Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỊNH HƯỚNG

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2019 9:25 AM


Các trường học phổ thông vừa đóng cửa nghỉ hè, thì các lớp học thêm như ngoại ngữ, chuyên văn, chuyên toán, lớp năng khiếu nhạc, hoạ, và cả các lò dậy võ cũng vội vàng mở cửa để nhận học sinh vào học.

Các gia đình, các bậc phụ huynh ai chẳng muốn con em mình học giỏi, đỗ đạt cao, thành người có ích cho bản thấn, cho gia đình và xã hội. Cho nên gia đình nào cũng bận rộn suy tư, bàn bạc để tìm hướng đi và quyết định hướng đi cho tương lai của con cháu mình. Và, gia đình nào cũng dốc sức, cố gắng đầu tư tiền của đến mức tối đa cho việc học hành của con cái. Gia đình bà Mão cũng vậy, cứ tầm bẩy giờ sáng, hôm nào bà cũng lễ mễ ôm cây đàn organ từ trong ngõ xóm đi ra ngoài phố đứng chờ. Khoảng mươi, lăm phút sau cô con gái của bà và thằng bé trai của cô mới đến lấy đàn. Mẹ đưa con vào lớp học nhạc rồi mới đi làm. Nhà con gái bà ở phố bên kia cầu, cách lớp nhạc chừng vài cây số. Mấy hôm mới bắt đầu đưa con đến lớp, thằng bé ôm cây đàn ngồi sau lưng mẹ. Nhưng cây đàn to quá, tay nó ôm không xuể. Bà sợ không an toàn, cho nên bà bắt để đàn ở nhà bà. Vì nhà bà cách lớp nhạc chỉ vài trăm mét, như vậy sẽ an toàn hơn. Đưa đàn cho cháu ôm rồi, bà còn đứng nhìn theo xe mẹ con nó đi một lúc, rồi mới quay về lấy cái làn đi chợ.

Vì sao lúc ôm cây đàn đi, bà không cầm luôn cả cái làn một thể, mà lại trở đi, trở lại nhiêu khê như vậy? Không! Bà Mão không muốn ôm đồm, tay xách nách mang. Bà thích được ôm cây đàn đi trên hè phố. Đã nhiều lần bà trông thấy các diễn viên văn công ôm đàn vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Bà thèm khát cuộc sống ấy. Nhưng biết phận mình dẫu có nằm mơ cũng chẳng thấy… Bọn trẻ bây giờ sướng thật! Đời bà ngày xưa, tuổi này chỉ có cầm liềm cắt cỏ, ôm rơm, ôm rạ, chứ làm gì được ôm đàn đi học nhạc như bọn trẻ bây giờ. Bà rất vui, vì cháu bà ngoan lắm, vừa ngoan vừa chăm học. Chắc rồi chẳng bao lâu nữa nó sẽ thành ra ông nhạc sỹ, biết gẩy đàn, biết hát, và nhất là lại biết sáng tác ra bài hát. Như ông nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ra bài Quốc ca, cả nước vẫn hát lúc chào cờ đấy. Tiền bạc chẳng biết Nhà nước cho được bao nhiêu. Nhưng vinh hiển, vẻ vang thì chẳng mấy người bằng…

*

* *

Quê tôi ngày xưa có nghề trồng bông dệt vải. Tất cả quy trình sản xuất, từ lúc tra hạt giống xuống đất cho đến khi dệt thành vải, cung ứng cho thị trường, đều làm theo phương pháp thủ công. Hạt bông đựợc tra vào mùa xuân. Sang hè thì cây đã trưởng thành, và bắt đầu ra nụ, nở hoa rồi kết quả. Sang mùa thu thì quả bông đã già. Cuối thu, đầu đông quả chín, tự tách ra, nở bung những chùm bông trắng phau phau, dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Như nhà thơ Ngô Văn Phú đã viết: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Có cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”.

Thu bông về, phơi khô rồi cán, tách hạt ra khỏi sợi bông. Máy cán được làm bằng gỗ, rất đơn giản, chỉ có hai trục gỗ tròn nhỏ hơn chuôi dao, dài khoảng 30 phân, nằm ngang, chồng lên nhau song song trên đầu hai cột đỡ cao 30 phân và một tay quay. Người sử dụng, tay phải cầm tay quay, tay trái cầm nhúm bông đưa vào kẽ giữa hai trục. Trục chuyển động, sợi bông bị cuốn vào kẽ trục chui sang bên kia, rồi rơi xuống. Hạt bông to, không lọt kẽ, bị cản lại rơi xuống chân máy cán. Bông cán xong cũng chưa kéo thành sợi được. Vì các sợi tơ vẫn liên kết với nhau. Thế là đến công đoạn tiếp theo. Người ta gọi là “bịch bông”. Bịch bông cũng là một nghề, có người chuyên đi bịch bông thuê. Cái “cần” bịch bông được chế tác cũng rất đơn giản. Chỉ có một đoạn tre gai, tròn, to bằng cổ tay, dài khoảng hai mét rưỡi, được vít cong như cánh cung, bằng một sợi dây da bò, to bằng ngón tay, buộc vào hai đầu cây. Giữa cánh cung, có một vòng dây để treo cánh cung vào cái cọc, cao khoảng trên 50 phân. Cánh cung nằm treo lơ lửng trên đống bông. Người thợ bịch, một tay điều khiển cần bịch, một tay cầm dùi đập mạnh vào dây cung, phát ra những tiếng phừng…phừng… Sợi dây rung lên bần bật, làm cho sợi bông tơi tướp ra, bay lên tung toé. Bịch xong, bông được vê thành những “con cúi”, tròn và dài hơn cái chả nem. Rồi quay xa, kéo con cúi thành sợi để dệt vải.

*

* *

Và câu chuyện dưới đây được sinh ra có lẽ từ cái nghề bịch bông dệt vải đó:

Ngày xưa, Có ông Nhạc sĩ đã cận tuổi năm mươi, nhưng vẫn sống đơn thân. Vì ông mải mê sự nghiệp. Và cũng vì cả cái chất nghệ sĩ của ông quá đậm đặc, khiến ông trở thành người cầu toàn, khó tính. Cô gái nào ông cũng chê. Đến nỗi cả cái tuổi xuân của ông nó cũng sợ ông chê, nên nó trốn đi lúc nào ông không hay biết!

Rồi một hôm, trên bước đường tác nghiệp, ông đến thành phố này, thấy cư dân trù phú đông vui. Ông quyết định ở lại, rồi thuê một căn nhà để mở lớp dậy nhạc. Khi dọn đến ở nhà mới, ông Nhạc sĩ đã đi chào xã giao và nhận láng diềng một số gia đình lân cận. Chủ hộ ở bên trái nhà ông là một quả phụ sống đơn thân. Cô ta tuy không còn trẻ, nhưng chưa phải là già, chỉ ngoài ba mươi tuổi là cùng, và khá xinh đẹp. Nhất là đôi mắt, với hai cặp mi cong vút. Vừa nhìn thấy đôi mắt ấy con tim cô đơn và đa cảm của ông Nhac sĩ đã rạo rực… Nhưng buổi sơ giao, chẳng tiện ngồi lâu. Ông Nhạc sĩ ra về.

Các đồ dùng cho lớp học như bàn ghế, bảng đen…ông Nhạc sĩ đã mua sắm đủ. Ông còn in giấy “bố cáo” và thuê người đi tán phát. Rồi hôm nào ông cũng mở cửa ngồi, vừa sáng tác nhạc, vừa chờ đón các nhạc sinh đến xin vào học. Trong quá trình sáng tạo, có lúc những làn sóng âm thanh, những giai điệu, tiết tấu, do đầu óc ông tưởng tượng ra đã dâng trào lên, tràn ngập trong tâm hồn. Khiến ông phải thể hiện ngay những cảm xúc đó trên cây đàn của mình. Nhưng lạ thay, khi tay ông vừa chạm vào các phím đàn, thì gần như cùng lúc ấy ông nghe thấy tiếng của người quả phụ ở bên kia tường khóc chồng. Vừa khóc, nàng vừa kể lể những nỗi nhớ thương, đau đớn của mình. Kể rồi, nàng lại đổi sang oán trách. Sao anh lại nỡ bỏ em bơ vơ một mình mà đi, giữa lúc đầu em còn xanh, tuổi em còn trẻ, hờ…hờ…anh ơi!... Nỗi ai oán xót xa đó của người hàng xóm, đã lay động tâm hồn đa cảm của ông Nhạc sĩ. Khiến ông không tiếp tục công việc được. Mãi mấy hôm sau, ông Nhạc sĩ mới tìm lại được cảm hứng sáng tác. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, lại y như lần trước, ông vừa chạm tay vào phím đàn, thì lại nghe thấy tiếng khóc!… Khóc một lần, hai lần, rồi ba lần. Thậm chí đến lần thứ tư thì ông Nhạc sĩ đã quá hoang mang. Ông không hiểu tiếng đàn của mình, và cái chết của chồng người thiếu phụ kia có mối liên quan thần bí gì, mà cứ nghe thấy tiếng đàn của ông, thì nàng lại khóc?... Nỗi băn khoăn, thắc mắc ấy càng ngày càng nung nấu tâm can ông Nhạc sĩ. Rồi một hôm không thể chịu được nữa, ông quyết định sang nhà hàng xóm hỏi cho ra lẽ. Sau mấy lời xã giao thăm hỏi, ông đi thẳng vào chủ đề:

- Thưa cô, tôi rất không muốn làm cô phải phiền lòng. Nhưng xin cô thông cảm cho, tôi thắc mắc quá, chẳng hiểu tại sao cứ mỗi khi tôi dạo đàn thì lại nghe thấy tiếng cô khóc?

- Thưa, không có gì đâu ạ. Em cũng biết em khóc đã làm cho ông phải bận tâm. Nhưng…nhưng…em không thể cầm lòng mình được.

- Tôi không có hân hạnh được quen biết ông nhà lúc sinh thời. Vậy là không phải tại bản thân, mà tại tiếng đàn của tôi. Vì sao thế thưa cô?

- Vì…vì…Nhưng thôi, xin ông đừng bắt em phải nói.

- Xin cô đừng ngại. Hay ngoài tiếng đàn, tôi còn điều gì không phải với xóm diềng, xin cô cứ cho biết để tôi sửa chữa.

Im lặng một lúc lâu lâu, rồi thiếu phụ mới nói:

- Đã vậy thì xin ông cho em một lời hứa. Nếu ông không giận em mới dám nói.

- Vâng, tôi xin hứa.

- Thưa ông, chồng em trước làm nghề bịch bông. Nhưng anh ấy đã bỏ em đi theo Tiên tổ hai năm nay rồi. Mưa đã gần tạnh, gió cũng gần tan rồi. Nhưng bây giờ nghe thấy tiếng đàn của ông, em lại nhớ đến tiếng bịch bông của chồng em trước, cho nên em khóc.

Ông Nhạc sĩ đứng bật dậy, miệng há ra. Ông định nói một câu gì đó, nhưng không nói được, mặt tối rầm, trông y như Từ Hải chết đứng vậy!

*

* *

Bà Mão xóm tôi rất thích được ôm cây đàn organ đi trên hè phố như các diễn viên văn công vẫn đi. Nhưng chỉ vài tháng sau không thấy bà ôm đàn đi nữa. Nghe đâu như cháu bà đã bỏ lớp nhạc, chuyển sang lò học võ.

Cả ông bạn tôi cũng phàn nàn: Thằng cháu ông rất mê âm nhạc, suốt ngày đeo cái tai nghe lòng thòng ở cổ. Có lúc gọi hai ba tiếng nó cũng không thưa. Bố mẹ nó hí hửng, tưởng con mình có năng khiếu, liền bỏ ra sáu triệu đồng (gần bằng hai tháng lương), mua cho con cái đàn organ. Rồi mời thầy, mỗi tuần ba buổi tối đến nhà dậy nhạc cho con. Nhưng trò đời, cả thèm chóng chán, chỉ được ba bẩy hai mươi mốt ngày. À không, nói thế hơi ngoa. Được đúng hai tháng rồi không thấy thầy giáo nhạc đến dậy nữa. Ông bèn hỏi để kiểm tra xem cháu mình biết được những gì. Hoá ra hai tháng học hành, cháu chỉ biết cây đàn có 61 phím, 5 quãng tám, mỗi quãng có 7 phím trắng và 5 phím đen, và âm nhạc chỉ có bẩy nốt từ thấp đến cao là: đồ, rê, mi, pha, son, la, si. Thế là cây đàn bạc triệu đành bỏ xó. Cho người ta thì tiếc, bán chẳng ai mua, để thì chỉ tổ chật nhà!

Định hướng cho con trẻ là việc làm cần thiết. Nhưng nếu định mà không đúng hướng, không trúng khả năng và sự yêu thích của con trẻ, thì định hướng lại thành ra áp đặt. Mà việc gì đã áp đặt, thì kết quả sẽ chẳng ra gì./.

TP Uông Bí, ngày 22- 8 – 2012

Tạ Hữu Đỉnh