Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI VĨNH BIỆT VÀ XIN LỖI MUỘN MÀNG

Bùi Thị Sơn ( Gái Núi)
Chủ nhật ngày 11 tháng 2 năm 2018 6:42 PM





Trong cuc đời một con người không ai tránh khỏi những xót xa, ân hận vì một sai lầm, sơ xuất. Có những xót xa ân hận giúp ta nhìn lại mình để điều chỉnh và sống tốt hơn lên. Nhưng cũng có những xót xa, ân hận khiến ta day dứt khôn nguôi, vò xé tâm can ta suốt cả cuộc đời…

Đó là nỗi ân hận khi mình thờ ơ, có lỗi với đấng sinh thành ra mình, có lỗi với bậc thầy của mình- những người đã làm cho ta bao điều tốt đẹp vô điều kiện. không đòi hỏi ta phải trả ơn.

Cũng như rất nhiều người sinh ở cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, con đường học hành của tôi không được xuôi chèo mát mái. Mới học hết cấp 2, tôi đã đi học chuyên nghiệp ( lớp Văn - Sử, hệ 7+ 3, trường Trung cấp Sư phạm Tây Bắc). Khi xây dựng gia đình, có con rồi, tôi mới từng bước học lên (Khoa Văn- Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, Khoa Văn- Đại học Sư phạm Hà Nội 2)

Là một người đam mê văn chương từ tấm bé, dẫu con đường học hành gián đoạn, nhưng được sự dìu dắt của các thầy cô giáo từ trường phổ thông cho đến các trường chuyên nghiệp,cộng với niềm yêu say mãnh liệt với môn văn, tôi luôn đỗ thủ khoa trong các kỳ thi vào và tốt nghiệp ra trường…

Cuộc sống tất bật lo toan công tác, lo toan cơm áo gạo tiền cho con cái khiến tôi không còn chút thời gian nào để nghĩ đến mộng văn chương ấp ủ từ khi còn là một cô bé con mới lên bẩy tuổi…

Rồi đến lúc tôi tham gia hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam ,được đi học ở các trại viết văn, tôi mới thấy kiến văn của mình mở mang rất nhiều khi được học những nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Bên cạnh những người thầy dạy tôi ở trường phổ thông, những người thầy dạy tôi trong các trường chuyên nghiệp, với tôi: các nhà thơ, nhà văn Việt Nam đã lên lớp dạy tôi dù trong thời gian ngắn ngủi cũng dậy lên trong tôi niềm yêu kính, cảm phục vô bờ…Với tôi: Đó là những con người coi trọng đời sống tâm hồn, coi trọng hoạt động trí tuệ và luôn khát khao vươn tới những giá trị CHÂN- THIỆN- MĨ. Một trong những người thầy lớn ấy của tôi là nhà văn Nguyễn Gia Nùng. Thầy là người thường xuyên động viên, chỉ bảo tôi từng li từng tí trong nghiệp viết, dẫu từ trại viết Nha Trang năm 2006, tôi chưa gặp lại thầy lần nào.

Theo yêu cầu của một người bạn, ngày 20/12/2017, tôi đăng bài “Đếm tuổi mùa đông- độc đáo bài thơ cuộc đời” của nhà thơ Mai Liễu giới thiệu tập thơ đầu tiên tôi in chung cùng chồng và con gái(“Đếm tuổi mùa đông”- NXB Văn hóa Dân tộc, 2010) lên facebook . Bài giới thiệu chân tình, xúc động của thầy Mai Liễu đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, đồng cảm của mọi người. Có một người bạn hỏi tôi: “ Thế bạn cùng chồng và con gái đã in chung tập văn xuôi nào chưa?”.Tôi trả lời “Có” và ngay hôm sau- ngày 22/12/2017,tôi đăng bài :” Có một Sìn Hồ như thế” của nhà văn Nguyễn Gia Nùng giới thiệu tập truyện và ký tôi in chung cùng Phùng Cù Sân và Phùng Hải Yến ( “ Sìn Hồ dấu yêu “- NXB Hội Nhà văn, 2012) lên facebook.

Bài giới thiệu sách rất tâm huyết và hấp dẫn của nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã chiếm được rất nhiều cảm tình của độc giả, có người còn hỏi tôi sách có bán ở đâu để mua đọc, biết về “Sìn Hồ dấu yêu” dù chưa được đặt chân đến Sìn Hồ bao giờ.

Cho đến đêm nay ( 5/2/2018) , tôi sững sờ khi đọc được dòng chữ của anh Nguyễn Huy thiêm ( Thiem Nguyen Huy) viết : “Em không biết tin anh Nùng mất rồi sao?!”

Toàn thân tôi run lên bần bật, chân tay tôi bủn rủn, rã rời. Trời ơi! Nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã đi thật rồi sao? Dẫu biết rằng Thầy lâm bệnh phải nằm viện đã gần 2 năm nay, tôi cũng không ngờ Thầy ra đi sớm thế! Hàng năm, tôi thường gọi điện hỏi thăm và chúc sức khỏe Thâỳ vào dịp 20 tháng 11 và dịp tết. Nhưng ngày 20/11/ 2017, tôi đã quên điều đó. Rồi chậc lưỡi: “ Thôi, để đến Tết sẽ gọi điện và xin lỗi Thầy một thể”. Giờ thì tôi không bao giờ có thể xin lỗi Thầy được nữa rồi.Thậm chí Thầy mất đến 40 ngày rồi, hôm nay tôi mới biết ( Nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã từ trần hồi 16 giờ 30 ngày 25/11/2017, hưởng thọ 81 tuổi).

Cả đêm nay tôi thức trắng đến sáng trong nỗi niềm xót xa ân hận và thương tiếc Thầy Nguyễn Gia Nùng vô bờ. Tôi rưng rưng đọc lại từng trang, từng trang trong tập thơ cuối cùng thầy gửi tặng gia đình tôi “ Thơ viết từ trên giường bệnh viện” ( NXB Hội Nhà văn, 2007). Những bài thơ Thầy viết giữa hai cơn đau ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, chân tình và không gọt giũa câu từ. Bài thơ “ Một nhà thơ trở về từ cõi chết”( Thầy viết tặng nhà thơ Giang Nam- tác giả bài thơ “Quê hương”) mà như Thầy muốn bộc bạch hết những suy tư, ý nguyện của mình:

Nhà thơ được trở về từ cõi chết

Lại cưỡi Honđa đi sinh hoạt văn, thơ

Thăm hỏi bạn bè, cười nói vô tư

Vẫn trong sáng hồn nhiên

Như ngày nào “ trốn học, đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc!”

Ai biết trong cuộc đời đâu là họa, phúc

Điều cần đầu tiên,

Mỗi ngày qua

Con người phải biết sống Người hơn!”

Vâng, ở Trại viết Nha Trang năm ấy, chúng tôi đã học được ở nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà văn Cao Duy Thảo, nhà văn Nguyễn Quang Hà bao điều quý giá của người cầm bút chân chính. Riêng đối với tôi, nhà văn Nguyễn Gia Nùng còn như một người Cha, người Anh, người Thầy lớn ân cần chỉ bảo từng li từng tí trong nghiệp viết của tôi.

Năm 2011, khi viết xong bản thảo tập thơ đầu tay: “ Trăng và lục bát" ( ban đầu tôi lấy nhan đề là “ Gọi thơ”) người đầu tiên tôi gửi bản thảo nhờ xem, góp ý hộ chính là nhà văn Nguyễn Gia Nùng. Thầy vui vẻ đọc, góp ý và viết lời giới thiệu cho đứa con tinh thần đầu tiên của tôi (Tập thơ “ Trăng và lục bát”- NXB Văn hóa dân tộc, 2011) với nhan đề “ Tiếng gọi thơ tha thiết từ một tâm hồn đa cảm” .Một năm sau, khi tôi viết xong bản thảo tập truyện ngắn đầu tiên” Dưới chân núi Đá Ô”, cũng chính nhà văn Nguyễn Gia Nùng là người đầu tiên đọc, góp ý và viết lời giới thiệu cho đứa con tinh thần thứ ba của tôi ( Tập truyện ngắn “ Dưới chân núi Đá Ô”- NXB Hội Nhà văn , 2012) với nhan đề : “ Bùi Thị Sơn- Nữ tính hồn hậu qua tập truyện ngắn Dưới chân núi Đá Ô”. Với thái độ nâng niu trân trọng và cũng rất chân tình thẳng thắn, Thầy động viên, khích lệ những gì tôi làm được và những gì cần khắc phục. Nhiều lúc tôi thầm tự hỏi: mình chỉ là một người viết nghiệp dư ở tỉnh lẻ mà sao được thầy quan tâm vô tư, ưu ái nhiều đến thế? Nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã giới thiệu riêng cho tôi hai tập sách, cho cả gia đình tôi một tập sách in chung mà không hề nhận lại một chút gì, dù chỉ là lời cảm ơn qua điện thoại. Đã có lần, tôi ngỏ ý rủ chồng tôi khi nào đi tham quan Nha Trang sẽ đến thăm Thầy, vậy mà không bao giờ chúng tôi thực hiện được mong muốn ấy nữa rồi.

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng còn cho tôi một bút danh” Gái Núi”. Thầy đã viết trong lời giới thiệu tập thơ “ Trăng và lục bát” của tôi:

…” Khi mỗi thành viên của Trại lần lượt đọc một số sáng tác được coi là tâm đắc nhất của mình, người gây ấn tượng mạnh và đáng nhớ nhất với tôi cũng là Bùi Thị Sơn với bài thơ” Trai rừng”. Bài thơ viết rất tự nhiên, giản dị nhưng chân thật và trong sáng đến lạ lùng theo cách nói của người dân tộc ít người, không màu mè, chau chuốt: “ Trai rừng như cây thông mọc thẳng/ Nói lời yêu rạch ròi: Tao thích mày!”...Như nhiều bài thơ khác, “ Trai rừng” rất riêng, nhưng nhờ sự chân thực, tình cảm sâu lắng của người viết, như có ma lực hấp dẫn người đọc. Tiếp đó, “ Trai rừng” lại được nhạc sĩ Vũ Duy Cương- Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc, đã thực sự cất cánh bay xa và đọng lại trong nhiều trái tim người đọc, người nghe. Ngay sau buổi chiều nghe đọc “ Trai rừng”, tối đó tôi đã viết tặng Bùi Thị Sơn bài thơ “ Gái Núi” với lời nói vui: “ Cho cân xứng. Chứ nếu chỉ “ Trai rừng” đáng yêu thôi thì phí quá!”. Sơn là nữ nhưng tên Sơn cũng có nghĩa là núi…

Thầy ơi ! Em cám ơn Thầy đã cho em thêm một bút danh và đêm nay, em trân trọng chép lại bài thơ Thầy viết tặng em trong trí nhớ:

GÁI NÚI

( Tặng Bùi Thị Sơn- Tác giả bài thơ “ Trai rừng”)

Gái núi

Tóc như vầng mây

mắt có lửa rừng

môi thơm mùi mật ong

Gái núi

chân băng rừng không sợ vắt sên

không sợ thú dữ

biết thổi đàn môi

thay lời tình tự

biết trao vòng nói nghĩa trăm năm

Gái núi đã yêu không sợ bão giông

Khi yêu dám bắt chồng thay ông Tơ, bà Nguyệt

Gái núi chẳng ngại chồng say khướt

Ẵm chồng lên lưng ngựa dắt về

Gái núi đã yêu chung thủy câu thề

Dẫu đá núi, cây rừng nghiêng ngả

Gái núi

gặp một lần đã nhớ

Như đỉnh cao mơ ước phía chân trời…

Nha Trang, 20/3/2006

Nguyễn Gia Nùng

Thầy ơi!

Em biết Thầy đã ưu ái, động viên em rất nhiều, Em chưa xứng với những lời Thầy ngợi ca Gái núi( cả về hình thức lẫn tâm hồn), nhưng em nguyện sẽ khắc ghi và thực hiện điều tâm nguyện của Thầy:

“…Mỗi ngày qua

Con người phải biết sống Người hơn!”

Bài viết này như một nén tâm nhang- một lời vĩnh biệt- một lời xin lỗi muộn mằn em thành kính gửi đến Thầy- nhà văn Nguyễn Gia Nùng. “Đời văn- nghiệp bút” của Thầy mãi tỏa sáng trong tâm hồn em…

Lai Châu, 6/2/2018

Bùi Thị Sơn ( Gái Núi)