Trang chủ » Tin văn và...

TIN BUỒN: NHÀ THƠ PHẠM VĂN ĐOAN TẠ THẾ

TN và Vũ Nho
Chủ nhật ngày 18 tháng 2 năm 2018 6:02 PM


Nhà thơ Phạm Văn Đoan sinh năm 1953 tại Thái Bình Ông là cựu cán bộ Tập đoàn Dầu khí, Hội viên Hội Nhà văn VN, cựu chiến sỹ Trường Sơn. Do trọng bệnh ông đã từ trần hồi 8 giờ 40 ngày 18-2-2018 tức ngày Mồng Ba Tết Mậu Tuất tại Vũng Tầu. Tang lễ sẽ tổ chức tại Vũng Tầu.

Lễ viếng từ 14 giờ ngày 18-2-2018, lễ truy điệu hồi 6 giò 15 ngày 20-2-2018.
An táng tại nghĩa trang Bà Rịa

Trần Nhương và trang trannhuong.com xin chia buồn cùng gia đình, cầu cho linh hồn Phạm Văn Đoan thanh thản về cõi Phật.


NGƯỜI KHÔNG CHỈ NỢ TRƯỜNG SƠN


Tập thơ Nợ Trường Sơn của Phạm Văn Đoan, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014

Vũ Nho

Là người lính của đơn vị 559, một thời máu lửa gắn bó với Trường Sơn hùng vĩ, Phạm Văn Đoan cảm thấy mình mắc nợ với đồng đội, bạn bè, mắc nợ với Trường Sơn. Ta canh cánh món nợ đời lớn vậy/ Càng nghĩ càng xa, càng lắc càng đầy.( Nợ Trường Sơn). Hòa bình, người lính giải ngũ đi làm dầu khí, tuy vậy “ Thời gian cứ xuôi và lòng người chảy ngược” ( Cỏ gừng). Người cựu binh ấy cứ ngược thời gian, ngược dòng đời để nhớ về quê hương, về chiến trường, và cũng không quên những khoảnh khắc hiện tại với ngành dầu khí, trên giàn khoan “ gió và nước… hùa nhau gào thét”/ “ Tiếng máy quay chóng mặt nhức đầu”/ “ Đêm lại đêm cứ tít mù chong chóng” (Đêm giàn khoan). Người thơ mắc những ba món nợ lớn, với Trường Sơn, với quê lúa Thái Bình và với ngành dầu khí. Và có thể kể thêm một món nợ không hề nho nhỏ với Em trên đường đời hữu ý hay tình cờ bắt gặp.
Tập thơ có nhiều bài nhắc đến một thời không thể nào quên của nhà thơ và đồng đội, nhắc đến chiến trường gian khổ ác liệt Trường Sơn:
nơi mười năm không biết mặt đồng tiền
Không phấn không son không lời dịu ngọt
Tư lệnh với anh em chuyền tay nhau điếu thuốc
Sống vô tư và chết rất nhẹ nhàng
Vẫn cùng một tiếng tắc kè
Các bài thơ Bến quê, Nợ Trường Sơn,Vẫn cùng một tiếng tắc kè, Lời tâm sự của tấm huân chương, Nghe tin chiến sự, Nhớ bạn, Tuổi quê, Nghĩa trang chiều cuối năm, Gặp lại người cũ làm dầu khí, Trường Sơn, Đồng ca, Chùa cũ người xưa, Di họa chiến tranh, Mẹ ơi, Cây da lách hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nói về cuộc chiến đấu cam go, đầy mất mát hi sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Viết nhiều về chiến tranh như vậy là vì “ Có một thời không thể dễ dàng quên” ( Lặng lẽ).

Trong thơ của Phạm Văn Đoan, người đọc như được cùng tác giả trải qua những năm tháng chiến tranh của đoàn xe vận tải. Những câu thơ bổ sung thêm vào hình ảnh chiến sĩ lái xe trong “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” nổi tiếng của Phạm Tiến Duật:
khói bom trở lại
Pháo sáng bủa vây trắng trời
Đoàn xe không đèn không kính
Đợi phà trong tiếng bom rơi
Cây da lách
Bom cứ rơi và xe cứ chạy
Xe cháy mấy lần người chưa chịu hi sinh
Thấm lời hẹn hò dăng dọc Trường Sơn
Chùa cũ người xưa
Và chúng ta đau nỗi đau của “di họa chiến tranh”, chất độc màu da cam sẽ làm cho mất khả năng sinh nở hoặc sinh những đứa con dị tật suốt đời :
Giải phóng miền Nam anh trở lại quê nhà
Đỏ rực huân chương
Không mảnh giấy chứng thương
Cái chết từ mùi hắc dị thường
Chất độc màu da cam
Bắt đầu âm ỉ cháy.
Di họa chiến tranh
Chính vì lăn lộn với chiến trường, cho nên kỉ niệm Trương Sơn không phai nhòa “ Trường Sơn/ Trường Sơn/ Còn thăm thẳm lòng ta” ( Trường Sơn). Một câu thơ của đồng đội thời bom đạn, thời “Trường Sơn lửa đỏ rực trời” bao năm vẫn rừng rực cháy:
Câu thơ ấy đến bây giờ vẫn cháy
Rừng rực thôi miên suốt dọc đời người
Bây giờ vẫn cháy
Cả cách hành xử dứt khoát này cũng là cách hành xử dứt khoát, quả quyết của người lính Trường Sơn :
Nếu còn vấn vương là dở
Lòng ta nhất định dửng dưng […]
Thế là chiều nay gọn lại
Trực chỉ Vũng Tàu thẳng bay
Trẩy
Không có bản lĩnh Trường Sơn ấy, không thể viết được bài thơ đầy tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc :
Hú vía một thời
Giờ ngoảnh mặt lại
Mắt còn hoa lên chớp đạn cầu vồng
Anh là giặc trog tôi
Tôi là giặc trong anh
Giặc ở trong nhau hai thằng dân cùng một nước
[…]
Rượu đã tràn rồi còn chờ gì nữa
Uống đi kìa
Ông giặc của tôi ơi
Tôi và anh
Như đã nói, ngoài món nợ lớn Trường Sơn, Phạm Văn Đoan còn nợ quê lúa Thái Bình. Bao năm trận mạc hay bươn chải nơi xa xứ (…chân cứng đá mềm/Long đong đã thấm bon chen đã thừa), tấm lòng của tác giả vẫn đau đáu nhớ về quê. Quê như một hằng số bất biến trong trái tim nhiều nhung nhớ:
Còn nguyên đấy một con đò
Còn nguyên đấy một bến bờ đợi mong
Còn nguyên đấy một dòng sông
Còn nguyên đấy một nỗi lòng bâng quơ
Bến xưa
Kí ức tuổi thơ, người mẹ quê nghèo, tin quê hết hạn cháy đồng đến lũ lụt trắng băng làm người thơ “nát lòng”…tất cả đều được giãi bày mong …trả nợ. Thậm chí Phạm Văn Đoan yêu quê đến mức “ bảo thủ” khi ao ước và mong muốn:
Làng ta ơi, xin hãy cứ là làng
Hãy cứ nhà tranh bếp rạ rơm vàng
Hãy cứ chợ chiều đẩy đưa mặc cả
Làng ta
Người đọc không thể không mỉm cười. Và nhớ lại chuyện thi sĩ Nguyễn Bính “ van em em hãy giữ nguyên quê mùa” nhưng đâu có được!
Tất nhiên, dù nặng lòng, dù luôn luôn hoài niệm về quê làng, về Trường Sơn, song người lính ấy không chỉ sống bằng hoài niệm. Anh là người hành động, cho nên món nợ với ngành dầu khí cũng là một khoản mà nhà thơ phải…trang trải. Có thể đọc trong tập này các bài : Thợ lặn, Nhớ bạn, Giao thừa trên giàn khoan, Gặp lại người cũ làm ngành dầu khí, Làng Nga, Mẹ đi giàn, Đêm giàn khoan,… Những bài thơ về chủ đề này nổi trội so với những người đã viết về dầu khí, góp phần cho bạn đọc thấy một ngành nghề vất vả, nhiều hi sinh thầm lặng “ giọt dầu đen xương trắng máu hồng” chứ không phải toàn ánh hào quang.
Cuối cùng là món nợ với bâng quơ, với tóc dài, tóc tém mà người thơ đã gặp tình cờ hay hữu ý. Về mảng thơ này, Phạm Văn Đoan viết khá tung tẩy và có giọng điệu riêng. Nhiều khi tác giả “ Quên màu thời gian trên tóc/ Hồn nhiên mãi tuổi hai mươi” ( Hè về). Những mối tình đơn phương, những “ dự cảm vừa nhen”, những “ tình cờ dễ lạ dễ thân”, những “bâng quơ” một lần Đi đò, một lần Trú mưa, hay một Chiều hoa Đà Lạt… những Nữ hoàng mất ngôi và Tướng quân hết thời cưỡi trâu…Những điều đó làm cho tập thơ đa thanh. Người ta hay nhắc đến bài thơ Thèm lén, một thú nhận chân thành của người thơ :
Trời xuân phơi phới hong tơ
Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu xuân
Vợ vừa xa, rượu đang gần
Ước gì bí tỉ một lần rồi thôi
Dẫu sao thì đó cũng chỉ là một dạng “lén”, một dạng ước ao của thi sĩ nhiều mơ mộng, một người “ uống tràn vẫn tỉnh” trong buổi phơi phới mời gọi của mùa Xuân.
Có thể thấy ngoài giọng nghiêm trang, nhiều suy ngẫm của người từng trải là giọng tha thiết có chút ngậm ngùi khi nói về quê hương, tung tấy, trẻ trung khi nói về những mối tình; nghình nghịch, tếu táo khi hồi ức một thời “ Dở khờ khạo dở ranh ma/ Dở yêu dở ghét dở bà dở ông”; giọng hài hài khi Ghi ở làng Nga, khi Tiếp bạn; giọng ngụ ngôn trong Viết cho con, Xổ số, Bài thơ chưa có tên; giọng châm biếm trong Vô đề… Tất cả các giọng điệu đó thống nhất trong một tâm hồn thơ chân mộc, bình dị, chắc khỏe, đủ sức găm vào kí ức người đọc./.
Hà Nội, 17/2/2015

In báo Văn Nghệ, Hội nhà Văn Việt Nam số 17+18 năm 201