Trang chủ » Tin văn và...

VĨNH BIỆT TÁC GIẢ "THI SĨ MÁY"

Theo FB truongthieuhuyen
Thứ bẩy ngày 29 tháng 2 năm 2020 9:31 AM


Tác giả "Thi sĩ máy" - nhà thơ, nhà báo Như Mai (Ngô Huy Bỉnh) đã đi xa vào hồi 0h15 ngày

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh

29/2/2020, hưởng thọ 97 tuổi.
Lễ viếng 8h30 ngày 1/3/2020 tại nhà riêng số 42 (tổ 44, khu 3), phố Nhà Thờ, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long.






Trương Thiếu Huyền
Như Mai - Từ Thi sĩ máy đến Anh lão đa tình

Hồi học phổ thông, thầy giáo dạy văn giảng cho chúng tôi: Nhân văn giai phẩm đả kích văn nghệ sĩ, gọi các nhà thơ là “thi sĩ máy”. Nghĩa là, cứ nạp điện vào, thi sĩ máy sẽ cho ra tác phẩm thơ thoả thích. Rồi đến khi học đại học, tôi mới được đọc truyện châm biếm “Thi sĩ máy” của tác giả Châm Văn Biếm, in trên báo ‘Nhân văn” số 5- số cuối cùng. Đọc “Thi sĩ máy”, tôi thấy chẳng có gì là “không phải” cả. Truyện đả kích lối văn chương rập khuôn, máy móc, nhạt nhẽo và vô bổ. Ấy thế, có thời người ta vội quy kết oan uổng “Thi sĩ máy”. Ý tưởng và bút pháp châm biếm ấy, ngày nay ta thường thấy trên báo “Tuổi Trẻ Cười”. Cho đến khi tôi nhận công tác ở Quảng Ninh, một nhà thơ quen biết bảo tôi:


- Cậu về Quảng Ninh cho tớ hỏi thăm sức khoẻ ông “Thi sĩ máy” nhé!


Ông “ thi sĩ máy” là ai? Thấy tôi ngạc nhiên, nhà thơ giải thích:


- Ông Như Mai, cái ông Châm Văn Biếm, tác giả của “Thi sĩ máy” ấy.


Tôi biết về ông Như Mai từ đấy và được ông kể về những bước thăng trầm của đời ông.


Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh, quê Hưng Yên, sinh năm 1924 tại Hải Phòng, lớn lên và học tập ở Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội từ tháng 10.1944. Ông phụ trách Thanh niên cứu quốc Liên khu 2. Năm 1947 ông làm báo Cứu Quốc cùng với Như Phong, Hồng Hà, Đồ Phồn... Bút danh Như Mai là tên ghép hai người yêu Như và Mai của ông. Có người sau này là vợ ông. Như Mai làm báo thời đó thường viết tạp văn. Ông thừa hưởng lối tạp văn nhạy bén của cụ thân sinh. Cụ thân sinh của ông là Ngô Huy Văn (nguyên Cục phó Cục Bưu điện) thường kí bút danh là Chu Thượng trên báo “Trung Bắc tân văn” thời Pháp thuộc. Một dạo Như Mai lấy lại bút danh Chu Thượng trong mục “Truyện cổ tân trang” của báo Lao Động.


Sau hòa bình lập lại, Như Mai công tác tại Sở Báo chí. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác tại Hà Nội, viết về thành công của cải cách ruộng đất, ông đã tham dự và Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... cũng có mặt ở trại viết này. Mấy ngày đầu ngẫm ngợi ông thấy bí câu chữ. Trang giấy mà Nguyễn Tuân gọi là “pháp trường trắng” làm ông day dứt. Bỗng một hôm, đọc xã luận báo Nhân dân, thấy báo phê phán lối sáng tác máy móc, rập khuôn, ông “vụt” ngay ra cái tứ của truyện với hình tượng “thi sĩ máy”. “Thi sĩ máy” ra đời lập tức “có vấn đề” cùng với báo Nhân văn.


- Ông nghĩ gì về cái “đận” văn chương ấy? - Tôi hỏi ông. Ông nói:


- Thời nào mà chả có chuyện của thời ấy. Hồi cải cách ruộng đất, thấy có người trước khi bị bắn, hô to “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”, chúng tôi thét lên “ngoan cố! Việt gian ngoan cố!”. Có thể họ bị oan lắm chứ. Sau vụ “Thi sĩ máy”, có người khuyên tôi, cố kiểm điểm cho tốt nhé, đừng “ngoan cố”. Tôi tin, mọi cách nhìn bè bạn đánh giá tôi tốt- xấu không lầm!


Năm 1958, Như Mai về báo Vùng Mỏ (sau là báo Quảng Ninh) làm tổ trưởng tổ công nghiệp, rồi Thư kí tòa soạn. Năm 1987, tôi về Quảng Ninh dạy học cũng là năm ông Như Mai nghỉ hưu, sau 40 năm làm báo. Ông tâm sự: - Đời mình cái con số 16 nó nghiệm lắm. Năm 1956 vụ “Thi sĩ máy”, 16 năm sau là năm 1972, mình lại khốn khó về bài điều tra “Phải biết căm giận những con số không trung thực”. Bài báo có cách nhìn trái ngược với tư tưởng “vui vẻ” thi đua vượt kế hoạch ở những năm ấy. Hồi đó, rất hiếm các cơ sở không vượt kế hoạch. Bài báo chỉ ra việc khai khống 3 triệu mét khối đất đá (làm mất đi 1 triệu 500 ngàn đồng, thời năm 1971) của xí nghiệp Vận tải ô tô Cẩm Phả. Sau khi có bài báo, Giám đốc xí nghiệp này đã làm đơn xin thôi việc. Bài báo đã đề cập tính trung thực trong công nghiệp. Tại tòa soạn, nhiều người cho rằng, khí thế thi đua cả tỉnh đang lên, nhà báo lại đi bới thối! Có người chân tình: “người khác viết thì được, ông viết thế thì ông chết!”. May sao, Thứ trưởng ngành Than Vũ Anh đến báo Quảng Ninh, cảm ơn tác giả bài báo, mình mới thở phào! Sau năm 1972, đến 1988, đúng 16 năm, mình lại “dính” vào vụ đưa chuyện tiêu cực của hai ông nguyên chủ tịch và nguyên bí thư tỉnh Quảng Ninh trên báo Hạ Long. Lại nghiêng ngửa một dạo, may mà được dư luận ủng hộ, nên mình cũng qua.


Khi ở tuổi 70, ông vẫn còn tráng kiện lắm. Rủ tôi đi chơi, ông bắt tôi phải ngồi sau xe đạp. Ai lại để ông 70 tuổi lai xe đạp cái thằng 30 tuổi là tôi. Tôi không chịu, ông bảo:


- Cậu ăn nhằm gì, to như Lý Biên Cương tớ còn đèo băng băng nữa là!


Hình ảnh Như Mai với chiếc ba-dô-ca (điếu cày) bỏ túi “ba đảm đang” rất quen thuộc với mọi người. Có bạn thơ đùa: “Ông Mai có hai điếu cày; cái hút ban ngày, cái hút ban đêm”. Ông chỉ cười. Dí dỏm, hóm hỉnh là vốn của ông. Ông tít mắt khi trẻ con gọi: “Ông Ma! Ông Ma ơi!”


Có lẽ hiếm khi có ai khuyến khích các bạn viết trẻ bằng Như Mai. Ở một đêm thơ, trong khi mọi người say đọc thơ mình, còn ông trân trọng giới thiệu thơ Vũ Dạ Phương (Ninh Bình), Vũ Khánh (Vĩnh Phúc), Vũ Thị Huyền (Hải Phòng). Gặp tôi ông thường hỏi: - Cậu đã đọc bài của “X” của “Y” chưa? Thơ được lắm! Ông có cuốn sổ tay nhỏ để chép những bài thơ mà mình thích rồi chia sẻ với người khác.


Còn thơ của tác giả “Thi sĩ máy”? Như Mai làm thơ để thỏa nỗi niềm riêng nhất. Thơ ông viết cho chính mình, bởi thế nó chứa đựng tâm tưởng của cá nhân thi sĩ một cách chân thành. Ông đã tập hợp thơ mình để in một tập lấy tên là “Ngẫu hứng”. Tôi thích nhất bài thơ “Ghi ở Đông Thành” của ông:


Tôi những muốn tôi là đất ấy


Bàn tay em nhào nặn nên bình


Qua ngọn lửa mắt em nung đốt


Tâm hồn tôi lần nữa khai sinh



Tôi sống giữa lặng câm sành sứ


Em thổi vào mộng ảo muôn hình


Chiếc bình tôi buồn vui yêu ghét


Cứ ngân nga da diết âm thanh



Tôi biết ơn bàn tay màu nhiệm


Biến cái vô tri thành cái hữu hình


Con ngựa chìm trong men em vẽ giả


Còn thật hơn cái thật đời anh



Với nhân dân tôi suốt đời mắc nợ


Sông núi hôm nay biết mấy hy sinh


Dám đâu khoe nước men thời Lý


Chút hào quang kia cũng đời khoác cho mình.



Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tô Minh Bình đã gọi ông là “Anh lão đa tình”. Tâm hồn ông vẫn cháy lên “cái nguyên xanh thời trai trẻ”. Khi ở tuổi 70 ông vẫn say mê làm báo. Tờ Văn nghệ Hạ Long (Hội văn nghệ Quảng Ninh) thời do ông “cố vấn” đã khởi sắc.


Nhà ông ở phố Nhà thờ Hòn Gai - những căn nhà chi chít bám vào sườn đồi- đặc trưng của Đất Mỏ. Rất ít khi ông có nhà. Ông thường đạp xe đi khắp thị xã, khi thì ở Hội văn nghệ, khi thì nhà in, khi thì ngồi ở nhà các bạn văn chương. Cánh trẻ chúng tôi thường gọi thân mật: bố Mai! Cái ông Châm Văn Biếm xa xưa, nay được là “anh lão đa tình”.


Năm nay ông Như Mai đã tròn 85 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, tinh thần vui vẻ và thường xuyên đi xe ôm tham dự các cuộc gặp gỡ liên quan đến anh em văn chương, báo chí. Ông phải rèn luyện, tu dưỡng tinh thần và thân thể thế nào đó mới có được cái sức khoẻ và sự hóm hỉnh ở tuổi gần đại thọ này.



Hạ Long, 2 – 2009