Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG CỦA NGUYỄN THẾ QUANG QUA “THÔNG REO NGÀN HỐNG”

Đặng Văn Sinh
Thứ tư ngày 30 tháng 12 năm 2020 9:11 AM



Thông Reo Ngàn Hống | Tiki

Tiểu thuyết lịch sử là loại hình nghệ thuật luôn đòi hỏi người viết phải có khả năng tưởng tượng. Thế giới tưởng tượng luôn là thước đo của sự thành công, nhất là khi tác giả tìm được chìa khóa cất giấu ở tầng vô thức mở cánh cửa bí hiểm của quá khứ cả trăm năm, thậm chí ngàn năm, giải mã lịch sử theo cách riêng của mình.

Về mặt lý thuyết, tưởng tượng không hoàn toàn là hư cấu, nhưng hư cấu lại là một trong những đặc trưng của thế giới tưởng tượng. Nói cách khác, hư cấu là một thuộc tính. Không có hư cấu, tiểu thuyết lịch sử chỉ là cái xác không hồn.

Nên nhớ rằng, tiểu thuyết lịch sử không phải là lịch sử mà chỉ là hình ảnh lịch sử qua ngòi bút nhà văn. Bởi lẽ, các nhà văn, mỗi người viết đều có cách tiếp cận lịch sử ở những khía cạnh khác nhau, khai thác quá khứ ở mức độ khác nhau, vì thế đọc văn rất khác với đọc sử. Những năm gần đây, trong lĩnh vực học thuật, đã có không ít cuộc tranh luận về việc người viết tiểu thuyết lịch sử “hư cấu” như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu thì vừa để không làm biến dạng hay bóp méo lịch sử. Nhưng rồi tất cả những sự cãi vã đó đều chẳng đi đến đâu. Lý thuyết một đằng, tác phẩm một nẻo. Nói tóm lại, các nhà phê bình, lý luận muốn có cái khung cho nhà văn, nhưng các nhà văn luôn thả trí tưởng tưởng tượng bay bổng đi vào lịch sử theo cách riêng của mình. Trường hợp “Đức thánh Trần” của Trần Thanh Cảnh là một điển hình, như nhà thơ J. Goethe từng nói “lý thuyết xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Đương nhiên, viết tiểu thuyết lịch sử, vấn đề cốt tử là phải phục dựng được mô hình xã hội đã qua, và điều cần thiết hơn cả vẫn là tạo được không gian lịch sử, trong đó bao hàm cả môi trường chính trị, các thiết chế văn hóa và quan trọng hơn hết vẫn là hình ảnh con người thời đại.

Tuy nhiên cho dù người sáng tác hư cấu kiểu gì thì cũng không thể vượt ra ngoài cái khung lịch sử. Lịch sử là nền tảng, mọi hoạt động đều được quy chiếu vào nhưng lại không phải là các sự kiện, các con số lạnh lùng hay những lời bàn đôi khi rất chủ quan của các sử gia “ăn cơm chúa”. Nói cách khác, đây là lịch sử đã được tái tạo thông qua các đặc trưng văn học. Vì thế, người viết tiểu thuyết cùng lúc phải thực hiện hai chức năng, vừa làm văn chương vừa phục hiện lịch sử ở cấp độ chân thực nhất.

Ở “Thông reo Ngàn Hống”, Nguyễn Thế Quang đã tiểu thuyêt hóa được một lát cắt lịch sử, và trong đó, ông đã tái hiện được hình ảnh những người trí thức dưới chế độ chuyên chế độc tài triều Nguyễn khá sinh động, mà một trong số đó là Nguyễn Công Trứ.

Để có được nhân vật Nguyễn Công Trứ bằng xương bằng thịt, Nguyễn Thế Quang đã phải phục dựng không gian lịch sử Triều Nguyễn Gia Miêu trong vòng bốn mươi năm, qua ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Đây cũng là thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam tích lũy nhiều mâu thuẫn. Quan lại tham nhũng bóc lột, ức hiếp dân lành. Hạn hán, vỡ đê và nạn đói xảy liên miên. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp cả ba miền Bắc, Trung Nam khiến nền chính trị chế độ độc tài rơi vào sự khủng hoảng nghiêm trọng. Đó cũng là thời cơ thuận lợi để thực dân Pháp nhảy vào chiếm nước ta làm thuộc địa.

Trong khi ấy, do bị học thuyết giáo điều Khổng Mạnh chi phối, vua quan triều Nguyễn luôn có tầm nhìn thiển cận lấy điển chế nhà Thanh làm khuôn mẫu ban hành chính sách bảo thủ bế quan tỏa cảng, ức thương trọng nông, kết quả là, nước nghèo, dân đói kéo theo nhiều hệ lụy.

Cũng như “Nguyễn Du”, ở “Thông reo Ngàn Hống”, Nguyễn Thế Quang tập trung khai thác thân phận người trí thức trong xã hội phong kiến Việt Nam thời cận đại tiêu biểu là năm “danh sĩ Bắc Hà”: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh và Nguyễn Quý Tân. Năm nhà nho này tuy hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng tất cả đều được đào luyện bài bản trong trường học Khổng Mạnh nên rất thấm nhuần đạo “Tam cương” mà phần cốt lõi của nó là tuyệt đối trung thành với vua, vua bắt chết bề tôi phải chết cho dù ông vua ấy là một hôn quân. Đạo quân thần phụ tử ăn sâu vào não trạng đến mức một người phóng túng như Nguyễn Công Trứ mà cũng xem đó như phương châm hành xử: “Hay tám vạn tư cũng mặc/ Chẳng quân thần phụ tử đếch ra người”. Như vậy, chính hệ thống giáo dục “chi hồ giả dã” cổ hủ, lạc hậu và phản tiến bộ, sản phẩm của hệ tư tưởng phong kiến Trung Quốc, là nguyên nhân hình thành nhân cách khuyết tật của tầng lớp trí thức triều đình nhà Nguyễn. Từ các đại thần Cơ mật viện quyền hành chỉ sau hoàng đế, cho đến quan chức ở hàng bát, cửu phẩm luôn mang trong mình tư cách nô lệ. Những thể chế chính trị độc tài, dù trong quá khứ hay thời hiện đại, đều coi đó là phẩm chất tuyệt hảo để duy trì chiếc ghế quyền lực càng lâu càng tốt.

Nguyễn Công Trứ ít nhiều đã nhìn ra sự bất cập của thể chế ngay từ khi mới bước vào quan trường nhưng ông không dám và không thể thay đổi vì tư tưởng trung quân. Ông tìm con đường khác phù hợp với hoàn cảnh thời đại mình hơn là một cuộc khởi nghĩa rồi thất bại nhanh chóng như Cao Bá Quát. Đó là tận tụy với công việc, hết lòng vì dân, liêm chính, chí công vô tư làm đối trọng với lũ quan lại bất tài, tham nhũng.

Có thể nói, Nguyễn Công Trứ là một hiện tượng khá đặc biệt của tầng lớp sĩ hoạn triều Nguyễn được Nguyễn Thế Quang tái tạo thành trang nam tử đa tài, đa tình, phong lưu mã thượng, xem đám quan lại triều đình, thậm chí cả vua Thiệu Trị, Tự Đức chẳng ra gì nhưng cũng lại là một năng thần ôm chí lớn, hết lòng vì bách tính tuy rằng đường quan luôn gập ghềnh trắc trở.

Nguyễn Công Trứ là hình ảnh tiêu biểu cho thành phần trí thức nho học Việt Nam thời cận đại, có hùng tâm tráng chí nhưng luôn bị các thế lực hắc ám trong triều đình chèn ép, nếu không có bản lĩnh kiên cường sẽ gục ngã bởi những cú đòn hiểm của bọn tiểu nhân. Xu nịnh bề trên, chèn ép nhân tài và tham nhũng là bản chất của tầng lớp quan lại của các thể chế toàn trị. Thứ bệnh này đã thâm nhập vào tiềm thức dân tộc như một căn tính di truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau nên không dễ gì thanh tẩy trong một sớm một chiều nếu không có đủ dũng cảm thay đổi mô hình xã hội.

Là một nhân cách lớn, Nguyễn coi thường những kẻ lánh đời ở ẩn theo quan điểm tiêu cực “độc thiện kỳ thân”, ông quyết dấn thân, lặn ngụp trong bể hoạn tìm công danh, bởi theo ông, phải có quyền lực mới cứu giúp được người dân thấp cổ bé họng theo phương châm: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.

Có thể nói, qua ngòi bút Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Công Trứ đã trở thành hình tượng văn học điển hình trong thể loại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Nó điển hình là bởi, đây là một danh sĩ Bắc Hà nổi tiếng trong lịch sử cận đại mà cho đến nay chưa có nhà văn nào dám viết. Bản chất con người Nguyễn là một khối mâu thuẫn, cho dù là đệ tử của làng nho nhưng dám xét lại tư tưởng giáo điều cổ hủ của đạo Khổng, trong khi đám vua quan triều đình Huế lúc nào cũng xem “Luận ngữ”, “Trung dung”, “Mạnh tử” là sách kinh điển, lấy đó làm phương châm cai trị đất nước và giáo dục trường ốc. Trong khi Minh Mệnh tôn sùng nhà Thanh là khuôn mẫu thì Nguyễn Công Trứ cùng Cao Bá Quát, Nguyễn văn Siêu lên núi Ngự Bình uống rượu bàn thế sự. Các danh sĩ Bắc Hà hết lời chỉ trích hệ thống thi cử, điểm mặt từng quan đại thần dốt nát, tham nhũng, đọc không vỡ chữ nhưng lại chễm chệ ngồi ở Viện Cơ mật thao túng cả triều đình đến nỗi “Thần Siêu” phải thốt lên: “thi cử hiện nay chỉ là một trò trộm cắp những lời nói cũ, bắt chước việc người xưa, đua chen vào chốn quan trường để đi tìm cái Lợi mà thôi”. Còn “Thánh Quát”, từ tuổi thiếu niên đã mơ con đường công danh, nhưng khi chạm vào thực tế hoàn toàn vỡ mộng: “Đệ muốn làm mà đâu được làm, thi lần nào cũng bị đánh hỏng. Còn huynh làm đến thế mà bị giáng, tài cao chí lớn bị vô dụng, rồi đây huynh còn làm được gì?”.

“Nếu đọc kỹ “Thông reo Ngàn Hống” ta sẽ thấy, cứ mỗi lần nhóm Trứ, Quát, Siêu, Ninh có dịp gặp nhau là họ lại lên án hệ thống nho giáo lạc hậu và điển chế nhà Thanh chính là nguyên nhân làm cho nước Đại Nam suy yếu, triều đình mục nát, quan lại bất tài, tham nhũng và dân chúng lầm than. Đây là tư tưởng rất mới được hình thành bởi tầng lớp trí thức cấp tiến trên cơ sở thực tiễn xã hội, hoàn toàn không xuất phát từ ý kiến chủ quan của tác giả. Chính chuyến hiệu lực đến Nam Dương của Cao Bá Quát đã mở rộng kiến văn Chu Thần và khẳng định tầm nhìn vượt khỏi thời đại của Nguyễn Công Trứ.

Trứ sống khác người, làm quan khác người và trước tác thơ văn cũng khác người, trước hết, ông là một tài tử đa tình, không bị chi phối của thứ văn chương hình thức khô cứng mà nội dung sáo rỗng như “biền ngẫu” hay “Đường luật”.

Cũng bởi sự thay đổi về quan điểm thẩm mỹ, Nguyễn Thế Quang đã có bước đột phá quan trọng khi xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Công Trứ. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, các nhân vật lịch sử như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… lần lượt đi vào tiểu thuyết, có cuốn dày đến năm sáu trăm trang. Họ cùng có mẫu số chung là trí tuệ hơn người, có tài kinh bang tế thế, khoan hòa nhân ái, đạo đức trong sáng, nhân cách đáng trọng nhưng hầu như ít cá tính hoặc cá tính mờ nhạt. Những nhân vật ấy khá giống nhau, hình thành mẫu người lý tưởng của thời đại vốn là sản phẩm của phương pháp sáng tác Hiện thực XHCN di thực sang địa hạt tiểu thuyết lịch sử, luôn ám ảnh người viết khiến tác giả không thể thay đổi phong cách.

Sở dĩ hình tượng Nguyễn Công Trứ đầy cá tính là bởi, Nguyễn Thế Quang đặt nhân vật của mình vào giữa dòng xoáy lịch sử tạo nên sự va xiết dữ dội ở giai đoạn mạt kỳ của xã hội phong kiến tập quyền. Đấy cũng là thời điểm hệ ý thức nho giáo khủng hoảng trước khi chấm dứt vai trò lịch sử thống trị mấy ngàn năm. Sự đối kháng gay gắt giữa một triều đình hủ bại với làn sóng bất bình của dân chúng Đại Nam nửa đầu thế kỷ XIX đã tạo ra một Cử Củng với tâm thức bất an ngay từ khi chập chững bước vào quan lộ.

Xét về hành trạng, trong con người Trứ có hai con người, một con người luôn thực thi phương châm “Thượng vi đức, hạ vi dân’, chẳng coi đám vua quan mũ cao áo rộng chốn miếu đường ra gì, còn con người kia thích ăn chơi, hưởng lạc. Nhưng khác với bọn trọc phú trưởng giả học làm sang, Trứ là nhà nho tài tử nên cái sự chơi ấy cực kỳ sang trọng và “nghề chơi” cũng lắm công phu. Và cũng bởi Hy Văn đa tài, đa tình nên cũng thật đa đoan đến mức, ngoài chính thất là bà Đặng Thị Minh, cho đến cuối đời ngài cựu phủ doãn Thừa Thiên cưới đến mười bốn thiếp toàn giai nhân trẻ, trong số đó không ít nàng giỏi cả cầm kỳ thi họa.

Cũng bởi mang danh nhà nho tài tử nên Nguyễn say mê ca trù, một loại hình ca nhạc thuần túy dân tộc mà nội dung lại hàm chứa yếu tố bác học. Những bài hát nói ứng tác cho thể loại ca trù cực kỳ hấp dẫn cùng với tiếng đàn lão luyện của Nguyễn, vô hình chung đã đưa ông lên hàng những nghệ sĩ tài hoa không chỉ ở chốn kinh kỳ. Bọn Trương Đăng Quế, Lê Đăng Doanh ghen ghét Nguyễn, nhưng người đẹp lại say mê ông. Suốt cuộc đời mình, tay kiếm tay đàn, Nguyễn toàn làm việc lớn ích quốc lợi dân, tuy bị đồng liêu kể cả vị hoàng đế đa nghi như Minh Mệnh cản đường, hãm hại nhưng kết cục đều thành tựu.

Để làm nổi bật bật hình ảnh Nguyễn Công Trứ, một trí thức tài hoa luôn trăn trở với sự hưng vong của quốc gia, dân tộc, tác giả dành cho nhân vật của mình những đoạn đối thoại tư tưởng nằm rải rác ở cả năm phần cuốn sách. Từ những độc thoại nội tâm ấy, người ta càng nhận biết, Trứ có cái đầu luôn đi trước thời đại. Nhân chuyện nhà vua ra chỉ dụ cấm thông thương với nước ngoài Nguyễn nhận xét: “Hoàng thượng có nghĩ được thế không nhỉ? Trong đầu Nguyễn bỗng chợt nảy ra câu hỏi đó. Và Nguyễn tự trả lời: có lẽ ngài và những cận thần cạnh ngài không nghĩ được điều đơn giản mà đúng đắn ấy. Quá nghe lời của đấng quân vương xưa, sợ mọi đổi thay, chỉ lo cho sự yên ổn, dù trong đói nghèo, mà không dám mở rộng buôn bán, ngồi chê thiên hạ kỳ quặc, không biết học cái hay của nước người, giang sơn Đại Nam đi về đâu? Chao ôi! Nguyễn thèm được nhìn lại cảnh đồng mênh mông lúa chín vàng rực ở Tiền Hải, Kim Sơn, ở bao nơi khác”. Triều đình Huế không thể dung nạp được tầm vóc người khổng lồ nên ông luôn bị đám sủng thần bất tài vô đức cô lập. Theo Nguyễn Công Trứ, Minh Mệnh chính là người đứng đầu thực hiện một chuỗi những chính sách cai trị sai lầm dẫn đến vương triều suy sụp, đồng thời cũng là nguyên nhân rước giặc vào nhà.

Cũng vẫn những dòng độc thoại, càng đọc ta càng nhận ra, Nguyễn Công Trứ thường xuyên chỉ trích sự cổ hủ, lạc hậu của đạo nho cũng như khuôn mẫu của triều đình nhà Thanh mà Minh Mệnh tôn sùng như một thứ “kinh điển” dĩ thành bất biến. Chẳng những thế, trước khi qua đời, ông ta còn để lại di ngôn cho con, ngoài việc tuân theo điển chế Thanh triều, Thiệu Trị còn phải nhất nhất nghe lời Trương Đăng Quế, một “cố mệnh lương thần” nắm Viện Cơ mật mà tư cách nhếch nhác, luôn ganh ghét người tài. Vậy nhưng chính gã họ Trương và vua Thiệu Trị lại hiểu Nguyễn Công Trứ hơn ai hết: “Nguyễn Công Trứ có ý kháng chỉ ư? Lạ cho viên tướng xứ Nghệ này, trong khi bao tướng lĩnh quan lại chỉ biết tuân chỉ thì anh ta lại dám nói chính kiến của mình. Không thiết sống nữa chắc? Không phải! Hắn ta là kẻ ham sống nhất, dám làm những việc đội đá vá trời mà cũng dám chơi nhất, Vậy can cớ gì đây?”.

Nguyễn biết rất rõ dưới sự cai trị của một ông vua độc đoán, hiếu sát như Minh Mệnh, bất cứ viên quan nào cũng có thể bị cách chức hoặc rơi đầu nếu trái ý đấng cửu trùng. Thân phận kẻ sĩ chốn quan trường đầy bất trắc nhưng ông vẫn dấn thân. Bốn mươi năm xuất sĩ, lúc ở ngôi thượng thư, tổng đốc, khi làm tên lính già hiệu lực nơi rừng xanh heo hút, ông vẫn an nhiên tự tại xem sự thế chẳng khác gì một ván cờ tàn. Bản lĩnh cứng cỏi như cây thông trên đỉnh Non Hồng là phẩm chất tuyệt vời của bậc quân tử. Chẳng những có cái nhìn thấu thị về nhân tình thế thái, Nguyễn Công Trứ còn là đấng nam nhi mã thượng suốt đời chung tình với Huệ Thư, một kỳ nữ Cổ Đạm mà ông coi là tri kỷ, nhưng ngay cả lúc tuổi xế chiều cũng không giữ được nàng. Đây được xem là mối nhân duyên giữa trai anh hùng và gái thuyền quyên bắt đầu từ thuở hàn vi nhưng phần kết lại đượm mùi cay đắng. Sự tích cây đàn Nguyễn tặng, từng theo Huệ Thư suốt những tháng năm gắn với nghiệp cầm ca, rồi lại trở về chủ cũ sau khi nàng xuống tóc tìm sự bình yên nơi cửa Phật là một hình ảnh đẹp, một giá trị văn hóa khẳng định tầm vóc của những nhân vật lịch sử.

Qua ngòi bút Nguyễn Thế Quang, Trứ là một kẻ sĩ Bắc Hà mà trí tuệ vượt xa đám đại thần giá áo túi cơm, tuy không nói ra nhưng sự im lặng của ông cũng là một thái độ khinh bỉ làm chúng hậm hực, luôn bàn mưu tính kế triệt hạ ông. Trứ ngông nghênh, cao ngạo bởi ông là một người hành động, lấy kết quả công việc đáp trả bọn nịnh thần hèn nhát nhưng lại rất giỏi khoa khua môi múa mép. Một nhân cách như Trứ, sẵn sàng lao và nước sôi lửa bỏng, chết không từ nan. Sự tích dẹp loạn Ba Vành, Nùng Văn Vân, lập làng Hướng Hóa, xây đồn binh Chàng Sơn hay làm doanh điền sứ khai hoang lấn biển hàng chục vạn mẫu đất hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn là những kỳ tích từng được ghi trong Quốc sử. Minh Mệnh hiểu rất rõ bản lĩnh Nguyễn Công Trứ, đã thành lệ, cứ ở đâu gặp khó là lại điều ông đến. Tuy nhiên với bản tính kiêu ngạo lại sẵn thói đa nghi, chỉ sợ quan lại Bắc Hà làm phản soán ngôi, vì thế, nhất thời hoàng đế có thể dùng nhưng không tin tưởng và tìm mọi cách kiềm chế. Chuyện Nguyễn Công Trứ nhiều lần bị cách tuột chức tước, giáng làm lính trơn cũng chẳng có gì lạ, bởi nó hoàn toàn nằm trong “thuật dùng người” mà Gia Long, Minh Mệnh học hỏi được từ thuyết âm mưu của các hoàng đế Trung Hoa.

Làm đến trọng thần như tổng đốc, thượng thư hay đại tướng, quyền sinh quyền sát trong tay nhưng Nguyễn Công Trứ luôn thương dân, quý trọng sinh mệnh con người. Trong các trận chiến đánh dẹp quân khởi nghĩa ở Bắc Thành hay bình Chân Lạp miền Tây Nam, ông chủ trương không tàn sát theo kiểu đuổi chuột cùng sào mà thường dùng đạo lý thuyết phục, cảm hóa đối phương, khác hẳn với Trương Đăng Quế hay Nguyễn Công Nhàn sẵn sàng hy sinh quân lính bằng mọi giá để giành chiến thắng (…). Cũng bởi có kiến văn rộng, hiểu rõ sự thiển cận của triều đình chủ trương diệt đạo Thiên Chúa, tàn sát giáo dân, Nguyễn Công Trứ luôn khoan dung, che chở cho họ trong phạm vi quyền hạn của mình. Và cũng chính ông, sau khi vào Gia Định, hiểu rõ công lao to lớn của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với vùng đất phương Nam, đã âm thầm trái mệnh vua đến viếng mộ vị tổng trấn bị hàm oan.

Có thể nói, cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ là một chuỗi bi kịch, không phải chỉ riêng ông, mà là của người trí thức nói chung. Dưới dưới chế độ quân chủ chuyên chế, mọi tư tưởng đều bị kiểm soát. Nói cách khác, là cái đầu đã bị nhà vua trưng dụng. Điều tưởng như nghịch lý này đã từng được Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát và Nguyễn văn Siêu nói đi nói lại trong những lần rủ nhau uống rượu ở kinh thành hay ngồi du thuyền trên sông Hương để tránh tai mắt của bọn chỉ điểm. Thật là hài hước, khi mà chỉ một ông “con trời” có tầm nhìn ếch ngồi đáy giếng cùng vài viên đại thần thiểu năng trí tuệ trong Cơ mật viện lại hoạch định chính sách cho cả một dân tộc.

Cách cai trị như thế, chính nhà vua, người có quyền uy tối thượng, đã tạo ra nạn tham nhũng. Đến lượt nó, tham nhũng chính là nguồn dinh dưỡng nuôi sống guồng máy quan lại. Tình trạng mua quan bán tước, lạm dụng thuế khóa, đồng tiền bẻ cong cán cân công lý hay thi cử gian lận đã trở thành phổ biến trong mọi hoạt động xã hội. Minh Mệnh không hiểu điều ấy nên mỗi khi đắm chìm vào suy tư ông luôn bị bế tắc: “Hai mươi năm cầm quyền, ngài đã phát hiện được bao nhiêu tên sâu mọt này, bao nhiêu kẻ bị ngài cách chức, tống giam, bao nhiêu kẻ bị ngài chém đầu, thế mà sao chúng vẫn nảy nở khắp nơi? Sự nghiêm khắc của ta, quyền uy tuyệt đối, lớn lao của ta mà vẫn không loại trừ được bọn chúng! Một cảm nhận bất lực bỗng ùa vào tâm trí ngài, nỗi mệt mỏi như tăng lên gấp bội” (tr.246).

Vẫn phải nhấn mạnh, tư tưởng cốt lõi trong “Thông reo Ngàn Hống” là thân phận người trí thức dưới chế độ toàn trị. Với người trí thức, tự do tư tưởng là yếu tố sống còn. Tự do tư tưởng là nguồn gốc của tư duy sáng tạo, thiếu nó, con người trở thành vô tri, bản năng, hành động giống cỗ máy đã bị lập trình. Trong hoàn cảnh ấy, kẻ sĩ bị phân hóa. Loại cơ hội như Trương Đăng Quế và phe cánh rất giỏi xu nịnh, làm đẹp lòng vua, được ưu ái phất lên như diều, sẵn sàng bán rẻ lương tâm kể cả phản dân hại nước chỉ với tham vọng leo sâu trèo cao vào bộ máy công quyền. Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Quý Tân thuộc thành phần thứ hai, là những người có thực tài nhưng không được trọng dụng. Trừ Nguyễn Công Trứ biết tiến biết thoái đúng lúc, nắm chắc thời cơ, khiến nhà vua không thể không dùng, còn Thần Siêu, Thánh Quát, Nghè Tân đều chỉ là những viên thư lại dưới sự cai quản của lũ trưởng quan vô học. Đó cũng là nguyên nhân khiến Chu Thần dấy binh khởi loạn chống lại triều đình, Nguyễn Hàm Ninh từ quan mở trường dạy học, còn Phương Đình hồi hưu sớm về Bắc Thành sửa sang đền Ngọc Sơn, xây Đài Nghiên Bút Tháp. Nói như ngôn ngữ thời nay, “chất xám” chảy máu, quản lý xã hội là những cái đầu bệnh hoạn, đất nước không nghèo, người dân không thống khổ, điêu linh mới là lạ.

Mô hình nhà nước toàn trị của các vương triều phong kiến Trung Quốc cũng như triều đình Đại Nam của dòng họ Nguyễn Gia Miêu, chẳng những không có khả năng sử dụng mà còn tìm mọi cách tiêu diệt nhân tài. Đọc “Thông reo Ngàn Hống”, ta không khó nhận ra, các hoàng đế nhà Nguyễn luôn đối xử tệ bạc với nhân sĩ, đặc biệt là nhân sĩ Bắc Hà. Nguyễn Quý Tân, tri phủ Quốc Oai, chỉ vì uống rượu say, ngủ quên đến nhiệm sở muộn mà bị cách chức. Cao Bá Quát phẩm cấp làng nhàng, làm chân hành tẩu bộ Lễ, vì liên tài chữa lỗi mấy quyển thi mà bị tội sung quân, suýt nữa mất mạng. Nguyễn Hàm Ninh, giải nguyên khoa Tân mão, tuần phủ Khánh Hòa, bị thuyền nước ngoài bắt cóc thế mà phải cách chức sung quân. Ở chốn triều trung, sự tận tụy, mẫn cán đôi khi lại rước họa vào thân. Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, làm đúng chức năng được giao, chỉnh sửa mấy chữ viết sai của Thiệu Trị không ngờ bị phạt đòn 80 trượng. Mỉa mai thay, Hà Tông Quyền, một một ông tiến sĩ chuyên xu nịnh, đón ý nhà vua cũng bị Kiến An Công cầm trùy đánh vỡ đầu, ném xác xuống sông mà Minh Mệnh không thèm truy cứu. Sinh mạng quan chức còn như thế nói gì đám dân đen thấp cổ bé họng. Đến bậc đại thần như Nguyễn Công Trứ đã hồi hưu, tưởng sẽ được an hưởng tuổi già cùng thú vui cưỡi bò vàng thăm bạn bè hay lên núi Hồng ngắm thông reo, vậy mà vẫn bị đóng gông giải về kinh trị tội vì một lời tố giác vô căn cứ. Cho dù, vào đến Huế ông cũng được minh oan, nhưng việc làm của Tự Đức chính là hành vi hạ nhục kẻ sĩ, triệt tiêu nguyên khí quốc gia. Triều đình thối nát, xã hội rối ren, vị hoàng đế nổi tiếng có hiếu như Tự Đức, tuy giỏi thơ văn nhưng không có tài trị nước, chỉ ngồi trong điện ngọc nghe bọn nịnh thần sàm tấu, nhìn đâu cũng thấy “loạn thần tặc tử” mà không biết chính mình mới là đối tượng khiến cho trăm họ lầm than. Thái độ độc đoán gia trưởng chỉ ưa nịnh hót, không thích nghe lời can gián, sẵn sàng hạ ngục hay xử trảm những trung thần lương tướng dâng lời nói thẳng đã trở thành phổ biến trong chính sách cai trị của triều đình nhà Nguyễn trải qua suốt ba đời hoàng đế từ Minh Mệnh cho đến Thiệu Trị, Tự Đức.

Phải nói, thế giới tưởng tượng của Nguyễn thế Quang hết sức phong phú, đa dạng và giàu tính sáng tạo, ông đã tái hiện được không gian lịch sử xã hội Việt Nam thời Nguyễn một cách chân thực nếu ta nhìn dưới góc độ tiểu thuyết. Đó là một xã hội hết sức đồng bộ giữa cấu trúc thượng tầng với thiết chế văn hóa khuyết tật, giữa năng lực quản lý yếu kém của một một tập đoàn phong kiến phản dân hại nước với nền kinh tế nông nghiệp bấp bênh thường xuyên mất mùa do vỡ đê hay hạn hán. Nạn đói, sự bất công trong đường lối cai trị chính là mầm mống của những cuộc bạo loạn trên quy mô lớn. Vì thế, Nùng Văn Vân hay Ba Vành không phải là những trường hợp cá biệt dám đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình.

Bối cảnh xã hội như vậy, nên bức tranh làng quê Việt Nam cực kỳ u ám. Dù là ở bãi biển Tiền Châu, Kim Sơn, Hải Đông hay Bắc Thành, bất cứ nơi nào Nguyễn Công Trứ đến trị nhậm đều thấy gương mặt người dân nhàu nhĩ, buồn thảm. Thần thái ấy biểu hiện một cách trung thực phong hóa dân tộc đang bị tổn thương ngày càng trầm trọng.

Cũng với ngòi bút sắc sảo, luôn biến hóa, Nguyễn Thế Quang ngược dòng lịch sử, phục dựng những buổi thiết triều của vua tôi nhà Nguyễn khá sinh động. Tuy nhiên, sự sinh động ấy, trước hết không phải ở hệ thống quan giai, trật tự phẩm hàm hay nghi lễ tiến hành giống hệt điển chế nhà Thanh mà là sự hài hước, lố bịch của những bản tấu chương, những lời tán tụng sáo rỗng chẳng liên quan gì đến quốc kế dân sinh. Tệ hại hơn nữa, dưới triều Tự Đức, các trọng thần còn cãi cọ nhau như hàng tôm hàng cá trước thềm rồng, có ngươi công khai chống lại lệnh bổ nhiệm mà nhà vua không làm gì được. Triều đình biến thành một cái chợ làm nảy sinh tiếng cười. Và phía sau tiếng cười là những giọt nước mắt thống khổ của người dân gặp thời buổi nhiễu nhương. Đó chính là bức tranh toàn cảnh với gam màu xám gần như bao trùm toàn bộ cuốn sách làm người đọc phải trăn trở, suy ngẫm về một thời kỳ đen tối của đất nước, dân tộc. Cho nên, khi uống rượu các bạn vong niên, Nguyễn đã từng than thở: “Giang sơn điên đảo, điêu linh thì kẻ sĩ sống mà làm chi!”.

Về mặt nghệ thuật, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang được hình thành bởi cấu trúc văn bản trên nền tảng dữ liệu lịch sử lại được trí tưởng tượng tạo nên những chiều kích hoành tráng khiến người đọc nhận diện được bản chất của một vương triều, trong đó, bao hàm cả vấn đề địa chính trị, địa văn hóa, những giá trị sống được xem như tinh thần thời đại qua một lát cắt lịch sử điển hình. Về mặt lý thuyết, người ta gọi đây là không gian nghệ thuật nằm trong trục hệ hình, còn thời gian gọi là trục ngữ đoạn. Với tiểu thuyết lịch sử, không gian và thời gian là những đại lượng tương đối ổn định, nó giống như một cái khung để người viết tạo dựng văn bản. Vấn đề cần bàn là, cùng một quy mô hạn hẹp ấy mà có những tác phẩm thành công vượt thời gian, ngược lại cũng không ít cuốn sách chỉ mô phỏng lịch sử một cách thô thiển…

“Thông reo Ngàn Hống” là cuốn tiểu thuyết sử thi tái hiện thành công hình tượng Nguyễn Công Trứ, một nhân vật đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX. Là kẻ phong lưu, đa tình, Cử Củng cũng là bậc anh hùng mã thượng, cười cợt với đời đúng như những “điệu nói” tự trào: “Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông, gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Nhưng ấn tượng hơn cả, vẫn là Uy Viễn tướng công cưỡi bò vàng đủng đỉnh từ kinh thành về Hà Tĩnh rồi leo lên Ngàn Hống làm thơ lục bát về cây thông ca ngợi khí phách người quân tử.

Chí Linh, 28 tháng 12 năm 2020

Đ.V.S.