Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỒN THƠ CHẤT CHỨA TÂM HỒN

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2019 9:38 AM



( Đọc “ Đêm gọi dậy sao trời”, thơ Phạm Trọng Thanh,

NXB Hội Nhà văn tháng 10/2018)


Phạm Ngọc Khảnh



Tuổi đời chưa cao, Phạm Trọng Thanh tuy đã vượt qua tuần thất thập. Một đoạn đời thơ, anh đã gửi tới chúng ta 9 tập thơ dài vắn… Chưa kể văn xuôi và các công trình góp công biên tập, soạn thảo những tuyển tập văn, thơ dầy dặn công phu.

Để nối mạch suy tư, tôi xin dẫn đôi vần lấy từ trong “ Lá bay” của anh ra bày tỏ cùng bạn đọc: “Tôi cầm ánh lửa trên tay/ Rưng rưng chiếc lá trước ngày tàn đông”. Vậy là ánh lửa trên tay anh vẫn cháy, cháy vào những ngày đông đã tàn phai, lẽ tự nhiên mùa xuân đã đến. Tập thơ này “ Đêm gọi dậy sao trời” trình làng lúc đang xuân của đất trời, xuân của chúng ta, của cả riêng anh nữa, ta thử mở ra cùng thưởng thức.

Tập thơ này anh viết chắt chiu, tình nặng, nhiều ý tứ sâu xa, khoát rộng. Có thể chia những mảng tâm tư lớn ấy soi vào từng con chữ, từng câu, từng bài khá rõ nét. Qua bài thơ “ Gửi Xô Ny”, em bé gái Campuchia mới thoát chết qua bàn tay Pônpôt “ Lũ bạo chúa trời tru đất diệt” trở về. Em vừa chịu cảnh “ Bốn tên Ăng- ca đen kịt một khung trời”,Em tái nhợt trước tám con mắt quỷ/ Chiều loạng choạng ngã nhoài vào bóng đêm”. Chúng ta không thể làm ngơ:

Không, Xô Ny ơi, không thể nào/ Không có ai là con người lại để/ Những ngọn roi song, những cuộn thừng dài/ Dồn đất nước này vào nơi u thảm ấy”. Những người lính làm nghĩa vụ chi viện nước bạn đã lên dường: “ Sau trận đánh bừng lên như ánh chớp/ là bước hành hương MỘT DÂN TỘC TRỞ VỀ”. Vì chân lý sáng trong ấy mà “ Đồng đội anh bao người ngã xuống/ Lòng sáng trong buổi sáng cuộc đời”. Hiểu sâu sắc điều ấy, chân lý ấy, làm rung động trái tim những con người của một dân tộc được hồi sinh: “ Xô Ny của các anh/ Giờ chia tay/ sao em lại khóc/ Giọt nước mắt đã trở về/ không thể mất/ Giọt lóng lánh Biển Hồ trong suốt”. Đọc lên ta thấy những người bộ đội tình nguyện Việt Nam đã làm một việc đầy lòng nhân ái, nhân đạo yêu thương, cứu những con người, cứu một dân tộc thoát nạn diệt chủng, hồi sinh, thoát dậy…

Chỉ hơn một tháng trời tiếng súng Tây Nam vừa dứt “… Tuyến phố Lào Cai “địa đầu Tổ quốc”, Bùi Nguyên Khiết cùng đồng đội lại “ dìu nhau lên chốt” ngăn dẹp ngoại xâm. Và ngoài kia biển Đông dậy sóng căn thù. Chỉ một ngày 64 chiến sĩ hy sinh trên hòn đảo Gạc Ma – “ Vòm sao lấp lánh hải đồ Tổ quốc/ Sáu mươi tư chàng trai sải cánh bay lên”. Chưa ai kể ra tình cảnh của từng người, Phạm Trọng Thanh đã bắt đầu làm công việc ấy. Anh đến từng nhà có người con vùng quê Nam Định hy sinh sẻ chia. Gặp người cha liệt sĩ Phạm Gia Thiều, anh viết: “ In vào lòng cha/ Vào nỗi nhớ kẽo cà cánh võng/ Trời vồng lên biển sáng trước hiên nhà/ Chòm sao bánh lái”, “ Trận chiến giữ đảo sáng mười Bốn tháng Ba/ Hai mươi chín mùa biển sôi sóng đổ/ máu đỏ thềm san hô Gạc Ma/... “ Cha nghe Trường Sa vang vọng/ Chúng con tựa vào ngực biển cha ơi/ Cờ Tổ quốc thêm một lần thấm máu/ Khói lửa boong tàu trăm dặm biển gầm sôi …” ( Cha nhìn sao bánh lái).

Với liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy: “Anh cùng đồng đội/ Cuốc, xẻng, xà beng, đại liên, sắt đá/ B40 sàn thép boong tàu/ Trong tầm pháo giặc kia quỷ quyệt/ Cờ Tổ quốc một vòng ôm lẫm liệt/ Hóa tượng đài sừng sững Gạc Ma…” ( Đà Nẵng mình em đứng nhớ).

Với liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kiên: “Thiêng liêng mộ gió Hàng Dương/ Hoàng Sa đó chí quật cường còn đây/ Trường Sa nam bắc đông tây/ Biển trời Tổ quốc những ngày bão giông” ( Thư nhà).

Qua sự hy sinh dũng cảm của những người con quê hương Nam Định cùng đồng đội trên đảo Gạc Ma, chỉ bằng những dụng cụ cuốc xẻng thông thường của những chiến sĩ công binh Hải quân chống lại với tầm pháo xa của giặc – bọn quỷ quyệt; không bao giờ chúng ta quên được. Hình ảnh người chiến sĩ ôm cờ Tổ quốc tung bay trên muôn trùng sóng biển thật oai hùng!

Có một vị tướng họ Hoàng tên Kiền, chỉ huy biết “ Nối vòng tay lớn/Hợp sức trăm quê xây biển đảo muôn trùng” (Vị tướng và những khoảng cách). Mang ý chí sắt son như một lời tuyên thệ: “ Trăm nghìn lần không – bao – giờ - chấp – nhận/ Những mưu mô ngụy - tạo - bá - quyền”.

Nếu Lê Anh Xuân ghi được hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân “ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất”, lửa đỏ đạn cầu vồng, để lại “ Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” khiến quân thù khiếp sợ thì Phạm Trọng Thanh đã vẽ một chân dung hình hài trên biển Đông xanh “ Những người lính dầm mình/ Kê cao thềm Tổ quốc” khí tiết hào hùng trước lũ bá quyền … Thức dậy lòng tin cả dân tộc rạo rực cùng hướng về biển đảo.

Đối với các nhân vật lịch sử tiêu biểu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được thế giới tôn vinh là một trong mười tướng tài tiêu biểu của nhân loại. Ngày ông ra đi cả dân tộc đưa tang, nhỏ lệ. Một buổi đẹp trời dưới chân núi Thọ nhà thơ cùng những người con gái Quảng Bình “ Trên tay em/ Cúc đại đóa nắng nồng Quảng Trạch” dâng “ Nhang thơm thao thức Thành Nam”, “ Kính cẩn nghiêng mình”. Dựa sườn núi Vũng Chùa, ngoài kia là đảo Yến, dường như anh linh Người vẫn dõi theo động tĩnh phía chân trời.

Nhà văn, anh hùng liệt sĩ người con trai Quần Anh, Hải Hậu: “Một Nguyễn Thi mang giọng điệu hai miền/ Gáy sách xôn xao hành trình năm tháng/ Lặng lẽ sống những trang văn trầm tĩnh/ Đường dài Trường Sơn ba lô trên vai”. Ra đi, anh để những trang văn bất tử, hình ảnh những người con miền Nam qua tác phẩm Mẹ vắng nhà, Ước mơ của đất, …tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa,… Với mẹ: “ Anh/ Cậu bé Nguyễn Hoàng Ca của mẹ/ Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn của mẹ”. Trong trận chiến đấu ác liệt với quân thù - cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân, 1968, Nguyễn Thi đã anh dũng hy sinh tại ngã Tư Bảy Hiền, Sài Gòn, thân xác vùi chung. Tổ quốc ghi công, thành phố lấy tên anh đặt tên đường. Khi người mẹ vào thăm chỉ biết trải hương hoa trên thềm phố lặng.

Ở một làng đồng trũng Ý Yên, Nam Định có một người con lúc nhỏ mẹ “ quẩy” thúng theo cha lên Phú Thọ. Chập chững lớn lên dưới rừng cọ trên đồi, trước ngày nhập ngũ vào chiến trường, anh đã viết những dòng thơ lung linh lay động lòng người. Ấy là nhà thơ Minh Chính, họ Hoàng, gốc Mạc xa xưa. Bài thơ Đi học của anh được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc năm 1970 (năm anh hy sinh ở chiến trường K) trở thành ca khúc không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, mà người lớn cũng yêu thích: “Thơ anh/ xòa bóng trời xanh/ Tình anh trao gửi/ đã thành bài ca” (Khát vọng người đi).

Hình ảnh mười cô gái Đồng Lộc như mơ màng tụ về hình tượng cây bồ kết bên đường. Cây đứng chờ ai”, và nhớ “ Những mái đầu con gái xót thương ai”. Nhà thơ đã thả hồn mình vào cây lá tâm tư: “ Cây vượt dốc lên Ngã Ba Đồng Lộc/ Đồng đội hóa thân vào đất đá làm đường/ Mười nấm mộ những người trinh trắng/ Cành lá gọi về thân thiết một mùi hương”, và “ Tôi đứng lặng nghe dòng suối hát/ Thản nhiên xanh cây bồ kết bên trời” (Cây bồ kết bên đường).

Nhà thơ về “ Thăm nhà chị Sáu” mà nhớ “ Bước chân thiếu nữ ngày nào”,

mà lặng nhìn kỷ vật “Gầu nước giếng trong veo trời hạ”. Chị Sáu ra đi tuổi đời còn rất trẻ “ Người nữ anh hùng tóc chấm ngang vai”. Tác giả thương xót, nhung nhớ:“Hàng Dương xa gió xa về vồn vã/ Đất Đỏ trời mây tha thiết nhường này/ Câu hát ân tình tuổi thanh xuân bất tử/ Hóa tượng đài chị đứng tóc còn bay…” (Thăm nhà chị Sáu).

Có một đội ngũ đông đảo, hơn sáu trăm nhà giáo hy sinh ở chiến trường miền Nam, hóa biểu tượng sáng ngời bút nghiên, trang sách giữa trời: “ Kìa ngọn bút vút cao nền mây trang sách mở/ Bia tưởng niệm đồi 82 Tây Ninh/ Tinh anh về hội tụ/ Sáng dòng tên các nhà giáo quên mình” ( Chưa khắc vào bia).

Trong tập, cùng với các bài thơ viết về các anh hùng, liệt sĩ, tác giả không quên gói trong những dòng thơ lục bát, tình quê hương, tình mẹ. Tuy không nhiều lời chỉ đôi dòng, đôi chữ mà khi ta chạm vào đã “thao thiết” con tim. “Nét quê năm tháng đổi dời/ Ngỡ câu hát cũ một đời chìm tan/ Mẹ ngồi gom những gian nan/ Đèn khêu thao thiết đôi làn dân ca” (Hát mụa làng ta); hay“ Tôi tìm kỷ vật của tôi/ Đâu con gà đất chụm môi gáy về/ Tôi tìm dáng mẹ khăn che/ Dàn go dệt chiếu trăng hè võng đưa” (Thăm bảo tàng Đồng Quê). Chỉ bấy nhiêu lời mà chứa đựng bao nhiêu tình cảm …

Phạm Trọng Thanh “cầm ánh lửa trên tay” cùng “ Đêm gọi dậy sao trời” truyền cho ta hơi nóng tỏa lan. Hồn thơ chất chứa tâm hồn, cả vui, buồn, lẫn yêu thương và căm giận… Tôi bỗng như nghe đâu đây lời Phu - xích vọng về: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”

Nam Hồng, Thanh minh – 2019.