Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÌN VÀ NGHĨ TỪ "NGUYỄN TUÂN"

Nguyễn Khắc Phê
Thứ sáu ngày 18 tháng 1 năm 2019 9:47 AM




(Ảnh: Chung cư cao tầng vừa “cắm” bên đường Nguyễn Tuân – Nhìn tư hồ Nhân Chính) NKP




Nhà văn Nguyễn Tuân thì những ai “có chữ” trong thiên hạ đều biết, nhưng tôi xin để trong “ngoặc kép”; lý do là tôi nhớ đến cụ Nguyễn và lời nhắc của Cụ trên con đường mang tên Nguyễn Tuân ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) mà tôi vừa có dịp qua lại nhiều lần trong những ngày Thu Hà Nội vừa qua.

Lời nhắc của Cụ là với Huế, chứ sinh thời của Cụ thì đã làm gì có đường Nguyễn Tuân. Cuối năm 1987, trước ngày Cụ Nguyễn đi xa một tháng, tôi có dịp bước lên những bậc cầu thang nhỏ trong căn hộ bên đường Trần Hưng Đạo, quãng đối diện phố Yết Kiêu để xin Cụ một bài in vào số chuyên đề “Văn hóa du lịch” của Tạp chí “Sông Hương”. Cụ ngẫm nghĩ, nhìn đâu rất xa về phía cửa sổ, rồi dừng lại bảo tôi :

- Này, mình định viết thế này, các ông có dám đăng không ? Giả sử mất Huế đi...,ừ, cứ giả sử thế ...

- Xin bác cứ viết. Phản đề nhiều khi rất có tác dụng.

Mấy hôm sau, tôi quay lại nhận bài. Không ngờ đây là một trong những trang viết cuối cùng của Cụ. Trong câu chuyện, Cụ đã kể lại nỗi ám ảnh của một người từng học ở Huế, khi vào bệnh viện cứ nằm mơ ú ớ la hét: ”Răng, mi thấy cái chi? Nghe dễ sợ! - Chà chà, tao thấy con sông Hương không còn nước chảy, chỉ còn đôi bờ khô, bờ Bắc bờ Nam đều không có người chi cả!” Lần khác, trong chuyến tàu về thăm lại Huế, ông ta lại nằm mơ ú ớ la hét. “Mi lại thấy cái chi nữa? - Lại thấy mất con sông Hương!” Sau đó, khi đã nằm trên con đò đôi ngay giữa lòng sông Hương rồi, hai người bạn ấy vẫn còn “ôn vấn nhau về những ác mộng MẤT Huế”. Cơn ác mộng nghe qua như là phi lý, nhưng ngẫm kỹ đó là lời cảnh báo cần thiết không chỉ đối với Huế. Những năm qua, Huế cũng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh để gìn giữ vẻ đẹp riêng và môi trường sinh thái, để không đánh MẤT mình quả là không đơn giản.

Hơn hai mươi năm đã qua từ ngày đó. Huế vẫn còn và tháng 3 mới đây, một hội thảo lại bàn việc lập hồ sơ đưa sông Hương cùng cảnh quan đôi bờ lên UNESCO công nhận là di sản thế giới, mặc dù cuộc đấu tranh để bảo vệ vẻ đẹp của dòng sông mà tạo hóa ban tặng cho Huế vẫn còn phải tiếp tục …. Còn T.P. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì đã phát triển và thay đổi đến chóng mặt nhưng cái “mất” nhãn tiền lớn nhất là hàng triệu con người bị mất quyền… tự do đi lại, mất quyền… thở không khí trong lành do nạn tắc đường kẹt xe như một bệnh nan y chưa có thuốc chữa! Chuyện này thì mọi người đã biết, đã nghe kêu ca, đã có chuyên gia tính ra số tiền thiệt hại kinh tế nhiều tỷ mỗi ngày (do tốn thêm xăng và lãng phí thời gian chờ đợi…). Và cần chi các chuyên gia, ai chẳng biết những con phố trước đây mở ra chỉ dành cho số lượng dân cư nhiều lắm là của những nhà lầu 3-4 tầng, nay chồng lên thành 20-30 tầng, lại chen khít nhau thì không tắc đường mới là sự lạ!

Vì thế, từ 8 năm trước, tôi đã viết bài “Tắc nghẽn ở các thành phố lớn – S.O.S. tầm quốc gia” đăng báo “Văn nghệ” sau khi nghe kỹ sư Lê Huy Cận, nguyên là Tổng Thư ký Hội Người yêu Huế tại Pháp, trong dịp ông về nước, hai lần gọi điện thúc giục tôi với tư cách là nhà văn-nhà báo cần phải lên tiếng! Bài viết đã kiến nghị các thành phố lớn phải kiên quyết cấm xây các chung cư, siêu thị cao tầng ở những khu trung tâm, nhưng hình như chẳng ai thèm nghe!

Tám năm qua, bao nhiêu tên tuổi các nhà quản lý đô thị đã lên tiếng nữa mà tình hình tắc nghẽn càng nghiêm trọng, các nhà cao tầng cứ mọc lên san sát tại khắp các thành phố lớn! Và lần này, đi dọc đường Nguyễn Tuân, tôi lại muốn kêu lên… Vì chợt nghĩ một người nổi tiếng thích xê dịch như Cụ, khi biết tên mình được đặt cho một con đường ở Thủ đô, dù “đi xa” đến cõi nào, Cụ cũng đã quay về dạo bước ở đây. Hẳn là Cụ rất mừng khi thấy hồ điều hòa Nhân Chính vừa khánh thành nhưng mỗi lúc chen chân cùng bà con trên vỉa hè hẹp chật cứng người và xe cộ, ngước nhìn những tòa nhà cao tầng đã và sắp đưa vào sử dụng thì chắc là Cụ sẽ phải kêu lên: Ô là là! Thế này thì còn đâu trời xanh mà ngắm? Còn đâu không khí trong lành để thở? Hỡi các nhà quản lý đô thị!...

Ôi! Rồi cũng sẽ là một tiếng kêu vô vọng! Thời đại dân gian có câu “Tiền là Tiên là Phật…” mà; còn một kiến trúc sư bảo tôi: Anh có biết một tòa nhà như thế mọc lên, họ phải cống nạp bao nhiêu tỷ cho các cấp không?...Thế thì dại chi mà không ký duyệt! Còn bao nhiêu con đường ở nhiều thành phố khác, các tòa chung cư mọc lên còn dày đặc hơn! Trớ trêu thay là tòa nhà cao tầng nào mọc lên cũng “hợp pháp” nhưng cộng tất cả các công trình “hợp pháp” đó lại tạo thành sự “vô pháp” tệ hại, vì chúng hạn chế và tước đoạt những quyền lợi căn bản của cộng đồng là được hưởng thụ môi trường trong lành và giao thông thuận tiện, nhanh chóng. Dù sao, hy vọng vào lúc Đảng “tuyên chiến” với các “nhóm lợi ích”, chính phủ đã tuyên ngôn đại ý “không phát triển với bất cứ giá nào - phát triển nhưng không được phá hoại môi trường sinh thái” thì tiếng kêu cụ Nguyễn sẽ có người lắng nghe chăng?...

____