Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HIỆU ỨNG KHÁC LẠ CỦA MỘT TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

Phạm Quang Đẩu
Thứ ba ngày 29 tháng 12 năm 2020 1:19 PM

 




Thời nay, người viết (chuyên hay không chuyên) muốn in tác phẩm đều phải tự tìm đến nhà xuất bản xin giấy phép, nộp tiền quản lý phí rồi lại tự đưa bản thảo đi nhà in, sách ra,“thân tặng”, “kính biếu” các kiểu, không hết thì gửi bán câu dầm hàng năm, vài năm tại nhà sách quen biết phải chịu phí phát hành rất cao. Người viết thường lâm vào cảnh“mua danh ba vạn, bán danh ba nghìn”. Buồn thay!

Thế mà hồi đầu năm 2018, có một sự... ngược đời. Ông Giám đốc trẻ tuổi của Nhà xuất bản Văn học đã tìm đến tận nhà tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh thương lượng, nhà xuất bản sẽ lo từ A đến Z tái bản cuốn tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn (KTVM) của ông in lần đầu vào năm trước. Ai cũng biết, sách văn học khó bán, nhất là tiểu thuyết lịch sử càng khó bán. Vả lại tên tác giả lạ hoắc. Thâm Giang Trần Gia Ninh là bí danh, tên thật tác giả là GS.TSKH. Trần Xuân Hoài, một nhà vật lý thực nghiệm có tên tuổi của nước ta. Ông từng có mấy chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, còn viết sách văn học thì quả đây là lần đầu. “Cuộc chơi” của tác giả khi nghỉ hưu ở tuổi ngoại 70, bỏ tiền túi in có mấy trăm cuốn, tựa là Huyền thoại KTVM để tặng bạn bè. Sau cuộc thương lượng đó, tiểu thuyết KTVM do Nhà xuất bản Văn học đứng ra in, dày trên 500 trang khổ lớn, bìa đẹp, giấy tốt, và đúng như dự cảm của ông giám đốc, sách tái bản lần đầu mấy nghìn cuốn, rồi in nối bản, sách ra đến đâu bán hết đến đấy, bỗng chốc trở thành một “hiện tượng” trong thời buổi văn hóa đọc xuống cấp.Điều gì làm cuốn tiểu thuyết lịch sử KTVM của một tác giả “tay ngang” trở nên ăn khách như vậy?

Sự nổi trội, hấp dẫn của KTVM so với nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử khác đã xuất bản và bị rơi vào quên lãng, chính là dựng lại được một cách sinh động và mới mẻ sự kiện lịch sử hào hùng từng diễn ra vào thế kỷ XV, cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Nghề chơi cũng lắm công phu, Thâm Giang Trần Gia Ninh đã có sự chuẩn bị tư liệu kỹ càng. Ông vốn thạo 3 ngoại ngữ Trung, Anh, Đức. Theo năm tháng, bên cạnh việc chuyên môn, ông vẫn dành thì giờ đọc và ghi chép, tích lũy tư liệu qua các nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước, mà thường là đọc bản gốc. Bên cạnh đó, ông còn dụng công sưu tầm các thần phả, gia phả trong nhiều địa phương và gia tộc ở miền Trung.

Mạch truyện bắt đầu từ việc Minh Thành Tổ cất quân thôn tính nước Giao Chỉ, đánh bại nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng con trai cả của Hồ Quý Ly trong thế cùng lực kiệt đã đầu hàng giặc, dâng bí quyết chế tạo súng thần cơ và được trọng dụng. Từ đây hé lộ một dụng ý xuyên suốt của tác phẩm, viết về những nhân tài khoa học công nghệ của nền văn minh Đại Việt từng một thời vang bóng. Ở thế kỷ XV, người Giao Chỉ đã đi đầu trong việc luyện kim, rèn kiếm sắc, đúc súng thần cơ, pha chế thuốc nổ. KTVM đưa ra những sự kiện và nhân vật về khoa học công nghệ cùng thời với Hồ Nguyên Trừng, song họ không hèn nhát, tiếp tay cho kẻ thù. Họ chế ra vũ khí có uy lực, luyện thép, rèn kiếm “chém sắt như bùn” và điều bí mật nằm ở chữ “Kim thiếp vũ môn” sau này mới được giải mã, đấy chính là một “mác” thép của người Việt cổ. Các nhà kỹ thuật luyên kim như:Trần Hằng, La My, Ba LậuKê(đạo sĩ Bà La Môn), Trần Hà Ất...Các ông tổ nghề chế thuốc súng, khí cụ nổ như:Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính, Nguyễn Tuấn Thiện... Những nhà kỹ thuật ấy đã đồng tâm hiệp lực với những tướng lĩnh, mưu thần lừng danh đã được ghi trong sử sách như: Nguyễn Chích, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Bùi Bị, Đinh Liệt, Nguyễn Súy…Họ là những nhân vật chủ chốt làm nên chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cách nay gần 600 năm. Cũng phải nói thêm một điều: hầu hết các tên tuổi được nêu trên đều có thật trong lịch sử, nhiều nhân vật lần đầu tiên xuất hiện mà trong chính sử hoặc văn học sử nước ta trước đó chưa ai nhắc đến, điều này được chính tác giả khẳng định do có trong trong tay các văn bản gốc.

Gần 2 năm sau khi KTVM tái bản, đến nayđã tạo nên những hiệu ứng liên tục, mạnh mẽ với người đọc ở nhiều lứa tuổi, trình độ, ngành nghề. Điều này cũng giải thích vì sao sách bán chạy. Thời nay, nhờ có Internet mà việc đánh giá khen, chê tác phẩm trở nên công bằng, sâu rộng hơn. Qua những dòng tương tác với tác giả trên Facebook , hàng trăm bạn đọc hầu hết là những người trẻ đều thể hiện sự yêu mến tác phẩm, yêu mến vùng quê có nhiều di tích và nhân vật lịch sử của tác giả. Cũng đã xuất hiện những hiệu ứng khác lạ, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị với một tác phẩm văn học thời nay.

Anh hùng Lao động,PGS. Trần Tuấn Thanh, nguyên giám đốc Trung tâm Cơ khí chính xác, Đại học Bách khoa, Hà Nội ở tuổi ngoại tám mươi, đã làm một chuyến du lịch Hà Tĩnh mà ông gọi vui là “đi phượt” trong hơn 10 ngày, lặn lội qua tất cả các địa danh đã nói đến trong KTVM của hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, đến đâu ông đều gọi điện về trao đổi với tác giả, nói lên cảm nghĩ của mình(Nên nhớ: quê hương tác giả Hương Khê, Hà Tĩnh ở sát dãy Trường Sơn, rất heo hút, nơi mà cuối thế kỷ trước các nhà sinh học còn tìm ra con Sao la, thú móng guốc cuối cùng tồn tại trên trái đất). Một nhà khoa học khác, GS.TSKH. Trần Văn Phú, thuộc Viện Khoa học công nghệ Nhiệt lạnh. Cách đây 2 năm, ông phải vào Bệnh viện Việt Xô vì một căn bệnh khó chữa. Tình cờ GS. Trần Xuân Hoài cũng vào viện và nằm cùng phòng với GS. Phú. Hai ông đồng niên, cùng sinh năm 1941, cùng quê Nghệ-Tĩnh(GS.Phú quê Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) mới gặp, chuyện nở như ngô rang, tâm đồng ý hợp và GS.Hoài tặng KTVM. Ra viện được một thời gian ngắn, GS.Phú thông tin cho bạn đồng niên biết: Đọc xong rồi, rất có thi hứng, sẽ...làm thơ! Nói là làm, ông vừa chữa bệnh, vừa làm thơ một cách say sưa trong vòng 2 năm, được tới hơn 8000 dòng lục bát. Trong mấy lời tự bạch, cuốn Truyện Kim Thiếp Vũ Môn, mà ông lấy bút danh Trần Dương Long(Nhà xuất bản Văn học, năm 2020), có đoạn: “Với tôi, tiểu thuyết này đọc rất hấp dẫn và rất thích. Đặc biệt, luận đề của nó càng phải được lan tỏa. Tôi quyết định viết lại KTVM dưới dạng “vần vè” để dễ đọc, dễ phổ biến. Với suy nghĩ như vậy, tôi lục bát hóa từng chương hồi của KTVM và đưa từng phần trên Facebook với tiêu đề chung KTVM diễn nôm... Học cụ Nguyễn Du, tôi gọi quyển sách này là Truyện Kim Thiếp Vũ Môn, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Thâm Giang Trần Gia Ninh.”

Truyện KTVM của Trần Dương Long bám sát các chương, hồi trong KTVM của Trần Gia Ninh, thể hiện ở 106 mục. Mở đầu(Mục 1) những dòng thơ đầy gợi cảm: Duyên chi hay chỉ tình cờ/Lần đầu gặp gỡ không ngờ vấn vương/Vũ Môn Kim Thiếp dị thường/Làm người say đắm buồn thương một thời! Và kết thúc(Mục 106), tạo được cảm giác bâng khuâng, xúc động, day dứt khôn nguôi khi nàng Quận chúa Huy Chân đã quy y cửa Phật, còn tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện vẫn vương vấn mối tình xưa định đến chùa Am gặp nàng, bỗng: Thoảng nghe trong gió thì thầm/Khởi duyên, duyên khởi phân vân làm gì/Tín chủ ơi!Thôi về đi!/Tiếng mõ lại tiếp, A Di nhặt dần...

Đọc truyện thơ của Trần Dương Long, dẫu trùng điệp câu lục bát mà không có cảm giác bị “sượng”, bị ép vận là do tác giả có vốn từ dân dã phong phú, được vận dụng khá linh hoạt vào thể thơ dân tộc. Mới thấy cảm phục tấm lòng của Trần Dương Long, phải yêu tác phẩm của bạn, yêu bạn lắm mới có ngẫu hứng và vượt qua bệnh tật để làm được ngần ấy câu lục bát, trong đó có không ít câu thơ tài hoa. Riêng với Truyện KTVM của Trần Dương Long rồi đây rất có thể được bạn đọc, các nhà phê bình thơ có ý kiến khen, chê cụ thể, cũng sẽ tạo nên một hiệu ứng mới như với KTVM của Trần Gia Ninh chăng?

--------------------------------------

Ảnh theo bài: 1/Hai tác giả Trần Dương Long(trái) và Trần Gia Ninh.

2/Hai cuốn KTVM và Truyện KTVM đặt cạnh nhau, dụng ý bìa vẽ khá giống nhau, chỉ khác ở một vài chi tiết.