Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ HUY CẬN VỚI TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ

Trần Phương Trà
Thứ sáu ngày 31 tháng 5 năm 2019 10:02 AM


NKết quả hình ảnh cho nhà  văn Trần Nguyên Vấnhà thơ Cù Huy Cận sinh ngày 31/5/1919, tham gia cách mạng từ năm 1942, thành viên UB dân tộc giải phóng toàn quốc, Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời 1945, Bộ trưởng bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và 1992, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Việt Nam, ủy viên UB chấp hành UNESCO thế giới, Viện sĩ Viện Hàn Lâm thế giới về thơ, Chủ tịch Đại hội văn hóa thế giới năm 1968…tham gia lãnh đạo các Bộ Văn hóa - thông tin, Nội vụ, Kinh tế. Tham gia ký Tuyên ngôn độc lập và tham gia đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại.
Nhà thơ Cù Huy Cận được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Huy Cận sinh năm 1919 mất tháng 2 năm 2005 thọ 86 tuổi. Ông đã có 9 năm học ở Huế từ 1928 đến năm 1939. Ông đã học ở huyện Quảng Điền, học ở trường tiểu học Thanh Long và có 7 năm từ 1932 đến 1939 học Trung học Khải Định (Quốc học Huế) thi đậu bằng tú tài rồi ra Hà Nội sống cùng nhà thơ Xuân Diệu và học trường Cao đẳng Nông lâm.
Năm 2005, tôi đã viết bài “Huế với nhà thơ Huy Cận”. Bài đã đăng trên tạp chí Hồn Việt, đăng trong sách “Quốc học Huế xưa và nay”, trong cuốn “Nặng lòng với Huế, chân dung văn học, NXB Hội nhà văn, 2017”. “Huy Cận cuộc đời và sự nghiệp”, NXB Hội nhà văn, 2006.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ (31/5/1919 – 31/5/2019), tôi xin phép được nói đôi điều về nhà thơ Huy Cận với trường Quốc học Huế.
Bài thơ “Tựu trường”, nhà thơ Huy Cận viết năm 1938 ghi lại những tình cảm mới mẻ của những chàng trai mười lăm tuổi “mắt tin cậy, và tóc vừa dưỡng rẽ” rụt rè bước vào ngôi trường khang trang ở bậc trung học:
Giờ náo nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học
Buổi chiều đầu, họ tìm bạn kết duyên
Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào viên
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe
Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp,
Tựu trường đó, lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Mắt tin cậy, và tóc vừa dưỡng rẽ.
Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé
Không nói gì có thể vuốt ve hơn
Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát
1938
Tiếp nối các Hội ái hữu của cựu học sinh Quốc học Huế năm 1938 do Giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm Chủ tịch, Hội ái hữu Quốc học Huế năm 1956 do Giáo sư Nguyễn Đình Hàm làm Hội trưởng, Ban liên lạc cựu học sinh toàn quốc Quốc học Huế được thành lập ngày 22/10/1983 do ông Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm trưởng ban, sau đó do nhà thơ Huy Cận làm trưởng ban cho đến cuối năm 1996, kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc học Huế.
Trong Đặc sản kỷ niệm 100 năm trường Quốc học Huế, ở lời nói đầu, nhà thơ Cù Huy Cận viết:
“Trường nằm trong hệ thống học đường của chế độ thực dân lúc bấy giờ, nhưng lại chính nhà vua yêu nước Thành Thái ra Dụ thành lập ngày 23/10/1896 với cái tên Quốc học mang hai nghĩa: nền học của nước, nền học cho nước.
Các thế hệ thầy trò của trường đã không phụ lòng và tinh thần của Đức Vua. Trong vòng ràng buộc của chính quyền đô hộ, giáo sư và học sinh lớp này đến lớp khác, năm học này đến năm học khác nối tiếp nêu cao tinh thần yêu nước, nung nấu hoài bão văn hóa dân tộc, nâng bề dày trí thức - nhân văn và liên hệ với các trào lưu chính trị, xã hội của đồng bào Huế, của đồng bào miền Trung và cả nước.
… Cái tinh thần dân tộc ấy, niềm hoài bão sắt son ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ Quốc học, kể cả các thế hệ sơ tán trong kháng chiến, cho đến các thế hệ ngày nay, sau ngày thống nhất đất nước.
… Danh hiệu “Học sinh cũ của trường Quốc học Huế” vẫn là niềm vinh dự lớn của mỗi chúng ta, bất cứ thời nào, bất cứ đi nơi đâu. “Đồng môn Quốc học Huế”, đẹp thay cho cái tên thân yêu! Dù đi đâu, sống đâu ở các phương trời đất nước, dù sống ở quê nhà hay sống xa quê hương, thì cái tên “Đồng môn Quốc học Huế” như một tiếng chim gọi đàn tập hợp chúng ta trong tình cảm thầy xưa, bạn cũ, trong một niềm chung: tình trường, nghĩa nước
Trăm năm mới có một ngày,
Nghìn năm Quốc học, nghĩa dày, tình sâu”.
Mười ba năm làm Trưởng ban liên lạc toàn quốc cựu học sinh Quốc học Huế và sau này là cố vấn của Ban liên lạc, nhà thơ Cù Huy Cận đã đóng góp nhiều công sức cho việc xây dựng các hoạt động bổ ích của cựu học sinh Quốc học Huế.
Dịp này, chúng tôi xuất bản 2 cuốn sách:
Đặc san kỷ niệm 100 năm trường Quốc học Huế 1896 – 1996 do Cù Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Khắc Mai, Trần Phương Trà, Mai Văn Hiến, Hồ Nhật Lương thực hiện.
“Thơ từ trường Quốc học Huế” in 2000 bản do Ban tuyển chọn và biên tập: Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Thâm, Trần Phương Trà, Hoàng Phú Ngọc Tường, Tần Hoài Dạ Vũ. Tập thơ có 120 bài thơ của các tác giả từ vua Thành Thái đến các tác giả sinh cuối những năm 1970.
Ngày 6/3/1983 nhà thơ Huy Cận viết bài thơ:
Quốc học trường ta, Quốc học ơi!
Quốc học trường ta, Quốc học ơi!
Thầy xưa bạn cũ nhớ xuyên đời
Thầy xưa từng gợi lòng yêu nước,
Bạn cũ thân tình biết mấy mươi.
Thú Pháp văn và mê Quốc văn,
Tiếng nhà yêu bội mấy trăm lần,
Ngậm ngùi giờ học An-na-mít,
Tiếng của hồn ta, ta phải chăm.
Thầy Diệu, thầy Phương, thầy Bửu Cân,
Thầy Nồng, thầy Dụ với thầy Lân,
Thầy Hào, thầy Thuý rèn khoa Toán,
Thầy Quả đôi khi dạo tiếng đàn.
Ít nói là thầy Thân Trọng Hy
Phi-lô thầy Bảo giảng thầm thì.
Cụ Đônchữ Hán thường đi ngựa,
Thầy Thứ nhìn thôi chẳng nói chi.
Mỗi thầy để lại ở trong tôi
Cái vốn yêu thương cái vốn người
Nghĩa bạn, ơn thầy lòng mãi nặng,
Ngàn năm Quốc Học của ta ơi!
Hà Nội, 6-3-1983
Huy Cận
Ngày 11 tháng 9 năm 1983 tại Huế có cuộc họp của cựu học sinh Quốc học Huế. Thầy Thân Trọng Hy sinh năm 1899 tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội năm 1923 được bổ về làm Giáo sư trường Quốc học Huế. Huy Cận vui mừng được gặp lại thầy Thân Trọng Hy và mời thầy Hy làm chủ tịch danh dự của cuộc họp. Huy Cận là trưởng ban liên lạc toàn quốc cựu học sinh Quốc học Huế đã đọc bài thơ “Quốc học trường ta, Quốc học ơi!” Và Thầy Thân Trọng Hy đã 85 tuổi cũng có bài thơ họa lại:
….Tám chục thêm năm Thân Trọng Hy,
Già nua lụm cụm sống theo thì.
Nước nhà độc lập là vui sướng.
Cơm độn môn khoai có ngại chi
Môn đồng hiển đạt thỏa lòng tôi,
Xã hội tham gia thấy lắm người.
Một bức tâm thư đầy kỷ niệm.
Ngàn năm Quốc học của ta ơi!
Các nhà thơ Ngũ Xa Thơ (Hoàng Văn Ngũ), Nguyên Đán (Nguyễn Chuyên) cũng có 2 bài họa thơ của Huy Cận.
Tháng 10 năm 2001, nhân kỷ niệm 105 năm Trưởng Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận, cố vấn Ban liên lạc, nhạc sĩ Trần Hoàn, trưởng ban liên lạc toàn quốc cựu học sinh Quốc học Huế và tôi đã về trường cũ dự lễ.
Nhà thơ Huy Cận đã có bài nói : “Giao lại các em truyền thống của trường”
Tôi là Cù Huy Cận, học sinh cũ của trường Quốc học Huế từ 1932 đến 1939, học hết cấp Thành chung và cấp Tú tài tại đây… Nay tôi là cố vấn của Ban liên lạc học sinh cũ của Trường mà Trưởng ban hiện nay là nhạc sĩ Trần Hoàn, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tôi rất cảm động được dự lễ kỷ niệm 105 năm của trường. Quê gốc của tôi là Hà Tĩnh, còn quê thứ hai của tôi là Huế, là Trường Quốc học này. Nhiều tình cảm, nhiều hành động làm nên mỗi cuộc đời, mà tình cảm bạn bè nảy nở trên ghế nhà trường, mà lý tưởng được hun đúc từ nhà trường với sự đồng cảm của thầy và của bạn học là cội nguồn, là gốc gác.
Giờ phút này tôi bồi hồi xúc động nhớ lại các thầy kính yêu của chúng tôi: Thầy Thân Trọng Hy, thầy Nguyễn Huy Bảo, Thầy Bửu Cân, thầy Nguyễn Đức Đôn, Thầy Phạm Văn Diệu, thầy Lê Xuân Phương, thầy Đoàn Nồng, Thầy Ưng Quả, thầy Tăng Dục, thầy Phạm Đình Ái, thầy Nguyễn Đình Dụ, thầy Nguyễn Đình Thúy, thầy Mai Thứ, thầy Ngô Văn Bắc, thầy Nguyễn Lân còn sống, thầy Nguyễn Thúc Hào còn sống… Tôi nhớ lại những thầy người Pháp: thầy Griffon, thầy Le Bris, hai thầy Richard, cô Crayol, cô Morineau. Tôi nhớ các bạn kẻ mất người còn nhưng đều sống mãi trong truyền thống trường Quốc học Huế.
Làm sao quên được những giờ học gần Tết, thầy Lê Xuân Phương bảo đóng các cửa và nói chuyện quốc sự cho bọn tôi nghe. Quên sao được thầy Ưng Quả đã gợi ý cho chúng tôi hiểu đang có một nền phục hưng Việt Nam.
Học người để hiểu mình, để trau dồi cốt cách, bản lĩnh Việt Nam: có lẽ đấy là bài học ngầm, bài học thầm mà các thầy truyền dạy cho chúng tôi. Và quên sao được phong trào bảo vệ tiếng Việt trong trường những năm 1936-1939.
Các em học sinh thân mến, các em hạnh phúc hơn các anh, các chị ngày trước. Các em sinh ra và đi học đã có nước độc lập, đã có chế độ mới mà chính các em cũng góp phần xây dựng và bảo vệ, mà độc lập cũng còn phải củng cố.
Xin được cùng các thầy, cô giáo giao lại cho các em truyền thống tốt đẹp của trường; các em nắm lấy nó và phát huy nó. Quá khứ bảo đảm cho tương lai. Các anh, các chị kẻ trước người sau rồi cũng sẽ từ giã cõi đời mà mình đã sống có trách nhiệm. Cuộc sống trong tay các em sẽ sâu hơn, sẽ cao hơn, đẹp hơn: Cuộc sống của riêng mình, cuộc sống của dân tộc, cuộc sống của nhân loại. Được biết các em vững vàng và tình nghĩa, các anh, các chị sẽ yên tâm ra đi…
Nhà thơ Tố Hữu, học sinh cũ của trường đã nói:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhà thơ Xuân Diệu học sinh cũ của trường đã nói: “Các bạn thanh niên, sinh viên hãy trau dồi tiếng Việt – Tiếng Việt là hồn nước mà cha ông trao lại cho chúng ta”.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng học sinh cũ của trường đã nói: “Dự trữ sức sống của con người trên bàn mổ của tôi là vô cùng tận”.
Các em yêu quý, các em giữ lấy truyền thống của trường, giữ lấy truyền thống của nền văn minh Đại Việt chan chứa hào khí của dân tộc và tư tưởng nhân nghĩa của giống nòi.
Thời đại đang diễn biến phức tạp. Nhưng Bác Hồ đã dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Bác Hồ của chúng ta mà nhiều dân tộc trên thế giới cũng nhận Bác Hồ cũng là của họ.
Các em học ở Huế, sống ở Huế, Huế của vua Hàm nghi, của Tôn Thất Thuyết, của vua Thành Thái, của vua Duy Tân, Huế anh hùng của hai cuộc kháng chiến thần thành. Trường thân yêu của chúng ta đã có 105 tuổi, nằm trên ba thế kỷ, và các em có cả tương lai rộng mở.
Xin chào! Xin chào các em và gửi các em những chiếc hôn thân thiết, mà chưa phải là chiếc hôn sau cùng.
Xin chào tất cả các bạn ! Xin cảm ơn!
Nhà thơ Huy Cận đã dự họp đồng hương Thừa Thiên Huế, tham gia làm cố vấn cho Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội năm 1999, dự triển lãm về trường Quốc học Huế, đồng Khánh Huế, triển lãm tranh và các chương trình biểu diễn văn nghệ của Tuần văn hóa.
Các cuốn sách của Ban liên lạc cựu học sinh Quốc học Huế ra trong dịp kỷ niệm thành lập trường đều giành nhiều trong đăng tiểu sử, bút tích, hình ảnh về nhà thơ Huy Cận.
Trường Quốc học Huế trải qua 123 năm học, đã đào tạo nhiều thế hệ học trò. Trường Quốc học Huế tự hào về đóng góp của các học trò cũ cho đất nước
Trong “Thi nhân Việt Nam”, các nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu 44 nhà thơ trong phong trào Thơ mới từ 1932 – 1942. Trường Quốc học Huế vinh dự có 12 thi sĩ là cựu học sinh của trường đó là Bích Khê, Huy Cận, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư, Phạm Hầu, Phan Văn Dật, Tế Hanh, Thúc Tề, Xuân Diệu, Xuân Tâm.
Người dân Huế, thầy trò Trường Quốc học Huế mãi trân trọng những vần thơ của thi sỹ Huy Cận:
Bâng khuâng em nói trong chiều lạnh
Ngơ ngẩn lòng ta Huế, Huế ơi!
(Giọng em)
Gặp người xứ Huế như về nhà
Xui nhớ người xưa, xui nhớ xa
Nhớ Huế, ai bày chi xứ Huế
Mà tình vướng mãi, dứt không ra!
(Gia Định 2/5/1995)
Mỗi thầy để lại trong tôi
Cái vốn yêu thương, cái vốn người
Nghĩa bạn, ơn thầy lòng mãi nặng,
Ngàn năm Quốc học của ta ơi!
(Hà Nội 6/3/1983)
Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2019
T.P.T