn.

Ông rất hiếu học và tận tâm với công việc.

Từ khi được phong Thái tử (1819) ông đã mơ ước được như Lê Thánh Tông, bậc minh quân tiền bối.

Tư chất thông minh, rất ham học và nuôi chí lớn. Từ nhỏ đã đọc thiên kinh vạn quyển, uyên thâm nhiều lĩnh vực. Hết sức tận tâm tận lực với chức phận làm vua. Minh Mạng coi chầu rất sớm, soi xét mọi việc. Đọc kỹ, tự tay "phê châu" vào văn bản rồi mới cho thi hành.

Dù bạo bệnh, quan Thái y phải thường xuyên túc trực thuốc thang chăm sóc. Nhà vua vẫn không chịu rời công việc.

Chỉ dụ, chế cáo tự tay vua viết số lượng không nhỏ. Ông còn làm thơ. Ngoài các tập "Ngự chế thi sơ", "Ngự chế thi nhị", "Ngự chế thi tứ"… Minh Mạng còn viết nhiều văn xuôi.

Hiện Viện Hán Nôm đang lưu giữ tới 5.000 trang in mộc bản.

Ban đêm vua thường chong đèn rất khuya nghiên cứu sử thư, binh pháp.

Mỗi khi tan chầu vua thường vời các quan đại thần ở lại. Với vẻ niềm nở, thái độ cầu thị rất chân thành, nhà vua hỏi về sự tích đời xưa, danh nhân, phong tục, kế sách trị quốc. Họ được bình đẳng và khuyến khích thẳng thắn tranh luận. Qua đó nhà vua tăng thêm hiểu biết cho mình và nắm được học vấn, năng lực từng người.

Cũng qua đó buộc các quan phải dốc sức học không ai dám lười biếng. Càng không thể ngụy tạo kiến thức.

Ông rất quan tâm việc đào tạo, tuyển chọn và sử dụng hiền tài.

Là người tinh thông Đạo Nho nhà vua cổ súy phát triển giáo dục bằng nhiều loại hình. Sao cho người người hiếu học, mọi gia đình, mọi dòng tộc, mọi địa phương thi đua khuyến học.

Vua ban chế độ ai đi học được miễn trừ phu dịch. Đỗ nhất nhị trường được xếp trên lý trưởng. Thầy giáo được làng làm nhà cho ở. Trích hai mẫu ruộng để vợ con thầy cày cấy và không phải nộp thuế. Người đỗ đại khoa được vua ban thưởng. "Bái tổ vinh quy" được chức sắc và dân làng đón rước với nghi vệ rất long trọng.

Vua đặt các chức quan chăm lo việc giáo dục từ triều đình đến phủ huyện. Tăng và mở rộng các khoa từ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Việc thi cử rất nghiêm. Phạm quy xử rất nặng.

Những người đỗ đạt phải do đích thân vua "Khảo thí". Nên hầu hết họ là nhân tài thật sự như: Hà Tôn Quyền, Phạm Văn Nghị, Phan Thanh Giản…

Quan lại từ cấp tỉnh thành, dinh, trấn, phủ ai được bổ nhiệm dù đỗ đạt hay tiến cử đều phải vào kinh bái kiến. Để vua đích thân kiểm tra năng lực, dặn dò khuyên bảo trước khi đi nhậm chức.

Năm 1822, Lê Văn Liêm được Thự Tiền quân Trần Văn Năng tiến cử làm tri phủ Ninh Giang. Bộ Lại đưa vào bệ kiến. Xét hỏi thấy Liêm kém cỏi vua không cho bổ dụng nữa.

Nhà vua đặc biệt đề cao "Đạo làm quan".

Ông nói: "Chính sự cốt ở tình thương dân. Lo dưỡng dân, không được phiền nhiễu dân. Làm quan mà không tham, không nhiễu, được dân tin, dân quý thì chính sự có khó gì đâu".

Ông trị rất nặng tội tham nhũng.

Có viên quan không dùng thước mà dùng tay gạt khi đong thóc thuế để ăn bớt. Nhà vua ra lệnh cách chức và chặt tay tên quan đó.

Đứng đầu quốc gia mà nhà vua luôn là tấm gương thượng tôn và sáng suốt điều hành công việc bằng pháp luật.


Có lần vua lệnh chém đầu một tỳ thiếp xinh đẹp mà ông rất yêu. Chỉ vì nàng vi phạm quy tắc dám hôn trộm lúc vua ngủ. Ông nói: "Ta rất hiểu tình nàng với ta. Nhưng phép nước có nghiêm thì xã tắc mới yên. Tình riêng không được phép đặt trên pháp luật".

Trong "Luật" có "Đạo" và trong "Đạo" có "Luật". Được "Luật" nhưng không trái "Đạo". Được "Đạo" nhưng không phạm "Luật". Bởi thế người đứng đầu xã tắc phải sáng suốt khi quyết định xử lý từng vụ việc.

Năm 1826 nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Thái Bình do Phan Bá Vành thủ lĩnh.

Quan Thị lang Bộ Hình là Nguyễn Công Trứ được vua cử đi dẹp.

Dẹp xong Nguyễn Công Trứ gửi tờ trình về triều đình tâu rằng: nguyên nhân cuộc nổi dậy là do nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ. Cùng nạn tham quan vô lại địa phương tàn ác ức hiếp lương dân. Uất hận quá họ nổi lên chống lại bọn chúng. Chứ không nhằm chống triều đình. Bởi thế ông xin nhà vua không trừng trị. Cấp lương thực, nông cụ. Tổ chức họ khai hoang lấn biển.

Nhà vua xét thấy Nguyễn Công Trí có lý. Phê chuẩn.

Đồng thời xuống lệnh nghiêm trị bọn địa chủ và tham quan vô lại.

Nhờ thế sự việc được xử lý ổn thỏa. Ngày nay ta có hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) chủ yếu do nghĩa quân cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành khai hóa.

Nhà vua đã sáng suốt biết kết hợp cả "Pháp trị" và "Nhân trị". Cả "Luật" và "Đạo" nên thấu lý, đạt tình.

Nếu không biết suy xét tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa. Nếu không biết rằng "dân bần tắc loạn" họ nổi giận chống bọn địa chủ ác bá, bọn quan tham vô lại ở địa phương chứ không phải chống triều đình. Nếu ấu trĩ về quản lý điều hành xã tắc. Nếu tỏ ra mình đầy quyền lực. Nếu muốn "Rung cây nạt khỉ" nhằm đe dọa thiên hạ. Nếu nhẫn tâm xuống lệnh đàn áp dã man. Chu di ba họ. Giết chết ba đời. Phanh thây mổ xác lương dân. Khiến nỗi oan ngút trời. Lòng người oán hận.

Thì đó là bạo chúa. Chứ không phải minh vương.

Vua Minh Mạng đã để lại cho hậu thế bài học về phép trị quốc. Mà ngày nay chúng ta rất nên xem xét học hỏi.


Là người tài năng nhưng ông rất khiêm nhường.

Nhà vua thậm ghét những ai xu phụ mình. Vào dịp lễ "Tứ tuần vạn thọ" (nhà vua 40 tuổi) Thị Lang nội các Trương Đăng Quế dâng bài "Tụng đại khánh" ca ngợi ân đức nhà vua.

Minh Mạng đọc xong phê: "Bọn ngươi đã không lo làm hết phận sự. Nay lại soạn bài văn vô dụng này. Trẫm có thích nịnh bợ đâu". Vua ném trả và truyền quở mắng.

Ông hiểu rằng đằng sau những câu xưng tụng giả dối ấy thường ẩn dấu dụng ý xấu xa của những nhân cách hèn hạ.

Ông không ngừng cải cách kinh tế và chính trị nhằm chấn hưng đất nước.

Theo gương Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng luôn đặt lên hàng đầu việc đổi mới cách quản lý điều hành xã tắc.

Ông chủ trương khuyến khích khai hoang. Mở rộng nhiều vùng đất canh tác cả miền Bắc, miền Trung và Nam Bộ. Hoàn chỉnh, củng cố hệ thống đê điều. Đào sông thoát lũ phía nam Hà Nội. Đặt các chức quan coi quản việc khuyến nông, trị thủy.

Cho người đi học cách đóng tầu kiểu Châu Âu. Học cách lái tầu, sửa tầu vượt đại dương. Mở rộng cửa sông, bến cảng. Tăng cường giao thương với nước ngoài. Củng cố quốc phòng. Xây dựng, trang bị, luyện tập quân đội, đặc biệt thủy quân.

Đồng thời là việc cải cách chính trị toàn diện với quy mô lớn. Cả nước được chia làm 31 đơn vị hành chính trực thuộc triều đinh gọi là tỉnh trên cơ sở cương vực, địa hình, tập quán, văn hóa hợp lý. Dưới tỉnh có phủ, huyện… vừa tập quyền, vừa phân quyền đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương. Phát huy tự chủ sáng tạo của địa phương.

Tại triều đình hoàn thiện Lục bộ và Lục tự.

Lục bộ gồm: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Có những quy định rất chặt chẽ về người và việc.

Lục tự gồm: Đại Lý tự, Thái Đường tự, Quang Lộc tự, Thương Bảo tự, Thái Bộc tự và Hồng Lô tự. Các Tự có nhiệm vụ giúp Lục bộ hoàn thành trách nhiệm.

Ở địa phương đứng đầu các tỉnh là Tổng đốc có tư cách như một thành viên chính quyền trung ương được phái về. Điều đó giúp vua trực tiếp nắm và dễ dàng quản lý điều hành.

Quan chức được quy chuẩn hóa. Từ học hành, đức độ, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn đến lương bậc. Rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Định kỳ theo thời gian quy định cho từng cấp, mọi quan chức đều phải sát hạch lại. Ai không đạt thì loại, hoặc cho làm việc khác.

Nhờ cải cách triệt để Minh Mạng đã thực sự củng cố chính quyền vững mạnh và bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả.

Ông là người nhiều vợ, đông con.

Không có tài liệu chính xác số phi tần. Nhưng vào năm thứ sáu trời làm hạn hán, lũ lụt lớn. Nhà vua lo lắng nói với quan Thượng khanh Hoàng Quỳnh rằng: "Có lẽ cung nữ nhiều. Âm khí nặng gây uất tắc mà như vậy. Nay cho ra 100 người ngõ hầu giải trừ thiên tai".

Một lúc thải 100 cung nữ thì chắc phải nhiều lắm.

Lịch sử nước ta Minh Mạng là ông vua nhiều con nhất. Có tới 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ tổng cộng 142 người.

Vậy mà sức làm việc của ông thật phi thường.

Rất tiếc mới 50 tuổi ông đã qua đời do bạo bệnh, trị vì 20 năm.

Minh Mạng là vị vua nhiều cá tính.

Song suy cho cùng, những cá tính ấy đều rất "Vua" và cũng rất "Người".

Lịch sử, lòng dân rất công tâm và khách quan. Khi đánh giá từng nhân vật đứng đầu xã tắc dựa trên căn cứ: công và tội. Thiện và ác. Chính và tà. Trung và gian. Đức và tài. Cách tân hay bảo thủ

Những dấu ấn của Minh Mạng cũng sẽ là căn cứ để hậu thế xem xét.