1). Là một đảng viên đã có hơn 56 năm tuổi đảng và đã có một khóa được tham gia Ban chấp hành Trung ương (1996-2001), luôn canh cánh vì sự nghiệp vẻ vang và trọng trách của Đảng đối với dân tộc ta và Tổ quốc ta, tôi thực sự vui mừng và nhiệt liệt hoan nghênh UBKTTW, từ sau Đại hội XII, đã làm được rất nhiều việc để thực thi các nghị quyết TƯ về công tác thanh, kiểm tra, góp phần rất tích cực chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lấy lại và nâng cao niềm tin của đông đảo nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng.
2). Nhưng, từ mấy hôm nay, tôi lại rất buồn và lo lắng trước quyết định vừa công bố của UBKTTW về thi hành kỷ luât đối với GS Chu Hảo.
Tuy đây chỉ là một việc cụ thể, về một đảng viên, nhưng có ý nghĩa rất tiêu biểu, rất quan trọng, đang gây nên phản ứng không đồng tình rộng rãi trong dư luận, nhất là trong tầng lớp trí thức. Nếu quyết định này được thực hiện thì, thay vì góp phần nâng cao uy tín của UBKTTW nói riêng và của Đảng nói chung, nó sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa.
3). Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng lý luận TƯ, ngày 22-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị”. “Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển”. “Thực tiễn đã chứng minh rằng: Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận… phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo”,
4). Tôi nghĩ: muốn đổi mới tư duy lý luận thì phải đổi mới và làm tốt công tác sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và tư duy lý luận, những bài học lịch sử cả thành công và thất bại, không chỉ của ta mà trên cả thể giới, với tinh thần thực sự cầu thị, nghiêm túc, khách quan, khoa học, toàn diện và phải được tranh luận, phản biện rộng rãi, theo tinh thần thật sự tự do tư tưởng, thẳng thắn, cởi mở, không định kiến. Chỉ như vậy mới có thể hình thành được những đề xuất, kiến nghị, tư duy lý luận mới, tiên tiến, phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được các yêu cầu của đất nước trước tình hình mới.
5). Những việc GS Chu Hảo đã làm và phát biểu từ sau khi nghỉ hưu , chủ yếu là công việc của Nhà xuất bản Tri thức, là phổ biến các công trình nghiên cứu, các tư duy, luận thuyết của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới, đưa ra các khuyến nghị…, xuất phát từ động cơ xây dựng, vì Đảng, vì dân…Đó là một việc làm thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận nói trên. Bởi vì nó góp phần cung cấp nguyên liệu, thức ăn cho công tác này.
6). Đương nhiên, nguyên liệu thì có thứ thô, thứ tinh, thứ thích hợp, thứ không thích hợp; thức ăn thì có thứ bổ, sạch, thích hợp, có thứ độc, bẩn, không thích hợp. Đấy là thực tế cuộc sống. Song, với bản lĩnh độc lập, tự chủ, với trí tuệ và kinh nghiệm của mình thì ta sợ gì. Ta sẽ gạn đục, khơi trong, chỉ tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái thích hợp,“tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo trong bài phát biểu tôi đã trích ở trên.
7). Cũng như cây ngay không bao giờ sợ chết đứng, một viên ngọc thứ thiệt đặt giữa những hòn sỏi, đá thì càng tỏa sáng long lanh; quan điểm, tư duy lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách…đúng đắn thì càng tỏ rõ tính đúng đắn trước tất cả những điều ngược lại.
8). Hiến pháp 2013 đã quy định: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” ( Điều 25, Chương II) .
9). Căn cứ vào những điều nêu trên, thì các việc làm và phát biểu của GS Chu Hảo, cũng như của nhiều đảng viên, trí thức tâm huyết, tài năng khác, hoàn toàn không có gì là sai phạm, mà ngược lại, là có ích cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận, cho Đảng, cho dân, rất đáng hoan nghênh và khuyến khich.
10). Tôi nghĩ: những kiến thức, năng lực và phẩm giá mà GS Chu Hảo và những đảng viên, trí thức chân chính tương tự khác có được ngày nay một phần lớn cũng nhờ những năm tháng được đào luyện trong đội ngũ chiến đấu của Đảng. Đó là một thành quả, một vốn quý của Đảng mà Đảng có thể tự hào và giờ đây trước trách nhiệm nặng nề của Đảng đối với dân tộc và đất nước, Đảng nên trọng dụng.
11). Các nhà Lãnh đạo kỳ cựu của Đảng đã có nhiều lời giáo huấn đúng đắn và nêu gương sáng về tự phê bình, phê bình, đổi mới tư duy lý luận, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Xin nêu lại vài thí dụ tiêu biểu nhất:
11.a- Trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã dậy và sinh thời Người luôn thực hiện “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (trích trang 301, Tập 5, Hồ Chí Minh tuyển tập).
Chúng ta đều đã biết: khi phát hiện sai lầm trong CCRĐ Bác Hồ đã thẳng thắn thừa nhận và thực hiện “ sửa sai”, công khai xin lỗi toàn dân trước QH mà ngày nay còn hình ảnh Bác rút khăn lau nước mắt, và xử lý thỏa đáng các lãnh đạo liên quan: TBT Trường Chinh thôi chức TBT, 2 Ủy viên BCT Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi BCT, ủy viên TƯ đặc trách CCRĐ Hồ Viết Thắng ra khỏi TƯ, và cho thực hiện sửa sai đến tận cơ sở. Nhờ vậy, đã lấy lại niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng .
11. b- Tổng Bí thư Trường Chinh, người nổi tiếng là nguyên tắc, kiên định lập trường, đã từng cho thi hành kỷ luật cách chức BT Tỉnh ủy Kim Ngọc (vì đã dũng cảm đi đầu thực hiện khoán trong sản xuất nông nghiệp, hoàn toàn trái với chính sách của Đảng thời kỳ đó. Sau này Đảng đã sửa sai, khôi phục danh dự và truy tặng ông Kim Ngọc Huân chương Hồ Chí Minh) khi lên thay TBT Lê Duẩn từ trần , tháng 7 – 1986, với tâm huyết luôn luôn hết lòng vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng, tức là vì dân, vì nước, với tầm nhìn sắc sảo, sáng suốt của một nhà lãnh đạo uyên bác, tài ba và qua nghiên cứu tình hình thực tế đã nhận ra là quan điểm mà Đảng kiên trì bảo vệ cho đến thời điểm đó ( coi kinh tế thị trường là một bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, hoàn toàn đối lập với CNXH) là không đúng mà đó là một thành tựu của loài người cho đến nay, là một quy luật kinh tế khách quan, phải vận dụng nó vào đất nước ta . TBT Trường Chinh đã quyết định hủy bỏ các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội VI theo tư duy cũ, chỉ đạo soạn thảo các văn kiện mới theo tinh thần đổi mới tư duy, công nhận và vận dụng kinh tế thị trường vào nước ta; đồng thời đưa Uỷ viên TW Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Tổng Công đoàn, người trước đó, khi là Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, đã dũng cảm đi đầu trong đổi mới tư duy, “ phá rào”, cho thực hiện một số chủ trương, biện pháp đổi mới về kinh tế, trái với các nghị quyết của Đảng khi đó, đã bị ra khỏi BCT và thôi chức Bí thư TU, trở lại tham gia Bộ CT, đảm nhiệm Thường trực Ban Bí thư, chuẩn bị để thay thế mình làm TBT tại Đại hội VI lịch sử, thực hiện công cuộc đổi mới mà Đảng rất tự hào, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào một thời kỳ phát triển mới.
12). Xuất phát từ các điểm nêu trên và thực hiện “QUY ĐỊNH trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…” số 08 - QĐi/TW, ngày 25- 10 -2018, đã được Hội nghị TƯ VIII thông qua và TBT Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, “ Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh” (Điểm 8, Điều 2) , tôi khẩn thiết đề nghị UBKWTW bình tâm và sáng suốt xem xét lại và dũng cảm rút quyết định nói trên đối với GS Chu Hảo.
13). Như tôi đã nói ở trên, UBKTTW làm được việc này sẽ góp phần lấy lại và nâng cao uy tín của UBKTTW nói riêng và của Đảng nói chung, là điều hết sức cần thiết hiện nay, trước tình hình thế giới đang thay đổi rất căn bản, sâu sắc, với tốc độ chóng mặt, những đảo lộn khôn lường, đặt ra cho đất nước ta những thách thức thật sự hiểm nghèo, đồng thời cũng có những cơ hội lớn mà Đảng và dân tộc ta không được bỏ lỡ.
UBKTTW không nên lặp lại những vấp váp đã xẩy ra không ít lần trong lịch sử Đảng: phạm sai lầm để rồi sau lại phải sửa, thì tốt hơn./.