Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ANH VẼ TRANH BẰNG CÂY BÚT MÁI TÓC EM

Trần Hữu Tòng
Thứ sáu ngày 5 tháng 4 năm 2019 9:07 AM





Trong những ngày thần tốc tiến công của quân dân ta, tôi gặp họa sĩ Minh Hải (tên anh ngoài Bắc là Hồng Châu) tại mặt trận Cực Nam Trung bộ. Trên một quả đồi chỉ mọc toàn cây le, Hải đang say sưa vẽ bức tranh Chiến sĩ Cực Nam hành quân đêm trăng. Mùa khô ở đây lá le rụng hết chỉ còn trơ lại thân cành, những cây le mảnh mai nhưng nom thật rắn rỏi. Hải ngừng tay vẽ, anh nói với tôi “Giặc Mĩ gọi giống cây này là cây “cộng sản” đấy. Nó có sức sống mãnh liệt và sinh sôi nhanh chóng lắm. Bom đạn tàn phá, chất độc rải dày đặc cũng không thể nào diệt được nó”. Hải cười vui rồi anh tiếp nét vẽ. Hải có dáng người nhỏ, gầy. Nước da anh sạm xanh vì sốt rét và cả vì nắng gió của miền Cực Nam hun đốt. Song nom anh rắn rỏi như cây le từng trải nắng mưa bom đạn... Tôi từ miền Bắc vào tìm anh, đưa đến cho anh tin vui. Anh vừa có hai bức tranh Phá nhà lao Phan ThiếtDu kích Bác Ái được trưng bày tại phòng tranh Quân đội trong dịp kỉ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22- 12- 1974). Báo Ảnh cũng vừa in bức tranh Anh hùng PiNăngTắc của anh. Hải cười. Nụ cười anh rộng mở. Đôi mắt anh ánh lên niềm vui. Tôi hỏi chuyện anh. Giọng Hải nói đã pha nhiều âm của vùng Cực Nam Trung bộ, song tiếng “n” nói thành tiếng “l” của vùng Hưng Yên thì còn rất rõ. Hải tâm sự với tôi. Đầu năm 1964, anh rời trường Cao đẳng Mỹ thuật nhập ngũ vào đoàn Văn nghệ sĩ chi viện cho chiến trường. Hải mang ba lô đi bộ hơn sáu tháng trên đường Trường Sơn rồi dừng lại ở mặt trận Cực Nam Trung bộ. Ngày đó bài thi tốt nghiệp anh chưa kịp làm. Anh hứa với thầy với bạn rằng, những tác phẩm anh vẽ về chiến trường sẽ là bài thi ra trường của anh.

Hải về đơn vị “Lá bép” (đơn vị ăn lá bép, củ nần rừng thay cơm) ở cùng với chiến sĩ. Rồi anh về Mặt trận Ninh Thuận sống với du kích chiến khu Bác Ái, sống với bà con Raglây... Anh lên Blao, vào Phan Thiết... Hải làm chông, làm bẫy đá đánh giặc, phá lộ, phá kìm với du kích, làm rẫy trồng ngô. Những ngày thiếu lương, Hải cùng anh em đi đào củ nần, củ chụp để ăn. Hải đã ra Khu Lê ở rừng ô rô tắm lửa. Từ trong cuộc sống gian lao đó, họa sĩ đã tìm ra vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ Cực Nam để đưa vào nét vẽ. Ở chiến trường thiếu thốn mọi bề, thiếu thuốc màu, thiếu bút... Hải tìm đá núi có màu nâu, màu đỏ, màu xám về mài, hái quả dành thay màu vàng, lấy lá khoai thay màu xanh... Thiếu giấy, Hải cùng anh em thu nhặt giấy gói hàng về vuốt thẳng để vẽ. Hải cắt vỏ bom bi, lấy lò xo ở các quả pháo sáng, hỏa mù của địch tạo nên cặp vẽ... Thiếu bút, Hải cùng chiến sĩ săn, bẫy thú rừng lấy râu, lấy lông nó làm các loại bút... Và, Hải đã kể cho tôi nghe về Cây bút Cực Nam của anh. Anh dừng nét vẽ, đưa cây bút cho tôi nhìn rồi nói. Giọng anh rất vui: “Lúc ấy là mùa khô năm 1970, cứ của ta đóng trong một hang đá của vùng núi Cà Toóc. Bọn lính Mĩ đổ quân vây, càn và sục được vào hang. Chúng bày tranh của anh ra xem. Chúng để riêng những tranh anh vẽ các tên tù binh Mĩ ta vừa bắt được. Chúng nhận ra đồng đội rồi viết tên từng đứa vào tranh. Xong, chúng lấy bút mực của anh viết một dòng chữ lên vách đá: “Việt cộng Minh Hải! Ta bầu người là họa sĩ giỏi nhất Hoa Kì bởi người vẽ các chiến hữu của ta giống quá”.

Sau trận đó, Hải mất hết “đồ nghề”. Về căn cứ mới bên sông La Ngà, Hải lại đi tìm đá, tìm quả rừng, nhặt nhạnh giấy gói hàng để vẽ và đêm đêm, Hải lại rủ các chiến sĩ làm bẫy săn bắt thú rừng lấy lông làm bút. Thấy anh vất vả và miệt mài mà không bắt được thú, bom đạn, chất độc giặc rải nhiều, thú rừng đã lánh xa, cô Đông, cô Oanh... chiến sĩ văn thư của đơn vị đã hỏi nhỏ Hải: “Anh ơi, liệu chuôi tóc của chúng em có làm được bút vẽ đó không anh?”. Hải đứng lặng nhìn Đông, nhìn Oanh. Thực tình anh không ngờ các cô lại hỏi anh câu đó. Một lúc sau anh mới trả lời: “Cũng làm được vài loại bút nhưng...”. Đông nhanh nhảu: “Nhưng làm sao. Anh ngại à. Tóc của chúng em đây, sao anh không nói”. Hải nhìn mái tóc của Đông, của Oanh cũng như mái tóc của nhiều chiến sĩ khác đã ngắn đi và thưa ra nhiều vì sốt rét liên miên. Thấy Hải phân vân, Đông nói: “Có sao đâu. Chúng em hết sốt rồi, tóc sẽ dài ra mà...”. Rồi cô mở xắc lấy chiếc kéo cắt giấy ra, cô nghiêng đầu xuống gần Hải: “Chỗ nào làm được bút, anh cứ hớt đi...”. Thấy Hải lùi ra, đứng im, Đông nói tiếp: “Nào, anh không hớt thì Oanh và em hớt cho. Đoạn nào, đoạn chuôi nhá có được không anh?”. Đông hất chuôi tóc ra phía trước, rồi cô hớt đoạn cuối đưa cho Hải. Tay anh run run cầm lấy. Nắm tóc mềm, đen mượt còn thoảng hương chanh rừng Đông vừa gội.

Hải về tháo mấy đốt sắt ở cần ăng ten máy thu thanh làm quản bút. Đó là sự tích “cây bút Cực Nam” anh đang vẽ lúc này... Với những cây bút đó, những năm tháng ở chiến trường, Hải đã vẽ nên các bức tranh: Đi phá kìm, Tiến lên toàn thắng ắt về ta... và hơn 300 bức tranh khác: Làm bẫy đá, Muối cách mạng, Bà già Raglây xem ảnh Bác Hồ... Bức tranh Bữa nay anh đã đỡ rồi, Hải vẽ một chiến sĩ đang bị cơn sốt rét dày vò nhưng khi đơn vị được lệnh đi phục kích giặc, chiến sĩ đó vùng dậy, cuốn võng mang súng cùng đồng đội vào trận. Cô quân y cầm tay anh giữ lại. Anh nói: “Bữa nay anh đã đỡ rồi cô để anh đi”. Đó là bức tranh gửi gắm nhiều tâm huyết của anh ở một vùng chiến trường cực kì gian khổ. Minh Hải tiếp nét vẽ bức tranh anh đang vẽ dở Chiến sĩ Cực Nam hành quân đêm trăng. Trong tranh có hình ảnh một nữ chiến sĩ trẻ trung đội mũ tai bèo, một vai mang súng, vai kia mang chiếc đàn. Cô tươi cười đưa tay lên như đang vẫy vầng trăng... Tôi hỏi Hải: “Chắc đó là hình ảnh...”. Anh nói: “Đó là Đông. Đông đã hi sinh trong một chuyến đi tải lương. Tôi đang vẽ hình cô bằng cây bút của mái tóc cô...”. Giọng Hải trầm xuống. Lát sau anh nói tiếp: “Mười một năm gắn bó với chiến trường khu Cực Nam Trung bộ, tôi chỉ mong dựng được một phòng tranh nói về những năm tháng gian lao, đói cơm, thiếu muối, lấy củ rừng làm lương, lấy vỏ cây làm áo...”. Ngay chiều ấy, được tin quân ta tiến công giải phóng vùng Tánh Linh- Hoài Đức đập nát chốt “tử thủ” của địch ở phía Bắc Sài Gòn, Hải cùng chúng tôi lên đường đến đó. Trên đường đi, Hải đã bị thương vì pháo địch. Rồi anh phát bệnh nhiễm chất độc hóa học. Họa sĩ Minh Hải hi sinh trên đường từ Tánh Linh đi Bình Tuy.

Gần bốn chục năm rồi, rừng le Cực Nam vẫn xào xạc gió, hang đá vùng căn cứ Cà Toóc năm xưa đã thành một di tích lịch sử. Cô Đông trinh trắng đã mãi mãi nằm lại với non ngàn. Cô Oanh đã thành bà nội, bà ngoại ở đất hoa Đà Lạt... Không bao giờ còn phải cảnh “Rừng ô rô những năm tắm lửa, và củ nần lá bép thay cơm; ăn tro than thay muối...”. Đồng đội trong rừng le năm ấy đã “Bạn về xứ bạn ấm thôn làng...”. Còn chúng tôi- Trần Hữu Tòng- Anh Ngọc- Hà Đình Cẩn trong đoàn Nhà báo Quân Đội vào dịp tháng Tư hàng năm mỗi lần nhắc đến kỉ niệm về họa sĩ Minh Hải lại bâng khuâng nhớ đến lời anh và những ước mơ của anh...


Trần Hữu Tòng.